2 cuốn nhật ký: Có thể so sánh với Sống như Anh

09:45 SA @ Thứ Tư - 07 Tháng Chín, 2005

Giám đốc NXB Hội Nhà văn, nhà văn Nguyễn Phan Hách khẳng định hiệu ứng của nhật ký Đặng Thùy Trâm chỉ có thể so sánh với sức sống mãnh liệt của “Sống như Anh” (Thái Duy), “Người mẹ cầm súng” (Nguyễn Thi) thời chống Mỹ.

Đến nay Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm đã bán hết 124.000 bản, nhật ký Nguyễn Văn Thạc: 100.001 bản.

Giấy phép lần đầu: 1.500 cuốn, không ai dám nghĩ có thể vượt qua con số này, sau tăng dần tăng dần và bây giờ là con số “khủng khiếp” bản thứ 124.000.

Công lao khai thác bản thảo cuốn sách thuộc về: gia đình liệt sĩ Trâm + Cty cổ phần văn hóa Nhã Nam + Sự thẩm định, biên tập kỹ lưỡng và giới thiệu trang trọng của nhà phê bình Vương Trí Nhàn cán bộ NXB Hội Nhà văn.

Mang bản thảo tới từ đầu tháng Bảy, lúc đầu Nhã Nam chỉ mong sách ra đúng dịp 27/7. Nay thì họ đang lo đối phó với nạn in lậu. Ngoài bạn đọc “lẻ”, các cơ quan đang đua nhau mua cuốn nhật ký được cả xã hội quan tâm này về làm tài liệu, rồi phát, tặng…

“Trước nay, những sách best-seller ở Việt Nam bao giờ cũng rơi vào trường hợp sách chính trị, gắn với đời sống và sinh hoạt chính trị xã hội chứ không phải loại sách văn học” - Ông Hách nhận định.

Còn nhật ký Đặng Thùy Trâm gây cơn sốt kinh hoàng như vậy theo ông nhờ các lý do: Ngoài sự chân thực về mặt tư liệu, chị Trâm còn viết rất có văn. Người viết không chỉ là trí thức mà còn là một trí thức nữ nên vẻ đáng yêu càng tăng trong mắt bạn đọc.

Trong các trang viết, thấy hiện lên một màu sắc lãng mạn, rất thu hút. Đặc biệt, số phận chìm nổi của cuốn sách gắn với những cựu binh Mỹ, cựu binh của chế độ Sài Gòn, đi qua chặng đường nửa trái đất rồi vòng trở lại, một câu chuyện thật lạ lùng.

Và cuối cùng, sách lại còn “được các ông Nguyên Ngọc, Thanh Thảo bốc lên mây xanh”- Theo lời nói vui của ông Nguyễn Phan Hách.

Buổi lễ trang trọng công bố bản thứ 100.001 của NXB Thanh niên chiều 16/8, trong khi Giám đốc Mai Thời Chính cực kỳ hứng khởi với “sự kiện tương đối trọng đại về xuất bản nhất là trong thời kỳ đổi mới, kỷ lục trong đời 25 năm làm xuất bản của tôi”, thì đồng nghiệp láng giềng - NXB Kim Đồng - ngoài lời chúc mừng nồng nhiệt còn thông tin rõ: Ngay cả những cuốn bán chạy nhất của Kim Đồng xưa nay cũng chỉ đạt con số 10.000, 15.000 bản là cùng, chẳng hạn sách của Nguyễn Nhật Ánh.

NXB Thanh niên chính là nơi từng hơn một lần đỡ đầu cho nhật ký chiến tranh, ví dụ nhật ký của Chu Cẩm Phong, nhưng chưa bao giờ giòn giã như bây giờ. Thắng lợi này có đóng góp rất lớn của báo chí - Thanh niên khẳng định.

Bản in mới nhất Mãi mãi tuổi 20 - nhật ký của anh Thạc, ngoài phần phụ lục về dư luận của cuốn sách với những từ “thần kỳ”, “diệu kỳ”, “đáng đọc”, có cả những dòng xúc động của độc giả Phan Văn Khải - Thủ tướng Chính phủ; danh sách những người sáng lập điều hành Quỹ “Mãi mãi tuổi 20” dành cho học sinh giỏi - đặc biệt là học sinh giỏi Văn toàn quốc (lúc đầu Quỹ dự định mang tên Nguyễn Văn Thạc).

Vài người tham gia điều hành quỹ là những cái tên được nhắc trong nhật ký của anh: nhà thơ Phạm Tiến Duật, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm...

Kỷ lục in ấn song hành kỷ lục nhuận bút. Với chế độ 10% giá bìa nhân với số lượng xuất bản, Thanh niên sẽ chuyển cho gia đình liệt sĩ Thạc khoảng 350 triệu đồng. Nghe nói gia đình dự định trích ra 50%, trong 50% này một nửa dành cho nhà thơ - nhà sưu tầm Đặng Vương Hưng, một nửa gửi chị Phạm Thị Như Anh - Người yêu của anh Thạc, để hai người tùy nghi sử dụng vào những mục đích của mình.

Đều được viết chân thực, rất có hồn văn, nhật ký Đặng Thùy Trâm được coi là đặc biệt có giá trị tư liệu chiến trường, còn nhật ký Nguyễn Văn Thạc nghiêng về hậu phương. 200.000 bản là con số phát hành mà Thanh niên dự kiến đạt tới. Còn NXB Hội Nhà văn mặc dầu khẳng định sức sống mãnh liệt của một “Sống như Anh mới”, ví Thùy Trâm như “Paven Corsaghin Việt Nam”, nhưng nếu in thêm những cuốn nhật ký khác có lẽ không đạt thắng lợi tuyệt đối như vậy.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Giá trị đích thực của lẽ sống tuổi trẻ VN

    07/09/2005Nguyên Tổng bí thư Lê Khả PhiêuNguyên Tổng bí thư LÊ KHẢ PHIÊU cho biết: "Khi trên báo Tuổi Trẻ trích đăng nhật ký của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, tôi đã đọc, cắt và đóng lại theo tập. Sau đó, tôi chuyển cho vợ, các con và các cháu tôi cùng đọc. Vợ tôi nói “hay quá, cảm động quá”. Chuẩn bị chuyến đi công tác miền Trung khá dài ngày, tôi cứ Io sẽ không được đọc tiếp.Nhưng trước khi đi, tôi được tin nhà xuất bản đã cho in cả hai tập nhật ký của hai liệt sĩ Đặng Thùy Trâm và Nguyễn Văn Thạc...
  • Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm

    03/08/2005Nhân dịp kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, tiếp theo cuốn nhật ký "Mãi mãi tuổi hai mươi" của Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc - Mỗi ngày một cuốn sách xin trân trọng được giới thiệu đến bạn đọc, những người yêu thích sách tập "Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm" của tác giả Liệt sĩ Bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm, vừa được Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành.
  • Nguyễn Văn Thạc - Tình yêu và hạnh phúc

    06/07/2005Chưa đầy 20 tuổi, Nguyễn Văn Thạc khoác ba lô vào chiến trường, chỉ mười tháng tuổi quân, chàng sinh viên khoa Toán - Cơ, đại học Tổng hợp Hà Nội, từng là học sinh giỏi văn nhất miền Bắc một thời đã viết hàng trăm trang thư, nhật ký và nhiều bài thơ có giá trị về chuyện đời, chuyện người… Quãng thời gian ngắn ngủi ấy, Nguyễn Văn Thạc đã viết lên đời mình và mãi để lại cuộc sống này một dấu ấn đẹp về tình yêu và hạnh phúc...
  • Mãi mãi tuổi hai mươi - một cuốn nhật ký đáng đọc

    05/07/2005Nhật ký "Mãi mãi tuổi hai mươi" - của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc 1952-1972 (viết từ ngày nhập ngũ 2.10.1971 đến ngày 24.5.1972) do NXB Thanh Niên vừa giới thiệu (ảnh) chiều 4.5.2005 là cuốn nhật ký dày dặn và khá hoàn chỉnh đầu tiên được xuất bản. Nhà thơ, nhà báo Đặng Vương Hưng cùng với việc biên soạn "Những lá thư chiến tranh", đã làm được một việc tốt đẹp - nhiều khi còn có ích hơn cả việc sáng tác - khi sưu tầm giới thiệu tập nhật ký này..