Con đường tới chế độ nông nô

Người dịch: Nguyễn Quang A
06:52 SA @ Thứ Sáu - 23 Tháng Giêng, 2009

>> Tải file:(Download .PDF file, 1.85 Mbytes)


Lời người dịch

Bạn đọc cầm trên tay quyển thứ 7 của tủ sách SOS2 do chúng tôi chọn và dịch ra tiếng Việt. Nó được F. A. Hayek viết hơn sáu mươi năm trước, trong thời kì đầu của Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai, và được xuất bản đầu tiên tháng 3 năm 1944. Chủ đề muôn thủa của cuốn sách là quan hệ giữa tự do cá nhân và vai trò kinh tế của nhà nước, giữa chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thể, giữa chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa chuyên chế.

Về ảnh hưởng của cuốn sách này bài “The Road to Serfdom – 50 Years On”, History Today, London, May 1994 viết: “Ngày 10-3-1994 kỉ niệm năm mươi năm xuất bản cuốn The Road to Serfdom của F. A. Hayek, cuốn có thể được cho là quyển sách chính trị duy nhất có ảnh hưởng nhất đã từng được xuất bản ở Anh trong thế kỉ này. Thực vậy, The Road to Serfdom đã có một ảnh hưởng sâu sắc lên các thế hệ kế tiếp nhau của các nhà trí thức và chính trị gia như The Communist Manifesto [Tuyên ngôn Cộng sản], được viêt gần như một thế kỉ trước vào năm 1848, đã có”.

Nguồn gốc của cuốn sách có thể thấy trong các cuộc tranh luận học thuật của các năm 1930, sau Đại Suy thoái, giữa một bên là những người chủ trương tự do kinh tế, mà đại diện là Lionel Robbins, và F. A. Hayek của Đại học Kinh tế London, và một bên chủ trương vai trò mạnh của nhà nước trong kinh tế, mà người đứng đầu là John Maynard Keynes.

Cuốn sách đã gây cảm hứng đồng thời gây tức giận dữ dội cho rất nhiều trí thức, học giả, chính trị gia và bạn đọc nói chung trong suốt sáu mươi năm qua. Và số người bị nó chọc tức ngày nay đã chẳng còn mấy.

Với các độc giả Việt Nam cuốn sách vẫn có nhiều ý nghĩa sâu sắc. Nó không chỉ mang đến cho chúng ta những hiểu biết sâu xa liên quan đến nội dung các cuộc tranh luận lâu đời về các mối quan hệ giữa tự do cá nhân và vai trò kinh tế của nhà nước, giữa chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thể, giữa chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa chuyên chế xảy ra ở Châu Âu sáu bảy mươi năm trước đây, mà cũng có thể cho chúng ta những gợi ý để suy ngẫm về diễn biến ở đất nước này (và ở các nơi khác) suốt trong gần sáu mươi năm qua. Như đã nói, cuốn sách đã không chỉ truyền cảm hứng mà cũng đã làm lộn tiết nhiều người ở Châu Âu và Hoa Kì. Nó có thể cũng vậy ở Việt Nam. Tôi mong những ai bị nó chọc tức hãy bình tâm đọc kĩ lại nó, và hay nhất hãy tranh luận và bẻ gãy lí lẽ của nó bằng lí lẽ của mình, nhưng đừng nên thoá mạ nó một cách hàm hồ.

Mười năm trước một cuốn sách như cuốn này khó có thể được xuất bản ở Việt Nam. Nay nó đến được tay bạn đọc chứng tỏ đã có sự đổi mới to lớn ở đất nước này.

Cuốn sách không chỉ bổ ích cho các chính trị gia, các học giả, mà cũng rất bổ ích cho các các nhà báo, sinh viên và những người quan tâm khác.

Mọi chú thích đánh số đều là của tác giả, các chú thích đánh dấu sao (*) là của người dịch.
Do hiểu biết có hạn của người dịch, bản dịch chắc còn nhiều sai sót, mong bạn đọc lượng thứ và chỉ bảo. Mọi góp ý xin gửi về Tạp chí Tin Học và Đời Sống, 54 Hoàng Ngọc Phách Hà Nội [25 / B17 Nam Thành Công], hoặc qua điện thư
[email protected], hay[email protected].

Hà nội 12-2003
Nguyễn Quang A



Lời giới thiệu
Cho lần Xuất bản Kỉ niệm Năm mươi năm

Milton Friedman


Quyển sách này đã trở thành kinh điển đích thực: sách đọc thiết yếu cho tất cả mọi người những người quan tâm nghiêm túc đến chính trị trong nghĩa rộng nhất và ít thiên lệch nhất, một cuốn sách mà chủ đề của nó mang tính muôn thuở, có thể áp dụng cho các tình huống cụ thể rất đa dạng. Ở chừng mực nào đấy nó thậm chí còn thích đáng cho Hoa Kì ngày nay hơn khi nó gây chấn động với lần xuất bản đầu tiên năm 1944.

Trước đây gần một phần tư thế kỉ (1971), tôi đã viết lời giới thiệu cho lần xuất bản tiếng Đức mới của The Road to Serfdom minh hoạ thông điệp của Hayek có tính muôn thuở đến thế nào. Lời giới thiệu đó cũng thích đáng cho lần xuất bản kỉ niệm năm mươi năm này của cuốn sách kinh điển của Hayek. Thay cho việc lấy cắp ý văn của mình, tôi trích nó đầy đủ ở đây trước khi chua thêm vài lời bình.

“Qua nhiều năm, tôi có thói quen đi hỏi những người tin vào chủ nghĩa cá nhân xem họ đã rời bỏ chủ nghĩa tập thể chính thống của thời đại chúng ta thế nào. Trong nhiều năm, những câu trả lời thường xuyên nhất đã dẫn chiếu đến cuốn sách mà tôi có vinh dự viết lời giới thiệu này. Tiểu luận xuất sắc và hùng hồn của giáo sư Hayek đã là phát hiện soi rạng đặc biệt cho những nam nữ thanh niên những người đã phục vụ trong các lực lượng vũ trang trong thời gian chiến tranh. Kinh nghiệm vừa qua của họ đã nâng cao sự đánh giá của họ về giá trị và ý nghĩa của quyền tự do cá nhân. Ngoài ra, họ đã tuân theo tổ chức tập thể trong hành động. Đối với họ, những tiên đoán của Hayek về các hệ quả của chủ nghĩa tập thể đã không thuần tuý là những khả năng có tính giả thuyết mà là những thực tế bản thân họ đã trải nghiệm trong quân đội.

“Đọc lại trước khi viết lời giới thiệu này, tôi lại lần nữa cảm phục cuốn sách tuyệt diệu làm sao – tinh tế và lập luận chặt chẽ song dễ hiểu và sáng sủa, triết lí và trừu tượng song cũng cụ thể và thực tế, giải tích và lí trí song sinh động bởi những lí tưởng cao quí và ý thức sứ mệnh mạnh mẽ. Chẳng ngạc nhiên là nó có ảnh hưởng lớn đến như vậy. Tôi cũng cảm phục rằng thông điệp của nó ngày nay không ít cần hơn khi nó xuất hiện lần đầu - về điều này sẽ nói nhiều hơn ở sau. Nhưng thông điệp của nó có thể không trực tiếp hoặc thuyết phục đối với thanh niên ngày nay bằng đối với nam nữ thanh niên đã đọc khi nó xuất hiện lần đầu. Các vấn đề của chiến tranh và điều chỉnh hậu chiến là những vấn đề Hayek đã dùng để minh hoạ chủ đề trung tâm mang tính muôn thuở của ông, và thuật ngữ mang tính tập thể chủ nghĩa của thời kì được ông dùng để ghi tài liệu những khẳng định của ông về bầu không khí trí tuệ, đã là quen thuộc với thế hệ ngay sau chiến tranh và đã tạo mối quan hệ gần gũi giữa tác giả và độc giả. Vẫn những tư tưởng tập thể chủ nghĩa sai lầm ấy ngày nay được lưu truyền rộng rãi và tăng lên, nhưng các vấn đề trực tiếp là khác và nhiều thuật ngữ cũng vậy. Ngày nay chúng ta ít nghe hơn về ‘lập kế hoạch tập trung’, về ‘sản xuất cho sử dụng’, về sự cần thiết của ‘điều khiển một cách có ý thức’ các nguồn lực xã hội. Thay vào đó chúng ta nói về khủng hoảng đô thị - có thể được giải quyết, họ nói, chỉ bằng các chương trình rộng lớn của chính phủ; về khủng hoảng môi trường – gây ra bởi, họ nói, các nhà kinh doanh tham lam những người phải bị buộc làm tròn trách nhiệm xã hội của họ thay cho chỉ đơn thuần điều hành các doanh nghiệp của mình để kiếm lợi nhuận nhiều nhất và, họ nói, cũng cần đến các chương trình rộng lớn của chính phủ; về khủng hoảng tiêu dùng – các giá trị giả được kích thích bởi các nhà doanh nghiệp tham lam y hệt chỉ kiếm lợi nhuận thay cho thực hiện nghĩa vụ xã hội và tất nhiên cũng cần các chương trình rộng lớn của chính phủ để bảo vệ người tiêu dùng, đặc biệt từ chính mình; về khủng hoảng phúc lợi hoặc đói nghèo - ở đây thuật ngữ vẫn là ‘sự đói nghèo giữa sự sung túc’, mặc dầu cái hiện nay được mô tả là đói nghèo được coi là sung túc khi thuật ngữ đó lần đầu được sử dụng rộng rãi.

“Bây giờ cũng như khi đó, việc thúc đẩy chủ nghĩa tập thể được kết hợp với sự biểu lộ các giá trị cá nhân chủ nghĩa. Thật vậy, khinh nghiệm với chính phủ lớn đã tăng cường chủ đề trái ngược này. Có sự phản đối rộng rãi chống ‘giới quyền uy’; một sự tuân thủ (conformity) không thể tin được trong phản đối chống lại sự tuân thủ; một đòi hỏi rộng lớn cho quyền tự do để ‘làm việc riêng’, cho lối sống cá nhân, cho nền dân chủ tham gia. Nghe chủ đề này, người ta có thể cũng tin rằng trào lưu tập thể chủ nghĩa đã đổi chiều, rằng chủ nghĩa cá nhân lại tăng. Như Hayek chứng minh một cách thuyết phục đến vậy, các giá trị này đòi hỏi một xã hội cá nhân chủ nghĩa. Chúng có thể đạt được chỉ trong một chế độ tự do, nơi hoạt động của chính phủ được hạn chế trước hết cho thiết lập khung khổ mà trong đó các cá nhân tự do theo đuổi các mục tiêu của riêng mình. Thị trường tự do là cơ chế duy nhất được khám phá nhằm đạt được dân chủ tham gia.

“Đáng tiếc, quan hệ giữ mục đích và phương tiện vẫn còn bị hiểu lầm một cách rộng rãi. Nhiều trong số những người theo các mục tiêu cá nhân chủ nghĩa nhất lại ủng hộ các phương tiện tập thể chủ nghĩa mà không nhận ra sự mâu thuẫn. Thật hấp dẫn để tin rằng các tệ nạn xã hội phát sinh từ các hoạt động của những người xấu và nếu chỉ có những người tốt (như chúng ta, tất nhiên) nắm quyền lực, thì mọi việc đều tốt. Quan điểm đó đòi hỏi duy nhất sự xúc cảm và sự tự khen - điều dễ kiếm được và cũng dễ thoả mãn. Để hiểu vì sao những người ‘tốt’ ở các vị trí quyền lực sẽ gây ra cái xấu, trong khi người bình thường không có quyền lực nhưng có khả năng tham gia hợp tác tự nguyện với những người xung quanh sẽ tạo ra cái tốt, đòi hỏi phân tích và tư duy, đặt xúc cảm xuống dưới lí trí. Chắc chắn đó là một câu trả lời cho điều bí ẩn vĩnh cửu vì sao chủ nghĩa tập thể, với thành tích được chứng minh về gây ra sự chuyên chế và khổ cực, lại được coi là ưu việt hơn chủ nghĩa cá nhân đến như vậy, với thành tích được chứng minh về tạo ra quyền tự do và sự sung túc. Lí lẽ cho chủ nghĩa tập thể là đơn giản mặc dù sai; nó là một lí lẽ xúc cảm trực tiếp. Lí lẽ cho chủ nghĩa cá nhân là tinh tế và rắc rối; nó là một lí lẽ duy lí gián tiếp. Và những khả năng xúc cảm lại phát triển hơn nhiều những khả năng lí trí trong hầu như mọi người, ngược đời thay hoặc đặc biệt thay thậm chí trong cả những người tự coi mình là trí thức.

“Cuộc chiến đấu giữa chủ nghĩa tập thể và chủ nghĩa cá nhân ra sao ở Phương Tây hơn một phần tư [bây giờ, 1994, là nửa] thế kỉ sau khi tiểu luận vĩ đại của Hayek được xuất bản? Câu trả lời là rất khác nhau trong thế giới công việc và trong thế giới tư tưởng.

“Trong thế giới công việc, những người trong chúng ta những người được phân tích của Hayek thuyết phục đã thấy trong năm 1945 ít dấu hiệu của bất kể thứ gì ngoài một sự tăng lên đều đặn của nhà nước làm tổn hại cá nhân, một sự thay thế kiên định sáng kiến và kế hoạch cá nhân bằng sáng kiến và kế hoạch nhà nước. Thế nhưng trong thực tiễn phong trào đó đã chẳng tiến thêm mấy – không ở nước Anh hoặc nước Pháp hoặc Hoa Kì. Và ở nước Đức đã có một phản ứng mạnh khỏi những kiểm soát chuyên chế của thời kì Nazi* và một bước chuyển lớn hướng tới một chính sách kinh tế tự do.

“Cái gì đã tạo ra sự thất bại không ngờ này đối với chủ nghĩa tập thể? Tôi tin rằng hai lực lượng đã là nguyên nhân chủ yếu. Thứ nhất, và điều này là đặc biệt quan trọng ở Anh, sự xung đột giữa kế hoạch hoá tập trung và tự do cá nhân, chủ đề của Hayek, đã trở nên rõ ràng, đặc biệt khi tình trạng khẩn cấp của kế hoạch hoá tập trung đã dẫn đến cái gọi là lệnh ‘kiểm soát tuyển dụng” theo đó chính phủ đã có quyền phân người dân vào những việc làm. Truyền thống tự do, các giá trị tự do, vẫn còn mạnh ở Anh đến mức, khi xung đột xảy ra, kế hoạch hoá tập trung đã bị hi sinh chứ không phải tự do cá nhân. Lực thứ hai ngăn cản chủ nghĩa tập thể đơn giản đã là tính phi hiệu quả của nó. Chính phủ đã tỏ ra không có khả năng quản lí các doanh nghiệp, tổ chức nguồn lực để đạt các mục tiêu đề ra với chi phí phải chăng. Nó bị sa lầy trong sự hỗn độn quan liêu và phi hiệu quả. Bắt đầu tan vỡ ảo tưởng phổ biến về tính hiệu quả của chính phủ tập trung trong quản lí các chương trình.

“Đáng tiếc, sự ngăn cản chủ nghĩa tập thể đã không ngăn cản sự phình lên của chính phủ; đúng hơn, nó hướng sự phình lên của mình sang một kênh khác. Sự nhấn mạnh dịch chuyển từ chính phủ cai quản các hoạt động sản xuất sang điều tiết gián tiếp các doanh nghiệp được cho là tư nhân và thậm chí nhiều hơn sang các chương trình chuyển giao của chính phủ, bao hàm thu thuế từ một số để trợ cấp cho một số khác - tất cả đều nhân danh công bằng và xoá đói giảm nghèo nhưng trong thực tiễn gây ra một hỗn hợp thất thường và mâu thuẫn của các trợ cấp cho các nhóm lợi ích đặc biệt. Kết quả là, phần thu nhập quốc dân được chính phủ chi tiêu liên tục tăng.

“Trong thế giới tư tưởng, kết quả thậm chí còn ít thoả mãn hơn với một người tin vào chủ nghĩa cá nhân. Trong một khía cạnh, đây là điều ngạc nhiên nhất. Kinh nghiệm trong một phần tư thế kỉ qua đã xác nhận mạnh mẽ tính hợp lệ của cái nhìn sâu sắc chủ yếu của Hayek - rằng điều phối các hoạt động của con người thông qua chỉ huy tập trung và thông qua hợp tác tự nguyện là các con đường đi theo các hướng rất khác nhau: đường thứ nhất dẫn tới chế độ nông nô, đường thứ hai đến tự do. Kinh nghiệm đó cũng tăng cường mạnh mẽ chủ đề thứ hai - hướng tập trung cũng là con đường dẫn tới nghèo đói đối với người bình thường; hợp tác tự nguyện, là con đường tới sung túc.

“Đông và Tây Đức hầu như cung cấp một thí nghiệm khoa học được kiểm soát. Ở đây người dân cùng huyết thống, cùng nền văn minh, cùng mức kĩ năng kĩ thuật và tri thức, bị xé ra từng mảnh bởi tai nạn chiến tranh, song chấp nhận các phương pháp hoàn toàn khác nhau về tổ chức xã hội - chỉ huy tập trung và thị trường. Kết quả là hoàn toàn rõ ràng. Đông Đức, chứ không phải Tây Đức, đã phải xây một bức tường để giữ cho công dân của mình khỏi chạy trốn. Bên đó của bức tường, chuyên chế và khổ cực; bên kia của bức tường, tự do và giàu có.

“Ở Trung Đông, Israel và Ai cập đưa ra cùng sự tương phản như Tây và Đông Đức. Ở Viễn Đông, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Đài Loan, Hồng Kông, và Nhật Bản - tất cả đều chủ yếu dựa vào các thị trường tự do - đều thịnh vượng và nhân dân họ tràn trề hi vọng; một kinh nghiệm rất khác từ Ấn Độ, Indonesia, và Trung Hoa Cộng sản - tất cả dựa nặng vào kế hoạch hoá tập trung. Lại chính Trung Hoa Cộng sản phải canh giữ biên giới của mình chống lại người dân thử chạy trốn.

“Thế mà, bất chấp sự xác nhận đáng chú ý và đầy kịch tính này cho luận điểm của Hayek, không khí trí tuệ của Phương Tây, sau một gian đoạn ngắn khi đã có một số dấu hiệu của sự trỗi dậy của các giá trị tự do trước kia, lại đã bắt đầu chuyển sang hướng đối kháng mạnh mẽ đối với tự do kinh doanh, cạnh tranh, quyền sở hữu tư nhân và chính phủ hạn chế. Một thời gian, mô tả của Hayek về quan điểm trí tuệ thống trị đã dường như càng có phần lỗi thời. Nay, nó nghe thật hơn một thập kỉ trước đây. Khó biết cái gì giải thích sự phát triển này. Chúng ta rất cần một cuốn sách mới của Hayek, cuốn sẽ cho một cái nhìn rõ ràng và sâu sắc vào những diễn biến trí tuệ của phần tư thế kỉ qua như The Road to Serfdom đã làm cho những diễn biến trước đây. Vì sao các tầng lớp trí thức ở mọi nơi hầu như tự động đứng về phía chủ nghĩa tập thể - ngay cả khi tụng ca các khẩu hiệu cá nhân chủ nghĩa – và bôi nhọ và chửi rủa chủ nghĩa tư bản? Vì sao mà các phương tiện truyền thông đại chúng hầu như ở mọi nơi lại bị chi phối bởi quan điểm này?

“Bất kể sự giải thích là gì, sự thực về sự ủng hộ trí tuệ càng tăng cho chủ nghĩa tập thể - và tôi tin nó là một sự thực – làm cho sách của Hayek mang tính thời sự ngày nay như khi nó xuất hiện lần đầu tiên. Chúng ta hãy hi vọng rằng lần xuất bản mới ở Đức - nước trong số tất cả các nước phải dễ tiếp thu nhất thông điệp của cuốn sách - sẽ có nhiều ảnh hưởng như lần xuất bản ban đầu đã có ở Anh và Hoa Kì. Cuộc đấu tranh vì tự do phải chiến thắng hết lần này đến lần khác. Những người xã hội chủ nghĩa thuộc mọi đảng phái, những người được Hayek đề tặng cuốn sách của ông, phải một lần nữa được thuyết phục hoặc bị đánh bại nếu họ và chúng ta còn là những người tự do”.

Đoạn áp chót của lời giới thiệu của tôi cho lần xuất bản tiếng Đức là đoạn duy nhất nghe không hoàn toàn thật hôm nay. Bức Tường Berlin đã sập, sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản sau Bức màn Sắt, và đặc trưng thay đổi của Trung Quốc đã làm giảm những người bảo vệ chủ nghĩa tập thể kiểu Marx chỉ còn một nhóm nhỏ, can đảm tập trung ở các trường đại học Phương Tây. Ngày nay, có sự thừa nhận rộng rãi rằng chủ nghĩa xã hội thất bại, chủ nghĩa tư bản thành công. Song sự chuyển đổi lộ rõ ra ngoài này của cộng đồng trí thức sang cái có thể gọi là quan điểm Hayek dễ gây lầm lẫn. Trong khi lời nói là về các thị trường tự do và quyền sở hữu tư nhân – đáng trọng hơn vài thập kỉ trước để bảo vệ laissez-faire nửa hoàn chỉnh - phần lớn cộng đồng trí thức hầu như tự động ủng hộ bất kể sự bành trướng nào của chính phủ chừng nào nó được quảng cáo như một cách để bảo vệ các cá nhân khỏi các công ti lớn xấu xa, để giảm đói nghèo, để bảo vệ môi trường, hoặc để thúc đẩy “sự bình đẳng”. Thảo luận hiện thời về chương trình chăm sóc sức khoẻ cho một thí dụ nổi bật. Các nhà trí thức có thể đã học các từ nhưng họ vẫn chưa có âm điệu.

Tôi đã nói ngay từ đầu rằng “trong chừng mực nào đấy” thông điệp của cuốn sách này “thậm chí còn thoả đáng hơn cho Koa Kì ngày nay hơn khi nó đã gây chấn động… nửa thế kỉ trước”. Dư luận trí thức lúc đó đã thù địch đối với chủ đề của cuốn sách hơn nhiều so với hiện nay, nhưng thực tiễn phù hợp với nó hơn nhiều so với ngày nay. Chính phủ trong thời kì sau Chiến tranh Thế giới II nhỏ hơn và ít quấy nhiễu hơn ngày nay. Các chương trình Xã hội Vĩ đại của Johnson, bao gồm Chăm sóc Y tế và Hỗ trợ Y tế, và các đạo luật Không khí trong lành và Những người Mĩ Khuyết tật của Bush, vẫn còn ở phía trước, chưa nói đến vô số những bành trướng khác của chính phủ mà Reagan đã chỉ có khả năng làm chậm lại, chứ không đảo ngược được, trong tám năm ông cầm quyền. Tổng chi tiêu chính phủ đã tăng từ 25 phần trăm của thu nhập quốc gia năm 1950 lên gần 45 phần trăm năm 1993.

Cũng gần đúng như thế ở Anh, theo một nghĩa còn đầy kịch tính hơn. Đảng Lao động, trước đó công khai là xã hội chủ nghĩa, bây giờ bảo vệ thị trường tư nhân tự do; và Đảng Bảo thủ, một thời hài lòng với các chính sách cai trị xã hội chủ nghĩa của đảng Lao động, đã thử đảo ngược, và ở mức độ nào đó đã thành công đảo ngược dưới thời Margaret Thatcher, mức độ sở hữu và hoạt động của chính phủ. Nhưng Thatcher đã không có khả năng kêu gọi một sự ủng hộ rộng rãi của quần chúng cho các giá trị tự do như sự ủng hộ đã dẫn đến rút bỏ lệnh “kiểm soát tuyển dụng” ngay sau Chiến tranh Thế giới II. Và trong khi đã có mức độ “tư nhân hoá” đáng kể ở đây ở đó, chính phủ hiện nay chi tiêu một phần lớn hơn của thu nhập quốc gia và quấy nhiễu hơn so với 1950.

Ở cả hai bờ của Đại Tây Dương, chỉ hơi quá khi nói rằng chúng ta thuyết giảng chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tư bản cạnh tranh, và thực hành chủ nghĩa xã hội.


Ghi chú về lịch sử xuất bản

Hayek bắt đầu viết The Road to Serfdom vào tháng Chín 1940, và quyển sách được xuất bản đầu tiên tại Anh ngày 10 tháng Ba, 1944. Hayek uỷ quyền cho bạn ông Dr. Fritz Machlup, một người tị nạn Áo đã theo đuổi sự nghiệp học thuật xuất sắc ở Hoa Kì và đã đi làm, năm 1944 tại Văn phòng Chăm sóc Tài sản của Người nước ngoài ở Washington, D.C., để đăng kí quyển sách với một nhà xuất bản Mĩ. Trước khi được nộp cho nhà xuất bản University of Chicago Press quyển sách đã bị ba nhà xuất bản ở Hoa Kì từ chối - dẫu bởi vì họ tin rằng nó sẽ chẳng bán được hay, ít nhất trong một trường hợp, bởi vì họ coi nó là “không thích hợp để xuất bản bởi một nhà xuất bản có danh tiếng”. Không lùi bước, Machlup đưa các trang in thử của bản in ở Anh cho Aaron Director, nguyên thành viên của Bộ môn Kinh tế học của Đại học Chicago người quay lại Đại học sau chiến tranh như một nhà kinh tế học ở Trường Luật, xem. Sau đó, Frank H. Knight, một nhà kinh tế học xuất sắc ở đại học, nhận được một tập bản in thử và giới thiệu với nhà xuất bản University of Chicago Press với gợi ý của Director rằng Nhà xuất bản có thể muốn xuất bản cuốn sách.
Nhà xuất bản kí hợp đồng với Hayek về quyền xuất bản ở Mĩ tháng Tư 1944, sau khi thuyết phục ông tiến hành vài thay đổi – “để cho rõ ràng về áp dụng cho Hoa Kì... thay cho trình bày cuốn sách trực tiếp cho các độc giả giới hạn ở Anh”, như John Scoon, khi đó là biên tập ở Nhà xuất bản, sau này nhớ lại. “Vào khoảng thời gian hợp đồng cho quyền xuất bản ở Mĩ được kí -đầu tháng Tư- chúng tôi bắt đầu nghe về quyển sách ở Anh, được xuất bản ở đó ngày 10 tháng Ba. Đợt in đầu chỉ có 2.000 cuốn nhưng được bán hết trong khoảng một tháng. Nó bắt đầu được trích dẫn ở Quốc hội và ở các báo, và vài tờ báo ở đây bắt đầu thỉnh thoảng nhắc đến nó – nhưng tất nhiên chúng tôi vẫn không biết chắc nó sẽ hấp dẫn ra sao với Mĩ. Kì thực, cho đến tận ngày xuất bản chúng tôi đã không thể làm cho một nhà sách thậm chí ở New York hăng hái lên về cuốn sách”.

Lần xuất bản ở Chicago được xuất bản ngày 18-9-1944, với 2.000 bản trong đợt in đầu, với lời giới thiệu của John Chamberlain, một người viết và phê bình sách về chủ đề kinh tế nổi tiếng khi đó và hiện nay. “Bài phê bình đầu tiên mà chúng tôi thấy”, Scoon nói tiếp, “là của Orville Prescott ở New York Times ngày 20 tháng 9, một bài trung tính và gọi nó là ‘quyển sách nhỏ buồn và dận dữ này’, nhưng đến lúc chúng tôi thấy bài phê bình của Henry Hazlitt đăng trên trang bìa của Times Book Review số chủ nhật chúng tôi đã đặt in đợt hai 5.000 cuốn. Sau vài ngày chúng tôi đã nhận yêu cầu quyền dịch cho các tiếng Đức, Tây Ban Nha, Hà Lan và tiếng khác, và vào 27-9 chúng tôi đã đặt in 5.000 cuốn đợt ba, đẩy lên 10.000 cuốn vào ngày tiếp theo…

“Vào tuần đầu tháng Mười nhiều nhà sách đã hết sách trong kho và chúng tôi đã có một công việc kinh khủng và rắm rối về in, đóng, chuyên chở và phân phối cho khách hàng cả ở đây và Canada…Từ lúc đầu đã có sự nhiệt tình to lớn cho cuốn sách nhưng việc bán hàng lúc lên lúc xuống…

“Sự chua xót về cuốn sách đã tăng lên với thời gian, lên đỉnh cao khi cuốn sách đã có nhiều ấn tượng. (Người ta vẫn hay nói bộp chộp về nó; vì sao họ không đọc nó và tìm ra cái Hayek thực sự nói!)” Nhận xét của Scoon ngày nay vẫn còn đúng.

Reader’s Digest xuất bản một phiên bản cô đọng vào tháng Tư 1945, và hơn 600.000 bản của phiên bản cô đọng sau đó được phân phối bởi Book of the Month Club. Lường trước phiên bản cô đọng của Reader’s Digest và cả đợt lưu giảng mà Hayek dự kiến tiến hành vào mùa xuân 1945, Nhà Xuất bản đã thử dàn xếp đợt in lớn thứ bảy. Tuy vậy, thiếu giấy đã hạn chế in xuống 10.000 bản và buộc Nhà Xuất bản giảm cỡ của cuốn sách xuống cỡ bỏ túi. Chính một bản của lần in đó, một cách tình cờ, là bản có trong thư viện cá nhân của tôi.
Trong năm mươi năm kể từ khi xuất bản nó, Nhà Xuất bản đã bán hơn một phần tư triệu bản, 81.000 bản bìa cứng và 175.000 bản bìa mềm. Lần xuất bản bìa mềm ở Chicago đầu tiên là vào năm 1956. Con trai Hayek, Lawrence, thông báo rằng gần hai mươi bản dịch tiếng nước ngoài có phép đã được xuất bản. Ngoài ra, các bản dịch ngầm, không có phép được lưu hành bằng tiếng Nga, Ba Lan, Czech, và có lẽ các thứ tiếng khác, khi Đông Âu còn ở đằng sau Bức màn Sắt. Chẳng có mấy nghi ngờ rằng những bài viết của Hayek, và đặc biệt là cuốn sách này, đã là một nguồn trí tuệ quan trọng của sự tan rã của niềm tin vào chủ nghĩa cộng sản ở đằng sau Bức màn Sắt, cũng như ở bên kia của Bức màn, bên chúng ta.

Kể từ khi bức tường Berlin sụp đổ đã có thể xuất bản công khai cuốn sách ở các nước chư hầu của và các nước thuộc Liên Xô trước đây. Tôi biết từ nhiều nguồn khác nhau rằng đã có sự quan tâm bộc phát về Hayek nói chung, và đặc biệt về The Road to Serfdom trong các nước này.

Từ khi Hayek mất năm 1992 ngày càng có sự thừa nhận về ảnh hưởng mà ông đã gây ra ở cả các chế độ cộng sản và không cộng sản. Các nhà xuất bản của ông có thể tin tưởng nhìn về phía trước để tiếp tục bán cuốn sách xuất chúng này chừng nào mà tự do ngôn luận còn thịnh hành - điều, bất chấp sự xói mòn nào đấy kể từ khi ông viết, dù sao vẫn đảm bảo hơn so với nếu khác đi chính xác là bởi vì cuốn sách này.

Stanford, California
14 tháng Tư, 1994


Lời nói đầu
Cho lần tái bản 1976

Quyển sách này, được viết trong thời gian rỗi của tôi từ 1940 đến 1943, trong khi tôi chủ yếu bận tâm với các vấn đề lí thuyết kinh tế thuần tuý, đã đột nhiên trở thành một khởi điểm của công việc hơn ba mươi năm cho tôi trong một lĩnh vực mới. Nguyên nhân của nỗ lực đầu tiên này trong lĩnh vực mới là sự bực mình của tôi với sự diễn giải hoàn toàn sai trong giới “tiến bộ” Anh về đặc tính của phong trào Nazi, một sự khó chịu đã dẫn tôi từ một thư báo cho giám đốc khi đó của Trường Kinh tế học London, Sir William Beveridge, đến một bài báo trong Contemporay Review năm 1938, bài theo yêu cầu của giáo sư Harry G. Gideonse của Đại học Chicago đã được tôi mở rộng cho xuất bản trong loạt Tập sách mỏng về Chính sách Công của ông. Và khi tôi thấy tất cả các đồng nghiệp người Anh thông thạo hơn của tôi chỉ bận tâm với các vấn đề khẩn cấp hơn của tiến hành chiến tranh, cuối cùng và bất đắc dĩ tôi mở rộng tập sách đó thành tiểu luận này. Bất chấp sự thành công hoàn toàn bất ngờ của cuốn sách- trong trường hợp của lần xuất bản lúc đầu không được dự tính ở Mĩ thậm chí thành công còn lớn hơn lần xuất bản ở Anh – tôi đã cảm thấy từ lâu không hoàn toàn vui sướng về nó. Mặc dầu tôi đã tuyên bố thẳng thắn ngay từ đầu cuốn sách rằng nó là một cuốn sách chính trị, nó đã làm cho hầu hết các nhà khoa học xã hội đồng nghiệp của tôi nghĩ rằng tôi đã dùng sai năng lực của mình, và tôi không thoải mái về khả năng rằng đi quá kinh tế học kĩ thuật có lẽ tôi có thể đã vượt quá năng lực của mình. Tôi không muốn nói ở đây về cơn thịnh nộ mà quyển sách đã gây ra trong những giới nhất định, hoặc về sự khác biệt lạ lùng trong sự tiếp nhận nó ở Vương Quốc Anh và ở Hoa Kì - về điều đó tôi đã nói một ít hai mươi năm trước trong Lời nói đầu cho lần xuất bản bìa mềm đầu tiên ở Mĩ. Chỉ để chỉ ra đặc điểm của phản ứng rộng rãi, tôi đơn thuần sẽ chỉ nhắc đến một triết gia khá nổi tiếng, không nêu đích danh, đã viết cho một người khác trách mắng ông đã tán dương cuốn sách đáng hổ thẹn này, mà “tất nhiên [ông ta] đã không đọc”!

Nhưng dẫu cho tôi đã cố thử quay lại với kinh tế học đích thực, tôi không thể tự giải phóng mình khỏi cảm nghĩ rằng những vấn đề mà tôi đã bắt tay vào một cách không định trước đến như vậy là thách đố và quan trọng hơn những vấn đề của lí thuyết kinh tế, và rằng phần lớn cái tôi đã nói trong phác thảo đầu tiên của tôi cần được làm rõ và trau chuốt. Khi tôi viết cuốn sách này, tôi đã chẳng chút nào thoát khỏi được tất cả những định kiến và điều mê tín chi phối dư luận chung, và thậm chí tôi còn ít học được cách tránh tất cả những hỗn độn thịnh hành của các thuật ngữ và các khái niệm mà về chúng từ khi đó tôi trở nên rất có ý thức. Và thảo luận về các hậu quả của các chính sách xã hội chủ nghĩa mà cuốn sách thử làm, là tất nhiên không đầy đủ nếu không tính thích đáng đến cái mà một trật tự thị trường hoạt động phù hợp đòi hỏi và có thể đạt. Chính vấn đề sau là vấn đề mà các công trình tiếp nữa do tôi thực hiện từ đó trên lĩnh vực này chủ yếu dành cho. Kết quả đầu tiên của những nỗ lực này để giải thích bản chất của một trật tự tự do đã là một cuốn sách đáng kể được gọi là The Constitution of Liberty (Kết cấu của Tự do, 1960) trong đó về cơ bản tôi cố thử trình bày lại và tạo ra một học thuyết nhất quán hơn của chủ nghĩa tự do cổ điển thế kỉ thứ mười chín. Nhận thức, rằng một sự phát biểu lại như vậy bỏ lại những vấn đề quan trọng nhất định chưa được giải đáp, đã dẫn tôi sau đó đến những nỗ lực thêm để cho bản thân tôi các câu trả lời trong một công trình gồm ba tập có tiêu đề là Law, Legislation, and Liberty (Luật, Pháp chế, và Tự do), trong đó tập đầu tiên đã ra mắt năm 1973.

Trong hai mươi năm vừa qua, tôi tin, tôi đã học được nhiều về các vấn đề được thảo luận trong cuốn sách này, dù cho tôi không nghĩ tôi đã đọc lại nó lần nào trong thời khoảng gian ấy. Bây giờ sau khi đọc lại để viết Lời nói đầu này, tôi không còn cảm thấy hối tiếc, mà lần đầu tiên tôi rất tự hào về nó – và đặc biệt là về sự sáng suốt đã làm tôi đề tặng nó “Cho Những người Xã hội chủ nghĩa thuộc Mọi Đảng phái”. Thật vậy, mặc dù trong khoảng thời gian tôi đã học được nhiều điều tôi chưa biết khi tôi viết cuốn sách, bây giờ tôi thường ngạc nhiên là tôi đã thấy nhiều đến thế nào ngay từ đầu nỗ lực của mình mà công trình sau đó đã xác nhận; và mặc dù những nỗ lực sau của tôi, tôi hi vọng, sẽ bổ ích hơn cho chuyên gia, bây giờ tôi sẵn sàng không hề do dự để giới thiệu cuốn sách sớm này cho quảng đại độc giả những người muốn một giới thiệu đơn giản không mang nặng tính kĩ thuật cho vấn đề mà tôi tin vẫn là một trong các vấn đề đáng lo ngại nhất mà chúng ta phải giải quyết.

Độc giả có lẽ sẽ hỏi phải chăng điều này có nghĩa rằng tôi vẫn sẵn sàng bảo vệ tất cả những kết luận chính của cuốn sách này, và câu trả lời là hoàn toàn khẳng định. Hạn chế quan trọng nhất mà tôi phải nhắc đến là trong khoảng thời gian này thuật ngữ đã thay đổi và vì lí do này cái tôi nói trong cuốn sách có thể bị hiểu sai đi. Lúc tôi viết, chủ nghĩa xã hội đã có nghĩa không hề mơ hồ là quốc hữu hoá các tư liệu sản xuất và kế hoạch hoá kinh tế tập trung cái mà điều này làm cho có thể và cần thiết. Theo nghĩa này thì, thí dụ, Thuỵ Điển ngày nay được tổ chức ít xã hội chủ nghĩa hơn nhiều so với Vương Quốc Anh hoặc Áo, dẫu cho Thuỵ Điển thường được coi là mang tính xã hội chủ nghĩa hơn nhiều. Điều này là do sự thực rằng chủ nghĩa xã hội đã trở nên có nghĩa chủ yếu là tái phân phối mạnh về thu nhập thông qua đánh thuế và các định chế của nhà nước phúc lợi. Trong chủ nghĩa xã hội loại sau các tác động mà tôi thảo luận trong cuốn sách này xảy ra chậm hơn, gián tiếp hơn, và không hoàn hảo hơn. Tôi tin rằng kết quả cuối cùng có xu hướng là chẳng khác gì nhau, mặc dù quá trình làm nó xảy ra không hoàn toàn giống như được mô tả trong cuốn sách này.

Thường được viện dẫn là tôi đã cho rằng bất kể phong trào nào theo hướng chủ nghĩa xã hội nhất thiết dẫn đến chủ nghĩa chuyên chế. Dù là có nguy cơ này, đây không phải là cái cuốn sách tuyên bố. Cái nó bao hàm là một cảnh báo rằng trừ khi chúng ta tu bổ các nguyên tắc của chính sách của chúng ta, một số hậu quả rất khó chịu sẽ xảy ra mà hầu hết những người chủ trương các chính sách này thực sự không muốn.

Chỗ mà tôi bây giờ thấy mình sai trong cuốn sách này chủ yếu là ở chỗ tôi đã ít nhấn mạnh tầm quan trọng của kinh nghiệm của chủ nghĩa cộng sản ở Nga - một lỗi có lẽ có thể tha thứ được khi nhớ rằng khi tôi viết, thì Nga là đồng minh thời chiến của chúng ta – và rằng tôi đã không hoàn toàn thoát khỏi được tất cả những điều mê tín mang tính chủ nghĩa can thiệp đương thời, và kết quả là vẫn đưa ra những nhượng bộ khác nhau mà bây giờ tôi nghĩ là không chính đáng. Và chắc chắn tôi đã không nhận thức đầy đủ rằng những việc xấu đã có rồi đến mức nào trong một số kía cạnh. Tôi vẫn coi nó, thí dụ, là một câu hỏi tu từ khi tôi hỏi (tr.91), nếu Hitler đã nhận được quyền lực vô hạn của mình theo cách hợp hiến nghiêm ngặt, “ai có thể gợi ý rằng Nguyên tắc Luật vẫn còn thịnh hành ở Đức?” chỉ phát hiện ra muộn hơn rằng các giáo sư Hans Kelsen và Harold J. Laski, và có lẽ nhiều luật gia xã hội chủ nghĩa khác và các nhà khoa học xã hội chính trị theo các tác giả có ảnh hưởng này, đã lo làm chính xác điều này. Khá tổng quát, nghiên cứu thêm về các xu hướng đương đại của tư duy và của các định chế đã, có thể, làm tăng sự sợ hãi và lo ngại của tôi. Và cả ảnh hưởng của những tư tưởng xã hội chủ nghĩa lẫn lòng tin ấu trĩ vào những ý định tốt của những người nắm quyền lực chuyên chế đã tăng lên rõ rệt từ khi tôi viết cuốn sách này.

Tôi từ lâu đã bực bội do được biết đến nhiều hơn bởi cái tôi coi như một pamphlet (luận cương ở dạng cuốn sách nhỏ) cho thời đại so với bởi công trình khoa học nghiêm túc của tôi. Sau khi xem xét lại cái tôi đã viết khi đó theo ánh sáng của những nghiên cứu thêm trong ba mươi năm về các vấn đề nảy sinh lúc đó, tôi không còn bực bội nữa. Mặc dù cuốn sách có thể chứa nhiều cái mà tôi không thể, khi tôi viết nó, chứng minh một cách thuyết phục, nó là một nỗ lực chân thật để tìm sự thật cái tôi tin đã tạo ra sự thấu hiểu sẽ giúp ngay cả những người không đồng ý với tôi để tránh những mối hiểm nguy nghiêm trọng.

F. A. HAYEK



Lời nói đầu
Cho lần Xuất bản Bìa mềm 1956

Mặc dù quyển sách này trong những khía cạnh nào đấy có thể đã khác đi nếu tôi đã viết nó lúc ban đầu với chủ ý trước hết cho các độc giả Mĩ, đến nay đối với nó đã quá xác định dù bất ngờ có một chỗ ở nước này để làm cho bất kể việc viết lại nào là thích đáng. Việc xuất bản nó trong một hình thức mới hơn mười năm sau lần xuất hiện đầu tiên, tuy vậy, có lẽ là một cơ hội thích hợp để giải thích mục đích ban đầu của nó và cho vài nhận xét về thành công hoàn toàn bất ngờ và trong nhiều phương diện khá lạ lùng mà nó đã có ở đất nước này.

Cuốn sách đã được viết ở Anh trong những năm chiến tranh và dự định hầu như chỉ dành riêng cho các độc giả Anh. Thực vậy, nó đã nhắm chủ yếu vào một lớp đặc biệt của các độc giả ở Anh. Đã không hề có ý nhạo báng khi tôi đề tặng nó cho “Tất cả Những người Xã hội chủ nghĩa thuộc Mọi Đảng phái”. Nó có nguồn gốc trong nhiều thảo luận mà, trong mười năm trước đó, tôi đã tiến hành với các bạn bè và đồng nghiệp với sự đồng cảm của họ thiên về cánh tả, và chính là tiếp tục các lí lẽ đó mà tôi viết cuốn The Road to Serfdom.

Khi Hitler lên nắm quyền ở Đức, tôi đã dạy ở University of London dăm ba năm, nhưng tôi đã giữ liên hệ mật thiết với công việc ở Lục địa và đã có thể làm như vậy cho đến khi chiến tranh nổ ra. Theo cách đó tôi đã thấy nguồn gốc và sự tiến triển của các phong trào chuyên chế khác nhau là gì, và điều đó làm cho tôi cảm thấy rằng công luận Anh, đặc biệt giữa những người bạn của tôi những người có các quan điểm “tiên tiến” về các vấn đề xã hội, đã hoàn toàn hiểu sai bản chất của các phong trào ấy. Thậm chí trước chiến tranh điều này đã dẫn tôi đến tuyên bố trong một tiểu luận ngắn cái đã trở thành chủ đề trung tâm của cuốn sách này. Nhưng sau khi chiến tranh nổ ra tôi cảm thấy rằng sự hiểu sai phổ biến này về các hệ thống chính trị của các kẻ thù của chúng ta, và cả của đồng minh mới của chúng ta, nước Nga, đã tạo thành một mối nguy hiểm nghiêm trọng phải đương đầu bằng một nỗ lực có hệ thống hơn. Cũng đã khá hiển nhiên rằng bản thân nước Anh sau chiến tranh chắc sẽ thử nghiệm cùng loại chính sách mà tôi tin chắc đã góp phần lớn vào việc phá huỷ tự do ở nơi khác.

Như vậy cuốn sách này dần dần có hình thù như một cảnh báo cho tầng lớp trí thức xã hội chủ nghĩa của nước Anh; với sự trì hoãn không thể tránh khỏi của sản xuất thời chiến, cuối cùng nó xuất hiện ở đó vào đầu mùa xuân 1944. Thời điểm này, tình cờ, cũng sẽ giải thích vì sao tôi đã cảm thấy rằng để có người nghe tôi đã phải tự kiềm chế mình một chút trong các bình luận về chế độ của đồng minh thời chiến của chúng ta và chọn những minh hoạ chủ yếu từ những diễn biến ở Đức.

Có vẻ quyển sách đã xuất hiện vào thời điểm thuận lợi, và tôi có thể cảm thấy hài lòng nhất với thành công mà nó đã có ở nước Anh, thành công, tuy là loại rất khác, về mặt số lượng không nhỏ hơn thành công nó đã có ở Hoa Kì. Nhìn tổng thể, quyển sách được hiểu theo tinh thần nó được viết ra, và lí lẽ của nó đã được nghiên cứu nghiêm túc bởi những người mà cuốn sách chủ yếu nhắm vào. Chỉ trừ một số nhà chính trị nhất định có vị trí lãnh đạo của Công đảng – những người, cứ như thể để tạo một minh hoạ cho những nhận xét của tôi về các xu hướng dân tộc chủ nghĩa của chủ nghĩa xã hội, đã tấn công cuốn sách với lí do nó được viết bởi một người nước ngoài – thái độ chín chắn và tiếp thu, trong đó nhìn chung nó được xem xét bởi các cá nhân những người phải thấy các kết luận của nó đi ngược lại những niềm tin vững chắc nhất của họ, đã gây ấn tượng sâu sắc. Cũng thế với các nước Châu Âu khác nơi cuốn sách rốt cuộc đã xuất hiện; và sự tiếp nhận đặc biệt thân ái bởi thế hệ sau Nazi ở Đức, khi các bản dịch được xuất bản ở Thuỵ Sĩ cuối cùng cũng tới đất nước đó, đã là một trong những niềm vui bất ngờ mà tôi nhận được từ xuất bản phẩm.

Quyển sách đã được tiếp nhận ở Hoa Kì một cách khá khác khi nó được xuất bản ở đây vài tháng sau khi xuất hiện ở Anh. Khi viết tôi đã ít nghĩ đến sự hấp dẫn có thể của nó đối với độc giả Mĩ. Khi đó đã hai mươi năm kể từ khi tôi ở Mĩ lần cuối với tư cách một nghiên cứu sinh, và trong khoảng thời gian ấy tôi có phần đã mất liên hệ với diễn biến của tư tưởng Mĩ. Tôi không thể chắc lí lẽ của tôi có tính thoả đáng trực tiếp đến mức nào với tình hình Mĩ, và tôi đã không hề ngạc nhiên khi quyển sách thực ra đã bị từ chối bởi ba nhà xuất bản đầu tiên được tiếp xúc. Chắc chắn bất ngờ nhất là, sau khi quyển sách được xuất bản bởi nhà xuất bản hiện thời, mau chóng nó bắt đầu được bán với tốc độ hầu như chưa có tiền lệ đối với một cuốn sách loại này, loại không dành cho tiêu thụ đại chúng. Và tôi thậm chí đã ngạc nhiên hơn bởi phản ứng dữ dội từ cả hai cánh chính trị, sự khen ngợi hết lời mà nó nhận được từ một số giới và không ít hơn bởi sự căm tức mà nó dường như đã gây ra trong những giới khác.

Ngược lại với kinh nghiệm của tôi ở Anh, ở Mĩ loại người mà cuốn sách này chủ yếu hướng tới dường như đã bác bỏ nó ngay lập tức như một sự tấn công hiểm độc và gian xảo vào những lí tưởng cao quí nhất của họ; họ dường như chẳng bao giờ dứt ra để nghiên cứu lí lẽ của nó. Ngôn từ được dùng và xúc cảm, được thể hiện trong một số phê bình thù địch hơn mà cuốn sách đã nhận được, quả thực là rất lạ thường. Nhưng hầu như không ít ngạc nhiên đối với tôi là sự hoan nghênh nhiệt liệt cuốn sách bởi nhiều người mà tôi chẳng bao giờ kì vọng họ đọc một cuốn sách loại này- và từ nhiều người hơn mà tôi vẫn ngờ liệu thực ra họ có bao giờ đọc nó. Và tôi phải nói thêm rằng đôi khi cách trong đó nó được dùng làm cho tôi hiểu một cách sinh động sự thật của nhận xét của Lord Acton rằng “bạn bè chân thành của tự do lúc nào cũng hiếm, và những thắng lợi của nó là nhờ thiểu số, thắng thế bằng cách liên hợp mình với những người giúp đỡ có mục tiêu thường khác với mục tiêu riêng của họ; và sự liên hợp này luôn luôn là nguy hiểm, đôi khi thảm khốc”.

Dường như không chắc rằng sự khác biệt rất bất thường này trong tiếp nhận cuốn sách ở hai phía của Đại Tây Dương là hoàn toàn do sự khác biệt về tính khí quốc gia. Từ khi đó tôi ngày càng tin rằng sự lí giải phải nằm ở sự khác biệt của tình hình trí thức tại thời điểm nó xuất hiện. Ở Anh, và nói chung ở Châu Âu, các vấn đề mà tôi thảo luận đã từ lâu không còn là các vấn đề trừu tượng. Các lí tưởng mà tôi khảo sát đã xuống mặt đất từ lâu, và ngay cả những người theo đuổi chúng nhiệt tình nhất đã thấy rồi một số khó khăn và kết quả không mong muốn mà sự áp dụng chúng gây ra. Như thế tôi đã viết về những hiện tượng mà hầu hết các độc giả Châu Âu của tôi đã có kinh nghiệm ít nhiều, và tôi đơn thuần chỉ lập luận một cách có hệ thống và nhất quán những cái mà nhiều người đã cảm nhận một cách trực giác. Đã có sự vỡ mộng đang lan ra về các lí tưởng này, mà việc xem xét phê phán chỉ làm cho chúng được nói toạc ra và rõ ràng hơn.

Ở Hoa Kì, ngược lại, các lí tưởng này vẫn còn mới mẻ và hiểm độc hơn. Mới chỉ mười hoặc mười lăm năm trước – không phải bốn hay năm mươi năm, như ở Anh - phần lớn giới trí thức đã bị tiêm nhiễm. Và, bất chấp thử nghiệm Chính sách Mới*, lòng nhiệt tình của họ với loại xã hội mới được xây dựng một cách hợp lí vẫn phần nhiều chưa bị tai tiếng bởi kinh nghiệm thực tiễn. Cái đối với hầu hết người Châu Âu ở mức độ nào đó đã trở thành vieux jeux (trò chơi cũ) thì đối với những người cấp tiến Mĩ vẫn là hi vọng rực rỡ về một thế giới tốt đẹp hơn cái mà họ đã ôm ấp và nuôi dưỡng trong các năm của Đại Suy Thoái.

Dư luận thay đổi nhanh ở Hoa Kì, và thậm chí ngày nay khó để nhớ một thời tương đối ngắn trước khi The Road to Serfdom xuất hiện rằng kế hoạch hoá kinh tế loại cực đoan nhất đã được chủ trương một cách nghiêm túc và mô hình Nga được đưa ra làm tấm gương để noi theo bởi những người mau chóng đóng vai trò quan trọng trong trong công việc công. Khá dễ để đưa ra bằng chứng cho việc này, nhưng giờ đây sẽ xúc phạm khi nêu tên các cá nhân. Là đủ để kể ra rằng Uỷ Ban Kế hoạch hoá Quốc gia mới được thiết lập năm 1934 chủ yếu được dành cho việc noi gương kế hoạch hoá của bốn nước này: Đức, Ý, Nga, và Nhật Bản. Mười năm sau tất nhiên chúng ta đã học để coi chính những nước này là “chuyên chế”, đã tiến hành cuộc chiến tranh dài với ba trong bốn nước đó, và chẳng mấy chốc bắt đầu chiến tranh lạnh với nước thứ tư. Thế mà luận điểm của cuốn sách này, rằng diễn tiến chính trị trong các nước đó có liên quan gì đấy với các chính sách kinh tế của họ, lại bị bác bỏ một cách phẫn nộ bởi những người chủ trương kế hoạch hoá ở đất nước này. Đột nhiên trở thành mốt để từ chối rằng nguồn cảm hứng kế hoạch hoá đã đến từ Nga và cho rằng, như một nhà phê bình xuất sắc của tôi diễn tả, đó là “một sự thực rõ rệt rằng Ý, Nga, Nhật, và Đức tất cả đã đến chủ nghĩa chuyên chế bằng những con đường hoàn toàn khác nhau”.

Toàn bộ bầu không khí trí tuệ ở Hoa Kì vào lúc The Road to Serfdom xuất hiện như thế đã là một bầu không khí trong đó nó nhất thiết gây ra hoặc sự căm tức tột độ hoặc sự thích thú lớn lao cho các thành viên của các nhóm bị chia rẽ sâu sắc. Vì vậy, bất chấp thành công bề ngoài của nó, cuốn sách đã không có ở đây loại ảnh hưởng mà tôi muốn hoặc như nó đã có ở nơi khác. Đúng là những kết luận chủ yếu của nó ngày nay đã được chấp nhận rộng rãi. Nếu mười hai năm trước dường như đối với nhiều người hầu như là tội phạm huý khi gợi ý rằng chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản chỉ đơn thuần là các biến thể của cùng chủ nghĩa chuyên chế mà kiểm soát tập trung mọi hoạt động kinh tế có xu hướng tạo ra, điều này đã rở thành hầu như tầm thường. Bây giờ thậm chí đã nhận ra một cách rộng rãi rằng chủ nghĩa xã hội dân chủ là một chuyện rất mong manh và không ổn định, đầy rẫy những mâu thuẫn nội bộ và ở mọi nơi tạo ra những kết quả khó chịu nhất đối với cả nhiều người chủ trương nó.

Các bài học từ những sự kiện và thảo luận phổ thông hơn về vấn đề chắc chắn đã gây ra tâm trạng tỉnh táo trên hơn là cuốn sách này. Luận điểm chung của tôi cũng chẳng phải là độc đáo khi nó được xuất bản. Mặc dù những lời cảnh báo tương tự nhưng sớm hơn phần nhiều đã có thể bị lãng quyên, những nguy hiểm vốn có của các chính sách mà tôi phê phán đã được chỉ ra không biết bao nhiêu lần. Bất kể công trạng gì mà cuốn sách này có, không phải là việc nhắc lại luận điểm này mà là sự khảo sát kiên nhẫn và chi tiết về các nguyên nhân vì sao kế hoạch hoá kinh tế sẽ tạo ra những kết quả không trông đợi như vậy và về quá trình mà chúng xảy ra.

Chính vì lí do này mà tôi rất hi vọng rằng thời gian bây giờ có thể là thuận lợi hơn ở Mĩ cho một sự xem xét nghiêm túc lí lẽ thật của quyển sách so với lúc nó xuất hiện lần đầu tiên. Tôi tin rằng cái là quan trọng trong cuốn sách vẫn còn phải làm phận sự của nó, mặc dù tôi thừa nhận rằng chủ nghĩa xã hội nóng hổi mà cuốn sách chủ yếu đối đầu - rằng phong trào có tổ chức hướng tới sự tổ chức có chủ tâm cuộc sống kinh tế bởi nhà nước với tư cách là người chủ sở hữu chính của các tư liệu sản xuất – đã gần như chết ở thế giới Phương Tây. Một thế kỉ của chủ nghĩa xã hội theo ý nghĩa này có lẽ đã kết thúc vào khoảng 1948. Nhiều ảo tưởng của nó đã bị vứt bỏ ngay cả bởi những lãnh tụ của nó, và ở nơi khác cũng như ở Hoa Kì chính cái tên cũng đã mất hầu hết sự hấp dẫn. Không nghi ngờ gì là những cố gắng sẽ được thử để cứu vãn cái tên cho các phong trào ít giáo điều hơn, ít cố chấp hơn, và ít hệ thống hơn. Nhưng một lí lẽ có thể áp dụng chỉ để chống lại các quan niệm dứt khoát ấy về cải cách xã hội đặc trưng cho các phong trào xã hội chủ nghĩa của quá khứ ngày nay có vẻ xem ra như chiến đấu với cối xay gió.

Thế mà, dẫu cho chủ nghĩa xã hội nóng có lẽ là thứ của quá khứ, một số quan niệm của nó đã thấm quá sâu vào toàn bộ cơ cấu tư duy đương thời để thanh minh cho sự tự mãn. Nếu bây giờ ít người ở thế giới Phương Tây muốn xây dựng lại xã hội từ dưới lên theo một kế hoạch nào đấy, rất nhiều người vẫn tin vào những biện pháp, tuy không được thiết kế để tổ chức lại nền kinh tế một cách hoàn toàn, nhưng trong tác động tổng thể lại có thể tạo ra kết quả này một cách không chủ ý. Và, thậm chí còn hơn lúc tôi viết cuốn sách này, sự ủng hộ tích cực các chính sách mà về dài hạn không thể dung hoà với sự bảo tồn của một xã hội tự do, chẳng còn là một vấn đề đảng phái nữa. Món hổ lốn của các lí tưởng xộc xệch và thường không nhất quán dưới cái tên Nhà nước Phúc lợi, về cơ bản đã thay thế chủ nghĩa xã hội như mục tiêu của các nhà cải cách, cần phải được sắp xếp rất cẩn thận nếu muốn kết quả của nó không rất giống với những kết quả của chủ nghĩa xã hội chính thống. Tôi không nói rằng một số mục tiêu của nó là không thực tiễn và không đáng ca ngợi. Nhưng có nhiều cách mà chúng ta có thể tiến tới cùng một mục tiêu, và trong trạng thái dư luận hiện thời có nguy cơ nào đấy là sự nôn nóng muốn đạt kết quả nhanh của chúng ta có thể dẫn chúng ta đến lựa chọn các công cụ, tuy có lẽ hiệu quả hơn để đạt các mục đích đặc biệt, lại không tương hợp với việc duy trì một xã hội tự do. Xu hướng ngày càng tăng để dựa vào sự ép buộc hành chính và sự phân biệt đối xử nơi một sự cải biến qui tắc luật pháp [Pháp Trị] chung (the general rules of law) có thể đạt cùng mục tiêu, có lẽ chậm hơn, và để sử dụng đến kiểm soát nhà nước trực tiếp hoặc để tạo ra các định chế độc quyền nơi sự sử dụng sáng suốt các khích lệ tài chính có thể gây ra các nỗ lực tự phát, vẫn là một di sản mạnh mẽ của thời kì xã hội chủ nghĩa điều chắc sẽ còn ảnh hưởng đến chính sách trong một tương lai dài.

Chính vì trong các năm tới hệ tư tưởng chính trị chắc không hướng tới một mục đích được xác định rõ ràng, mà tới một sự thay đổi dần dần, nên sự hiểu biết đầy đủ về quá trình -mà qua đó những loại biện pháp nào đó có thể phá huỷ các cơ sở của một nền kinh tế dựa trên thị trường và dần dần bóp chết năng lực sáng tạo của một nền văn minh tự do- hiện nay xem ra có tầm quan trọng bậc nhất. Chỉ nếu chúng ta hiểu vì sao và làm sao mà các loại kiểm soát kinh tế nào đấy có xu hướng làm tê liệt các động lực của một xã hội tự do, và các loại biện pháp nào là đặc biệt nguy hiểm trong khía cạnh này, thì chúng ta mới có thể hi vọng rằng thử nghiệm xã hội sẽ không dẫn chúng ta đến các tình thế mà chẳng ai trong chúng ta mong muốn.

Chính định như một đóng góp cho nhiệm vụ này mà cuốn sách được viết ra. Tôi hi vọng rằng ít nhất trong bầu không khí yên tĩnh hơn hiện nay nó sẽ được tiếp nhận như nó đã muốn là, không phải như một sự hô hào phản kháng chống lại bất kể sự cải thiện hoặc thử nghiệm nào, mà như một lời cảnh báo rằng phải nhất quyết là bất kể sự sửa đổi nào trong những dàn xếp của chúng ta phải vượt qua những kiểm tra nhất định (được nêu trong chương trung tâm về Pháp Trị) trước khi chúng ta cam kết theo các hướng mà việc rút lui có thể là khó khăn.

Sự thực rằng cuốn sách này ban đầu được viết ra chỉ chú tâm tới các độc giả Anh không tỏ ra có ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính dễ hiểu của nó với độc giả Mĩ. Nhưng có một điểm về cách viết mà tôi phải giải thích ở đây để chặn trước bất kể sự hiểu lầm nào. Tôi dùng thuật ngữ “tự do –liberal” suốt cuốn sách theo nghĩa gốc, thế kỉ thứ mười chín, theo đó nó vẫn còn thông dụng ở Anh. Trong sử dụng phổ biến của Mĩ nó thường có nghĩa gần như ngược lại. Chính một phần do sự nguỵ trang của các phong trào cánh tả ở đất nước này, được sự ngớ ngẩn của nhiều người thực sự tin vào tự do giúp đỡ, mà “tự do-liberal” trở thành có nghĩa là sự ủng hộ tích cực hầu như mọi loại kiểm soát của chính phủ. Tôi vẫn bối rối vì sao ở Hoa Kì những người thực sự tin vào tự do lại không những đã để cho cánh tả chiếm mất thuật ngữ hầu như không thể thiếu được này, mà thậm chí lại đã giúp bằng cách chính họ sử dụng nó như một từ sỉ nhục. Điều này xem ra đặc biệt đáng tiếc bởi vì do hệ quả của xu hướng mà nhiều người tự do thật sự lại cho mình là bảo thủ.

Tất nhiên, đúng là trong cuộc đấu tranh chống những người tin vào nhà nước toàn năng, người tự do thật sự đôi khi phải vào bè với bảo thủ, và trong một số hoàn cảnh, như ở nước Anh đương đại, anh ta khó có bất kể cách khác nào để hoạt động tích cực vì các lí tưởng của mình. Nhưng chủ nghĩa tự do thực sự vẫn khác biệt với chủ nghĩa bảo thủ, và có nguy cơ là hai thứ bị lẫn lộn. Chủ nghĩa bảo thủ, dẫu cho là một nhân tố cần thiết trong bất kể xã hội ổn định nào, không phải là một chương trình xã hội; trong các xu hướng gia trưởng, dân tộc chủ nghĩa, và sùng bái quyền lực của nó, nó thường gần hơn với chủ nghĩa xã hội hơn là chủ nghĩa tự do thật sự; và với thiên hướng mang tính truyền thống chủ nghĩa, phản trí thức, và thường thần bí của nó, nó sẽ chẳng bao giờ, trừ các giai đoạn vỡ mộng ngắn, hấp dẫn với thanh niên và tất cả những người khác những người tin rằng một số thay đổi là đáng ước ao nếu muốn thế giới này thành một chỗ tốt hơn. Một phong trào bảo thủ, chính do bản chất của nó, nhất thiết phải là người bảo vệ đặc quyền đã được thiết lập và ỷ vào quyền lực của chính phủ để bảo vệ đặc quyền. Cốt lõi của lập trường tự do, tuy vậy, là sự từ chối mọi đặc quyền, nếu đặc quyền được hiểu theo nghĩa gốc và đúng đắn của nó về nhà nước ban và bảo vệ các quyền cho một số mà không có cho những người khác với điều kiện ngang nhau.

Có lẽ cần một lời xin lỗi nữa vì tôi để cuốn sách tái xuất hiện ở dạng hoàn toàn không thay đổi sau gần mười hai năm đã trôi qua. Tôi đã nhiều lần định xem lại nó, và có nhiều điểm tôi muốn giải thích kĩ hơn hoặc phát biểu thận trọng hơn hoặc củng cố bằng nhiều minh hoạ và chứng minh hơn. Nhưng mọi nỗ lực viết lại chỉ chứng tỏ rằng tôi chẳng bao giờ có thể tạo ra một cuốn sách ngắn như thế bao hàm được nhiều lĩnh vực như thế nữa; và dường như đối với tôi, bất kể giá trị nào khác nó có thể có, sự ngắn gọn tương đối là giá trị lớn nhất của nó. Như thế tôi buộc phải đi đến kết luận rằng bất kể thứ gì tôi muốn thêm vào tôi phải thử trong những nghiên cứu tách biệt. Tôi đã bắt đầu làm thế trong những tiểu luận khác nhau, một vài trong số đó cung cấp một thảo luận khám phá hơn cho những vấn đề triết học và kinh tế nhất định mà cuốn sách này chỉ chạm đến. Vấn đề đặc biệt về nguồn gốc của những tư tưởng bị phê phán ở đây và sự liên kết của chúng với một số xu hướng trí tuệ mạnh mẽ và ấn tượng nhất của thời đại này, được tôi bình luận trong một tập sách khác. Và chẳng bao lâu nữa tôi hi vọng sẽ bổ sung chương trung tâm quá ngắn của cuốn sách này bằng một thảo luận kĩ hơn, rộng hơn về quan hệ giữa bình đẳng và công bằng.

Tuy vậy, còn một đề tài riêng mà độc giả sẽ chờ đợi tôi bình luận vào dịp này, thế mà tôi có thể thảo luận thậm chí ít thoả đáng mà không viết lại cuốn sách. Chỉ hơn một năm sau khi The Road to Serfdom xuất hiện lần đầu tiên, nước Anh có một chính phủ xã hội chủ nghĩa và đã nắm quyền sáu năm. Và câu hỏi, kinh nghiệm này đã xác nhận hay bác bỏ sự lĩnh hội của tôi đến mức nào, là câu hỏi mà tôi phải thử trả lời ít nhất một cách ngắn gọn. Có thể, kinh nghiệm này đã tăng cường nỗi lo của tôi và, tôi tin tôi có thể nói thêm, đã cho thấy thực tế đầy khó khăn mà tôi đã chỉ ra cho nhiều người đối với họ một lí lẽ trừu tượng sẽ chẳng bao giờ có tính thuyết phục. Thực vậy, không lâu sau khi chính phủ Công đảng lên nắm quyền một số vấn đề mà các bài phê bình ở Mĩ nêu qua loa như ma quái đã trở thành các chủ đề chính của thảo luận chính trị ở Anh. Chẳng mấy chốc thậm chí các tài liệu chính thức cũng bàn cãi nghiêm túc về mối nguy hiểm của chủ nghĩa chuyên chế do chính sách kế hoạch hoá kinh tế gây ra. Không có minh hoạ nào, về cách trong đó lôgic nội tại của các chính sách của họ đã buộc một chính phủ xã hội chủ nghĩa bất đắc dĩ đến loại ép buộc mà nó không thích, tốt hơn so với đoạn dưới đây trong Báo cáo Kinh tế cho 1947 (mà Thủ tướng trình bày trước Quốc hội vào tháng Hai năm đó) và kết luận của nó:

Có một sự khác biệt căn bản giữa kế hoạch hoá chuyên chế và dân chủ. Kế hoạch hoá chuyên chế đặt mọi nguyện vọng và sở thích cá nhân xuống dưới yêu cầu của Nhà nước. Cho mục đích này nó sử dụng các phương pháp khác nhau cưỡng bách cá nhân, tước đoạt quyền tự do lựa chọn của cá nhân. Những phương pháp như vậy có thể là cần thiết ngay cả trong một nước dân chủ trong thời kì khẩn cấp của một cuộc chiến tranh lớn. Như vậy người dân Anh đã cho Chính phủ thời chiến của mình quyền lực điều động nhân công. Nhưng trong thời gian bình thường nhân dân của một nước dân chủ sẽ không từ bỏ quyền tự do của mình cho Chính phủ của họ. Một Chính phủ dân chủ vì vậy phải tiến hành kế hoạch hoá của mình theo cách bảo đảm bảo quyền tự do lựa chọn ở mức tối đa có thể cho các công dân cá thể của mình.

Điểm lí thú về lời tuyên bố những ý định đáng ca tụng này là sáu tháng sau cũng chính chính phủ đó thấy mình trong thời bình buộc phải đưa chế độ cưỡng bức lao động trở lại vào sách luật. Nó hầu như không làm giảm tầm quan trọng của điều này khi được chỉ ra rằng quyền lực đã chẳng bao giờ được dùng bởi vì, nếu biết rằng các nhà chức trách có quyền ép buộc, thì ít người sẽ chờ đợi sự cưỡng bức thực sự. Nhưng thật khó để thấy làm sao chính phủ có thể bám lấy ảo tưởng khi cũng trong chính tài liệu đó nó đòi hỏi rằng bây giờ là lúc để “Chính phủ nói cái gì là cách sử dụng tốt nhất các nguồn lực cho lợi ích quốc gia” và để “đề ra nhiệm vụ kinh tế cho quốc gia: nó phải quyết định những cái gì là quan trọng nhất và các mục tiêu nào của chính sách phải là”.

Tất nhiên, sáu năm của chính phủ xã hội chủ nghĩa ở Anh đã không tạo ra bất kể cái gì giống nhà nước chuyên chế. Nhưng những người lí luận rằng điều này đã bác bỏ luận đề của The Road to Serfdom đã thực ra không hiểu một trong những điểm chính của nó: rằng sự thay đổi quan trọng nhất mà sự kiểm soát rộng lớn của chính phủ tạo ra là một sự thay đổi tâm lí, một sự thay đổi trong tính cách người dân. Điều này nhất thiết là công việc chậm chạp, một quá trình kéo dài không phải vài năm mà có lẽ một hoặc hai thế hệ. Điểm quan trọng là các lí tưởng chính trị của nhân dân và thái độ của nó đối với nhà chức trách vừa là ảnh hưởng vừa là nguyên nhân của các định chế chính trị mà nhân dân sống dưới đó. Điều này có nghĩa, giữa các thứ khác, là thậm chí một truyền thống mạnh về tự do chính trị cũng không là cái che chở nếu mối hiểm nguy chính xác là các định chế và chính sách mới sẽ dần dần làm xói mòn và huỷ hoại tinh thần đó. Tất nhiên có thể ngăn chặn các hệ quả nếu tinh thần đó tự khẳng định mình kịp thời và nhân dân không những lật đổ đảng đã dẫn họ đi xa hơn và xa hơn nữa theo hướng nguy hiểm mà cũng nhận ra bản chất của mối nguy hiểm và quyết tâm thay đổi đường lối của họ. Còn chưa có nhiều cơ sở để tin rằng điều sau đã xảy ra ở nước Anh.

Tuy nhiên sự thay đổi đã xảy ra về tính cách của nhân dân Anh, không chỉ dưới chính phủ Công đảng mà cả trong tiến trình của giai đoạn lâu hơn nhiều trong đó dân Anh đã hưởng những phúc lành của một nhà nước phúc lợi gia trưởng, khó có thể nhầm. Những thay đổi này là không dễ minh hoạ nhưng cảm nhận được rõ ràng nếu sống ở nước Anh. Để minh hoạ, tôi sẽ trích vài đoạn quan trọng từ một nghiên cứu xã hội học khảo sát tác động của quá nhiều qui chế lên thái độ tâm thần của thanh niên. Nó liên quan đến tình trạng trước khi chính phủ Công đảng lên nắm quyền, thực ra, vào thời gian khi cuốn sách này được xuất bản lần đầu tiên, và khảo sát chủ yếu các ảnh hưởng của các qui chế thời chiến mà chính phủ Công đảng làm cho vĩnh cửu:

Quan trọng trên hết trong thành phố là phạm vi tuỳ chọn, không bắt buộc được cảm thấy bị teo đi chẳng còn gì. Trong trường học, ở nơi làm việc, trong hành trình tới lui, thậm chí trong cả trang bị và sắp đặt nhà ở, nhiều hoạt động bình thường ra là có thể đối với con người thì hoặc bị cấm hoặc buộc phải làm. Các cơ quan đặc biệt, được gọi là các Văn phòng Khuyên bảo Công dân, được lập ra để hướng dẫn người lạc xuyên qua rừng rậm của các qui tắc, và để chỉ cho người kiên trì các khoảng rừng trống mà một cá nhân vẫn có thể có một lựa chọn… [Gã nhóc thành thị được huấn luyện để] có phản xạ có điều kiện không xê dịch một ngón tay mà trước tiên không dẫn chiếu về mặt tâm trí tới kinh sách. Quĩ thời gian của một thanh niên thành thị bình thường cho một ngày làm việc bình thường sẽ cho thấy nó mất rất nhiều thời gian miễn cưỡng làm những việc đã được xác định trước cho nó bởi các chỉ dẫn mà việc định khung khổ của chúng nó chẳng có phần nào, mà ý định chính xác của chúng nó hiếm khi hiểu, và tính thích đáng của chúng nó không thể phán xét…Suy ra kết luận rằng cái mà gã nhóc thành thị cần là kỉ luật hơn và kiểm soát chặt hơn là quá vội vã. Gần mục tiêu hơn, chính xác hơn, khi nói rằng nó chịu đựng kiểm tra quá mức rồi…Quan sát cha mẹ, các anh hoặc chị nó, nó thấy họ cũng bị cột vào các qui chế như bản thân nó. Nó thấy họ thích nghi với trạng thái đó đến mức họ hiếm khi lên kế hoạch và thực hiện với nghị lực riêng của họ bất kể thử nghiệm hoặc việc táo bạo mới về mặt xã hội. Nó như thế nhìn ra phía trước chẳng thấy giai đoạn tương lai nào mà ở đó khả năng mạnh mẽ về trách nhiệm sẽ chắc có ích cho nó hoặc cho người khác… [Những người trẻ] buộc phải cam chịu quá nhiều kiểm soát bên ngoài, và vì dường như đối với chúng là sự kiểm soát vô nghĩa, nên chúng tìm kiếm sự trốn thoát và cố lấy lại ở một trạng thái không có kỉ luật một cách hoàn toàn như chúng có thể làm.

Thật quá bi quan để sợ rằng một thế hệ trưởng thành dưới các điều kiện này không chắc sẽ vất bỏ xiềng xích mà họ đã quen rồi? Hoặc mô tả này không đúng hơn là xác nhận hoàn toàn tiên đoán của De Tocqueville về “tình trạng nô lệ loại mới”

sau khi đã tóm lấy mỗi thành viên của cộng đồng dưới quyền lực hùng mạnh của nó, và nhào nặn anh ta một cách tuỳ ý, quyền lực tối cao sau đó dương tay ra tóm toàn bộ cộng đồng. Nó bao phủ bề mặt của xã hội bằng một mạng lưới các qui tắc nhỏ phức tạp, chi li và cùng một kiểu, qua đó những người có trí tuệ độc đáo nhất và có tính cách năng động nhất cũng không thể xuyên qua để vượt lên trên đám đông. Ý chí của con người không bị phá huỷ hoàn toàn, mà được làm mềm đi, được nắn cong và được hướng dẫn; nó hiếm khi buộc những con người hành động, nhưng họ liên tục bị kiềm chế khỏi hành động. Một quyền lực như vậy không phá huỷ, nhưng nó ngăn cản sự tồn tại; nó không cai trị một cách hung tàn, nhưng nó đè nén, làm kiệt sức, làm lu mờ, và làm u mê một dân tộc, cho đến khi mỗi quốc gia bị sa sút thành chẳng gì hơn một bầy động vật công nghiệp nhút nhát, mà chính phủ là người chăn dắt. – Tôi đã luôn luôn nghĩ rằng tình trạng nô lệ loại chính qui, yên lặng, và dịu dàng đó, loại tôi vừa mô tả, có thể được kết hợp dễ dàng hơn so với người ta thường tin với một số dạng bề ngoài nào đó của quyền tự do và rằng nó có thể thậm chí được thiết lập dưới sự giúp đỡ của chủ quyền nhân dân”.

Cái mà De Tocqueville đã không xét đến là một chính phủ như vậy tồn tại được bao lâu trong tay những kẻ bạo chúa nhân từ khi dễ hơn nhiều đối với bất kể nhóm lưu manh nào để nắm quyền lực vô hạn độ bằng cách không đếm xỉa đến mọi lễ tiết truyền thống của cuộc sống chính trị.

Có lẽ tôi cũng phải nhắc nhở độc giả rằng tôi đã chẳng bao giờ lên án các đảng xã hội chủ nghĩa vì chủ ý hướng tới một chế độ chuyên chế hoặc thậm chí nghi ngờ rằng các nhà lãnh đạo của các phong trào xã hội chủ nghĩa cũ đã bao giờ chứng tỏ có thiên hướng như vậy. Cái mà tôi biện luận trong cuốn sách này, và cái mà kinh nghiệm ở Anh thuyết phục tôi lại còn đúng hơn, là những hậu quả không lường trước nhưng không thể tránh khỏi của kế hoạch hoá xã hội chủ nghĩa tạo ra một trạng thái trong đó, nếu chính sách được theo đuổi, các thế lực chuyên chế sẽ thắng thế. Tôi nhấn mạnh một cách dứt khoát rằng “chủ nghĩa xã hội có thể được đưa vào thực tiễn chỉ bằng các phương pháp mà hầu hết các nhà xã hội chủ nghĩa không tán thành” và thậm chí nói thêm rằng “các đảng xã hội chủ nghĩa cũ bị kiềm chế bởi các lí tưởng dân chủ của họ” và rằng “họ đã không có tính tàn nhẫn cần thiết cho việc thực hiện nhiệm vụ đã được chọn của mình”. Tôi sợ ấn tượng mà ta nhận được dưới chính phủ Công đảng là những sự kiềm chế này có lẽ yếu hơn giữa những người xã hội chủ nghĩa Anh so với họ đã có giữa những người đồng chí xã hội chủ nghĩa Đức của họ hai mươi lăm năm trước. Chắc chắn những người Dân chủ Xã hội Đức, trong giai đoạn có thể so sánh của các năm 1920, dưới các điều kiện kinh tế ngang nhau hoặc khó khăn hơn, đã chẳng bao giờ đến gần kế hoạch hoá chuyên chế như chính phủ Công đảng Anh đã làm.

Vì ở đây tôi không thể khảo sát chi tiết ảnh hưởng của các chính sách này, thay vào đó tôi sẽ trích dẫn tóm tắt đánh giá của những nhà quan sát khác mà họ có thể ít bị nghi ngờ về các định kiến. Một số lời nguyền rủa nhất, thực ra, lại từ những người không lâu trước đây là các đảng viên của Công Đảng. Như thế ông Ivor Thomas, trong một cuốn sách hiển nhiên dùng để giải thích vì sao ông đã từ bỏ đảng đó, đã đến kết luận rằng “nhìn từ quan điểm các quyền tự do cơ bản của con người chẳng có mấy lựa chọn giữa chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội, và chủ nghĩa xã hội quốc gia. Chúng đều là các thí dụ của nhà nước tập thể hoặc chuyên chế… trong bản chất của nó không chỉ chủ nghĩa xã hội được hoàn tất là hệt như chủ nghĩa cộng sản mà chẳng khác mấy chủ nghĩa phát xít”.

Tiến triển nghiêm trọng nhất là sự gia tăng mức độ cưỡng bức hành chính độc đoán và sự phá huỷ ngày càng tăng của nền tảng tự do Anh yêu dấu, của Rule of Law (Pháp Trị), vì lí do chính xác như được thảo luận ở đây trong chương sáu. Quá trình này tất nhiên đã bắt đầu từ lâu trước khi chính phủ Công đảng vừa qua lên cầm quyền và đã được chiến tranh làm nổi bật. Nhưng những nỗ lực để kế hoạch hoá kinh tế dưới chính phủ Công đảng đã đạt đến một điểm làm cho thật đáng ngờ là liệu có thể nói rằng Pháp Trị vẫn còn thịnh hành ở Anh. “Chế độ Chuyên quyền Mới” mà một Ngài Chánh Án Tối cao đã cảnh báo người Anh từ hai mươi lăm năm trước, như tờ báo The Economist gần đây đã nhận xét, không còn chỉ là mối nguy hiểm mà là một sự thực thật đã được xác lập. Đó là một chế độ chuyên chế được một bộ máy quan liêu rất có ý thức và chân thật sử dụng cho cái mà họ chân thành tin rằng là điều tốt cho đất nước. Nhưng tuy vậy nó là một chính phủ độc đoán, trong thực tiễn không bị kiểm soát hữu hiệu của quốc hội; và bộ máy của nó có thể hữu hiệu cho bất kể việc gì khác trừ cho các mục đích từ tâm mà vì chúng, nó được sử dụng hiện nay. Tôi hoài nghi là liệu có thổi phồng quá không khi mới đây một luật gia nổi tiếng Anh, trong một phân tích kĩ lưỡng các xu hướng này, đã đi đến kết luận rằng “ở nước Anh ngày nay, chúng ta sống bên lề của chế độ độc tài. Sự chuyển đổi sẽ là dễ dàng, mau lẹ, và có thể được thực hiện một cách hoàn toàn hợp pháp. Rất nhiều bước đã được tiến hành theo hướng này, do tính trọn vẹn của quyền lực bị chiếm hữu bởi Chính phủ ngày nay, và do thiếu bất kể sự kiểm soát nào như các điều khoản thành văn của hiến pháp hoặc sự tồn tại của một Viện thứ hai, rằng các bước còn cần phải làm là nhỏ trong so sánh”.

Về một phân tích chi tiết của các chính sách kinh tế của chính phủ Công đảng Anh và những hệ quả của nó, tôi không thể làm hay hơn là dẫn chiếu độc giả đến công trình Ordeal by Planning của Giáo sư John Jewkes (London: Macmillan &Co., 1948). Đó là thảo luận hay nhất, mà tôi biết, về trường hợp cụ thể của các hiện tượng được thảo luận dưới dạng tổng quát ở cuốn sách này. Nó bổ sung cho cuốn sách tốt hơn bất kể thứ gì tôi có thể đưa thêm ở đây và giải thích rõ ràng bài học mà tầm quan trọng của nó vượt xa ngoài Vương Quốc Anh.

Dường như không chắc, ngay cả khi một chính phủ Công đảng khác lên nắm quyền ở Vương Quốc Anh, là nó sẽ tiếp tục những thử nghiệm quốc hữu hoá và kế hoạch hoá ở qui mô lớn. Nhưng ở Anh, như ở các nơi khác trên thế giới, việc đánh bại cuộc tấn công quyết liệt của chủ nghĩa xã hội có hệ thống chỉ thuần tuý cho những người lo lắng bảo vệ quyền tự do một chỗ nghỉ xả hơi trong đó để xem xét lại những tham vọng của chúng ta và để vất bỏ mọi phần của di sản xã hội chủ nghĩa những phần là nguy hiểm cho một xã hội tự do. Không có một sự quan niệm lại như vậy về các mục tiêu xã hội của chúng ta, chúng ta chắc sẽ tiếp tục trôi dạt theo cùng một hướng trong đó chủ nghĩa xã hội hoàn toàn đã chỉ mang chúng ta đi nhanh hơn một chút.

F. A. Hayek

Lời nói đầu
Cho lần Xuất bản 1944

Khi một nhà nghiên cứu chuyên nghiệp về các vấn đề xã hội viết một quyển sách chính trị, nghĩa vụ đầu tiên của anh ta là nói thẳng thắn như vậy. Tôi không muốn che dấu điều này bằng mô tả nó, như tôi có lẽ có thể làm, bằng một cái tên tao nhã và tham vọng hơn của một tiểu luận về triết học xã hội. Nhưng, bất luận tên là gì, điểm căn bản vẫn là tất cả những cái tôi muốn nói xuất phát từ những giá trị cuối cùng nhất định. Tôi hi vọng đã làm tròn một cách thoả đáng trong chính cuốn sách một nghĩa vụ thứ hai không kém quan trọng: làm rõ không chút nghi ngờ những giá trị cuối cùng này là gì mà trên đó toàn bộ lí lẽ phụ thuộc vào.

Tuy vậy, có một thứ mà tôi muốn thêm vào điều này. Mặc dù đây là một quyển sách chính trị, tôi chắc chắn cũng như bất kể ai có thể chắc rằng những niềm tin được trình bày trong đó không được xác định bởi những lợi ích cá nhân của tôi. Tôi thấy chẳng có lí do vì sao loại xã hội xem ra đáng mong muốn với tôi lại phải cho tôi những lợi thế lớn hơn so với đại đa số nhân dân nước tôi. Thực ra, các đồng nghiệp xã hội chủ nghĩa của tôi đã luôn nói với tôi rằng với tư cách một nhà kinh tế học tôi phải chiếm một địa vị quan trọng hơn nhiều trong loại xã hội mà tôi phản đối - với điều kiện, tất nhiên, là tôi có thể làm cho mình chấp nhận quan điểm của họ. Tôi cảm thấy cũng chắc chắn rằng sự phản đối của tôi đối với những quan điểm này không phải do chúng khác với những quan điểm mà với chúng tôi đã trưởng thành, bởi vì chúng chính là những quan điểm mà tôi đã có khi là một thanh niên và chúng đã dẫn tôi chọn nghiên cứu kinh tế học làm nghề của mình. Đối với những người, theo mốt hiện thời, tìm kiếm các động cơ vụ lợi trong mọi phát biểu quan niệm chính trị, cho tôi nói thêm rằng tôi có mọi lí do khả dĩ để không viết hoặc công bố cuốn sách này. Nó chắn chắc làm nhiều người khó chịu mà với họ tôi muốn sống hữu hảo; nó đã buộc tôi xếp sang một bên công việc mà tôi cảm thấy có khả năng hơn và tôi cho nó một tầm quan trọng lớn hơn về dài hạn; và trên hết, chắc chắn làm hại đến sự tiếp thu những kết quả của công trình học thuật chặt chẽ hơn mà mọi thiên hướng của tôi đều hướng tới.

Nếu bất chấp điều này tôi đã đi đến coi việc viết cuốn sách này như một nghĩa vụ mà tôi không thể lẩn tránh, điều này chủ yếu do một nét lạ kì và nghiêm trọng của những thảo luận về các vấn đề của chính sách kinh tế tương lai tại thời điểm hiện nay, mà về nó công chúng chắc chắn không nhận thức đủ. Đây là sự thật rằng đa số các nhà kinh tế học vài năm nay được hấp thu vào bộ máy chiến tranh, và phải im do các vị trí chính thống của họ, và vì thế công luận về các vấn đề này ở mức đáng lo ngại bị hướng dẫn bởi những kẻ nghiệp dư và lập dị, bởi những người có mục đích cá nhân phải đạt hoặc những lang băm có thuốc trị bách bệnh để bán. Trong những hoàn cảnh này, người vẫn có thời gian rỗi cho công việc văn chương khó để giữ cho mình những sự lĩnh hội mà những xu hướng hiện hành phải tạo ra trong đầu óc nhiều người, những người không thể công khai trình bày chúng – tuy trong các hoàn cảnh khác tôi vui lòng để việc thảo luận các vấn đề chính sách quốc gia cho những người cả có thẩm quyền hơn lẫn có khả năng hơn về công việc này.

Lí lẽ chính của cuốn sách này được phác hoạ lần đầu trong một bài báo có nhan đề “Freedom and the Economic System” xuất hiện trong Contemporary Review tháng Tư, 1938, và sau đó được in lại ở dạng mở rộng hơn như một trong những “Public Policy Pamphlets” do Giáo sư H. D. Gideonse chủ biên cho University of Chicago Press (1939). Tôi cảm ơn các chủ biên và các nhà xuất bản của cả hai xuất bản phẩm này đã cho phép sao lại những đoạn nhất định từ chúng.
F. A. HAYEK

Dẫn Nhập

Ít phát kiến gây tức tối nhiều hơn
những cái phơi bày phả hệ của các tư tưởng
- Lord Acton

Các sự kiện đương thời khác lịch sử ở chỗ chúng ta không biết những kết quả mà chúng sẽ tạo ra. Nhìn lại, chúng ta có thể đánh giá tầm quan trọng của các sự cố quá khứ và lần ra các hệ quả mà chúng đã mang theo trong dòng chảy của chúng. Nhưng trong khi lịch sử tiến triển, nó không phải là lịch sử đối với chúng ta. Nó dẫn chúng ta đến miền đất lạ chưa được biết, và chỉ hiếm khi chúng ta có thể nhìn lướt qua cái ở phía trước. Sẽ là khác nếu giả như chúng ta được sống lần thứ hai qua cùng các sự kiện với tất cả kiến thức về cái chúng ta đã thấy trước đó. Các thứ sẽ hiện ra khác đến thế nào đối với chúng ta; những thay đổi sẽ có vẻ quan trọng và thường kinh sợ đến thế nào mà hiện nay chúng ta hiếm khi để ý! Có lẽ may mắn là con người chẳng bao giờ có trải nghiệm này và không biết các qui luật mà lịch sử phải tuân theo.

Thế mà, dẫu lịch sử chẳng bao giờ hoàn toàn tự lặp lại mình, và chính vì chẳng diễn biến nào là không thể tránh khỏi, trong một mức độ chúng ta có thể học từ quá khứ để loại trừ sự lặp lại của cùng một quá trình. Không cần phải là một nhà tiên tri để biết về những mối hiểm nguy sắp xảy ra. Một sự kết hợp tình cờ của kinh nghiệm và sự quan tâm sẽ thường tiết lộ các sự kiện cho một người dưới những khía cạnh mà ít người thấy.

Các trang tiếp theo là sản phẩm của một sự trải nghiệm khá gần như sống hai lần trong cùng một thời kì - hoặc ít nhất như quan sát hai lần sự tiến hoá tương tự của các tư tưởng. Trong khi đây là một kinh nghiệm không chắc nhận được trong một nước, trong những hoàn cảnh nhất định nó có thể nhận được bằng cách sống luân phiên trong thời gian dài ở các nước khác nhau. Mặc dù những ảnh hưởng mà xu hướng tư tưởng lệ thuộc vào trong hầu hết các quốc gia văn minh phần lớn là giống nhau, chúng không nhất thiết hoạt động đồng thời hoặc với cùng tốc độ. Thư thế, bằng cách di chuyển từ một nước sang nước khác, đôi khi có thể quan sát hai lần các pha giống nhau của sự phát triển trí tuệ. Các giác quan khi đó trở nên đặc biệt sắc bén. Khi ta nghe lần thứ hai các ý kiến được bày tỏ hoặc các biện pháp được chủ trương mà ta đã gặp hai mươi hoặc hai mươi lăm năm trước, chúng mang một ý nghĩa mới như những triệu chứng của một xu hướng xác định. Chúng gợi ý, nếu không nhất thiết, thì ít nhất với xác suất, rằng sự phát triển sẽ có diễn tiến tương tự.

Bây giờ cần nói rõ sự thật khó chịu là chúng ta đang có nguy cơ lặp lại số phận của nước Đức. Đúng là nguy cơ không ngay trước mắt, và các điều kiện ở Anh và Hoa Kì vẫn còn xa các điều kiện có thể thấy trong các năm gần đây ở Đức làm cho khó tin rằng chúng ta đang đi theo cùng một hướng. Thế mà, dẫu đường có dài, đó chính là con đường mà khi tiến lên thì trở nên khó hơn để quay lại. Nếu trong dài hạn chúng ta là những người tạo ra số phận của riêng mình, trong ngắn hạn chúng ta là tù nhân của các tư tưởng mà chúng ta đã tạo ra. Chỉ nếu chúng ta nhận ra mối nguy hiểm kịp thời chúng ta mới có thể hi vọng ngăn chặn nó.
Không phải là nước Đức của Hitler, nước Đức của cuộc chiến hiện thời, là nước mà Anh và Hoa Kì giống chút nào. Nhưng các nhà nghiên cứu các luồng tư tưởng khó có thể không nhận thấy rằng có nhiều hơn một sự giống nhau bề ngoài giữa xu hướng tư tưởng ở Đức trong và sau cuộc chiến tranh vừa qua và luồng tư tưởng hiện thời trong các nền dân chủ. Hiện nay ở các nước này rõ ràng có cùng một quyết tâm rằng tổ chức quốc gia đã đạt được cho các mục đích quốc phòng sẽ được duy trì cho các mục đích sáng tạo. Có cùng sự khinh bỉ đối với chủ nghĩa tự do thế kỉ thứ mười chín, có cùng “chủ nghĩa hiện thực” giả mạo và thậm chí thái độ trơ trẽn, có cùng sự chấp nhận theo định mệnh các “xu hướng không thể tránh khỏi”. Và ít nhất chín trong mười bài học mà các nhà cải cách to tiếng nhất của chúng ta rất mong muốn chúng ta phải học từ cuộc chiến tranh này chính xác là các bài học mà những người Đức đã học từ cuộc chiến tranh trước và những bài học đó đã phần nhiều tạo ra hệ thống Nazi. Chúng ta sẽ có cơ hội trong tiến trình của cuốn sách này để chứng tỏ rằng có nhiều điểm khác mà, với khoảng thời gian mười lăm đến hai mươi năm, chúng ta dường như theo tấm gương của nước Đức. Mặc dù người ta không thích bị nhắc nhở, không phải từ nhiều năm chính sách xã hội chủ nghĩa của nước đó đã được những người cấp tiến đưa ra như một tấm gương để noi theo, hệt như trong các năm gần đây Thuỵ Điển đã là nước kiểu mẫu mà những con mắt cấp tiến hướng vào. Tất cả những ai mà kí ức quay lại xa hơn đều biết, ít nhất trong một thế hệ trước chiến tranh vừa qua, tư tưởng Đức và thực tiễn Đức đã ảnh hưởng sâu sắc ra sao đến các lí tưởng và chính sách ở Anh và, trong một chừng mực, ở Hoa Kì.

Tác giả đã sống khoảng nửa cuộc đời trưởng thành của mình ở nước Áo quê hương, trong quan hệ mật thiết với đời sống trí tuệ Đức, và một nửa ở Hoa Kì và Anh. Trong giai đoạn sau ông càng ngày càng tin rằng ít nhất một số lực lượng, những cái đã tiêu diệt quyền tự do ở Đức, cũng hoạt động ở đây và rằng đặc điểm và nguồn gốc của mối hiểm nguy này, nếu có thể, thậm chí còn ít được hiểu hơn ở đây so với ở Đức trước kia. Thảm kịch lớn nhất là vẫn chưa nhận ra rằng ở Đức đã chủ yếu là những người lương thiện, những người được hâm mộ và được coi là các tấm gương trong các nước dân chủ, những người đã dọn đường cho, nếu họ không thực sự tạo ra, các lực lượng mà bây giờ đại diện cho tất cả mọi thứ họ ghê tởm. Song cơ may của chúng ta để ngăn chặn một số phận tương tự phụ thuộc vào sự đối mặt của chúng ta với mối hiểm nguy và vào sự chuẩn bị của chúng ta để xét lại ngay cả những hi vọng và tham vọng yêu mến nhất của mình nếu chúng tỏ ra là nguồn gốc của mối nguy hiểm. Vẫn còn có ít dấu hiệu rằng chúng ta đã có dũng khí trí tuệ để thú nhận với chính mình rằng có thể chúng ta đã sai. Ít người sẵn sàng thừa nhận rằng căn nguyên của chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa Nazi không phải là một phản ứng chống lại các khuynh hướng xã hội chủ nghĩa của thời kì trước đó mà chính là một kết quả tất yếu của các xu hướng ấy. Đây là một sự thật mà hầu hết người dân không muốn nhận ra ngay cả khi những sự giống nhau của nhiều đặc điểm kinh tởm của các chế độ nội tại ở nước Nga Cộng sản và nước Đức Xã hội chủ nghĩa Quốc gia (Quốc Xã) được thừa nhận rộng rãi. Như một kết quả, nhiều người tự nghĩ là mình vô cùng ưu việt hơn sự khác thường của chủ nghĩa Nazi, và thật lòng căm ghét mọi biểu hiện của nó, lại đồng thời hoạt động cho các lí tưởng mà sự thực hiện chúng sẽ dẫn thẳng đến sự chuyên chế ghê tởm.

Tất cả những so sánh giữa những diễn biến ở các nước khác nhau, tất nhiên, là dễ gây hiểu lầm; nhưng tôi không đặt cơ sở cho lí lẽ của mình chủ yếu trên những so sánh như vậy. Tôi cũng chẳng lập luận rằng những diễn biến này là không thể tránh khỏi. Nếu giả như chúng là, thì chẳng có lí do gì để viết cuốn sách này. Chúng có thể được ngăn chặn nếu người dân nhận ra kịp thời xem các nỗ lực của họ có thể dẫn tới đâu. Nhưng cho đến mãi gần đây có ít hi vọng rằng bất kể nỗ lực nào nhằm làm cho họ thấy mối hiểm nguy sẽ thành công. Tuy vậy, dường như, bây giờ thời gian đã chín muồi cho một thảo luận đầy đủ hơn toàn bộ vấn đề. Không chỉ là vấn đề bây giờ đã được nhận ra một cách rộng rãi; cũng còn có các lí do đặc biệt mà vào lúc này trở nên cấp bách để chúng ta phải đối mặt với các vấn đề một cách kiên quyết.

Có lẽ, sẽ có ý kiến rằng đây không phải lúc để nêu một vấn đề mà dư luận mâu thuẫn gay gắt. Nhưng chủ nghĩa xã hội mà chúng ta nói đến không phải là chuyện đảng phái, và các vấn đề mà chúng ta thảo luận chẳng mấy liên quan đến các vấn đề tranh chấp giữa các đảng chính trị. Nó không ảnh hưởng đến vấn đề rằng các nhóm nào đấy có thể muốn ít chủ nghĩa xã hội hơn các nhóm khác; rằng một số muốn chủ nghĩa xã hội chủ yếu vì lợi ích của một nhóm và số khác vì lợi ích của nhóm khác. Điểm quan trọng là, nếu chúng ta lấy ra những người mà quan điểm của họ ảnh hưởng đến phát triển, họ hiện nay trong các nền dân chủ, ở một mức độ nào đó, đều là những người xã hội chủ nghĩa. Nếu không còn là mốt nữa để nhấn mạnh “chúng ta bây giờ đều là những người xã hội chủ nghĩa”, điều này là vậy thuần tuý vì sự thực là quá hiển nhiên. Hiếm có ai nghi ngờ rằng chúng ta phải tiếp tục tiến đến chủ nghĩa xã hội, và hầu hết người dân chỉ cố làm trệch phong trào này theo quyền lợi của một giai cấp hoặc nhóm riêng biệt.

Chính bởi vì gần như mọi người muốn nó mà chúng ta đang tiến theo hướng này. Chẳng có sự thực khách quan nào làm cho nó thành không thể tránh khỏi. Muộn hơn chúng ta sẽ phải nói gì đó về tính không thể tránh khỏi của “lập kế hoạch”, cái được cho là đúng. Vấn đề chính là phong trào này sẽ dẫn chúng ta tới đâu. Không thể xảy ra là, nếu những người, mà niềm tin của họ hiện nay cho nó một xung lực hấp dẫn không thể cưỡng lại được, bắt đầu nhìn ra cái mà chỉ ít người hiểu, thoái lui trong nỗi kinh hoàng và từ bỏ sự tìm kiếm đã thu hút bao nhiêu người lương thiện suốt nửa thế kỉ? Những niềm tin chung của thế hệ chúng ta sẽ dẫn chúng ta tới đâu, là một vấn đề không phải đối với một đảng mà đối với mỗi chúng ta – là một vấn đề hệ trọng tột bậc. Có thảm hoạ thể có tưởng tượng nổi nào lớn hơn là, trong nỗ lực có ý thức của chúng ta để tạo hình tương lai của mình cho phù hợp với các lí tưởng cao quí, chúng ta thực ra lại tạo ra một cách không chủ tâm chính cái đối lập với cái mà chúng ta đã hằng phấn đấu?

Thậm chí còn có một lí do cấp bách hơn vì sao lúc này chúng ta phải nghiêm túc cố gắng hiểu các lực lượng đã tạo ra Chủ nghĩa xã hội Quốc gia: điều này sẽ cho chúng ta khả năng để hiểu kẻ thù của chúng ta và hiểu vấn đề sống còn giữa chúng ta. Không thể phủ nhận rằng vẫn còn ít sự công nhận các lí tưởng tích cực mà vì nó chúng ta chiến đấu. Chúng ta biết mình chiến đấu vì quyền tự do để quyết định cuộc sống theo các ý tưởng riêng của chúng ta. Đó là một việc lớn, nhưng không đủ. Nó không đủ để cho chúng ta một niềm tin vững chắc mà chúng ta cần để chống lại một kẻ thù, kẻ dùng tuyên truyền như một vũ khí chính của nó không chỉ ở dạng trắng trợn nhất mà cả ở dạng tinh tế nhất. Càng không đủ khi chúng ta phải chống sự tuyên truyền này giữa những người ở các nước dưới sự kiểm soát của nó và ở nơi khác, ở nơi ảnh hưởng của sự tuyên truyền này sẽ không biến mất với sự thất bại của các cường quốc trong trục Berlin-Roma-Tokyo. Là không đủ nếu chúng ta chứng tỏ cho những người khác rằng cái, mà chúng ta đang chiến đấu vì, là đáng được sự ủng hộ của họ, và là không đủ để hướng dẫn chúng ta trong xây dựng một thế giới mới an toàn chống lại các mối nguy hiểm mà thế giới cũ đã không chống nổi.

Là một sự thực thảm thương rằng các nền dân chủ trong cách cư xử của chúng với những kẻ độc tài trước chiến tranh, không ít hơn trong những nỗ lực tuyên truyền và trong thảo luận về mục đích chiến tranh, đã chứng tỏ một sự bấp bênh nội tại và tính không rõ ràng về mục đích, điều chỉ có thể được giải thích bằng sự lầm lẫn về các lí tưởng riêng của họ và bản chất của những sự khác biệt đã tách họ ra khỏi kẻ thù. Chúng ta đã bị làm cho lầm đường lạc lối đến như vậy bởi vì chúng ta đã từ chối để tin rằng kẻ thù đã chân thật trong những đức tin nào đấy mà chúng ta chia sẻ, cũng như bởi vì chúng ta đã tin vào tính chân thật của một số khẳng định khác của nó. Chẳng phải các đảng cánh Tả cũng như các đảng cánh Hữu đã bị lừa do tin rằng đảng Quốc Xã đã phụng sự cho các nhà tư bản và chống đối mọi hình thức của chủ nghĩa xã hội? Có bao nhiêu đặc tính của hệ thống của Hitler đã không được kiến nghị cho chúng ta bắt chước từ những miền bất ngờ nhất, không ý thức rằng chúng là một phần cấu thành của hệ thống đó và không tương thích với xã hội tự do mà chúng ta hi vọng duy trì? Số các sai lầm nguy hiểm, mà chúng ta đã phạm phải trước đây và từ khi chiến tranh nổ ra bởi vì chúng ta không hiểu đối thủ mà chúng ta đối mặt, là kinh khủng. Có vẻ gần như cứ như thể chúng ta không muốn hiểu sự phát triển, cái đã tạo ra chủ nghĩa chuyên chế, bởi vì một sự hiểu biết như vậy có thể huỷ hoại một số ảo tưởng yêu quí nhất mà chúng ta kiên quyết bám vào.

Chúng ta chẳng bao giờ thành công trong đối xử với những người Đức cho đến khi chúng ta hiểu đặc điểm và sự phát triển của các tư tưởng bây giờ đang chi phối họ. Lí thuyết, cái lại được đưa ra một lần nữa, rằng những người Đức - với tư cách là người Đức- là xấu xa một cách cố hữu, khó có thể đứng vững được và không đáng tin lắm với những người tin nó. Nó làm ô danh một chuỗi dài các nhà tư tưởng Anglo-Saxon, những người trong một trăm năm mươi năm qua đã vui vẻ kế tục những cái tốt nhất, và không chỉ những cái tốt nhất, trong tư tưởng Đức. Nó bỏ qua sự thực là, tám mươi năm trước khi John Stuart Mill viết tiểu luận On Liberty (Về Tự do) vĩ đại của mình, ông lấy cảm hứng của mình từ hai người Đức – Goethe và Wilhelm von Humboldt – hơn từ bất kể ai khác – và quên mất sự thực là hai bậc tiền bối trí tuệ có ảnh hưởng nhất của Chủ nghĩa xã hội Quốc gia – Thomas Carlyle và Houston Stewart Chamberlain – đã là một người Scot và một người Anh. Trong các hình thức thô thiển hơn quan điểm này là một điều nhục nhã cho những người duy trì nó lại là những người theo các đặc tính xấu xa nhất của các lí thuyết chủng tộc Đức.

Vấn đề không phải là - vì sao những người Đức, với tư cách là những người Đức, lại xấu xa, một cách thích hợp họ có lẽ chẳng (xấu) hơn những dân tộc khác - mà là xác định các hoàn cảnh mà trong bảy mươi năm vừa qua đã tạo khả năng cho sự phát triển không ngừng và chiến thắng cuối cùng của một tập các tư tưởng riêng biệt, và vì sao cuối cùng sự chiến thắng này lại đưa những yếu tố xấu xa nhất lên đỉnh. Đơn thuần căm ghét mọi thứ của Đức, thay cho các tư tưởng cụ thể hiện chi phối những người Đức, là, ngoài ra, rất nguy hiểm, bởi vì nó làm mù quáng những người ham mê nó chống lại một mối đe doạ thực. Đáng sợ là thái độ này thường chỉ là một loại của khuynh hướng thoát li thực tế, gây ra bởi sự không sẵn lòng thừa nhận các xu hướng không chỉ hạn chế ở Đức và bởi sự miễn cưỡng để xem xét lại, và nếu cần thì vứt bỏ, những niềm tin mà chúng ta đã kế thừa từ những người Đức và do chúng mà chúng ta vẫn bị lừa như những người Đức đã bị. Đó là sự nguy hiểm gấp đôi bởi vì luận điểm rằng chỉ tính đồi bại đặc biệt của những người Đức là cái đã tạo ra hệ thống Nazi chắc sẽ trở thành cái cớ để cưỡng ép lên chúng ta chính những định chế đã gây ra tính đồi bại đó.

Diễn giải những diễn biến ở Đức và Ý sắp định kiến nghị trong cuốn sách này là rất khác với những diễn giải do hầu hết những người quan sát nước ngoài và đa số những người lưu vong từ những nước đó cung cấp. Nhưng nếu diễn giải này là đúng, thì nó cũng giải thích vì sao hầu như là không thể đối với một người có các quan điểm xã hội chủ nghĩa hiện nay đang thịnh hành, giống như hầu hết những người lưu vong và phóng viên nước ngoài của các báo Anh và Mĩ, để nhìn thấy các sự kiện ấy trong một phối cảnh đúng đắn. Quan điểm nông cạn và gây lầm lẫn, cái thấy trong Chủ nghĩa xã hội Quốc gia đơn thuần một phản ứng được xúi bẩy bởi những người mà những đặc quyền và lợi ích của họ bị sự tiến bộ của chủ nghĩa xã hội đe doạ, đã được ủng hộ một cách tự nhiên bởi tất cả những người, mặc dù một thời đã tích cực trong phong trào tư tưởng dẫn tới Chủ nghĩa xã hội Quốc gia, đã dừng lại ở một điểm nào đó của sự phát triển ấy và, do điều này đưa họ đến mâu thuẫn với bọn Nazi, bị buộc phải rời khỏi đất nước họ. Nhưng sự thực rằng về mặt số lượng họ đã là phe đối lập đáng kể duy nhất đối với bọn Nazi chẳng có nghĩa nhiều hơn rằng trong ý nghĩa rộng tất cả những người Đức đã trở thành những người xã hội chủ nghĩa và rằng chủ nghĩa tự do theo nghĩa cũ đã bị chủ nghĩa xã hội đuổi đi. Như chúng ta hi vọng chứng minh, xung đột đang tồn tại giữa Xã hội chủ nghĩa Quốc gia cánh “Hữu” và cánh “Tả” ở Đức là loại xung đột sẽ luôn luôn nảy sinh giữa các bè phái xã hội chủ nghĩa kình địch nhau. Nếu diễn giải này là đúng, tuy vậy, nó có nghĩa là nhiều trong số những người xã hội chủ nghĩa tị nạn này, do bám dai dẳng vào các niềm tin của họ, hiện đang giúp, dẫu với thiện tâm nhất trên đời, đưa các nước đã tiếp nhận họ theo con đường mà nước Đức đã trải qua.

Tôi biết rằng nhiều bạn Anglo-Saxon của tôi đôi khi đã bị sốc bởi các quan điểm nửa Phát xít mà họ thỉnh thoảng nghe những người tị nạn Đức bày tỏ, những người mà xác tín chính cống xã hội chủ nghĩa của họ là không thể bị nghi ngờ. Nhưng trong khi các nhà quan sát này qui điều này cho việc những người kia là những người Đức, còn lời giải thích thật lại là, họ đã là những người xã hội chủ nghĩa những người mà kinh nghiệm của họ đã đưa họ qua nhiều giai đoạn vượt quá các giai đoạn mà những người xã hội chủ nghĩa ở Anh và Mĩ vừa mới đạt đến. Đúng, tất nhiên, những người xã hội chủ nghĩa Đức đã tìm thấy nhiều ủng hộ ở nước họ từ những đặc điểm nhất định của truyền thống Phổ; và sự giống nhau về tính chất này giữa Chủ nghĩa Phổ và chủ nghĩa xã hội, mà về nó ở Đức cả hai phe đều lấy làm tự hào, càng ủng hộ thêm cho luận điểm chính của chúng ta. Nhưng là sai lầm đi tin rằng đặc điểm Đức chứ không phải nhân tố xã hội chủ nghĩa là cái tạo ra chế độ chuyên chế. Chính sự thịnh hành của các quan điểm xã hội chủ nghĩa chứ không phải chủ nghĩa Phổ là cái nước Đức có chung với Ý và Nga – và chính là từ quần chúng chứ không phải từ các giai cấp mê mệt trong truyền thống Phổ, và được quần chúng mến mộ, mà Chủ nghĩa xã hội Quốc gia nảy sinh.

LinkedInPinterestCập nhật lúc: