Con người là trung tâm: sự khác biệt giữa hai quan điểm tiêu biểu

Viện Thông tin Khoa học xã hội ([email protected])
09:18 CH @ Thứ Bảy - 26 Tháng Mười, 2019

Những năm gần đây, ở nước ta, quan niệm coi con người là trung tâmđã trở thành cách nhìn, cách nghĩ có sức hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà lý luận và các nhà hoạt động chính trị - xã hội. Điều này có thể do nhiều nguyên nhân. Song phải thừa nhận rằng, cùng với quá trình đổi mới, nhiều nhà khoa học xã hội và nhân văn nước ta đã tiếp cận được với không khí học thuật chung của thế giới; mà một trong những đặc điểm của khoa học xã hội và nhân văn thế giới từ thập kỷ 90 (thế kỷ XX) là cung cấp cơ sở khoa học, giúp cho các quyết sách tránh thái độ bằng mọi giánhằm đến tăng trưởng kinh tế, định hướng cho các kế hoạch xã hội đừng quênmục tiêu phát triển con người và bảo vệ môi trường, trong đó con người cần phải được coi là trung tâmcủa sự phát triển.

Con người. Bản vẽ của Leonardo da Vinci và ảnh của Annie Leibovitz

Có cơ sở để đồng ý với ý kiến cho rằng, quan niệm coi con người là trung tâm, trên những nét chủ yếu, là phù hợp với thái độ tôn vinh con người của tư tưởng truyền thống của Việt Nam và cũng phù hợp với quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam từ lâu đã xác định tầm quan trọng của việc xây dựng con người và kể từ cuối thập kỷ 80, đã coi con người là động lựcvà là mục tiêucủa sự phát triển kinh tế - xã hội 1.

Ở nước ta, quan niệm coi con người là trung tâmthường được hiểu là quan điểm của UNDP. Tuy nhiên, ngay từ rất xa xưa, đây đã là quan điểm của học thuyết Anthropocentrism. (Trong các tài liệu, Anthropocentrismthường được dịch là "học thuyết coi con người là trung tâm", "chủ nghĩa coi con người là trung tâm", đôi khi có tác giả dịch là "học thuyết duy nhân loại", "chủ nghĩa duy nhân loại" hoặc "học thuyết duy con người", "chủ nghĩa duy con người". Do tất cả

những thuật ngữ tiếng Việt vừa nêu đều quá dài và có thể gây hiểu lầm, trong bài này, chúng tôi xin không dịch mà giữ nguyên là Anthropocentrism cho tiện diễn đạt). Vấn đề là ở chỗ, quan điểm của UNDP và quan điểm Anthropocentrism rất khác nhau. Đều thừa nhận con người là trung tâm, nhưng hai quan điểm này được chỉ đạo bởi các triết lý có những định hướng khác nhau đối với hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn. Hầu hết các quốc gia và các nhà hoạt động chính trị - xã hội ở các nước thuộc LHQ đều tán thành quan niệm con người là trung tâmcủa UNDP, thừa nhận những định hướng tiến bộ của quan niệm này. Nhưng không nhiều người đồng ý với quan niệm của Anthropocentrism, vì cho rằng Anthropocentrism vốn là một triết thuyết khá cực đoan, mang màu sắc tôn giáo, đã từng bị phê phán nhiều và vì thế, việc ứng dụng nó có thể làm nảy sinh những định hướng thiếu sáng suốt.

Bởi vậy, theo chúng tôi, cần thiết phải nhận biết sự khác biệt của những học thuyết tiêu biểu cho quan niệm coi con người là trung tâm, để khi ứng dụng, chúng ta hiểu được chúng ta đang thừa nhận con người là trung tâmvới nghĩa như thế nào. Kinh nghiệm đối thoại trong các diễn đàn khoa học quốc tế cho thấy, nếu ta không nói rõ ta sử dụng quan niệm này theo học thuyết nào, thì người nghe có thể hiểu rất tiêu cực về tư tưởng có ý nghĩa nhân văn mà chúng ta đang nói tới - tư tưởng coi con người là trung tâm.

I. Anthropocentrism - mô hình châu âu về sự cảm nhận thế giới: cách hiểu bản thể luận và cách hiểu nhận thức luận

Không thấy tài liệu nào nói chính xác thời điểm Anthropocentrism xuất hiện. Chỉ biết rằng, nó có sớm hơn cả triết học Hy Lạp cổ đại. Tuy thường được gọi là học thuyết, song khởi thuỷ, Anthropocentrism không phải là lý thuyết có hệ thống do một nhà tư tưởng cụ thể nào đó đề xướng. Các tài liệu chỉ nói rằng, Anthropocentrism là sản phẩm đặc thù của văn hoá châu Âu, được hình thành trong quá trình con người tự nhận thức về vai trò của mình đối với thế giới, phản ánh quá trình con người từng bước đạt tới trình độ "tách mình" ra khỏi tự nhiên và sau đó, "tách mình" ra khỏi xã hội (tự xác định được mình với tính cách là những cá nhân, nhân cách). Theo V.I. Samokhvalova, Anthropocentrism thể hiện thái độ của con người "tin tưởng vào sức mạnh toàn năng của mình". Anthropocentrism là "mô hình châu Âu về sự cảm nhận thế giới" 2.

Từ điển triết học hiện đạixuất bản đồng thời ở nhiều nước châu âu năm 1998 thừa nhận Anthropocentrism tồn tại phổ biến trong đời sống tinh thần châu Âu dưới đủ các dạng nhận thức: huyền thoại, tôn giáo, khoa học và thông thường... 3

Tổng quan theo những tài liệu mà chúng tôi được biết, lịch sử của Anthropocentrism có thể được hình dung như sau:

1. Anthropocentrism, về thực chất, là hệ thống các quan điểm về vị thế của con người đối với thế giới. Với mỗi thời kỳ lịch sử, hệ thống các quan điểm này không giống nhau ở từng trường phái, ở từng nhà tư tưởng. Tuy vậy, cái chung ở hệ thống quan điểm này là thái độ đề cao vai trò chi phối, quyết định của con người đối với xã hội, đối với thế giới(bên trong và bên ngoài con người) và đối với vũ trụ.Đó là thái độ thừa nhận nguyên tắc"hoạt động cải tạo không có giới hạn của con người" 4. "Theo nghĩa chặt chẽ của từ này, thì Anthropocentrism là phương thức giải quyết các vấn đề triết học (trước hết là các vấn đề thế giới quan), xuất phát không phải từ thế

giới đến con người, mà ngược lại, từ con người đến thế giới" 5. Anthropocentrism khẳng định ý nghĩa đặc biệt của sự tồn tại người, khẳng định chính sự tồn tại của con người mới là hạt nhân, là tâm điểm, chứa đựng toàn bộ ý nghĩa của sự tồn tại vũ trụ.

Thái độ của Anthropocentrism phản kháng lại quan niệm coi con người chỉ là một bộ phận của thế giới (một dòng quan niệm có ngay từ khởi thuỷ lịch sử nhận thức; nổi tiếng nhất của dòng quan niệm này là tư tưởng coi con người là một tiểu vũ trụ). Nó không thừa nhận quan niệm nhìn con người chỉ thuần túy như là một trình độ của cấu tạo vũ trụ, phụ thuộc hoàn toàn vào thế giới bên ngoài.

2. Đi liền với Anthropocentrism là một khuynh hướng các nhà khoa học tự nhiên và thực nghiệm (từ thời cổ đại cho tới ngày nay) luôn tìm cách chứng minh sự tồn tại của thế giới này là cho con người. Khuynh hướng này giả thiết rằng, vũ trụ được cấu tạo là để cho con người xuất hiện và tồn tại. Vì nếu chỉ cần xảy ra một thay đổi nhỏ về một vài đại lượng vật lý nào đó, chẳng hạn như hằng số plank, hằng số hấp dẫn, số lượng các điện tích, điện tử... thì con người sẽ không thể có mặt, trong khi vũ trụ vẫn tồn tại6. Ngoài ra, với trái đất, nơi (duy nhất?) đã xuất hiện con người, thì những người theo khuynh hướng này còn đặt ra câu hỏi: trong quá trình tiến hoá, những bước đột biến làm xuất hiện con người là ngẫu nhiên hay tiền định? Bởi vì, giả sử nếu không có sự thay đổi khí hậu toàn cầu, nếu không có bước nhảy vọt căn bản thoát hẳn ra khỏi tổ tiên, thì liệu loài người có xuất hiện được hay không 7.

Có thể hiểu được tại sao Anthropocentrism ngay từ rất sớm đã mang màu sắc thần bí và về sau thường được coi là một quan niệm gắn liền với thần học Kitô giáo. Trong Thượng đế luận Kitô giáo, quan niệm của Anthropocentrism đã được sử dụng một cách cực đoan: sau khi đã hoàn tất việc sáng tạo ra vũ trụ, Chúa mới sáng tạo ra con người theo hình ảnh của Chúa. Đó là tâm điểm của sự sáng tạo. Con người, nhờ vậy, là sinh vật duy nhất đồng dạng với Tạo hoá; nghĩa là cũng có khả năng sáng tạo và trở thành trung tâm của vũ trụ8. Đây là đỉnh điểm của thái độ thần thánh hóa con người. F. Engels đã phê phán quan niệm này là "phi lý và trái với tự nhiên". ông chỉ ra rằng, "đó là một quan niệm đã thịnh hành ở châu Âu từ khi nền văn hoá cổ điển thời cổ đại bị suy đồi, một quan niệm đã đạt được một sự phát triển cao nhất cùng với đạo Thiên chúa" 9.

3. Tiền đề được xem là vững chắc cho quan niệm thần thánh hóa con người của Kitô giáo là những tư tưởng có màu sắc Anthropocentrism của các nhà thông thái Hy Lạp cổ đại nổi tiếng, chẳng hạn như quan niệm về hình học của Euclide, quan niệm về con người của Protagor và Socrates, quan niệm logic học của Aristote, quan niệm về lý tínhthuyết địa tâmcủa Ptoleme, v.v... Điển hình cho những quan niệm Anthropocentrism thời cổ đại được coi là tư tưởng của Protagor với luận điểm nổi tiếng "con người là thước đo của mọi vật"10. Vào thời đó, luận điểm này đã được thừa nhận như là một trong những nguyên tắc (nguyên tắc người) về sự kiến tạo vũ trụ. Những thành tựu giải phẫu học cổ đại đã phát hiện ra những tỷ lệ đặc biệt cân đối của cơ thể người và những tỷ lệ này đã trở thành những "chuẩn mực vàng" trong hội họa và kiến trúc cổ đại góp phần tạo nên một số kỳ quan của thế giới. Đến thời Phục Hưng, luận điểm của Protagor vẫn được Leonardo da Vinci và nhiều người khác đề cao; và ngay cả hiện nay, những chuẩn mực của cơ thể người vẫn là những modul cơ bản của nhiều lĩnh vực sáng tạo.

Protagoras (490– 420 TrCN): Con người là thước đo của mọi vật

4. Sau nhiều thế kỷ làm chỗ dựa cho sự thống trị của nhà thờ Kitô giáo Trung cổ, quan điểm của Anthropocentrism chỉ thực sự bị lung lay khi thuyết Địa tâm của Ptoleme bị sụp đổ trước sự ra đời của thuyết Nhật tâm Copernic. Cùng với sự sụp đổ của thuyết Địa tâm và sau đó, cùng với sự nhận ra những hạn chế của quan niệm về cấu trúc thế giới theo hình học Euclide và những giới hạn của tư duy theo logic học Aristote, con người giật mình hiểu ra sự nhỏ bé và vị thế khiêm nhường của mình trong vũ trụ. Tất cả các phát kiến của khoa học tự nhiên và thực nghiệm cho đến thời Phục Hưng đều bác bỏ vị thế trung tâm của con người. Không có một dữ kiện khoa học nào chứng minh con người có vị trí trung tâm trong trong vũ trụ (thậm chí ngay cả ngày nay, khi con người có trong tay khối lượng khổng lồ vũ khí hạt nhân, đủ để đe doạ sự tồn vong của cả trái đất, thì điều đó cũng không chứng tỏ con người có khả năng quyết định đối với thái dương hệ). Hoá ra có lý do để tin rằng, con người không nhất thiết phải có mặt trong cấu tạo của vũ trụ; sự tồn tại của con người không hề quyết định sự tồn tại của vũ trụ mà trái lại, chính cấu tạo của vũ trụ mới quyết định sự có mặt và tồn tại của con người. Xamokhvalova gọi đó là "cú sốc", "một sự kích động mạnh" đối với con người khi nó còn chưa được "miễn dịch" trước những nguy cơ đe dọa như hiện nay 11. Về điều này, Trịnh Xuân Thuận, giáo sư vật lý thiên văn người Mỹ (gốc Việt) tại Đại học Virginia, nhận xét: "Copernic đã trục xuất con người ra khỏi vị trí trung tâm của nó trong hệ Mặt trời. Từ đó bóng ma của ông không ngừng ám ảnh chúng ta và gây ra nhiều sự phá huỷ khác. Trái đất mất vị trí trung tâm của nó, rồi đến lượt mình, mặt trời cũng lại được xếp vào hàng những ngôi sao bình thường và được đặt ở những nơi ngoại ô heo hút của dải Ngân hà. Rồi ngay cả Ngân hà cũng cũng lại bị chìm lấp trong hàng trăm tỷ thiên hà của của vũ trụ quan sát được. Con người bị thu lại bé nhỏ không đáng kể so với khoảng bao la của vũ trụ. Sự xuất hiện của trí tuệ và ý thức chỉ là một sự kiện ngẫu nhiên, một sự cố trên con đường vạn dặm của vũ trụ. Vũ trụ không cần tới sự có mặt của chúng ta và nó cũng chẳng mấy bận tâm về chuyện đó" 12.


Nicolas Copernic (1473 - 1543) & mô hình thuyết nhật tâm

Như vậy, muộn nhất là đến thế kỷ XVI, cách hiểu bản thể luận về Anthropocentrism thực sự không có cơ sở để tồn tại trong nhận thức nữa.

5. Nhưng một khi con người hiểu được vị thế nhỏ bé của mình, thì điều đó cũng chứng tỏ rằng con người đã trưởng thành với một sức mạnh đáng kể. Nghịch lý của nhận thức chính là ở đây. Con người biết mình là "chúa tể" trong vũ trụ, là sinh vật duy nhất có tư duy, có khả năng tác động đến vũ trụ và có thể bắt vũ trụ từ chỗ "tồn tại tự nó" phải "tồn tại cho ta". Nếu như về phương diện bản thể, con người thấy mình chỉ là một thành phần rất khiêm tốn của vũ trụ, thì về phương diện tâm lý và tinh thần, con người lại thấy mình vô cùng lớn lao; và thậm chí, ý nghĩa của sự tồn tại là cái chỉ đặt ra đối với con người (chỉ con người mới có các quan hệ giá trị). Từ đây cách hiểu nhận thức luận về Anthropocentrism xuất hiện, được củng cố và thay thế cho cách hiểu bản thể luận về Anthropocentrism.

Bắt đầu từ thời đại Phục Hưng và đặc biệt là ở thời đại Khai Sáng, sự xuất hiện của chủ nghĩa duy lý với những con người "dùng đầu để đứng" (chữ dùng của Hegel) đã khiến tất cả mọi quan niệm, kể cả những quan niệm về tôn giáo đều phải "ra trước toà án của lý tính để biện hộ cho sự tồn tại mình hoặc từ bỏ sự tồn tại của mình" 13. Đó là chủ nghĩa duy lý mớithay thế cho chủ nghĩa duy lý bắt nguồn từ Ptoleme14. Với chủ nghĩa duy lý mới, các giá trị cổ đại là lý tính(Reason) và giải phóng con người(Emancipation) được phục hưng trở lại và được nâng lên một tầm cao mới. Đây chính là chỗ dựa cho cách hiểu nhận thức luận về Anthropocentrism.

- René Descartes (1596-1650) – đại biểu xuất sắc của chủ nghĩa duy lý: Tôi tư duy, vậy tôi tồn tại.
- Giải phóng con người (Tượng)

Điều này đặc biệt thú vị, vì hình như có gì đó mâu thuẫn ở đây: Chính chủ nghĩa duy lý thời Phục Hưng và Khai Sáng đã bác bỏ không thương tiếc quan điểm coi con người là trung tâm của Anthropocentrism, trên cơ sở phủ định thuyết Địa tâm của Ptoleme cùng quan niệm duy lý của ông. Song cũng chính chủ nghĩa duy lý Phục Hưng và Khai Sáng đã làm sống lại và tôn vinh hơn vai trò của lý tínhvà lý tưởng giải phóng con người. Rõ ràng, cùng với lý tính, tồn tại ngườitrở nên cao hơn hẳn mọi tồn tại. Và do vậy, về phương diện tinh thần và tâm lý, Anthropocentrism không phải là hoàn toàn phi lý.Một lần nữa Anthropocentrism lại được sống sót bằng cách thay thế cách hiểu bản thể luận bằng cách hiểu nhận thức luận. Với cách hiểu này, nền văn hoá châu âu (trong đó có những nét văn hoá Kitô giáo) chẳng những không hề mất đi truyền thống đề cao cá nhân của mình, mà ngược lại, truyền thống này lại được củng cố thêm.

Như vậy, kể từ thời đại Phục Hưng, việc khẳng định vị thế trung tâm của con người theo quan điểm Anthropocentrism đã thay đổi. Không phải là trung tâm trong sự sáng tạo của tạo hoá, trong cấu trúc phức tạp của vũ trụ. Cũng không phải là trung tâm theo nghĩa có khả năng quyết định sự tồn tại của thế giới, mà là trung tâm theo nghĩa giá trị học. Sự tồn tại và vận động của thế giới không mang giá trị tự thân, nó chỉ có giá trị trong tương quan với sự tồn tại của chính con người. Con người với những hoạt động tích cực và tự do của nó đã làm cho thế giới trở nên có ý nghĩa: biến thế giới từ chỗ tồn tại tự nóthành một thế giới, trong chừng mực có thể, tồn tại cho con người. Hoàn toàn có thể đồng ý với Li Deshun rằng: "Tồn tại không tương đương với giá trị. Nếu chú ý đến sự khu biệt cơ bản giữa hai mệnh đề tồn tại luận và giá trị luận thì chúng ta cần có một sự sự phán đoán khách quan tỉnh táo về hiện tượng "con người là trung tâm": một mặt nhận thấy nó là và chỉ là một mệnh đề giá trị, không thể dùng nó để phủ định hoặc thay thế mệnh đề cơ bản về tồn tại phổ biến; mặt khác thừa nhận nó là nguyên tắc giá trị của loài người, xét về tổng thể, là tất nhiên, hợp lý, không thể có ý đồ dùng lý do nào đó để xoá bỏ nó" 15.

6. Trong lịch sử các quan niệm về Anthropocentrism, có điều đáng chú ý là, nói tới Anthropocentrism, người ta không thể không nhắc đến Teilhard de Chardin (1881-1955), nhà triết học, cổ sinh vật học và thần học người Pháp, người đã từng bị Giáo hội Kitô giáo lên án và tước quyền giảng dạy vì những quan điểm về con người và tiến hoá của ông, mặc dù quan điểm của Chardin rất gần với quan điểm của Nhà thờ16. Chardin được coi là người có công mang lại cho Anthropocentrism một diện mạo mới và do vậy, nó trở nên có sức thu hút hơn trong xã hội hiện đại. Tác phẩm nổi tiếng của Chardin "Hiện tượng con người" (1938-1940) được coi là một trong những kinh điển của Anthropocentrism.

Teilhard de Chardin (1881-1955) & tác phẩm Hiện tượng con người

Theo Chardin, "con người là kết quả hoàn thiện nhất của sự tiến hoá qua hàng vạn năm của thế giới hữu sinh, nhưng đến lượt mình, nó lại được phát triển trên cơ sở tiến hoá của thế giới ngoài hữu sinh"17. Chardin phân biệt sự tiến hoá bao gồm 3 giai đoạn kế tục nhau về trình độ: 1) giai đoạn tiền sự sống (thạch quyển, lithosphere); 2) giai đoạn sống (sinh quyển, biospherre) và 3) giai đoạn con người (trí tuệ quyển, noosphere). Chardin thừa nhận có "quy luật phức tạp của ý thức". Bởi vì theo ông, bản nguyên tinh thần vốn có ở cả trong con người và ngoài con người. "Trong con người, bản nguyên tinh thần trở thành "tự ý thức" (con người biết rằng nó biết cái gì)". Đỉnh cao của sự tiến hoá, Chardin gọi là điểm Omega, điểm biểu tượng cho Chúa Jesu. Chardin tin vào sức mạnh của sự liên minh giữa Kitô giáo và chủ nghĩa nhân đạo, ông đề xuất sự liên kết giữa khoa học với thần học, coi đó là liều thuốc vạn năng giải quyết mọi vấn đề của xã hội hiện đại18.

Như ta đã biết, cho đến những năm 50 (thế kỷ XX), những hậu quả tiêu cực của việc con người cải tạo thế giớiđã bắt đầu trở thành một vấn nạn. Chardin nhìn thấy nguyên nhân của điều đó ở thái độ ngạo mạn của con người khi nó đi ngược lại với lợi ích chung của cả loài người. Tiếp thu đạo đức học Phật giáo và những nhân tố hợp lý trong các học thuyết về tinh thần của phương Đông (Chardin đã từng sống ở Trung Quốc tới 23 năm), ông nhấn mạnh ý nghĩa của sự tồn tại người là ở cấp độ loài. ông chủ trương con người vẫn chiếm vị thế trung tâm trong sự tồn tại của thế giới, nếu hiểu con người ở cấp độ loài. Đúng như V.I. Xamokhvalova đã nhận xét: "Đó không chỉ là Anthropocentrism được xây dựng trên một trình độ tiếp cận mới về cách hiểu sự tồn tại của thế giới, mà đó còn là việc xây dựng những nguyên tắc đạo đức - tinh thần nhất định trong quan niệm đó, là sự đối thoại bên trong giữa những tư tưởng Kitô giáo và những học thuyết tinh thần phương Đông, là sự xích lại gần tới đạo đức học vũ trụ đã được đề xướng trong đạo Phật"19.

Phải nói rằng, quan điểm của Chardinchứa đựng sự thoả hiệp rất lớn về phương diện triết học. Tuy vậy, với phẩm cách cá nhân suốt đời hoạt động nhiệt thành vì con người, Chardin đã đưa được vào quan điểm của ông nhiều nét nhân đạo của văn hoá châu Âu và văn hoá phương Đông. Quan điểm của Chardin đã lôi cuốn được sự thừa nhận của nhiều môn đệ. Đó chính là cơ sở cho sự tồn tại của Anthropocentrism hiện đại mang dấu ấn của Teilhard de Chardin.

II. Quan điểm con người là trung tâmcủa UNDP

Vào thập niên cuối cùng của thế kỷ XX, con người lại một lần nữa được coi là chiếm vị trí trung tâm của sự phát triển. Lần này, người ta không nhắc tới Teilhard de Chardin, không nhắc tới Anthropocentrism, cũng không tôn vinh một tư tưởng gia cụ thể nào đó lên tầm "cha đẻ của học thuyết". UNDP được coi là tổ chức quốc tế có công trong việc đề cao con người, thừa nhận con người là nguồn lực vô tận, là nhân tố quyết định, là mục tiêu của sự phát triển. Triết lý tổng quát thường được nhắc tới là: con người giữ vị trí trung tâm của sự phát triển kinh tế - xã hội20. Những cách hiểu ít nhiều phiến diện như coi tăng trưởng kinh tế đồng nghĩa với phát triển; chú trọng phát triển nhưng vô tình hoặc cố ý bỏ quên con người; nhìn con người chỉ như là công cụ, là phương tiện của sự phát triển, v.v...bị phê phán gay gắt.

Thật ra, vấn đề đã cộm lên ngay từ trước đó. Vào những năm 70-80, ở phương Tây, quan điểm coi con người là một động vật kinh tếcủa F.W. Taylor đã tỏ ra không đem lại hiệu quả nữa. Vì với cách thức khai thác triệt để kỹ năng của người lao động theo quan điểm này, nhiều cộng đồng đã buộc phải trả giá vì những vấn đề xã hội phái sinh. Các quan niệm khác về con người xã hội,về con người chính trịcũng lộ ra những khiếm khuyết khi được ứng dụng trong đời sống. ở các nước xã hội chủ nghĩa, việc nhấn mạnh thái quá khía cạnh xã hội, khía cạnh chính trị của con người đã vô tình hạn chế tính tích cực của con người cá nhân, thủ tiêu động lực thực sự của hoạt động người. Trong khi đó, một số nước không giàu có về tài nguyên lại bứt lên nhanh chóng vì biết phát huy nguồn lực con người. Khá nhiều doanh nghiệp lớn tầm cỡ thế giới thành công trong hai ba thập kỷ nay đều quảng cáo cho triết lý kinh doanh của mình là tôn trọng con người. Duke, một tổ hợp công nghiệp Mỹ cho rằng, bí quyết thành công của họ gồm "3 điều cốt yếu: trước hết là con người, kế đó là con người và sau hết cũng là con người" 21.

Cũng cần nói thêm rằng, từ giữa những năm 80, trong các nước xã hội chủ nghĩa, vấn đề con người cũng đã được nghiêm túc chú ý. Lúc đó, những quan điểm mới về nhân tố con người đã được bàn luận sôi nổi và cũng đã có những đề án thực tiễn rất tầm cỡ được đề xuất. Tiếc rằng lịch sử đã không cho phép những người đề xướng thực hiện ý đồ của mình 22.

Vấn đề con người và nhân tố con người trong sự phát triển kinh tế - xã hội được cộng đồng thế giới đặt ra một cách thực tế hơn và căn bản hơn từ đầu những năm 80 (thế kỷ XX). Trước đó, tư duy về phát triển thường nghiêng về khía cạnh vật chất - kỹ thuật, người ta “đặt cược” sự phát triển ở mục tiêu kinh tế. Không ít người lầm tưởng rằng, giải quyết được vấn đề kinh tế là có thể khống chế được mọi vấn đề khác. Lúc đó, thước đo của sự phát triển thuần túy chỉ là kinh tế; kinh tế học phát triển là cái nhìn chiếm ưu thế trên các diễn đàn học thuật và chính trị - xã hội. ở các nước xã hội chủ nghĩa, từ rất sớm, con người được nhấn mạnh ở khía cạnh là sản phẩm của hoạt động, có bản chất xã hội (“Hoạt động sống của con người như thế nào thì họ là như thế ấy”; “Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa các quan hệ xã hội” 23). Tư tưởng đúng đắn đó, trong thực tế đã bị ứng dụng thiên lệch theo hướng tuyệt đối hóa con người xã hội, con người chính trị, xem nhẹ vai trò của con người cá nhân, thiếu chú ý thỏa đáng đến tính tích cực sáng tạo của cá nhân. Dần dần, con người xã hội chủ nghĩa vô tình trở thành cái “đinh ốc ngoan ngoãn” trong cơ chế 24, trở thành cái cớ cho sự châm biếm của các thế lực phi mácxít.

Khi nhận ra những khiếm khuyết đó, thái độ của cộng đồng thế giới có những thay đổi. ở phương Tây, triết lý của sự phát triển được chú ý tìm kiếm. Với sự điều phối của UNESCO, con người và văn hóa được gọi là những “hạt nhân sống còn của sự phát triển”. Vai trò của văn hóa được đề cao, văn hóa được xem là một chiều kích của sự phát triển25. ở Liênxô và toàn hệ thống xã hội chủ nghĩa, cùng với sự tìm đường đổi mới và cải cách cuối những năm 80, nhân tố con người được coi là một khái niệm mới; người ta hiểu rằng, không thể có sự phát triển nếu con người không được đặt đúng vào vị trí của nó trong guồng máy kinh tế - xã hội 26.

Tuy nhiên, từ nghiên cứu và nhận thức về mặt lý luận đến việc đề ra các chính sách cụ thể, thực hiện trong thực tiễn nhằm phát huy nhân tố con người, coi con người thực sự là mục tiêu, là động lực của sự phát triển là cả một quá trình, đòi hỏi phải có những quyết sách hợp lý và thông minh, trên cơ sở thấu hiểu hoàn cảnh cụ thể của từng đất nước.

Có thể nhận xét rằng, đến cuối thế kỷ XX, việc đề cao con người, coi con người, chứ không phải bất cứ một cái gì khác (dù đáng giá đến mấy, chẳng hạn như, lý tính, khoa học, kinh tế, đạo đức, sự đồng thuận xã hội,v.v... ) là mục tiêu của sự phát triển tỏ ra là hợp lý hơn cả. Không phải ngẫu nhiên mà triết lý con người là trung tâm của sự phát triểncủa UNDP lại làm thoả mãn được thái độ của nhiều cộng đồng, nhiều giới chức xã hội: mọi nền văn hoá, mọi tôn giáo, mọi chính kiến... dù khác nhau đến mấy cũng đều thừa nhận (và buộc phải thừa nhận) giá trị con người và đều phấn đấu vì hạnh phúc của chính con người.

Như ta đã biết, triết lý con người là trung tâmcủa UNDP có phạm trù hạt nhân của nó là phát triển con người, được đưa ra năm 1990 cùng với Báo cáo đầu tiên về phát triển con người. Từ đó đến nay, Báo cáo phát triển con người (HDR) đã được UNDP xuất bản thường niên. Ngoài ra bên cạnh Báo cáo chung của UNDP, còn có hơn 100 nước, dưới sự điều phối của UNDP, đã công bố HDR của riêng mình. Báo cáo của Việt Nam được xuất bản năm 2001 với chủ đề "Đổi mới và sự nghiệp phát triển con người"; sự kiện này đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo dư luận và đã được UNDP bình chọn tặng thưởng vào năm 2002.

Báo cáo phát triển con người của UNDP 1990, 1995 và 2007/2008


Báo cáo phát triển con người Việt Nam 2001 và 1999-2004

Chắc chắn là phát triển con người đã được sử dụng từ lâu trong các ngôn ngữ khác nhau như một thuật ngữ thông dụng. Hơn nữa, ở Việt Nam, phát triển con người cũng từ lâu đã được biết tới như là một khái niệm rất cơ bản trong "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản" nổi tiếng (The free development of each is the condition for the free development of all27). Nhưng phải thừa nhận rằng, khái niệm phát triển con người (Human Development) như hiện tại đang được sử dụng phổ biến ở các quốc gia thành viên của tổ chức Liên hợp quốc, thì chỉ mới xuất hiện cùng với HDR 1990 với tuyên ngôn đầy ấn tượng của nó: "Của cải đích thực của một quốc gia là con người của quốc gia đó. Và mục đích của phát triển là để tạo ra một môi trường thuận lợi cho phép con người được hưởng cuộc sống dài lâu, khoẻ mạnh và sáng tạo. Chân lý giản đơn nhưng đầy sức mạnh này rất hay bị người ta quên mất trong lúc theo đuổi của cải vật chất và tài chính" 28.

Marx - Engels: Sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người

Trong các tài liệu của UNDP, công lao đề xướng khái niệm phát triển con người được coi là thuộc về ông Mahbub ul Haq, người thiết kế và chỉ đạo thực hiện HDR đầu tiên, năm 1990. Theo những tài liệu mà chúng tôi khảo sát được29, nội dung chủ yếu của khái niệm này thường được nhắc đi nhắc lại trong hai cách trình bày: 1). Là qúa trình tăng cường các khả năng (hoặc các cơ hội) cho sự lựa chọn của con người. 2). Là sự mở rộng các lựa chọn cho mọi người. Tư tưởng về sự tăng cường và mở rộng các lựa chọn cho mọi người được giải thích như sau:

1. "Phát triển con người là quá trình mở rộng các lựa chọn của dân chúng - không chỉ là sự lựa chọn giữa các loại bột giặt, giữa các kênh truyền hình hoặc các kiểu dáng xe hơi khác nhau, mà là những lựa chọn được tạo ra bởi việc mở mang các năng lực và các hoạt động của con người (human cabapilities and functionings) - những gì mà dân chúng làm và có thể làm trong cuộc sống của họ" 30.

  1. - Các năng lực của con người cần được mở rộng bao gồm các năng lực sinh thể (mà trước hết là sức khỏe) và các năng lực tinh thần (mà trước hết là tri thức).

  2. - Các hoạt động của con người cần được mở rộng bao gồm các hoạt động lao động và nghỉ ngơi. Mở rộng các hoạt động được hiểu theo nghĩa là con người có khả năng sử dụng ngày càng tốt hơn năng lực sinh thể và năng lực tinh thần của mình trong công việc và trong nghỉ ngơi.

2. Quá trình lựa chọn này được mở rộng có nghĩa là con người được sống trong môi trường mà ở đó khả năng sáng tạo, sống khỏe mạnh, được học hành và trường thọ... tăng lên.

3. Quá trình mở rộng các lựa chọn này còn được nói rõ bao gồm cả sự tự do về chính trị, việc bảo đảm các quyền con người và quyền cá nhân.

Như vậy, tư tưởng về sự mở rộng các lựa chọn cho mọi người có hạt nhân hợp lý của nó. Xin được trích E. Wayne Nafziger, một nhà kinh tế học đương đại nổi tiếng để thấy rõ hơn tại sao việc mở rộng khả năng lựa chọn lại chính là phát triển con người: "Cái phân biệt giữa con người và động vật là ở sự kiểm soát lớn hơn của con người đối với môi trường của họ và quyền tự do của lựa chọn lớn hơn của họ, chứ không phải ở chỗ họ hạnh phúc hơn. Việc kiểm soát môi trường của một người, trên lý lẽ, là một mục tiêu quan trọng giống như hạnh phúc" 31. Cần lưu ý thêm rằng, môi trường mà E. Wayne Nafziger nói ở đây được hiểu theo nghĩa rộng bao hàm cả các quan hệ xã hội và các điều kiện sống của con người.

Như đã được UNDP giải thích nhiều lần, phát triển con người không phải là phương tiện mà là mục tiêu của sự phát triển. Nhằm mục tiêu đó, chất lượng sống của con người (quality of life, cái không hề trừu tượng mà có thể đo đếm được) được xem như tương đương với hạnh phúc hay cũng chính là hạnh phúc. Con người trong quan niệm này chiếm vị thế trung tâm của sự phát triển kinh tế-xã hội.

Cần lưu ý rằng, theo các chuyên gia UNDP, con người chiếm vị thế trung tâm của sự phát triển ở đây được hiểu rất cụ thể. Trung tâm, nghĩa là con người đóng vai trò quyết định ở cả "đầu vào", ở cả "đầu ra" và trong toàn bộ quá trình phát triển. ở "đầu vào" nhân tố quyết định sự phát triển là vốn con người, tiềm năng con người.ở "đầu ra", mục tiêu của sự phát triển là chất lượng sống, phát triển con người, hạnh phúc con người.Trong suốt quá trình phát triển, nhân tố quyết định là nguồn nhân lực, là nguồn lao động,con người là động lựccủa sự phát triển.

Khác với nhiều quan điểm khác về sự phát triển, theo quan điểm của UNDP, mục tiêu của sự phát triển không phải chỉ là phát triển xã hội mà chính là phát triển con người. Người ta lo ngại rằng, với xã hội hiện đại, sự phát triển của xã hội chưa chắc đã đồng nghĩa với sự phát triển của con người. Bởi lẽ, trong thực tế đã từng xảy ra trường hợp xã hội thì phát triển, mà con người lại vẫn bị lãng quên: GDP tăng nhưng thất nghiệp và đói nghèo cũng tăng; khoa học và công nghệ tiến bộ nhưng thất học và dốt nát lại trở nên phổ biến hơn; tiện nghi vật chất của xã hội hiện đại hơn nhưng quyền con người bị vi phạm nhiều hơn và thêm nhiều người không được chăm sóc tối thiểu về y tế; xã hội trở thành xã hội thông tin nhưng phần lớn cư dân lại thiếu thông tin và bị tước mất cơ hội để phát triển...

Giàu và nghèoở Manila

Khi con người được đặt vào vị trí trung tâm của sự phát triển, thì sự tăng trưởng kinh tế, sự phát triển của nguồn lao động, cũng như sự phát triển các lĩnh vực khác của xã hội... dẫu có ý nghĩa đến mấy cũng chưa phải là mục tiêu của sự phát triển. Nói cách khác, sẽ là không đầy đủ nếu trình độ phát triển của một xã hội chỉ được đánh giá bằng thu nhập quốc dân, bằng tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, bằng số lượng của đội ngũ lao động, hay bằng các chỉ tiêu nào đó về mặt tiện nghi vật chất của đời sống. Phát triển xã hội xét cho cùng là phát triển con người; ý nghĩa của sự phát triển xã hội, trên thực tế, không nằm ở đâu khác ngoài sự phát triển của con người. Và đó chính là lý do tồn tại của các chỉ số phát triển con người (HDI).

Như đã biết, từ năm 1990, UNDP đã đưa ra chỉ số phát triển con người để đánh giá sự phát triển. Chỉ số HDI đo đạc những khía cạnh cơ bản của năng lực con người. Việc tiêu chuẩn hoá giá trị HDI từ 0 (thấp nhất) đến 1 (cao nhất) cho phép mỗi nước thấy được khoảng cách mà mình đã đạt được trên con đường tiến đến giá trị lý tưởng là 1. Độ chênh lệch HDI giữa các nước và khoảng cách giữa chỉ số mà mỗi nước đã đạt được so với chỉ số lý tưởng chính là căn cứ rất cụ thể cho phép mỗi nước hình dung được cái đích (tương đối) của sự tiến bộ còn ở phía trước bao xa. Theo những chỉ số này, Việt Nam năm 2001 xếp thứ 101 với chỉ số HDI là 0,682; chỉ số tuổi thọ là 0,71; chỉ số giáo dục 0,84 và chỉ số GDP là 0,49. Điều đáng lưu ý là ở chỗ, nhiều nước có thu nhập quốc dân đầu người cao hơn Việt Nam như Indonesia (PPP, 1999:2857 USD / PPP Việt Nam,1999:1860 USD), Ai Cập (PPP, 1999: 3420 USD), Guatemala (PPP, 1999: 3674 USD), Namibia (PPP, 1999: 5468 USD), Gabon (PPP, 1999: 6024 USD)... song do các chỉ số về tuổi thọ và giáo dục đều thấp nên đã bị xếp ở thứ hạng thấp hơn Việt Nam về phát triển con người.

Từ năm 1990, UNDP đã đưa ra chỉ số phát triển con người (HDI) để đo đạc những khía cạnh cơ bản của năng lực con người. HDI là một hệ tiêu chí có ý nghĩa đặc biệt đối với phát triển bền vững nói chung. Hệ tiêu chí phát triển con người bao gồm hàng loạt các chỉ số thể hiện chất lượng sống (phản ánh qua chỉ số kinh tế - mức thu nhập quốc dân, thu nhập quốc dân bình quân/ người), năng lực sinh thể của người dân (phản ánh qua chỉ số tuổi thọ), và năng lực tinh thần của người dân (phản ánh qua chỉ số giáo dục). Hiện nay, trong các Báo cáo phát triển con người, số lượng các chỉ số được đo đạc đã bổ sung thêm nhiều; ở báo cáo mới nhất 2007/2008 công bố 11/2007, đã xuất hiện gần 100 chỉ số, song thật ra vẫn chỉ có ba chỉ số cơ bản (điều kiện sống, năng lực sinh thể và năng lực tinh thần), phản ánh ba mặt cơ bản của sự phát triển con người. Các chỉ số khác, theo thiết kế của các chuyên gia UNDP, chỉ nhằm bổ sung nhằm làm rõ những khía cạnh, những mức độ, những sắc thái khác nhau của ba chỉ số cơ bản đó. Các chỉ số HDI cơ bản được mang giá trị từ 0 đến 1. Với Báo cáo những năm gần đây, chỉ số giáo dục được coi là có giá trị bằng 1 khi 100% người lớn (trên 15 tuổi) biết đọc, biết viết; bằng 0 khi 0% người lớn (trên 15 tuổi) biết đọc, biết viết. Chỉ số tuổi thọ được coi là có giá trị bằng 1 khi tuổi thọ bình quân là 85 tuổi; bằng 0 khi tuổi thọ bình quân chỉ đạt 25 tuổi. Chỉ số kinh tế được coi là có giá trị bằng 1 khi GDP bình quân đầu người đạt 40.000 US$ (tính theo PPP); bằng 0 khi GDP bình quân đầu người chỉ đạt 100 US$ (tính theo PPP). Kể từ 1995, khi Việt Nam có mặt trong các Báo cáo phát triển con người, vị thế của Việt Nam và sự tiến triển của các chỉ số HDI qua các báo cáo hằng năm được nhìn nhận rất tích cực. Trong Báo cáo phát triển con người 2007/2008, mặc dù diện mạo kinh tế của Việt nam vẫn còn rất khiêm tốn: chỉ số kinh tế mới chỉ là 0,572 với tổng GDP cả nước là 52,4 tỷ USD = 255,3 tỷ USD tính theo PPP; GDP tính theo đầu người là 631 USD/người/năm = 3.071 USD/người/năm tính theo PPP, nhưng chỉ số giáo dục của Việt Nam đã là 0,815, tương đương với Thổ Nhĩ Kỳ (0,812)..., cao hơn Ấn Độ (0,620), Nam Phi (0,806)... Thứ hạng HDI (thứ hạng phát triển con người) của Việt Nam cũng nhờ chỉ số giáo dục và chỉ số tuổi thọ cao nên được xếp hạng cao hơn các nước có nền kinh tế phát triển hơn như Indosesia (xếp hạng 107/177; GDP: 3.843 USD/ người/năm; chỉ số kinh tế 0,609); Nam Phi (xếp hạng 121/177; GDP: 11.110 USD/ người/năm; chỉ số kinh tế 0,786); Ai Cập (xếp hạng 112/177; GDP: 4.337 USD/ người/năm; chỉ số kinh tế 0,629); Ấn Độ (xếp hạng 128/177; GDP: 3.452 USD/ người/năm; chỉ số kinh tế 0,591); Vanuatu (xếp hạng 120/177; GDP: 3.225 USD/ người/năm; chỉ số kinh tế 0,580)…

Với các Báo cáo phát triển con người của UNDP, Việt nam được coi là điển hình cho những nước có trình độ phát triển kinh tế còn thấp, thu nhập quốc dân đầu người (thực tế) dưới 1000 USD/người/năm, nhưng lại có trình độ phát triển con người cao hơn những nước có trình độ kinh tế tương đương do chỉ số phát triển giáo dục caovà chỉ số tuổi thọ tương đối cao.

Có thể nói, quan điểm như thế của UNDP về phát triển con người là khá thực tế đồng thời lại cũng khá lý tưởng. Sự khác biệt về mặt phương pháp luận giữa quan điểm UNDP về con người là trung tâm với các quan điểm khác, trên thực tế, sẽ chi phối cách thức đối xử với các vấn đề xã hội. Với giáo dục phổ cập và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, chẳng hạn. Nếu chỉ nhìn nhận hai lĩnh vực này theo quan điểm kinh tế học phát triển, người ta sẽ chỉ thấy đây là hai ngành “ngoại vi” của hoạt động kinh tế, tức là hai ngành mà khả năng của chúng nhiều lắm cũng chỉ là tạo điều kiện cho xã hội phát triển tốt hơn; và vì vậy, nếu như hiệu quả kinh tế của hai lĩnh vực này không đủ lớn, thì cách giải quyết chỉ có thể là “rót” thêm vào đây một phần phúc lợi xã hội có thể. Nhưng nếu nhìn nhận vấn đề theo quan điểm phát triển con người, thì giáo dục phổ cập và chăm sóc sức khỏe cộng đồng lại không phải chỉ là hai ngành sinh lợi hay không sinh lợi, cũng không phải chỉ là hai “vùng ngoại vi” có khả năng thúc đẩy xã hội tốt lên hay xấu đi. Mà đây là hai lĩnh vực thể hiện sự phát triển hợp lý hay không hợp lý của xã hội. Bởi lẽ, giáo dục phổ cập và chăm sóc sức khỏe cộng đồng chính là hai chỉ báo nói lên năng lực sinh thể và năng lực tinh thần của dân cư. Hai lĩnh vực này phát triển lành mạnh nghĩa là xã hội phát triển lành mạnh, chứ không phải chúng phát triển để tạo điều kiện cho xã hội phát triển. Sức khoẻ và kiến thức không chỉ là phương tiện để mọi người đạt đến một cuộc sống có chất lượng mà chúng chính là thành phần cơ bản của cuộc sống có chất lượng. Việc chăm lo cho giáo dục phổ cập và chăm sóc sức khỏe cộng đồng luôn luôn là sống còn và có ý nghĩa nhân văn ngay cả khi những lĩnh vực này không sinh lợi về kinh tế.

Ngày thế giới chống nghèo đói 17-10-2007 & Bức ảnh đoạt giải Pulitzer 1994 của Kevin Carter về nạn đói ở Xu đăng:

Để làm rõ thêm những khía cạnh xã hội của sự phát triển, từ năm 1997, chỉ số Nghèo khả năng phát triển con người (HPI - Human Poverty Index) - đã được sử dụng trong Báo cáo phát triển con người của UNDP. HPI còn được gọi là chỉ số nghèo khổ tổng hợp. Nghĩa là, trong khi chỉ số HDI đo thành tựu cộng đồng về phát triển con người thì chỉ số HPI đo sự thiệt thòi và những rào cản đối với phát triển con người.

Theo quan điểm phát triển con người, nghèo khả năng phát triển được hiểu là sự thiếu hụt các cơ hội và thiếu khả năng lựa chọn để có một cuộc sống có thu nhập tốt, trường thọ và có giáo dục. Chỉ số HPI được tính riêng cho hai nhóm nước: HPI-1 cho các nước đang phát triển và HPI-2 cho các nước thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). HPI -1 đo mức độ nghèo khả năng phát triển con người qua 5 chỉ số: 1) Tuổi thọ - đo bằng tỷ lệ những người không sống quá 40 tuổi; 2) Kiến thức - đo bằng tỷ lệ người lớn (trên 15 tuổi) mù chữ; 3) Tỷ lệ người không đuợc sử dụng nước sạch hoặc Tỷ lệ người không đuợc hưởng các dịch vụ y tế; 4) Tỷ lệ người dân không được hưởng các dịch vụ vệ sinh và 5) Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng. Giá trị HPI thấp nhât là 0, cao nhất là 100%. Ngược với HDI, giá trị chỉ số HPI càng thấp thì khả năng phát triển càng cao. Nếu chỉ số HPI của cộng đồng (được đo HPI) có giá trị thấp thì điều đó phản ánh trình độ phát triển của cộng đồng đó tốt hơn, ngược lại, nếu chỉ số HPI của cộng đồng đó có giá trị cao thì trình độ phát triển của cộng đồng đó kém hơn.

Theo thiết kế của các chuyên gia UNDP, giá trị chỉ số HPI thấp nhất là 0 và cao nhất là 100. Khác với chỉ số HDI, giá trị chỉ số HPI-1 càng thấp, càng phản ánh khả năng phát triển, nghĩa là khả năng phát triển càng cao. Chỉ số HPI của một cộng đồng (được đo HPI) có giá trị thấp, điều đó có nghĩa trình độ phát triển của cộng đồng đó tốt. Ngược lại, chỉ số HPI của một cộng đồng có giá trị cao, điều đó có nghĩa là trình độ phát triển của cộng đồng đó kém.

Việt Nam: Chỉ số HPI 1997-2005

Từ 1997 đến nay, chỉ số HPI của Việt Nam và vị trí xếp hạng của Việt Nam trong số các nước đang phát triển được tính HPI-1 đã có những thay đổi tích cực: năm 1999 Việt Nam xếp thứ 51 trong số 92 nước đang phát triển được tính HPI-1; năm 2000 Việt Nam xếp thứ 47/85; năm 2001 Việt Nam xếp thứ 45/90. Trong Báo cáo Phát triển con người của UNDP năm 2003, với giá trị là 19,9 Việt Nam đứng thứ 39/94 trong bảng xếp hạng HPI-1. Trong Báo cáo Phát triển con người của UNDP năm 2004, với giá trị là 20,0 Việt Nam đứng thứ 41/95 trong bảng xếp hạng HPI-1. Trong Báo cáo Phát triển con người của UNDP năm 2007/2008, với giá trị HPI-1 là 15,2 Việt Nam đứng thứ 36/108 trong bảng xếp hạng HPI-1. Trong thành phần chỉ số HPI-1, tỷ lệ dân không được sử dụng các nguồn nước sạch ở Việt Nam đã giảm từ 57% năm 1997 xuống còn 44% năm 2001, 23% năm 2003 và 23% năm 2004. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng cũng giảm từ 45% năm 1997 xuống còn 41% năm 1999, 41% năm 2000, 39% năm 2001, 33% năm 2003, 2004 và 2005.

Với Việt Nam, bộ công cụ HDI đã cho cộng đồng thế giới thấy rõ hơn những thế mạnh của đất nước và sự cố gắng của Nhà nước cũng như của toàn thể cộng đồng trong việc chăm lo đến đời sống tinh thần và cải thiện sức khoẻ của từng người dân. Mặc dù chỉ số kinh tế còn thấp, nhưng vị trí của Việt Nam trong bảng xếp hạng HDI lại thường xuyên cao hơn so với trình độ kinh tế, xếp hạng HDI đứng trước nhiều nước có GDP cao hơn Việt Nam. Điều đó là một khích lệ lớn cho mỗi người phấn đấu vì mục tiêu phát triển con người. Tuy nhiên, chỉ số HDI không phải là không có mặt trái của nó. Nó che giấu những hạn chế trong phát triển kinh tế, cái đóng vai trò là cơ sở quan trọng cho mọi quyết sách của đất nước. Nam Phi, Ấn Độ, Vanuatu chẳng hạn, những đất nước có nền kinh tế và nhiều mặt khác khá phát triển, thế mà vẫn có vị trí xếp hạng HDI đứng sau Việt Nam. Hay thậm chí HDI còn che giấu những khuyết tật rất cơ bản trong nền giáo dục. Nếu chỉ nhìn vào chỉ số giáo dục của Việt Nam trong các báo cáo của UNDP, người ta sẽ thấy nền giáo dục Việt Nam nhìn chung rất tốt đẹp. Nhưng thực tế, giáo dục Việt nam như hiện đang bàn luận, có quá nhiều khuyết tật, mà khuyết tật đáng nói nhất là chất lượng – cái đang làm cho toàn xã hội phải lo ngại. Chúng tôi sẽ bàn đến nội dung này trong một bài khác.

Ta có quyền tự hào, nhưng có lẽ vẫn phải tỉnh táo.

Có thể nói, triết lý con người là trung tâmvà quan điểm phát triển con ngườicủa UNDP, trên thực tế, đã cung cấp một công cụ khá nhân đạo để con người nhìn nhận và đánh giá cuộc sống của mình. Ngày nay, nhìn vào thực trạng của sự phát triển con người trên phạm vi thế giới, có thể nói, triết lý con người là trung tâmvà quan điểm phát triển con người, dẫu sao vẫn mới chỉ là một lý tưởng để phấn đấu. Thế giới vẫn còn những mâu thuẫn cực kỳ sâu sắc: toàn cầu hóa mở ra những cơ hội phát triển cho nhiều nước, nhưng đồng thời cũng lại làm tăng thêm khoảng cách giữa hàng trăm triệu người. Hiện nay, sự vi phạm quyền con người, vi phạm chủ quyền quốc gia, tình trạng bất công, sự đe dọa an ninh xã hội, nạn nghèo đói, bần cùng... đang có nguy cơ tăng lên. Vào năm 1999, số người nghèo khổ ở vùng duyên hải Trung Quốc chỉ 20% nhưng ở vùng sâu nội địa lại hơn 50%. Chỉ 20% dân số các nước có thu nhập cao đã chi phối 86% GDP, 82% thị trường xuất khẩu, 68% đầu tư nước ngoài và 74% số máy điện thoại của toàn thế giới; tài sản của ba tỷ phú hàng đầu thế giới thế giới lớn hơn toàn bộ GNP của tất cả các nước kém phát triển với 600 triệu dân của mình 34. Xét từ quan điểm phát triển con người, thực tế này không thể được coi là bình thường.

Rõ ràng, những đòi hỏi của thực tế về việc cần thiết phải coi con người thực sự là trung tâm của sự phát triển kinh tế-xã hội vẫn bức bách và quyết liệt hơn so với bất kỳ một lý thuyết nào, dù đó là lý thuyết của UNDP hay lý thuyết Anthropocentrism. Tư tưởng phát triển con người của

UNDP mặc dù là nhân đạo và cũng khá thành công với bộ máy công cụ HDI, nhưng dẫu sao cũng vẫn còn phiến diện và cứng nhắc. Những người phê phán bộ máy công cụ này không phải không có lý do của họ. Bởi vậy cần góp sức để các chỉ số phát triển con người của UNDP ngày càng được cải tiến hơn và trở nên sâu sắc hơn cho phù hợp với thực tế phức tạp của sự phát triển con người ở giai đoạn hiện nay - giai đoạn mà thế hệ sau trông cậy không phải là một khối lượng lớn của cải vật chất mà là một trình độ nhân đạo của sự phát triển con người.


TrÝch dÉn

1. Xem: ĐCSVN. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII. Nxb CTQG. Hà Nội, 1996. tr.85. // Văn kiện Hội nghị lần thứ Năm BCH Trung ương khoá VIII. Nxb CTQG. Hà Nội, 1998. tr. 56.

2. Xem: В.И. Самохвалова. Человек и мир: проблема антропосентризма. Философские науки. № 3,1992. стр. 161.

3. Xem: Современный Философский словарь.Nxb. Панприн. Moscow, Minsk, London, Franfurt/ Main, Paris, Luckcemburg, 1998. tr. 68.

4. Aнтропосентризм. Современный Философский словарь.Tам же, стр. 68.

5. Aнтропосентризм. Человек. Философскo- энциклопедический словарь.Изд. Наука. Москва, 2000. стр33-34.

6. Xem: В.И..Самохвалова. Там же.стр. 162. //Trịnh Xuân Thuận. Giai điệu bí ẩn và con người đã tạo ra vũ trụ.Nxb KH&KT. Hà Nội, 2001, chương VII.

7. Xem: G.N. Machusin. Nguồn gốc loài người.Nxb KHKT.Hà Nội, 1986. //Trịnh Xuân Thuận. Sđd., chương VIII, IX.

8. Xem: Hoàng Tâm Xuyên. Mười tôn giáo lớn trên thế giới.Nxb CTQG. Hà Nội, 1999. tr. 671. //A.G.Xpirkin. Triết học xã hội.Nxb Tuyên huấn. Hà Nội,1989, tr. 188.

9. C. Mác và Ph. ăngghen. Toàn tập.tập 20. Nxb CTQG. Hà Nội, 1994. tr 655.

10. Философский энциклопедический словарь.Изд. Сов. Энциклопедия. Москва, 1989. стр. 521.

11. Xem: В.И..Самохвалова. Там же.стр. 164.

12. Trịnh Xuân Thuận. Sđd., tr. 278.

13. C. Mác và Ph. ăngghen. Toàn tập.tập 20. Sđd., tr 31.

14. Xem: V.E. Đaviđôvich. Dưới lăng kính triết học.Nxb CTQG. Hà Nội, 2002. tr 45.

15. Li Desuhun. Từ "loài người là trung tâm" đến "giá trị môi trường" . Tài liệu TTKHXH số TN 99-34.

16. Xem: Философский энциклопедический словарь.Там же. стр. 644-645. // Triết học phương Tây hiện đại. Từ điển.Nxb. KHXH. Hà Nội, 1996. tr. 478-480.

17. Философский энциклопедический словарь.Там же. стр. 644.

18. Xem: Философский энциклопедический словарь.Там же. стр 644-645.// Triết học phương Tây hiệnđại. Sđd., tr. 478-480.

19. В.И..Самохвалова. Там же.стр. 164..

Khi diễn đạt ở tầm triết lý, UNDP dùng chữ "People" chứ không phải "Human" để trình bày tư tưởng coi con người là trung tâm của sự phát triển (Need to put people at the centre of the development). Sự tinh tế này không được chuyển ngữ thật chính xác vào tiếng Việt. Xem: HDR 1999, tr. 16.

21. Tổ hợp Duke: Kinh nghiệm không chỉ của giám đốc.Báo Đại đoàn kếtsố 29, 12-14/4/2000.

22. Xem: I.T. Frolov. Trở lại với con người. Tạp chí Nghiên cứu con người. Số 1/2002.

23. C. Mác và Ph. ăngghen (1995), toàn tập t. 3, Nxb. CTQG, Hà Nội. Tr. 30 & tr. 11.

24. Ziuganov. Mười hai bài học lịch sử.Thông tin công tác tư tưởng số 1/1996. Xem thêm: D.A.Leonchev (2003). Từ những giá trị xã hội đến những giá trị nhân cách. Nguồn gốc xã hội và hiện tượng học của điều chỉnh hoạt động.Nghiên cứu con người số 6/2002 và 1/2003.// Lê Hữu Tầng chủ biên (2003). Chủ nghĩa xã hội. Từ lý luận đến thực tiễn. Những bài học kinh nghiệm chủ yếu. CTQG. Hà Nội. 2003.

25. Xem: Francois Perroux. Triết lý phát triển.(Bản dịch của Chương trình Triết lý phát triển ở Việt Nam).// Người đưa tin UNESCO số 11/1988; số 8/1990.

26. Xem: I.T.Frolov. Tư duy mới về chủ nghĩa nhân đạo mới.Trong sách Viện sĩ I.T.Frolov. Nxb Nauka, Mátxcơva, 2001. tr. 512-2519.// I.T.Frolov. Trở lại với con người.Tạp chí Nghiên cứu con ngườisố 1/2002.

27. http://www.marxists.org/archive/marx/works/1848/communist-manifesto/index.htm// C. Mác và Ph. Ăngghen (1995), toàn tập t. 4, Nxb. CTQG, Hà Nội. Tr. 628.

28. UNDP. HDR, 1990.

29. Xem: UNDP. 1990-2001. // Phát triển con người: từ quan niệm đến chiến lược và hành động. Nxb CTQG. Hà Nội, 1999. // Báo cáo của Edouard Wattez tại Hội thảo Phát triển con người trong qúa trình đổi mới ở Việt Nam. Hà Nội, 3-4/4/2000. // Báo cáo phát triển con người Việt Nam 2001. Nxb CTQG. 2001.

30. Paul Streeten. Ten years of Human Development. UNDP. HDR 1999.

31. E. Wayne Nafziger. Kinh tế học của các nước đang phát triển.Nxb Thống kê. Hà Nội, 1998, tr.65.

32. UNDP. Human Development Report. Table 1 HDR 1995-2007/2008.

33. UNDP. Human Development Report. Table 1 HDR 1995-2007/2008

34. Xem: Toàn cầu hóa với gương mặt con người.HDR 1999. tr.2-3.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Con người - Tiền đề của sự phát triển

    08/04/2020Nguyễn Trần BạtTrước khi nói về vai trò của nguồn lực con người trong một nền kinh tế, ta phải nói đến tính năng động của nền kinh tế. Tính năng động vô cùng quan trọng như thế nào trong điều kiện kinh tế thị trường, có lẽ không cần nhắc lại...
  • Có thể hợp nhất khoa học về con người với các khoa học tự nhiên?

    04/10/2016Hồ Sĩ Quý & Nguyễn Anh TuấnMối quan hệ giữa khoa học tự nhiên và khoa học về con người được hiểu theo những cách khác nhau ở những thời kỳ khác nhau trong lịch sử nhận thức khoa học. Suốt từ thời này sang thời khác, những cuộc tranh luận gay cấn về vấn đề này liên tục diễn ra. Đến nay, tôi cho rằng, đối tượng của cuộc tranh luận đã có thể được hiểu theo cách mới...
  • Cần ý thức về sự thiêng liêng của hai chữ “con người”

    17/12/2015Nhà nghiên cứu Vương Trí NhànViệc các cơ quan chức năng liên tục phát hiện các phi vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; gian lận trong kinh doanh xăng dầu; “trộm” cước taxi… trong thời gian gần đây, thực sự không chỉ là bài học về công tác quản lý nhà nước của các cấp, các ngành. Nó còn gợi lên một chủ đề rất đáng suy nghĩ: phải chăng, người Việt đang lâm vào một thời kỳ suy thoái/ xuống cấp về văn hóa – như nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn nhìn nhận?
  • Nghiên cứu phức hợp về con người

    18/08/2015Hồ Sĩ Quý"Hình tượng con người bị vỡ ra hàng nghìn mảnh, cần phải được tập hợp sắp xếp lại" (M. Scheler). Tiếp cận phức hợp về con người không phải là phương thức nghiên cứu hoàn toàn mới. Người ta biết tới lối nhận thức này ngay từ thời cổ đại...
  • Một đóng góp vào việc nhận dạng con người Việt Nam hôm nay

    29/11/2014Vương Trí NhànCó những cuốn sách làm cho người đọc căm ghét cuộc sống( chẳng hạn; một số tác phẩm hiện thực phê phán); có những cuốn sách làm cho người đọc thêm yêu đời nhiều hơn. Còn qua những trường hợp như Thời xa vắng của Lê Lựu, đọc xong, tự nhiên tôi cứ thấy tiếc đời...
  • Phát triển bền vững trên nền tảng sự đồng tiến hóa giữa con người và tự nhiên

    22/07/2007Nguyễn Đình HòaHiện nay, khi mà vấn đề môi trường sốngđã trở thành một vấnđề toàn cầu, cả hai khuynh hướng hoặc là tuyệtđối hoá yêu cầubảo vệ môi trường đến mức cực đoan, hoặclà chỉ quan đến tăng trưởng kinh tế đều không đáp ứngđược nhu cầu phát triển của xã hội hiện đại. Bởi phát triển bền vững, trongđó bảo đảm sự kết hợp hài hoà giữa mục tiêu kinh tế, mục tiêu xã hội mục tiêu bảo vệ môi trường, là sự lựa chọn đúng đắn và phù hợp với quyluật...
  • Vấn đề văn hóa và con người trong thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH ở nước ta

    21/03/2007Hoàng Đình CúcVăn hoá là của con người, chỉ có ở con người. Văn hoá, đối với một con người, đó là tài và đức, đối với một quốc gia, đó là nền tảng dân trí, là trí tuệ, cất cách và bản lĩnh của dân tộc. Vai trò động lực của văn hoá được thực hiện thông qua con người...
  • Phác họa “Chân dung” con người trong tương lai

    13/02/2007Thuỷ MinhNăm 3000, trên trái đất không còn các tộc người khác nhau. Phụ nữ không có tóc và sở hữu làn da mịn màng. Đó là phác hoạ “Chân dung" loài người trong tương lai của GS. OliverCurry, nhà tiến hoá học người Anh...
  • Bước đầu tìm hiểu con người trong triết học của Kant

    01/01/1900Lê Cộng Sự(1724 - 1804), là người sáng lập triết học cổ điển Đức, nhà tư tưởng lớn của nhân loại. Hệ thống triết học của ông bao chứa lượng tri thức phong phú thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó nhân bản học chiếm vị trí không nhỏ. Ở thời đại văn minh hiện nay, khi có một số quan điểm quá coi trọng những thành tựu khoa học công nghệ, đến mức tuyệt đối hoá những giá trị vật chất, mà xem nhẹ những giá trị tinh thần nhân văn, thì việc tìm hiểu triết học của Kant có thể giúp chúng ta trở về với những quan điểm nhân văn hơn.
  • Con người văn hóa trong tư tưởng của một số doanh nhân dân tộc

    01/01/1900Nguyễn Bình YênSo với một số nước có nền văn minh phát triển sớm như TrungQuốc, Ấn Độ và một số nước TâyÂu thì Việt Nam không có những học thuyết tư tưởng lớn có vai trò chi phối sự phát triển xã hội như Nho gia, Đạo gia...
  • Sự hình thành con người với tư cách chủ thể sáng tạo

    30/07/2006Nguyễn Văn HuyênBản chất con người là sáng tạo (M.Goocki). Bất cứ ở đâu con người cũng làm theo thước đo cái đẹp (C.Mác). Thời đại khoa học - công nghệ - tin học mà tựu trung là thời đại của văn minh trí tuệ hiện nay, thực chất là thời đại của những phát minh và sáng tạo. Sự phồn vinh của loài người ở thế kỷ XXI sẽ được quyết định bởi tính sáng tạo trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, khoa học, nghệ thuật. Sáng tạo trở thành dòng chính của triết lý sống trong thế kỷ XXI...
  • Con người đi tìm chính bản thân mình

    15/12/2005Hà Huy KhoáiPhải chăng, để hiểu được chính bản thân mình, con người cần đến các máy tính biết tư duy. Tuy nhiên, chúng ta có thể lại phải đương đầu với một nghịch lí mới: máy tính cuối cùng sẽ làm sáng tỏ được cơ chế hoạt động của bộ não người, nhưng khả năng của bộ não người lại không đủ để hiểu được cơ chế đó!
  • Đọc lại báo cáo “Phát triển con người 2005”

    03/10/2005Danh ĐứcBản báo cáo “Phát triển con người 2005” cần được đọc bằng cái nhìn cầu tiến vì ấm no hạnh phúc hơn nữa cho người dân. Còn bao nhiêu vấn nạn chưa giải quyết xong?
  • Lời mở: Văn hoá học lấy con người làm trung tâm

    14/09/2005Nguyễn Trần Bạt
  • xem toàn bộ