Còn có thể đi tới triệt để hơn

03:17 CH @ Thứ Bảy - 07 Tháng Bảy, 2012

Có lẽ chưa bao giờ sự quan tâm của xã hội đối với giáo dục lại tập trung, sôi nổi, ráo riết như những ngày này, thể hiện qua dư luận của nhiều tầng lớp nhân dân phát biểu trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua các cuộc hội thảo hoặc của các tổ chức trong và ngoài ngành giáo dục, hoặc ở các diễn đàn độc lập của những người tự thấy cần lên tiếng một cách có trách nhiệm về vấn đề trọng đại và đang quá nhiều bức xúc này.

Cuối cùng, một sự kiện được toàn xã hội theo dõi, trông đợi và hy vọng: Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội chuyên đề về đánh giá chất lượng giáo dục...

Trong khi kiểm điểm tình hình và đánh giá thực trạng của giáo dục, thể hiện tập trung và rõ nhất là trong báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội và cuộc thảo luận ở Quốc hội, chúng ta đã có chạm được đến vấn đề, bắt đầu gọi tên đúng được cái cốt lõi của tình hình, chúng ta đã thấy và đã nói ra được rằng giáo dục đang có vấn đề không phải ở chi tiết, ở cành nhánh, mà là ở gốc (mặc dầu có vị đại biểu) Quốc hội vẫn cứ khăng khăng không chịu gọi việc chúng ta cần làm là chấn hưng giáo dục, sợ cái từ "chấn hưng" như sợ một thứ húy kỵ tối thiêng, "vì có suy sụp đâu mà chấn hưng"!), và vấn đề ở gốc đó chính là vấn đề tư duy giáo dục.

Đã có sự lạc hậu, sai lầm về tư duy giáo dục, chính nó là nguyên nhân gốc dẫn đến tất cả các vấn nạn khác, đẻ ra mọi sai lầm khác.

Gọi đúng được đến "tư duy giáo dục" là một bước tiến rất đáng kể trong tư vấn của giáo dục, trong tất cả những lần kiểm điểm ở tất cả các cấp có trách nhiệm trước nay chưa bao giờ gọi đích danh ra được. Nhưng rồi nghe gọi đúng được tên nó ra rồi, ta chờ mãi, chờ mãi, vẫn không hề nghe thấy ai nói tiếp. Vậy thì cái tư duy giáo dục được coi là nguyên nhân thứ nhất của mọi sai lầm khác đó cụ thể là gì?, trước nay nó đã sai ở chỗ nào? thế nào là tư duy giáo dục sai? cái sai ở tư duy giáo dục đã dẫn đến mọi sai lầm khác như thế nào? và thế nào là tư duy giáo dục đúng? sắp đến phải thay đổi sửa chữa như thế nào ở cái gốc này? làm thế nào để thay đổi, sửa chữa được? Và một điều còn đặc biệt quan trọng hơn nữa: tư duy giáo dục là chuyện riêng của ngành giáo dục, hay là vấn đề chung, trọng đại của toàn xã hội? trách nhiệm cụ thể của ngành giáo dục trong vấn đề này là như thế nào? sửa tư duy giáo dục thì phải sửa ở cấp độ nào?

Tôi cho rằng cái cảm giác dở dang, không triệt để mà cuộc kiểm điểm lần này để lại cho chúng ta, khiến chúng ta cảm thấy hụt hẫng, chính là do công việc kiểm điểm sau khi đã sờ được đến cái gốc rồi lại thản nhiên đi qua, sa vào mớ bòng bong các tình tiết cụ thể, sai thì cũng chẳng sai, nhưng chỉ là hiện tượng, là biểu lộ ra bên ngoài của cái gốc mà ta đã không chịu thẳng thắn phanh phui cho đến nơi đến chốn kia.

Cũng có người gọi tư duy giáo dục là triết lý giáo dục. Riêng tôi, tôi thích cách gọi thứ hai này hơn, bởi vì cách gọi đó cho thấy vấn đề lớn nhất, cơ bản nhất của một nền giáo dục không phải chỉ là vấn đề của riêng ngành giáo dục (đương nhiên ngành giáo dục có vai trò và trách nhiệm rất lớn trong đó). Nó phải là, trước hết là vấn đề của cả một xã hội, nằm trong cái cốt lõi của xã hội đó định xây dựng nên những kiểu con người như thế nào?

Xin thử nói về vấn đề trọng đại này bằng một vài ví dụ cụ thể:

Vì sao chương trình và giáo trình ở trường của chúng ta quá nặng, từ lớp một cho đến đại học và cả trên đại học , ai cũng thấy và kêu nặng, toàn xã hội đều kêu nặng, chính ngành giáo dục cũng biết là nặng, và nhiều năm nay ra sức sửa, nhưng cứ càng sửa lại càng nặng thêm, bỏ bớt cái gì cũng thấy thiếu, thêm vào bao nhiêu cũng thấy không đủ?

Hoặc vì sao tình trạng "thầy đọc trò chép", học vẹt, phổ biến cả ở đại học, thậm chí trên đại học, ai cũng biết, biết rồi, nói mãi, vẫn không sao thay đổi được?

Hoặc nữa, năm nào thi cử cũng tràn ngập "phao", chợ phao hoạt động nghênh ngang trêu ngươi ngay bên hông trụ sở Bộ Giáo dục và Đào tạo giữa thủ đô, năm nào cũng phải huy động đến cả công an văn hóa ráo riết vào cuộc, nhưng rồi cuộc thi nào cũng vậy, thi vừa xong thì sân trường thi đã trắng xóa những phao là phao!...v.v.

Nói gần thì có thể thấy rằng ta đã hỏng ở phương pháp dạy và học: dạy theo lối giáo điều, nhồi nhét, dạy kiến thức nhưng không qua kiến thức mà tạo nền tảng cơ bản và quan trọng hơn nữa là dạy cách học; học thì bị động, kinh kệ, càng học càng càng mụ đi vì đầu óc bị nhồi nhét quá nhiều điều phải thuộc lòng, càng học càng mất tự tin, càng bị mài mòn sức sáng tạo vì bị đè bẹp dưới mớ sách vở khổng lồ mà thấy ráng nhét đến thế vào đầu trò vẫn còn sợ chưa đủ. Nhớ làm sao hết nổi, mà thi cử thì lại nhằm kiểm tra chính cái trí nhớ kinh kệ đó, cho nên tất đẻ ra ngành kỹ nghệ sản xuất và thị trường phao ngày càng thịnh hành... Vậy là có vấn đề lớn ở phương pháp dạy và học. Báo cáo và các cuộc thảo luận về giáo dục lần này đã nói đến phương pháp dạy và học, và khẳng định cần phải sửa chữa, thay đổi. Nhưng cần phải tiến tới thêm một bước nữa, triệt để hơn nữa. Vì sao phương pháp dạy và học lại như vậy, có thấy, có nói rồi đấy chứ, và không phải chỉ nói một lần, nhưng vẫn đâu lại vào đó?

Trong một bài đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 26-11-2004, tác giả Vũ Thế Dũng, là một nhà giáo, đã nói rất đúng: "Hệ thống đã được thiết kế để học thuộc lòng và đi thi lấy bằng cấp thì các thầy giáo dù đầy đủ lương tâm, trách nhiệm và kiến thức cũng không thể thay đổi". Quả vậy, vấn đề chính là ở chỗ "hệ thống đã được thiết kế" như vậy, "để học thuộc lòng". Và sở dĩ hệ thống được thiết kế để học thuộc lòng là vì trong hệ thống đó không có quan niệm con người phải, biết cách và có quyền tự mình đi tìm lấy sự thật, chân lý, hành động và tự chịu trách nhiệm về hành động đó của mình. Đấy chính là vấn đề gốc của tình hình, không nói cho đến cùng, không đi đến triệt để gỡ ra được từ đấy thì mọi "cải cách" đều không thể cơ bản và rất có nguy cơ lại chắp vá, lẩn quẩn, lúng túng, như chúng ta đã từng chắp vá, lẩn quẩn, lúng túng lâu nay. Phải thay đổi chính thiết kế của hệ thống, như nhà giáo Vũ Thế Dũng nói, hoặc nói cho rõ hơn nữa, phải thay đổi triết lý của thiết kế hệ thống đó. Và như vậy, phải đặt vấn đề giáo dục, chấn hưng giáo dục như một hệ thống con, có thể là một hệ thống con có ý nghĩa quyết định, trong hệ thống mẹ xã hội bao trùm. Khi nào còn tránh né cái gốc đó thì không sao thoát ra được khỏi bế tắc.

Vừa qua, trong tự vần của giáo dục, chúng ta đã đi được một bước đáng kể. Và qua bước đó có thể thấy ra một bài học: áp lực lành mạnh của xã hội là rất quan trọng. Vẫn còn có thể tiếp tục đi tới triệt để hơn, nếu sự dồn sức của xã hội còn được tiếp tục mạnh mẽ hơn, kiên trì và kiên quyết hơn.


Một tài liệu đáng tin cậy cho biết chẳng hạn thời gian học ở lớp của đại học Việt Nam là 2183 giờ, dài hơn 60% so với đại học ở Mỹ (1380 giờ); chương trình giờ học kinh tế ở đại học Việt Nam nhiều gấp ba lần ở điại học Mỹ (1451 giờ so với 480 giờ) v. v. (So sánh chương trình đại học ở Mỹ và Việt Nam - Vũ Quang Việt - 10-2004).

Chắc chắn không thể bao giờ đủ khi, như tác giả Tôn Thất Nguyễn Thiêm đã chỉ ra trong một bài báo trên Tia Sáng: tri thức của nhân loại ngày nay cứ 18 tháng lại được nhân lên gấp đôi.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc: