Cuộc cách mạng về giáo dục

03:51 CH @ Thứ Sáu - 16 Tháng Giêng, 2004

OCW của MIT nhằm thúc đẩy một sự chuyển dịch trên toàn cầu trong việc chia sẻ kiến thức và cải thiện phương pháp giảng day trong cộng đồng các nhà giáo dục. Với OCW, đề cương các môn học, những bài giảng được quay video, các tài liệu tham khảo, đề thi... được công khai hóa để toàn thế giới tham khảo. Được xem như một cuộc cách mạng về giáo dục, OCW của MIT tạo ra một cú sốc lớn khi hầu hết doanh nghiệp đang đua nhau vạch – triển khai các kế hoạch hái ra tiền trên Internet, các trường đại học (ĐH) đang tiếp thị nhiều hình thức đào tạo từ xa để tăng nguồn thu. Muốn nhận bằng của MIT, người có nhu cầu vẫn phải trả 41.000 USD/năm. Nhưng nếu chỉ cần nâng cao kiến thức thì với OCW, khi truy cập website http://ocw.mit.edu/ trên Internet, người muốn học sẽ có đủ mọi thứ mình cần, mà không phải trả đồng nào. Việc thử nghiệm chương trình OCW gây tiếng vang lớn khi thu hút hàng triệu người từ 210 quốc gia và lãnh thổ theo học qua Internet. Ngoài sinh viên, còn có vô số giảng viên ở các trường ĐH trên toàn thế giới sử dụng tri thức được tặng không để soạn giáo trình hoặc xây dựng các chương trình giảng day.

Đến tháng 10-2002, tại Việt Nam, Ban Tổ chức Chương trình Giảng dạy Kinh tế học Fulbright (viết tắt là FETP) – do ĐH Harvard và ĐH Kinh tế TPHCM phối hợp để đào tạo các chuyên gia kinh tế học ứng dụng về chính sách công, bắt đầu thực hiện chương trình OCW. FETP đã đưa lên Internet (website: http://www.fetp.edu.vn/) gần như toàn bộ giáo trình, tài liệu liên quan đến hơn 20 môn học trong chương trình đào tạo sau ĐH của mình (gồm cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt). Đây là những tài liệu do các giáo sư hàng đầu của ĐH Harvard và một số ĐH khác trên thế giới biên soạn...

Từ FETP với “Kinh tế học ứng dụng dành cho chính sách công”...

Muốn hình dung lợi ích của chương trình OCW mà FETP đã thực hiện, có  lẽ phải giới thiệu khái quát về FETP.

Mỗi năm, FETP tổ chức tuyển khoảng 70 học viên ở khắp Việt Nam để đào tạo sau đại học về “Kinh tế học ứng dụng dành cho chính sách công”. Hiện nay,  FETP đang đào tạo khóa thứ 9. Học viên của các khóa học thuộc đủ mọi thành phần: công chức, cán bộ quản lý các doanh nghiệp Nhà nước, chủ doanh nghiệp, giảng viên các trường ĐH, trong đó có không ít người đã nhận MBA (văn bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh) ở trong cũng như ngoài Việt Nam... Muốn tham dự khóa học  này, người đăng ký dự thi phải hội đủ ba điều kiện: Đã tốt nghiệp ĐH (không phân biệt ngành học). Có ít nhất 5 năm làm việc tại bất kỳ đâu và phải học tập trung trong suốt 10 tháng. Nếu trúng tuyển, học viên sẽ được đào tạo theo đúng chương trình đào tạo của ĐH Harvard (từ cách thức tổ chức thực hiện, đội ngũ giảng dạy cho đến nội dung). Học viên không chỉ được miễn học phí, mà còn được nhận trợ cấp sinh hoạt (hơn một triệu đồng/tháng). Hàng năm, Tổ chức Fulbright (Mỹ) chi cho FETP trên một triệu USD.

Ông Châu Văn Thành, người phụ trách đào tạo của FETP cho biết: “Chương trình đào tạo của  FETP còn phối hợp chương trình đào tạo sau ĐH ở Harvard với những thay đổi về tình hình kinh tế – chính trị thế giới cũng như ở Việt Nam”. Nhiều học viên của  FETP tự  hào vì chỉ có họ mới được học những môn như: Kinh tế  phát triển hai thời kỳ trước và sau khủng hoảng kinh tế Đông Nam Á, Công nghệ và phát triển... Một số môn như “Thẩm định dự án đầu tư”, theo giáo sư Gangadhar P.Shukla, nếu theo học riêng tại ĐH Harvard trong ba tuần sẽ phải trả khoản học phí lên tới 9.800 USD. Từ khóa 9,  FETP tiếp tục mở rộng đào tạo theo hướng kết hợp kinh tế, công nghệ và hệ thống luật, áp dụng chung cho nền kinh tế của những nước đang phát triển.

Do “Kinh tế học ứng dụng dành cho chính sách công” là một ngành học mới, có khá nhiều môn học mới nên suốt khóa học, nhiều công chức, cán bộ quản lý các doanh nghiệp Nhà nước, chủ doanh nghiệp, giảng viên các trường ĐH khác xin được dự thính. Theo anh Trần Quốc Hà, Thạc sĩ Kinh tế, cán bộ Ngân hàng Nhà nước ở Cần Thơ, một trong những học viên của khóa 8, nhận xét: “Nội dung chương trình thạc sĩ kinh tế trong nước chỉ bằng 1/10 nội dung ở  FETP”. Một giảng viên Học viện Ngân hàng từng theo học dự thính môn “Kinh tế vi mô” từ đầu tháng 9-2002 đến hết tháng 12-2002 tán thành nhận xét này. Theo cô, “các môn được giảng dạy ở  FETP đều rất sâu và thiết thực đối với công việc của tôi, đây là điều mà không phải chương trình đào tạo sau ĐH nào cũng có thể đáp ứng được”.

Đến OCW của FET

Tháng 10-2002, từ chương trình thử nghiệm của MIT và cả từ nhu cầu thực tế,  FETP cho ra mắt mục OCW trên website của mình và ngay lập tức website này trở thành địa chỉ cung cấp kiến thức cho bất kỳ ai quan tâm đến các vấn đề về kinh tế: Kỹ năng máy tính; Kế toán; Tư duy chiến lược (phương pháp nghiên cứu hiện đại và cách thức tổ chức những cuộc thảo luận mở trên lớp); Kinh tế vi mô và vĩ mô chuyên sâu; Kinh tế lượng; Công nghệ và các vấn đề về toàn cầu hóa; Phân tích tài chính (các phương pháp phân tích, công cụ phân tích); Thẩm định dự án đầu tư; Tài chính phát triển. Phát triển nông thôn; Thương mại (thiết chế và tác động); Tài chính công; Tiếp thị địa phương... Đáng chú ý là tất cả đều liên hệ tới thực tế ở Việt Nam nên hết sức dễ hiểu và thiết thực.

Ngoài ra, khi đọc các tài liệu bằng tiếng Anh, đụng những từ chuyên môn của một số môn học mới như “Tư duy chiến lược” hoặc “Kinh tế lượng”, những sinh viên đang theo học ở nước ngoài như Nguyễn Đỗ Phương (Singapore) xem OCW trên website của  FETP là một “Hội đồng giảng dạy điện tử”, chuyên cung cấp những định nghĩa, khái niệm dù ngắn gọn song rất dễ hiểu.

Tuy chưa ghi hình tất cả các buổi học như MIT  nhưng hiện nay, OCW của  FETP đã đưa đề cương chương trình, bài giảng, bài đọc, bài tập... lên Internet, song song với chương trình đào tạo chính khóa của  FETP.

FETP chưa hài lòng vì tự thấy OCW của mình chưa thật sự hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu tự học của công chúng. Ông Trương Sĩ Ánh, người quản trị web của  FETP, giải thích: “Vì phải tuân thủ các quy định về bản quyền nên   FETP chỉ giới thiệu tên sách và địa chỉ để người đọc tìm đọc hoặc vào thư viện của   FETP tham khảo thêm”. Hạn chế thứ hai là OCW chưa thể mở mục hỏi – đáp để tiếp nhận và trả lời thắc mắc  của những người có nhu cầu học hỏi. Để khắc phục, dưới mỗi bài  giảng, mỗi tài liệu đọc thêm, FETP ghi thêm tên tác giả và địa chỉ e-mail để người đọc liên hệ khi cần. May mắn là các giáo sư Gangadhar P. Shukla, Eshragh Motahar tham gia giảng dạy ở FETP ủng hộ điều đó. Đến nay, FETP đã đầu tư hơn 6.000 USD để mua phần mềm và thiết kế chương trình OCW của mình. Ông Ánh cho biết: “Chúng tôi cập nhật hằng ngày và phân công người tiếp thu những góp ý của bạn đọc, trả lời thắc mắc và cố gắng hoàn thiện chương trình OCW của mình để nó có thể mang lại lợi ích cao nhất cho người truy cập”.

Chỉ trong ba tháng vừa qua, đã có hơn 29.000 lượt người truy cập OCW của FETP để tìm thông tin. Môn học được truy cập nhiều nhất là “Phân tích tài chính” (khoảng 4.000 lượt truy cập), kế đến là “Tài chính phát triển” (khoảng 3.100 lượt truy cập), môn học ít được truy cập nhất cũng đạt hơn 200 lượt truy cập. Phần nội dung được truy cập nhiều nhất là bài giảng của các giáo sư nước ngoài (cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh), thứ nhì là bài tập. Từ những số liệu này, các giáo sư nước ngoài nhận xét, trình độ cũng như nhu cầu tự học qua Internet ở Việt Nam rõ ràng là rất cao.

Ngoài  người Việt, OCW  của FETP còn thu hút người truy cập Internet ở 33 quốc gia khác. Trong đó, dẫn đầu là người dùng Internet tại Mỹ (khoảng 1.500 lượt truy cập), tiếp đó là Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Nga, Bangladesh... thậm chí cả Trinidad and Tobago (châu Phi).

10 quốc gia (ngoài Mỹ) dẫn đầu về lượt người truy cập vào OCW

Hạng

Quốc gia

Số lần truy cập

1

Canada

3.886.197

2

Đức

3.576.071

3

Brazil

3.170.362

4

Hàn Quốc

3.254.259

5

Pháp

3.012.102

6

Nhật Bản

3.095.913

7

Anh

3.099.713

8

Trung Quốc

2.563.446

9

Ấn Độ

2.512.267

10

Australia

1.372.052

Minh Thục

LinkedInPinterestCập nhật lúc: