Cuối cùng Weber đã tới!

02:11 CH @ Thứ Tư - 01 Tháng Bảy, 2009

(Đọc Nền đạo đức tin lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản, Max Weber, bản dịch của Bùi Văn Nam Sơn, Nguyễn Nghị, Nguyễn Tùng, Trần Hữu Quang, NXB Tri Thức, Hà Nội, 2007)

Ở Việt Nam, với những người làm khoa học xã hội, đặc biệt là xã hội học, Weber không phải là một người lạ. Từ rất lâu, trong công trình của không ít những bậc “đại thụ”, người ta đã có thể nhận ra bóng dáng của ông. Trong các giáo trình xã hội học, sinh viên đã được biết đến tên tuổi và tư tưởng của ông. Cũng có vài cuốn sách thuộc loại từ điển hoặc giản yếu, toát yếu, tổng thuật hoặc thuộc loại lịch sử khoa học có viết. Điển hình là cuốn Max Weber của học giả Trung Quốc Hàn Lâm Hợp được dịch ra tiếng Việt và in ở Việt Nam từ năm 2004. Nhưng lần này, ông đã đến Việt Nam thực sự “bằng xương bằng thịt”, qua một bản dịch trực tiếp từ tiếng Đức, ngôn ngữ của nguyên tác, công trình quan trọng nhất của ông:Nền đạo đức Tin lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản.

Có thể nói, dẫu không thể có cùng vị trí với những nhân vật vĩ đại như I.Kant hay G.W.F.Hégel nhưng vẫn hoàn toàn có thể xếp Max Weber vào trong số những “ông lớn” của khoa học xã hội và nhân văn như E.Husserl, như H.Bergson, như S Freud. Ông độc đáo bởi tính đa dạng của các công trình nghiên cứu, từ sử học, luật học cho đến kinh tế học. Trên tất cả, ông để lại dấu ấn sâu đậm nhất trong ngành xã hội học và được coi như là thuộc vào hàng “cha đẻ” của xã hội học hiện đại cùng với những nhân vật như Émile Durkheim hay Georg Simmel. Không chỉ có vậy, ông còn góp phần đặt nền tảng về phương pháp luận cho các khoa học nhân văn hiện đại và đồng thời cũng đặc biệt được đề cao bởi chiều kích triết học trong những nghiên cứu của ông. Và trong số tất cả những công trình quan trọng của Weber, cuốn Nền đạo đức Tin lành và tinh thần chủ nghĩa tư bản thuộc vào số công trình quan trọng nhất, có tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất và cũng gây tranh cãi gay gắt nhất suốt từ khi nó được công bố lần đầu tiên từ năm 1904 - 1905. Có thể nói, sau Tư bản luận của Karl Marx, cuốn sách của Weber chính là chìa khóa quan trọng nhất để hiểu chủ nghĩa tư bản.

Với bất cứ một người viết điểm sách nào thì việc giới thiệu bản dịch Nền đạo đức tin lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản(viết tắt ĐĐTL) do nhóm dịch giả Bùi Văn Nam Sơn, Nguyễn Nghị, Nguyễn Tùng, Trần Hữu Quang cũng đều là một thách thức. Thách thức trước hết bởi tầm vóc của công trình nguyên tác và thách thức bởi việc giới thiệu cuốn sách đã được tiến hành một cách hết sức chu đáo, tỉ mỉ và khá tín trong Lời giới thiệu mở đầu bản dịch. Tôi tin rằng ở Việt Nam hiện nay, chúng ta khó có thể tìm được một lời giới thiệu công trình này có chất lượng cao hơn những gì mà các dịch giả Trần Hữu Quang và Bùi Văn Nam Sơn đã làm. Làm lại công việc này để gói gọn lại trong một bài điểm sách ngắn xem chừng sẽ là vô ích. Ở đây, tôi chỉ thử đưa ra một vài suy nghĩ của mình về những giá trị cũng như những lạc thú tinh thần mà theo tôi, cuốn sách có thể mang đến cho người đọc nói riêng cũng như đời sống văn hóa, khoa học của chúng ta nói chung.

Bìa sách "Nền đạo đức tin lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản"

.

Trước hết, việc những cuốn sách như ĐĐTL hay các trước tác kinh điển của Kant và Hégel được dịch và xuất bản trong thời gian vừa qua đã ấn định lại đồng thời nâng cao một chuẩn mực của sách mà đã từ lâu trở nên không còn được coi trọng ở Việt Nam. Nó làm chúng ta hồi tưởng lại những cuốn sách được in từ một thời chưa xa, thời Bao cấp. Một công thức của sách nghiên cứu đã được tái định hình: lời giới thiệu, các cước chú trong mỗi trang, những phụ lục như danh mục tài liệu tham khảo, niên biểu, thư mục các loại, chú giải từ vựng (vocabulaire) và cả những chỉ mục (index). Dưới thời bao cấp, không chỉ với sách nghiên cứu mà ngay cả mảng sách văn chương, chúng ta đã có được một chuẩn mực sách với lời giới thiệu đầu sách và những chú giải gần như là bắt buộc hết sức chi tiết và phong phú. Bắt đầu từ khi thị trường sách được phó thác cho những quy luật của thị trường tự do “thiếu tính thuần lý” (xin được mượn lối nói của chính Max Weber) thì những chuẩn mực này bắt đầu bị coi thường và đáng buồn thay, đôi khi bởi chính những nhà xuất bản có uy tín trong việc làm sách. Việc tái lập lại những chuẩn mực này, thiết tưởng, sẽ góp phần lành mạnh hóa trở lại đời sống sách ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc đọc nguyên tác mang đến những niềm hạnh phúc đối với tinh thần mà không một bản tổng thuật nào có thể so sánh được. Nó là một cuộc lang thang tinh thần mà ở mỗi ngóc ngách của cuốn sách người ta đều có thể tìm thấy một cánh cửa mở cho suy nghĩ thay vì một cuộc “du hành” bị khúc xạ và bị định hướng bởi người tổng thuật. Trường hợp cuốn sách Weber cũng không phải là một ngoại lệ. Như tiêu đề của nó đã chỉ rõ, đây là một nghiên cứu về mối quan hệ giữa những nguyên tắc đạo đức của Đạo Tin lành và “tinh thần” của chủ nghĩa tư bản, nói rộng ra, đó là quan hệ giữa tôn giáo và nền tảng cấu trúc của một hình thái xã hội chứ không phải chỉ là một hình thái kinh tế. Dẫu rằng, so với thời điểm Weber viết cuốn sách, cả Đạo Tin lành và Chủ nghĩa tư bản đều đã có những thay đổi nhưng đó vẫn là những thực thể mà dù lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa chúng ta vẫn phải đối diện và “chung sống”. Thế nên, từ cuốn sách của Weber, tôi tin rằng người đọc ngày nay vẫn có thể tìm thấy những ý tướng đáng để chúng ta suy nghĩ về chính thời hiện tại . Xin được dẫn lại một trích đoạn: “Cấu trúc thuần lý của luật pháp và của bộ máy hành chính lẽ lất nhiên là điều quan trọng. Thật vậy, chủ nghĩa tư bản doanh nghiệp thuần lý hiện đại đòi hỏi phải có sự tiên liệu có tính toán, không chỉ về mặt kỹ thuật sản xuất, mà cả về mặt luật pháp, cũng như một bộ máy hành chính với những quy tắc hình thức rõ ràng. Không có những yếu tố này, thì chắc chắn sẽ có thể nảy sinh thứ chủ nghĩa tư bản phiêu lưu và thương mại đầu cơ, cũng như đủ mọi loại chủ nghĩa tư bản chịu sự chi phối của chính trị, chứ không thể nảy sinh loại hình doanh nghiệp tư nhân thuần lý với số vốn cố định và sự tính toán vũng chắc” (tr.60 của bản dịch nói trên). “Chủ nghĩa tư bản phiêu lưu”, “thương mại đầu cơ”, “chủ nghĩa tư bản chịu sự chi phối của chính trị, là những điều mà chắc hẳn nhiều người trong chúng ta đã hiểu và trải nghiệm. Tất nhiên, người đọc chuyên nghiệp còn có thể tìm thấy rất nhiều những gợi mở hơn thế từ cuốn sách của Weber. Tính phi thời gian, thứ lạc thú tinh thần mà một công trình nguyên tác có thể mang đến cho người đọc có lẽ thể hiện chính ở những “điểm” như thế.

Tính độc đáo của bản dịch này thể hiện ở việc nó là một công trình tập thể của bốn dịch giả - nhà nghiên cứu với sự kết hợp kiến thức chuyên môn của ít nhất ba lĩnh vực: triết học, xã hội học và thần học. Nhìn vào hệ thống cước chú dày đặc và đồ sộ, người đọc có thể yên tâm về độ khả tín của bản dịch. Nhưng chính điều đó cũng là một thách thức. Nó cho thấy sự gian khó của việc chuyển ngữ những công trình kinh điển của khoa học xã hội và nhân văn thế giới. Vấn đề ở đây không chỉ là sự thành thạo ngoại ngữ (đôi khi là những ngoại ngữ “hiếm” như tiếng Đức, tiếng ý) mà còn đòi hỏi sự am tường kiến thức ở những lĩnh vực chuyên môn sâu, mà có những ngành là thứ “của hiếm” trong điều kiện Việt Nam hiện nay như thần học hay nhân học. Liệu trong khoảng mười năm tới đây, khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam có thể đảm bảo được một lực lượng nghiên cứu viên hội đủ được những yêu cầu nói trên để đảm đương công việc “nhập khẩu” lý thuyết? Đó là một câu hỏi mà những người đứng đầu những thiết chế nghiên cứu lớn ở nước ta hiện nay không dễ trả lời. Câu hỏi ấy càng trở nên nhức nhối hơn nữa khi chúng ta biết rằng những người đang đảm đương công việc này đều thuộc lớp người đi qua ngưỡng 55 tuổi. Điều đó khiến cho việc những công trình này được xuất bản giống như những cố gắng cuối cùng của một thế hệ trong khi nỗ lực tiếp nối của thế hệ sau vẫn còn chưa định hình một cách rõ nét.

Việc một cuốn sách như ĐĐTL được in ấn và phát hành cũng là một dấu hiệu cho thấy “thể chất” của nền khoa học ở Việt Nam đã đủ một độ trưởng thành để vượt qua khá nhiều định kiến và những “nỗi sợ” kiểu như: nó có quá “ca ngợi” chủ nghĩa tư bản? nó có chống lại chủ nghĩa Mác khi đề cao vai trò của tôn giáo thay vì kinh tế, phương thức sản xuất? Đọc kĩ cuốn sách sẽ thấy những “nỗi sợ” này là hão huyền. Và như vậy thì, trong tất cả những lo lắng cần có và đáng có, chúng ta vẫn có quyền vui. Bởi lẽ:

Cuối cùng thì, Weber đã đến!


Nhìn sâu vào sự tiến triển của các khoa học xã hội ở Việt Nam trong khoảng hai chục năm gần đây, sự xuất hiện của ĐĐTL dường như là sự khẳng định cho một tiến bộ không thể chối cãi. Trong lặng lẽ, những công trình có giá trị vẫn tiếp tục được xuất bản. Sau mấy thế kỷ người Việt đã được đọc bản chuyển ngữ các trước tác của Kant và Hégel. Sau hơn một thế kỷ, làweber và sau mấy chục năm là Trần Đức Thảo, là Ricoeur hay Said. Có một hiện thực hai mặt đằng sau hiện tượng này. Trước hết là một tình trạng tụt hậu đáng lo ngại về lý thuyết giữa Việt Nam về thế giới, không chỉ với những nước Tây phương, hậu quả của tình thế Chiến tranh lạnh mà cả với chính những nước từng nằm trong khối xã hội chủ nghĩa. Việc phải sau hơn ba mươi năm, tín hiệu học của lu. Lotman mới đến được với người đọc Việt Nam ở dạng trọn vẹn của một công trình quả thật là đều đáng để suy nghĩ. Và mặt bên kia của sự tụt hậu đó là một nỗ lực đáng ghi nhận của giới nghiên cứu ở Việt Nam nhằm vượt qua sự tụt hậu. Lấy ví dụ trong khoa học văn học, ngày nay, chưa cần phải có ngoại ngữ, chỉ cần đọc đều đặn tạp chí Văn học nước ngoài, Tạp chí nghiên cứu văn học và một số công trình của Nguyễn Văn Dân, Trương Đăng Dung, Đỗ Lai Thúy, người đọc đã có thể có được một hình dung tương đối đầy đủ về các lý thuyết nghiên cứu văn chương của phương Tây, từ chủ nghĩa hình thức đầu thế kỉ XX cho đến những lý thuyết hậu cấu trúc mới đây.

Trong bối cảnh đó, sự xuất hiện của những công trình như bản dịch cuốn ĐĐTL đánh dấu việc giới nghiên cứu bắt đầu phải bước qua giai đoạn vẽ những “bảng lược đồ” để đi vào những công trình và lĩnh vực cụ thể, chuyên sâu.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Việt Nam cần các tư tưởng Khai sáng

    12/05/2012Nguyễn Trang NhungTrong những bước đường đưa nhân loại tới nền văn minh hiện tại, một trong những cột mốc quan trọng là phong trào khai sáng bắt nguồn từ Âu châu, mà khởi đầu tại Anh quốc vào cuối thế kỷ 17, và tiếp sau tại Pháp, Mỹ và Nhật Bản vào các thế kỷ 18, 19.
  • Nói nhiều ngôn ngữ khác nhau

    30/06/2009Cao Việt DũngTuần qua, đời sống bình lặng của văn chương Việt Nam bỗng trở nên sôi động với một “vụ án” được gọi tên là “đạo thơ”. “Đạo”, mạo danh… vốn không phải chuyện mới, nhưng lần này nó lại liên quan đến giấc mơ đưa văn chương Việt Nam ra thế giới.
  • Biên tập sách - đi tìm chuẩn mực đã mất

    22/05/2009Lại Nguyên ÂnĐến các cửa hàng sách trong nước hiện nay, người ta đều phải công nhận rằng sách Việt bây giờ phong phú, phồn tạp hơn hẳn so với trước kia. Tuy vậy, những người từng trải qua thời kỳ bao cấp ở miền Bắc những năm 1960-80, nếu tinh ý, lại phát hiện được một điều trái ngược: sách bây giờ tuy rộng rãi hơn hẳn trước kia xét về mặt đề tài, song dường như lại kém tin cậy hơn, nếu xét về chất lượng làm sách.
  • Nền đạo đức Tin Lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản

    29/09/2008Minh Bùi tổng hợpQuyển "Nền đạo đức Tin Lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản" của Max Weber, đã được dịch ra trên 20 thứ tiếng, và cho đến nay có lẽ là quyển được đọc và thảo luận nhiều nhất trong ngành xã hội học. Tác phẩm này trở thành một tài liệu giáo khoa không thể thiếu trong các phân khoa học xã hội ở các đại học trên thế giới. Trong công trình này, Weber đi tìm nguồn gốc của sự ra đời và phát triển của chủ nghĩa tư bản cận đại Âu châu nơi ethos và nền đạo đức khổ hạnh duy lý Tin Lành...
  • Dịch giả Mai Sơn: 'Không có thần đồng trong triết học'

    28/07/2007Lê Tân thực hiệnMai Sơn vừa ra mắt cuốn sách "101 triết gia". Quyển sách này cung cấp rất nhiều tài liệu tham khảo bổ ích cho độc giả. eVăn có cuộc trao đổi với ông về công việc biên soạn, dịch thuật về đề tài triết học ở Việt Nam hiện nay...
  • Gặp người “xây” tủ sách cho trí thức Việt Nam

    12/01/2007Nguyễn Văn Ninh (thực hiện)Trăn trở vì người Việt trẻ thiếu sách hay, nhà văn Ngô Tự Lập đã lên “Kế hoạch 500 cuốn sách” thông qua việc xây dựng Tủ sách tinh hoa và Quỹ dịch thuật. Và may mắn thay, anh đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều trí thức ưu tâm với giáo dục nước nhà...
  • Hòa nhập dòng chảy văn minh & tiến bộ của nhân loại

    12/01/2007Dự án Tủ sách tinh hoa tri thức thế giới được thành lập nhằm tổ chức chọn lựa dịch và xuất bản những cuốn sách nền tảng của nền học thuật thế giới. Đồng thời, để hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa cho việc du nhập tri thức tinh hoa thông qua con đường dịch thuật ngày 9/01/2007 này. Quỹ dịch thuật mang tên Phan Chu Trinh, nhà trí thức cách tân của Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thể kỷ XX được thành lập...
  • Ra mắt Quỹ dịch thuật Phan Châu Trinh

    09/01/2007H.T.Một năm sau khi NXB Tri thức thành lập, quỹ Dịch thuật Phan Châu Trinh được ra mắt và khởi động những dự án lớn với tham vọng hỗ trợ và quảng bá việc dịch thuật các tác phẩm có giá trị thuộc Tủ sách Tinh hoa Tri thức Thế giới. Bắt đầu từ 2007, giải thưởng dịch thuật mang tên nhà chí sĩ Phan Châu Trinh sẽ được tổ chức thường niên...
  • Cần xây dựng tủ sách kinh điển

    18/10/2006Nguyễn Cảnh BìnhHiện nay, điều rất thiếu và yếu cho việc nghiên cứu là thiếu những cuốn sách và tri thức nền tảng của thế giới, đặc biệt là các nền tảng về khoa học xã hội. Ngay cả các giáo viên và sinh viên ngành xã hội cũng không đủ điều kiện tiếp cận nguồn tư liệu này. Vừa thiếu sách, vừa yếu ngoại ngữ... và dù có giỏi cũng không dễ dàng đọc và hiểu hết ngay được...
  • Những cuốn sách kinh điển và văn hóa đọc hiện nay

    27/08/2006Như Bìnhd“Muốn có văn hóa thì phải được giáo dục, định hướng, bồi dưỡng nhưng bạn đọc của ta hiện nay phần nhiều bối rối, bất lực và lạc lối giữa biển sách đủ loại, đủ màu sắc, hay-dở, tốt-xấu, thật -giả lẫn lộn”, dịch giả Đoàn Tử Huyến nói...
  • Sách triết nhập cuộc

    12/06/2006Đặng Quý YênViệc các đầu sách triết học được đầu tư và đón nhận như hiện nay cho thấy nhu cầu và thị hiếu của độc giả Việt Nam ngày một cao...
  • 35 tỉ đồng cho 1.000 cuốn sách

    25/12/2005Thu Hà thực hiệnNgay trong buổi ra mắt, Nhà xuất bản Tri Thức mới toanh đã có một bộ sách dịch thật ấn tượng để giới thiệu với các bạn đọc tiềm năng của mình - các trí thức VN...
  • Ra mắt Tủ sách Tinh hoa tri thức thế giới

    22/12/2005Kiều MinhSáng nay (19/12) tại Hà Nội, NXB Tri thức vừa công bố 3 tác phẩm đầu tiên được dịch và xuất bản trong Tủ sách tinh hoa thế giới tại Việt Nam. Gồm cuốn: Những cuộc đời song hành của Plutarque; Bàn về tự do của John Stuart Mill và Thế giới như tôi thấy của Albert Einstein...
  • Dịch thuật và vấn đề cải cách giáo dục

    23/08/2005Ngô Tự LậpMột trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn dến tình trạng lạc hậu của nền giáo dục nước ta, đặc biệt là giáo dục ĐH, theo tôi, là tình trạng kém cỏi của công việc dịch thuật. Tình trạng này nói chung có thể quy về ba chữ: thiếu, yếu, và lệch lạc. Về chuyện thiếu, nhiều người và bản thân tôi đã từng nói: hầu hết các tác phẩm quan trọng trên thế giới chưa hề được dịch ra tiếng Việt.
  • Về sự cần thiết xây dựng tủ sách kinh điển

    22/07/2005Nguyễn Cảnh BìnhKhông phải ngẫu nhiên mà gần đây, rất nhiều người thể hiện mối quan tâm đặc biệt đến dịch thuật như Nguyên Ngọc, Ngô Tự Lập và mới đây nhất là Nguyễn Quang A khi muốn phát triển tủ sách SOS2 nhằm góp phần xây dựng một “hệ điều hành” cho xã hội Việt Nam. Hiện nay, thị trường sách dịch ở Việt Nam đang bùng nổ với vô số các sách dịch được xuất bản ồ ạt nhưng chất lượng và nội dung đều có những vấn đề cần phải xem xét. Vì vậy, chúng ta cần thảo luận kỹ càng về hệ thống sách dịch ở Việt Nam: cần dịch những cuốn sách nào với những nội dung nào và có lộ trình, phương hướng đúng đắn mới tránh khỏi sự lãng phí và lệch lạc không đáng có.
  • xem toàn bộ