Nghĩ về Toà nhà Giáo dục Quốc gia

03:51 CH @ Thứ Ba - 11 Tháng Hai, 2003

Năm sắp hết, Tết gần kề. Thiên thì rối lên, chộn rộn. Trong lòng vẫn cứ dửng dưng. Thong thả rẽ vào Văn Miếu, tìm lấy chút thanh thản. Ngoài kia nhộn nhạo quay cuồng. Trong này là một cõi khác biệt...

“Kẻ nào nhờ việc thi đỗ làm cái cầu ấm no, mượn đường ấy làm lối tắt ra làm quan, chỉ biết mưu cho thân, không nghĩ đến việc nước thì người đời sẽ chịu tận tên mà nói: kẻ này là gian tà, kẻ này nịnh nọt, kẻ này đặt việc nhà lên việc nước, kẻ này làm gầy người để béo mình (Bia khoá thi năm 1478)”

Cỏ ngàn năm vẫn xanh rì. Lá rụng lác đác dăm ba chiếc. Gió này, nắng này có phải từ xa xưa rọi về? Những con rùa câm lặng nhẫn nại đội 82 chiếc bia ghi danh tiến sĩ nước Việt. Nắng mưa, thời gian, đôi khi cả sự hững hờ phai mờ những dòng tên. Ở cuối hàng bia có một người đứng cúi đầu. Nắng chiều tãi trên mái tóc bạc như vôi. Trông rất giống dáng thầy dạy hồi tiểu học. Chẳng lẽ chừng ấy năm, thầy vẫn như thế không già đi? Vẫn đứng đấy đợi ta đi vòng vèo suốt mấy chục năm?

Giáo dục vẫn chưa “lột xác” bao cấp
Từ ngày cắp sách đã mòn bao chiếc ghế, qua bao mái trường. Nay đã sang quá bên kia dốc đời. Nhớ sao hết gương mặt các thầy cô. Nhớ lâu nhất, chỉ có một mình thầy. Ngày ấy thường gọi thầy xưng con, thành kính hơn cả cha mẹ. Thầy không sinh thành những nặng công giáo dưỡng. Trăm năm chỉ một chữ thầy. Uốn nắn đến khắc nghiệt từ nét chữ tới lời ăn tiếng nói.

Quốc gia nào mà chẳng coi giáo dục là chìa khoá mở cánh cửa tương lai của giống nòi. Giáo dục lẽ ra phải cầm đuốc đi trước, soi rọi con đường tri thức của cả quốc gia, thì lại chưa vượt qua nổi lằn ranh giới bao cấp - thị trường. Sàng lọc khắt khe, nghiệt ngã là một thuộc tính của thị trường. Cố nhiên không thể phủ nhận, “bình địa” những thành quả mà nền giáo dục đã xây cất trên mặt bằng giáo dục. Rất nhiều huy chương, giải thưởng quốc tế. Việc đổ nền móng cho toà “cao ốc” giáo dục, để vươn tới tầm cao khu vựa và thế giới nhọc nhằn lắm. Dường như ta mới chỉ chú tâm chuẩn bị cho con cái mình trở thành những nhà toán học, vật lý, nhà thơ, nhà văn. Chúng ít được chuẩn bị giáo dục về hành vi, nhân cách, lòng tự trọng. Văn Miếu không chỉ là nghìn năm văn hiến. Nơi đây còn là chốn tâm linh về đạo dạy làm người.

Thời nào chẳng thế: “Tuấn kiệt như sao buổi sớm, Nhân tài như lá mùa thu”. Quý bao giờ cũng phải là hiếm. Cao nhất là các triều đại, xuống thấp nữa là các ngành nghề, công ty, doanh nghiệp. Thậm chí cả trong một gia đình nhỏ, nếu không có người hiền tài thì tồn tại đã là khó. Nói gì phát triển, hưng thịnh. Vậy nên việc trồng người phải dài lâu, là việc của toàn xã hội. Nhất là ngành giáo dục cũng như từng gia đình. Cốt lõi nền giáo dục là giáo dục phổ thông lại đang khủng hoảng còn kéo dài, nếu không trải qua một cuộc “đại phẫu thuật” và thay máu. Vẫn đi theo đường mòn khô cứng. Từ nhà quản lý và thầy cô đều mắc bệnh bảo thủ, trì trệ hơn những người làm nghề khác. Rơi vào khủng hoảng là vì thế. Song, chớ nên đổi mọi lỗi lên đầu họ. Không nên trách oan thầy và trò. Họ chỉ là những người thừa hành. Nhà trường chỉ là một bộ phận cấu thành xã hội. Sự tương tác giữa nhà trường và xã hội là đa dạng, đa chiều. Nhà trường phản ánh và tác động tới xã hội. Người ta phải chạy bằng giả vì muốn làm quan, muốn thăng chức. Có chức tất có quyền, có tiền. Nếu giáo dục lành mạnh thì bằng cấp là thước đo chính xác trình độ học vấn. Ngày xưa, muốn làm tri huyện phải có bằng cử nhân hay tú tài. Rồi phải qua một lớp “hậu bổ”. Nền giáo dục xuống cấp, ai cũng kêu lạm phát bằng tú tài, cử nhân và cả tiến sĩ. Tất thẩy đều do lối thi cử kiểu lấy bằng lái xe ôtô, xe máy. Đâu chỉ do Bộ giáo dục mà còn do cơ chế, do xã hội.

Một cuộc thí nghiệm “trồng người”
Tình trạng học vẹt, nhồi nhét, chạy theo điểm thi đua trong học đường cũng phần nào phản ánh các căn bệnh nặng nề ngoài xã hội. Đến lượt mình, khi vào đời con em ta lại tiếp tục học, thi theo kiểu giả vờ như người lớn. Nói cho gọn, đó là căn bệnh, thói tật của xã hội chứ không phải của nhà trường. Học thế nào, thi thế ấy. Ngầm hiểu rằng học trò học tủ thì ra đề đừng để chúng trật tủ. Học vẹt thì chớ hy vọng loé sáng thông minh. Nhưng không thể làm cách khác được. Nếu ra đề gợi mở, sáng tạo thì chắc chắn chí ít 90% học sinh thi trượt. Theo “kế hoạch chỉ tiêu” là 90% phải tốt nghiệp.
Không nên cứ giả vờ mãi. Kết quả kỳ thi đại học – cao đẳng quả là “một sự thật đáng phải rùng mình”. Đề thi được đánh giá là bám sát nội dung SGK và nói chung là dễ. Kết quả thì sao? Tổng điểm thi bình quân của thí sinh trên cả nước chỉ là 8.3 / 30 điểm. Hơn nửa triệu thí sinh có điểm 3 bài thi chỉ đạt 0-10 điểm. Có đến 339.888 thí sinh có điểm bình quân mỗi bài thi chỉ đạt 2 điểm trở xuống. Đau xót vẫn phải kêu: “Đây là dấu hiệu rõ nhất của một cuộc khủng hoảng giáo dục”. Chẳng nên che đậy bằng một mỹ từ thay cho ”khủng hoảng”, nếu muốn nhìn thẳng vào sự thật. Sự thật thường đắng miệng, đôi khi phũ phàng. Nhưng cứ giả vờ mãi thì bao giờ mới nhìn ra non yếu, kém cỏi của mình? Xin lưu ý có hai kiểu khủng hoảng: khủng hoảng của sự đi lên, tiến bộ và phát triển. Tự như cô gái “vỡ da vỡ thịt” tuổi dậy thì. Và khủng hoảng đi xuống, suy thoái. Một vị giáo sư khả kính nhận xét: “Ngành giáo dục hiện đang hoạt động trong một tâm thế thiếu sự tin cậy trong xã hội”.

Khi đất nước chưa có luồng gió đổi mới lùa vào mọi ngóc ngách xã hội, việc học hành, thi cử cứ nhẹ như không. Thời ấy ăn không đủ no, áo chưa đủ ấm. Lứa học trò chúng tôi đã có thể tự tay cầm lấy cục thép mà rèn, tiện, phay, bào. Làm nên cái kìm, chiếc búa bán lấy tiền hẳn hoi. Ngày ấy, học hành sát sườn đời sống lắm. Cái mô hình “phổ thông công nghiệp” biến học sinh thành những thợ mộc đóng ghế, bàn. Thợ điện cuốn môtơ quạt. Vừa học lại vừa tự tay làm ra tiền. Đồng tiền có mùi mồ hôi, dính dầu mỡ. Mua được quần xanh, áo trắng ở cửa hàng mậu dịch để diện Tết. Tự tay học sinh làm lấy bảng tổng kết từng chương, từng môn học. Đầu óc động não ghê lắm, không ù lì như con trẻ bây giờ.

Giáo dục đâu phải phòng thí nghiệm để thử nghiệm và sai lầm. Có những cái sai không thể sửa được, sai trong “trồng người”. Sách vở quá tải, học hành quá tải. Không biết tự bao giờ cách dạy đọc - chép là trở thành con đường độc đạo. Không chỉ ở bậc tiều học, trung học phổ thông mà cả nơi cho ra lò các cô cậu tú. Toán mẫu, văn mẫu, cứ thế mà thuộc không sai một chữ. Lệch tủ một chút là cắn bút. Quy định giảng một bài thơ nổi tiếng chỉ có một tiết, tức là “giết chết” bài thơ và chết luôn tình yêu thơ của các em. Hồi trước, quay cóp xấu hổ lắm. Giờ thì quanh các trường đầy “chợ phao”. Ngày xưa bên Trung Hoa, vua bắt đổi kỳ thi từ mùa đông sang mùa hè là để sĩ tử khỏi mặc áo kép mà nhét “phao” vào trường thi. Sử sách ghi Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ chỉ vì phạm một chút ở chốn thi cử mà bị hạ từ nhị tam phẩm xuống dân thường. Phong kiến mà còn nghiêm thế.

Học nên người hay học lên đại học?
Cái sai cố hữu của nền giáo dục là quá coi trọng đầu vào. Bằng mọi cách cho con vào đại học. Giao thông quá tải, bệnh viện cũng quá. Giờ đến lượt giáo dục quá tải. Sức khoẻ con trẻ đang suy kiệt. Chỉ riêng ở Hà Nộ có tới 30% học sinh THPT bị cận thị và 33,3% bị cong vẹo cột sống, tâm thấp. Nhìn gương mặt con trẻ mà xót xa: đăm chiêu, già nua. Giáo dục quá tải như một tảng đá đè dí những “mầm cỏ” sáng tạo của cả thầy lẫn trò. Phải mất bao công sức mới bẩy được tảng đá ấy cho cỏ xanh lại?
Điều đáng lo hơn nữa là muốn có người tài đức thì cái chính vẫn là đào tạo. Đào tạo từ gốc. Không phải không có những cái đầu uyên bác lo việc học cho dân. Nhưng làm quản lý, làm lãnh đạo cần cái thực tài là hội tụ được và sử dụng giỏi những người hiền tài. Lê Lợi, ông vua áo vải đất Lam Sơn học không cao mà biết dùng Nguyễn Trãi làm nên nghiệp lớn. Người tài tuy như lá mùa thu trên cành nhưng thời nào cũng có cả. Chỉ vì cơ chế chưa quy tụ và phát huy tài năng một cách tốt nhất mà thôi. Nghịch cảnh “Người không làm được lại được làm”, còn “người làm được lại không được làm” vẫn rất phổ biến.

Một ông thầy giỏi may ra đào tạo nên được một vài học trò tử tế và tài năng. Thầy dạy hết mình, trò mới học hết mình. Áo không qua khỏi vai, mọi thứ trói chặt chẽ vào cơ chế. Rất nhiều hiệu trưởng giỏi, ông thầy giỏi, nhiều trường có thể thành trường tốt. Cơ chế cũng có thể tạo ra lương tâm. Vì lương thấp quá nên giáo viên đổ xô đi dạy thêm để đủ sống. Thành thói quen mất rồi: làm giàu bằng dạy thêm. Càng giàu càng muốn dạy thêm để giàu thêm. Sửa lại được cái lương tâm như cũ, khó thay ! Ô hay, cả xã hội khuyến khích làm giàu chân chính. Cớ gì các thầy cô không được quyền làm giàu? Ngày xưa, xã hội cúi đầu trước hai ông thầy: thầy giáo và thầy thuốc. Một người nuôi dưỡng phần hồn, một người chăm sóc phần xác. Thật xót xa, cả hai ông lại đang bị xã hội xét nét, thậm chí coi thường và coi rẻ.

Thắp một nén nhang, soi giếng Thiên Quang
Văn Miếu khác hẳn các tôn giáo, đâu phải nơi cầu mong được ban tiền tài. Ánh sáng Văn Miếu làm cho con người trong sáng hơn để phụng sự dân tộc, xây dựng một xã hội: “vua sáng, tôi hiền, nước thịnh, dân an”. Đối chiếu với chuẩn mực ngày nay tất nhiên là hạn chế. Song, vẫn còn nhiều điều mà nền giáo dục phải gắng sức theo đuổi và vươn tới.

Một thế hệ trẻ vào đời sẽ ra sao? Một câu hỏi lớn treo trên đầu xã hội. Có nhà nghiên cứu kinh tế thốt kêu: “Tôi bỗng rùng mình nghĩ đến một thế hệ sẽ mắc bệnh thần kinh nếu môi trường giáo dục cứ tiếp tục chạy theo chỉ tiêu thi đua, dùng học sinh như một vật thí nghiệm cho mục đích của mình”. Xin bậc khả kính yên tâm. Thế hệ hôm nay “tỉnh” lắm, thần kinh khoẻ lắm. Chẳng nên bi quan cũng chẳng quá lạc quan. Đất nước có những bộ óc trẻ mạnh mẽ lắm. Chẳng những thoát khỏi “khuôn đúc” giáo dục khô cứng mà còn làm nên nghiệp khi tóc còn xanh.

Ra trường mới 2 năm, bạn bè đang thất nghiệp dài dài, Trần Trung Hiếu 24 tuổi đã có một công trình gây tiếng vang. Lần đầu tiên ở VN, Hiếu đã nhân giống cây bằng phương pháp cắt lớp tế bào mỏng để tái sinh cây tốt với tần số cao trong thời gian cực ngắn. Muốn có giống cam phải chiết cành, muốn có giống cafe phải gieo hạt. Tái sinh chồi nách cây phải mất 3-4 tháng. Chỉ cần 1 con dao lam, Hiếu cắt một chiếc lá mỏng hoặc một đoạn thân cây thành lát mỏng. Đưa vào môi trường vô trùng và nuôi cấy. Tế bào ở tất cả các vết cắt (vết thương) đều phát triển mạnh. Một cm2 diện tích sẽ cho 1000 chồi cây không sâu bệnh, chất lượng tốt. Huỳnh Đình Trí, mới 17 tuổi, Bill Gates Việt Nam - kết thúc bài thi lấy chứng chỉ MCSE tại trung tâm thi Microsoft ở Trường tin học quốc tế, đã lấy được bằng chuyên viên mạng và chuyên viên Internet. Hiện cả VN chỉ có 200 người lấy được 2 bằng này còn MCSE thì đếm trên đầu ngón tay. Microsoft đề nghị Trí mức lương 4000 USD/tháng vừa làm vừa học, Trí bảo: ”Tôi còn phải học hết lớp 12 rồi mới tính”.

Lẽ nào người đi học bây giờ lại không luôn rèn luyện, tu dưỡng đức tài như những lời răn khắc trên đá :”Vậy nên phải biết mang ơn mà tự luyện rèn, báo đền đức lớn sao cho xứng khí tiết cao siêu, can trường sắt đá, phẩm hạnh cứng rắn như bạch kim, sáng tựa như phalê đỏ, đức tài sắc như gương báu, đẹp tựa sao Khuê” (Bia khoa thi năm 1724).

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc: