Có hay không chuyện “thế giới phẳng” hay “Việt Nam phẳng”?

Chủ tịch, Tổng Giám đốc InvestConsult Group
10:34 SA @ Thứ Sáu - 15 Tháng Giêng, 2010

Chúng ta phải thay đổi gì để có thể "Bay lên Việt Nam"? - trao đổi dài kỳ với chuyên gia Nguyễn Trần Bạt về những vấn đề đặt ra đối với chúng ta trước yêu cầu hội nhập. Trong cuộc trao đổi này, ông Bạt nêu câu hỏi: "Có hay không chuyện “thế giới phẳng” hay “Việt Nam phẳng”?

Cuốn “Thế giới phẳng” của Thomas L. Friedmanđược nhiều độc giả tán dương. Cụm từ “Thế giới phẳng” giờ được dùng ở nhiều nơi như mốt thời thượng về một tương lai, nơi đó, xã hội bình đẳng về cơ hội, khoảng cách giàu nghèo ngày càng ngắn.

Chống nghèo chứ không chống khoảng cách giàu nghèo

Hội nhập đang tạo nhiều cơ hội và làm người giàu càng giàu còn người nghèo càng nghèo. Vậy theo ông liệu có nên nghĩ đến chuyện khắc phục khoảng cách giàu nghèo?

- Bạn tưởng khi chưa gia nhập WTO thì Việt Nam không có khoảng cách giàu nghèo? Có chứ. Tôi cho rằng càng phát triển thì khoảng cách giàu nghèo càng lớn. Phát triển là gì? Phát triển là người ta khai thác năng lực tự nhiên của con người một cách hệ thống và có tính hiệu quả cao nhất, mà năng lực của con người thì không giống nhau. Một người học 20 tiếng một ngày thì không thể đem so với một người học 2 tiếng đã ngủ gật được. Vào những năm tôi học đại học, không có đèn điện như bây giờ, tôi phải học bằng đèn dầu. Số lượng dầu mà tôi thắp để học bằng tiêu chuẩn của hai gia đình đông con. Ngày xưa một gia đình đông con được 5 lít dầu/tháng, và tôi đốt 10 lít/tháng để học.

Tôi nghĩ rằng những người học 2 tiếng/ngày không thể đem so với tôi được. Khoảng cách giàu nghèo không chỉ là khoảng cách của sự may mắn mà còn là khoảng cách của sự phân bố tự nhiên các năng lực của con người. Cho nên, chúng ta phải thừa nhận khoảng cách ấy một cách khách quan mà chúng ta không thể khắc phục triệt để khoảng cách ấy được.

Người ta buộc phải phấn đấu và buộc phải thừa nhận tính khách quan của khoảng cách giàu nghèo nhưng người ta cần chống lại khái niệm khác chứ không phải khái niệm bạn vừa đề cập, đó là khái niệm nghèo khổ.

Nếu tôi có 1000 đô la/tháng tiền lương mà bạn chỉ có 10 đô la/tháng thì bạn là người nghèo khổ, khoảng cách giữa tôi với bạn là khoảng cách của sự nghèo khổ.

Nhưng nếu tôi có 10.000 đô la mà bạn có 1.000 đô la thì bạn không nghèo khổ nữa nhưng bạn không giàu bằng tôi. Tuy nhiên, khoảng cách giữa 1.000 đô la và 10.000 đô la vẫn là khoảng cách không thể thay đổi được vì tôi năng động hơn bạn, tôi lao động vất vả hơn bạn.

Tôi vừa viết một công trình nghiên cứu về tham nhũng, trong đó tôi có nói rằng sự hướng dẫn sai về chính trị, kinh tế, văn hoá trong xã hội đã tạo ra sự mất mát năng lực trên quy mô toàn xã hội. Khi con người mất mát năng lực thì không có khả năng cung cấp các dịch vụ trung thực cho xã hội. Để có thể sống được người ta buộc phải cung cấp các dịch vụ không trung thực. Các dịch vụ không trung thực là bản chất xã hội học của hiện tượng tham nhũng. Cho nên, chúng ta phải xoá đói giảm nghèo bằng cách cung cấp các dịch vụ để nâng cao năng lực của con người. Ví dụ như ở công ty chúng tôi vẫn thường tiến hành các cuộc điều tra nghiên cứu xã hội học để cải thiện năng lực xã hội. Nâng cao năng lực là cách phổ biến nhất để khắc phục hiện tượng nghèo đói, và trong chừng mực nào đó tạo ra khả năng cảm nhận một cách không đau khổ về khoảng cách giàu nghèo.

Khi người ta nhận thức được rằng khoảng cách giàu nghèo là một tất yếu thì người ta sẽ không đau khổ, còn nếu khuyến khích người ta nhìn nhận một cách sai lệch về khoảng cách giàu nghèo thì sẽ có đấu tranh giai cấp và sẽ có cách mạng và chúng ta lại cùng nhau nghèo đói. Chúng ta đã đi qua gần nửa thế kỷ cùng nhau nghèo đói. Người Việt Nam cực kỳ có kinh nghiệm về cái sự thật cùng nhau nghèo đói.

Có hay không “Việt Nam phẳng”?

Thomas L. Friedman trong cuốn sách cùng tên, ông có đưa ra khái niệm "Thế giới phẳng". Theo ông, liệu Việt Nam chúng ta có thể tạo ra một "Việt Nam phẳng" được không?

- Tôi không thích cách người ta hiểu và vận dụng Friedman. Tôi đã đọc cuốn "Thế giới phẳng" và cả cuốn "Chiếc Lexus và cây Ôliu". Tôi không thích cách phân tích của Friedman nhưng tôi chưa đủ trình độ để phê phán ông ta, tôi chỉ đủ linh cảm để phê phán sự không hợp lý của ông ta thôi.

Tôi cũng không thích thái độ của nhiều người bình luận và sử dụng cái bằng chứng hay tác phẩm của Friedman. Thế giới còn lâu mới phẳng, đấy không phải tôi nói mà Phó Chủ tịch điều hành khu vực của công ty Oracle nói tại Trung tâm Hội nghị quốc gia ở Hà Nội. Thế giới không thể phẳng được, thế giới có những khu vực lõm khủng khiếp và khu vực lõm của thế giới lớn hơn những khu vực lồi. Thế giới chỉ phẳng khi nào tất cả cùng nhau nghèo đói, còn đã phát triển thì thế giới không phẳng.

Có thể là phẳng về mặt bình đẳng cơ hội?

- Chúng ta đều biết công trình nghiên cứu về sự bất đối xứng của thông tin của ông Joseph. E. Stiglitz, đã đoạt giải Nobel về kinh tế năm 2001. Anh cho mỗi người một cơ hội giống nhau nhưng mỗi người nhận được cơ hội một cách khác nhau. Thế giới có bình đẳng về cơ hội thì cơ hội cũng không được nhận thức một cách bình đẳng và do đó thế giới không phẳng được. Thế giới vĩnh viễn không bao giờ phẳng được và Friedman là người mô tả một cách thương mại nhất những mơ tưởng của nhân loại chứ không phải là mô tả một cách khoa học. Nếu Friedman mô tả như thế này thì chính xác: Thế giới nằm trên một mặt phẳng đang dịch chuyển dần lên, đó là chỉ tiêu nghèo đói.

Tiền lương và những yếu tố không tương thích

Ông có thể giải thích tại sao kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng đều đặn với tốc độ khá cao nhưng mức lương trên các bảng lương chưa tương xứng với sự tăng trưởng này?

- Mức lương vẫn thấp bởi người Việt Nam chưa có văn hoá tiền lương. Chính sách tiền lương của chúng ta không được dựa trên những tiêu chuẩn đúng đắn của văn hoá tiền lương. Người Việt Nam chưa ra khỏi mâu thuẫn của quan hệ giữa tiền lương và năng lực. Bởi vì chúng ta có quá nhiều người được tuyển mộ theo những quan niệm sai trái, được đào tạo theo những tiêu chuẩn không phù hợp và hiện nay chúng ta đang giẫm chân tại chỗ trong sự không tương thích giữa năng lực và tiền lương. Các bạn cũng cần quan sát một cách cẩn thận để xem hiện tượng đó diễn biến như thế nào. Tuy nhiên, không phải cả xã hội giẫm chân tại chỗ trong quan hệ tiền lương thấp, có nhiều bộ phận khác nhau của xã hội đã bắt đầu ra khỏi và phát triển một nền văn hoá tiền lương khác, không còn giống với mức chung vốn có.

Quy luật của sự phát triển là các bộ phận phát triển một cách khác nhau chứ không phải tất cả mọi bộ phận đều phát triển đồng đều. Cho nên khi bạn nói rằng tiền lương ở Việt Nam vẫn thấp thì đấy là bạn nói ở mức kết luận chung chung. Nhưng nếu bạn đi sâu vào các xí nghiệp bạn sẽ thấy rằng: vì Nhà nước không hỗ trợ một chính sách thu nhập cao cho nên đại bộ phận các xí nghiệp đã trả lương cao đều giấu ưu điểm của mình. Nếu không họ sẽ phải mất thêm một lượng chi phí khá lớn để đóng thuế. Cho nên, vấn đề đặt ra là Nhà nước phải ra khỏi nền văn hoá tiền lương thấp chứ không phải xã hội, bởi vì xã hội đã bắt đầu làm việc ấy rồi. Đây là một vấn đề lý luận thật sự, lý luận của những người hoạch định chính sách cao nhất chứ không phải chỉ là lý luận của một trường đại học.

- Cám ơn ông!

Hải Lan (Thực hiện)

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Thế giới phẳng được và mất

    23/07/2008Phan QuangNhững suy nghĩ của bậc văn hào được dư luận quan tâm, đặc biệt các dân tộc từng đau khổ bởi "phản toàn cầu hóa lần thứ hai", tức chủ nghĩa thực dân cũ và mới - thuật ngữ của chính tác giả L.Phrít-men - nay nếu không tỉnh dễ có khả năng lại bị cuốn hút thụ động và chịu hệ quả buồn của làn sóng toàn cầu hóa lần thứ ba...
  • Triết học trong “thế giới phẳng”

    23/07/2007Hồ Sĩ QuýTác giảđã đưa ra những suy tư của mình về diện mạo của triết học trongkỷ nguyêntoàn cầu này.Đó là: Tại sao triếthọc, trong khi vẫncó đầyđủ uy tín của mình trên diễn đànquốc tế, lại kémđi vàocuộc sống đến thế. Một khi các nhà triết học không biết cách ngăn chặn cái ác, cái xấu thì khiđó, tiếngnói nhânđạo, những định hướng giá trị sángsuốt sẽ ra sao. Liệu triết học trongkỷ nguyên toàn cầucó đủ khôn khéo để nhắc nhởloài người tôn trọng những giá trị quýbáu của những bài họcđã từng phải trả giá cho quá khứ...
  • Thế giới phẳng - Tóm lược lịch sử thế giới thế kỷ XXI

    27/08/2006Nguyên NgọcThomas L. Friedman là người giữ chuyên mục đối ngoại của tờ The New York Times, ba lần đoạt giải thưởng Pulitzer, tác giả cuốn sách nổi tiếng Chiếc Lexus và cây ôliu viết về toàn cầu hóa - mà bây giờ ta đã biết đấy là cuộc toàn cầu hóa lần thứ hai, từ khoảng năm 1800 đến năm 2000, theo như cách phân chia của ông...
  • Người đàn ông gồ ghề trong "thế giới phẳng"

    19/06/2006Lưu Quang ĐịnhThế giới phẳng là tên cuốn sách thứ 13 trong tủ sách SOS2 mà TS.Nguyễn Quang A vừa dịch xong, sắp xuất bản. Tác giả sách là Thomas Friedman, một nhà báo nổi tiếng của tờ New York Times. Sách nói về toàn cầu hoá và công nghệ thông tin, về cuộc tấn công của "bầy thú điện tử" - những tập đoàn đa quốc gia - cùng cơ hội và thách thức của mỗi con người, doanh nghiệp, quốc gia trước cuộc tấn công đó...
  • Thế giới phẳng hay không?

    06/04/2006Nguyễn Vạn PhúSau thành công với cuốn Chiếc Lexus và cây ôliu, Thomas Friedman lại vẫn là tác giả viết về đề tài “toàn cầu hóa” thành công hơn cả khi tung ra cuốn Thế giới là phẳng vào tháng tư năm ngoái và đến cuối năm bán được trên 1,1 triệu cuốn. Tuy nhiên, giới học giả nghiên cứu và giới phê bình, điểm sách lại không ngớt chê bai đủ điều về cuốn sách này. Vì sao có chuyện lạ thế?
  • “Thế giới phẳng” và Việt Nam chúng ta

    31/03/2006Nguyễn Trung“Thế giới phẳng” của Thomas L. Friedman giống cái bánh mỳ nóng mới ra lò, người mua háo hức như đã từng háo hức với “Chiếc xe Lexus và cây ô-liu” cũng của ông ta cách đây dăm năm. “Phẳng” với ý nghĩa quá trình toàn cầu hóa kinh tế kéo theo quá trình toàn cầu hóa mọi mặt đời sống xã hội loài người trên hành tinh này đi vào “luật chơi chung”...
  • xem toàn bộ