Có chăng nền kinh tế tri thức?

08:52 SA @ Thứ Hai - 19 Tháng Mười Hai, 2005

Kinh tế tri thức” theo cách hiểu của ta

Có một vấn đề được nói đến rất nhiều trong thời gian qua, đó là làm sao để Việt Nam bắt kịp chuyến tàu “kinh tế tri thức”. Báo chí, các nghị quyết của ta đều coi đó là thách thức lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam trong thời kỳ tới.

Vậy “kinh tế tri thức” là gì? Theo cách giải thích thường thấy, thì đó là nền kinh tế hậu công nghiệp, có bước phát triển mạnh về chất, trong đó tri thức đóng vai trò chủ đạo bên cạnh các thành tố truyền thống khác của mọi nền kinh tế như lao động, vốn, tư liệu sản xuất. Trong nền kinh tế đó, các sản phẩm chứa đựng hàm lượng tri thức cao hơn hẳn so với trước đây.

Để không tụt hậu trong cuộc chạy đua tiến tới nền kinh tế của tương lai đó, chúng ta đề ra các nhiệm vụ phải giải quyết trong vòng mấy năm tới, đó là tập trung phát triển các ngành khoa học, công nghệ tiên tiến như công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học v.v…, chú trọng đầu tư cho các ngành sản xuất ra các sản phẩm có hàm lượng tri thức cao thay vì có hàm lượng lao động cao, tiêu tốn nhiều nguyên, nhiên liệu như hiện giờ. Kèm theo đó là đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục để đào tạo ra những con người có trình độ, tay nghề cao thay thế cho lực lượng lao động phổ thông đang chiếm đa số.

Đại khái chúng ta vẫn hiểu như vậy.

Nói đến những sản phẩm có hàm lượng tri thức cao ta thường nghĩ ngay đến những chiếc đĩa CD mỏng dính tiêu tốn lượng kim loại chỉ cỡ chiếc thìa cà phê nhỏ xíu, nhưng chứa đựng các chương trình đáng giá hàng trăm, hàng ngàn đô la. Hay những chiếc máy tính, thiết bị điện tử, y khoa nhỏ nhắn có giá trị gấp hàng trăm lần lượng nguyên liệu làm ra chúng. Chứ không như hàng hoá của chúng ta tốn bao công lao động, bao nguyên liệu, năng lượng mà chỉ bán được với giá rẻ mạt.

Cách so sánh trên khiến ta ngậm ngùi, tưởng lầm rằng tri thức tạo ra giá trị gấp nhiều lần lao động chân tay. Thật thế: tưởng lầm!

Nhầm lẫn giữa Giá trị sử dụng và Giá trị của hàng hoá

Bởi vì, nếu theo đúng học thuyết lao động của giá trị, thì tri thức – dù cao siêu đến mấy – cũng chỉ chiếm phần nhỏ trong giá trị của hàng hoá, chứ không hề nhiều như ta tưởng. Để hiểu được điều đó, ta hãy xem quy trình sản xuất ra một sản phẩm “có hàm lượng tri thức cao” nào đó, chiếc điện thoại di động chẳng hạn, diễn ra như thế nào, và giá trị của nó được hình thành ra sao.

Thoạt nhìn chiếc điện thoại di động nhỏ xíu với những chức năng siêu việt kiểu “nó chụp ảnh đẹp cực kỳ với độ phân giải 20 Megapixel, kết nối TV cho ra hình ảnh sống động như thật; in ảnh từ máy in mà không cần kết nối” v.v..., trong khi giá trị nguyên vật liệu làm ra nó chỉ đáng vài đô la, nhưng được bán với giá hàng trăm đô la, ta dễ ngộ nhận rằng nó đắt thế vì có nhiều chức năng thông minh, tức là “có hàm lượng tri thức cao”. Ngộ nhận, vì theo Adams Smith và Marx, giá trị của hàng hoá không phụ thuộc vào giá trị sử dụng của chúng, mà phụ thuộc vào lượng lao động xã hội trung bình cần thiết để làm ra hàng hoá đó. Chiếc điện thoại giá chừng đó, vì nó phải qua rất nhiều công đoạn sản xuất, và tổng chi phí lao động của những người công nhân đứng máy, kèm một chút chất xám của những kỹ sư sáng chế ra nó, đúng bằng chừng đó.

Thoạttiên, chiếc máy điện thoại được ra đời trong phòng thí nghiệm, nơi các nhà khoa học, kỹ sư làm việc. Ở đây nó thực sự là sản phẩm của trí tuệ, vì thế có giá đắt kinh khủng (hàng triệu đô la cho một bằng sáng chế là chuyện thường). Nhưng bản thân chiếc điện thoại vẫn chưa phải là hàng hoá. Nó cần được đưa vào sản xuất thương mại một cách đại trà. Các kỹ sư lập ra quy trình, công nghệ sản xuất một cách hợp lý nhất, đảm bảo sản phẩm có giá thành xã hội chấp nhận được. Công nghệ phải tiên tiến (đương nhiên), nhưng thao tác trên chúng lại phải vô cùng đơn giản để bất kỳ người công nhân nào cũng có thể tiến hành mà không cần có kiến thức cao siêu hay kỹ năng khéo léo đặc biệt. Và chính những người công nhân đó – bao gồm cả những người sản xuất ra nguyên liệu, nhiên liệu, máy móc (tức lao động quá khứ kết tinh), chứ không chỉ những công nhân đứng máy ở các công đoạn sản xuất linh kiện và lắp ráp cuối cùng - mới là người sản xuất ra chiếc máy điện thoại, bằng mồ hôi của mình nhiều hơn là chất xám. Tổng số mồ hôi của họ, tính theo số giờ lao động, tạo nên giá trị của chiếc máy. Công sức của các nhà khoa học, kỹ sư sáng chế ra nó, dù đáng giá hàng triệu đô la đi chăng nữa, nếu phân bổ cho hàng triệu sản phẩm thì cũng chỉ chiếm một vài đô la mỗi chiếc. Quả thực một sản phẩm mới ra đời thường được bán với giá cao hơn nhiều so với giá trị thực của chúng, đó chính là lợi nhuận siêu ngạch do có ưu thế tạm thời mà Marx đã phân tích rất rõ trong “Tư bản”. Nhưng sau đó giá nhanh chóng tụt giảm và trở về đúng với giá trị thực của nó.

Như vậy, cả trong hiện tại và tương lai, một chiếc nồi cơm điện thông minh nhất chưa chắc đã có giá trị cao hơn một chiếc nồi gang bình thường, nếu như chi phí lao động dành cho chúng là như nhau. Ở siêu thị, ta thường thấy một chiếc nồi gang “made in Germany” có giá 100 – 200 đô la, trong khi một chiếc nồi cơm điện chỉ 50 đô la. Ví dụ khác: hàng điện tử ngày càng nhiều chức năng nhưng giá lại giảm liên tục, trong khi hàng thủ công có chức năng ít hơn nhiều nhưng giá chỉ có tăng chứ không giảm (cùng với mức tăng giá của sức lao động, tức tiền lương).

Việc chúng ta phấn đấu tạo ra các sản phẩm “có hàm lượng tri thức cao” là điều cần thiết, nhưng là để đáp ứng yêu cầu của thị trường, tức là để bán được hàng, chứ không phải vì làm thế sẽ nâng được giá trị của chúng lên cao như nhiều người kỳ vọng. Cần lưu ý: với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật thì lượng của cải vật chất, cũng như chất lượng, tính năng của chúng, tức giá trị sử dụng, do một người lao động sản xuất ra trong 8 giờ làm việc, tăng gấp nhiều lần so với trước kia, nhưng tổng giá trị của chúng, tính bằng thời gian lao động, lại không hề tăng - vẫn bằng 8 giờ lao động. Và giá trị của mỗi sản phẩm luôn giảm đi tương ứng với mức tăng năng suất lao động, bất chấp mọi tính năng siêu việt của nó.

Bởi vậy cần phân biệt thật rõ ràng “hàm lượng tri thức” trong Giá trị sử dụng và “hàm lượng tri thức” trong Giá trị của hàng hoá để không bị ngộ nhận như trên.

Nên chăng xem lại cách hiểu khái niệm “kinh tế tri thức”?

Hai thập kỷ vừa rồi chứng kiến sự bùng nổ của các ngành công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ thông tin, với sự tăng giá chóng mặt của cổ phiếu các công ty dotcom, các công ty sản xuất phần cứng, phần mềm, viễn thông so với các ngành truyền thống, đã khiến dân chúng hoa mắt mà tin vào sức mạnh ảo, tài sản ảo của chúng. Viễn cảnh về một “nền kinh tế tri thức” có lẽ cũng từ đây mà ra. Sự sụp đổ của các công ty dotcom kéo theo khủng hoảng trên thị trường chứng khoán công nghệ cao kiểu NASDAQ hai năm trước đây đã phần nào làm dân chúng tỉnh táo trở lại. Bởi suy cho cùng, các sản phẩm phần mềm, máy tính, Internet, E. commerce cũng chỉ đóng vai trò bổ trợ cho quá trình sản xuất, phân phối, tiêu thụ các sản phẩm thực, không phải ảo, thoả mãn các nhu cầu muôn thuở và ngày một đa dạng của con người mà thôi. Chúng khiến việc sản xuất, phân phối được hiệu quả hơn, năng suất cao lên còn chi phí giảm đi giúp tăng sức cạnh tranh, chứ không phải làm tăng giá trị của hàng hoá như nhiều người lầm tưởng. Tri thức, công nghệ thông tin chỉ chiếm một phần trong chi phí của các ngành sản xuất, và như ta biết, tỷ trọng của các ngành nông nghiệp, công nghiệp trong GDP ngày một giảm, chỉ còn chiếm khoảng 30 – 40% GDP, trong tương lai còn thấp hơn nữa, có nghĩa là tỷ trọng của cái gọi là “kinh tế tri thức” thực sự chỉ chiếm một phần không đáng kể trong GDP.

Có lẽ cần phải xem lại cách hiểu của chúng ta về nền kinh tế tri thức như hiện nay đã đúng chưa. Những phân tích ở trên cho thấy chẳng thể nào có cái gọi là “sản phẩm có hàm lượng tri thức cao”, cũng như “nền kinh tế trong đó tri thức đóng vai trò chủ đạo” theo nghĩa kinh tế chính trị học. Đơn giản là vì số người có trình độ cao luôn chiếm một phần rất nhỏ, độ 5% dân số, và họ cũng chỉ thực hiện được giai đoạn đầu tiên của quá trình sản xuất hàng hoá, còn toàn bộ quá trình sau đó vẫn do những người lao động bình thường tiến hành. Và điều này đã diễn ra hàng trăm năm nay rồi, chứ chẳng phải đợi đến kỷ nguyên công nghệ thông tin.

Kinh tế tri thức là gì vậy?

Như trên đã phân tích, cái gọi là “nền kinh tế tri thức” không là một hình thái kinh tế đã đành, mà nó cũng không phải là ngành kinh tế thứ tư bên cạnh các ngành kinh tế truyền thống như nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ (xem bài: “Bản chất của thông tin và kinh tế tri thức” của tác giả Phùng Văn Thiết). Nó chỉ là bước phát triển cao hơn của lực lượng sản xuất, và về bản chất chỉ là công cụ, phương tiện của nền kinh tế, phục vụ các ngành kinh tế truyền thống. Tự bản thân nó không sản xuất ra các sản phẩm phục vụ cuộc sống con người. Nó chỉ hỗ trợ cho các ngành nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ trong việc sản xuất ra các sản phẩm đáp ứng các nhu cầu đó.

Việc chia nền kinh tế thành các ngành nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ chỉ có tính ước lệ. Không hẳn là ngành sản xuất sau bao giờ cũng ở trình độ cao hơn ngành sản xuất trước như tác giả Phùng Văn Thiết đưa ra trong bài viết trên. Cao hay thấp là ở mức độ áp dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào ngành đó. Ai dám bảo rằng nông nghiệp ở Mỹ, với sự áp dụng các thành tựu của ngành oông nghệ sinh học tiên tiến (sản xuất các loại giống), của hoá học (cung cấp phân bón, thuốc trừ sâu), của thuỷ lợi (thay trời làm mưa), của công nghiệp (công nghệ thu hoạch và bảo quản) ở trình độ thấp hơn công nghiệp và dịch vụ của Việt Nam?

Vậy thực ra kinh tế tri thức là gì? Về điều này ông Andrew Steer, nguyên giám đốc World Bank tại Việt Nam, từng lưu ý: kinh tế tri thức không đồng nghĩa với công nghệ cao. Kinh tế tri thức chỉ là một phần của xã hội tri thức, trong đó mọi người đều có khả năng tiếp cận và sử dụng các tri thức chung của toàn nhân loại để phục vụ cho công việc và cuộc sống của mình, chẳng hạn như người nông dân có thể vào thư viện hoặc lên mạng tìm hiểu thị trường, áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật vào việc đồng áng, chứ không thuần tuý dựa vào kinh nghiệm nữa. Ông Kofi Annan, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, trong một hội nghị về kinh tế tri thức cũng nói rằng nhiệm vụ của Liên Hiệp Quốc là làm sao để nhân dân những nước nghèo nhất cũng có thể tiếp cận các thông tin, tri thức mới nhất, loại bỏ sự độc quyền của các công ty xuyên quốc gia trong việc nắm giữ các tri thức đó. Các đại công ty, một mặt giữ rịt lấy các sáng chế mới nhất của mình để bán hàng với giá cắt cổ (đây là lợi nhuận siêu ngạch do độc quyền chứ không phải do giá trị thực sự), mặt khác tìm cách mua các sáng chế khác rồi giấu biến đi, cốt để không ai dùng được.

Vì thế ông Andrew Sterr khuyến nghị Việt Nam cần nhất là tăng cường đầu tư cho giáo dục, nâng cao khả năng tự học của từng người dân, mở rộng mọi cánh cửa vào kho tàng tri thức nhân loại, chứ không phải là tập trung cho các ngành công nghệ cao như cách chúng ta đang hiểu và tiến hành.

o O o

Không biết ai là người đầu tiên đưa khái niệm “kinh tế tri thức” vào Việt Nam, nhưng sự lạm dụng nó trong thời gian qua khiến ta nhớ lại câu chuyện tương tự từng xảy ra với khái niệm “nguyên lý hộp đen”. Cụm từ này một thời đã trở thành mốt dù đa phần người nói chả hiểu thực chất của nguyên lý đó là gì, họ nói như vẹt chỉ vì một lần nào đó có một vị lãnh đạo đã sử dụng nó. Đến nỗi sau đó GS. Phan Đình Diệu phải viết một bài báo công kích thói a dua, sính chữ không phải lối đó. Chuyện này đang lặp lại một lần nữa chăng?

Cùng một tác giả: Khủng hoảng tài chính năm 2008: Cảnh báo của Karl Marx

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Xã hội tri thức và vài suy nghĩ về con đường hội nhập

    15/05/2018Phan Đình DiệuSinh thời, Norbert Wiener, cha đẻ của Điều khiển học (Cybernetics) đã dự báo: "Chúng ta đang làm biến đổi môi trường của ta tận gốc rễ đến mức rồi ta phải tự biến đổi chính mình để tồn tại được trong môi trường mới đó".
  • Trí thức và nửa trí thức: Đến cả sự nhợt nhạt cũng giống nhau đáng sợ

    16/05/2016Ngô Tự LậpTrích đăng từ bài “Giáo dục, Trí thức và nửa đường còn lại” của Ngô Tự Lậpbàn về trí thức và nửa trí thức.
  • Văn hoá và Tương lai

    17/05/2014Nguyễn Trần BạtTương lai không phải là của văn hoá, tương lai là của con người với tư cách là một thực thể văn hoá. Trình độ nhận thức của con người đã đạt đến mức con người nhận thấy văn hoá trở thành quan trọng....
  • Toàn Cầu Hoá như một xu thế văn hoá

    02/04/2014Nguyễn Trần Bạt,Toàn cầu hoá về kinh tế đã và vẫn đang là đề tài sôi nổi và nóng bỏng trên thế giới. Những cuộc họp của WTO luôn luôn kéo theo những cuộc biểu tình chống đối. Nhưng bất chấp tất cả những thứ đó, toàn cầu hoá đang tác động mạnh mẽ không chỉ đến các chính sách quốc gia mà còn len lỏi vào tận ngõ ngách đời sống toàn nhân loại...
  • Người trí thức trong nền kinh tế thị trường

    16/12/2005PGS.TS Vũ Duy ThôngTrí tuệ một khi đã trở thành hàng hóa thì cũng sẽ bị điều tiết theo qui luật cung-cầu. Nhiều trí thức trẻ hiện nay đặt mục tiêu hàng đầu là tìm những nơi trả lương cao để làm việc...
  • Cách mạng thông tin – công nghệ và nền văn minh

    12/12/2005PGS, TS. Phạm Thị Ngọc TrầmKết quả của quá trình biến đổi vật chất, năng lượng, thông tin do trí tuệ và lao động được định hướng bởi trí tuệ đó của con người đã tạo nên các cuộc cách mạng thông tin - công nghệ và cùng với chúng là sự thay đổi của nền văn minh nhân loại...
  • Tản mạn về tài sản vô hình

    02/12/2005TS. Nguyễn Sĩ DũngChúng ta đang sống trong một thế giới đã thay đổi. Chỉ nói riêng về kinh tế, cuộc cách mạng đang diễn ra không phải là cuộc cách mạng về tốc độ, cũng không phải là cuộc cách mạng về năng suất mà là cuộc cách mạng về khái niệm. Thế giới đang được xây dựng theo một hệ thống khái niệm hoàn toàn mới.
  • ICT hay IT? Vấn đề nhận thức

    04/11/2005TS. Nguyễn Sĩ DũngỞ nước ta, công nghệ thông tin đang thực sự là một thứ mốt thời thượng. Sự nghiệp "tin học hóa" được triển khai rầm rộ không thua kém gì phong trào bình dân học vụ trước đây. Tuy nhiên, phong trào bình dânhọc vụ có vẻ thiết thực hơn: nó nhắm vào những nhu cầu có thực và những mục tiêu được xác định rõ ràng.Với "phong trào công nghệ thông tin", những điều ở cấp "bình dânhọc vụ” như vậykhông phải bao giờ cũng được làm rõ.
  • Văn hóa Internet

    15/10/2005Phạm Kim HưngHãy bắt đầu bằng việc tưởng tượng ra một cuộc sống không có điện thoại...
  • Kinh tế tri thức cần Ý tưởng sáng tạo

    06/10/2005Hiện nay, nhiều nhà chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật nước ta đang sôi nổi luận bàn về kinh tế tri thức và hiện cũng có một xu hướng xem kinh tế tri thức là một mục tiêu vươn tới, là chiếc đũa thần đưa con thuyền kinh tế ốm yếu Việt Nam vượt lên. Trong khái niệm "vươn tới" người ta dễ dàng hình dung đến một tiến trình học tập, chiếm lĩnh kho tri thức quý báu của nhân loại tiên tiến làm vốn tri thức cho mình, cho nền kinh tế tri thức của mình. Thật đơn giản. Nhưng nếu sự việc đơn giản như vậy, trong bối cảnh cả thế giới cũng chen tay nhau rướn lên, xây dựng nền kinh tế tri thức cho quốc gia mình, thì vị trí Việt Nam có gì khác so với cuộc chạy đua khoa học, công nghệ hiện đại?
  • Toàn cầu hoá – Cơ hội và thách thức

    19/09/2005Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult GroupKhông ai có thể phủ nhận được rằng toàn cầu hoá đem đến cho nhân loại, cả những nước phát triển lẫn những nước chậm phát triển, những cơ hội phát triển to lớn. Những nhà lãnh đạo sáng suốt đang ra sức lựa chọn những chiến lược phát triển vừa khôn khéo vừa kiên quyết để đưa đất nước mình tiến lên phía trước. Nhưng bên cạnh đó, chúng ta cũng nghe thấy nhiều giọng nói từ khắp các châu lục đang gióng lên những lời cảnh báo về mối đe doạ của lối sống phương Tây...
  • Bản chất của thông tin và kinh tế tri thức

    20/08/2005Phùng Văn ThiếtVề bản chất, thông tin chính là sự đa dạng được phản ánh. Trong nền kinh tế tri thức, thông tin là tài nguyên quan trọng nhất. Kinh tế tri thức là ngành sản xuất thử tư, chứ không phải là ngành sản xuất duy nhất của xã hội hiện đại. Hiện nay, nó đã và đang trở thành ngành sản xuất quan trọng nhất và giữ vị trí chủ đạo trong nền kinh tế của một số nước phát triển. Mặc dù vậy, nếu coi kinh tế tri thức như một chế độ kinh tế mới sẽ là một sai lầm về mặt lý luận và trái với thực tế lịch sử.
  • CNTT biến đổi xã hội: 9 viễn cảnh và thách thức

    19/07/2005Việc phát triển mạng ở quy mô toàn cầu sẽ đụng chạm đến các mối quan hệ quốc tế khi dòng thông tin vô hình chảy xuyên biên giới và các công ty đa quốc gia sử dụng mạng toàn cầu phục vụ lợi ích riêng. Thách thức lớn nhất cho mọi thành viên xã hội là hiểu được mình cần tận dụng các thành tựu tiên tiến của truyền thông điện tử hiện đại trong giao tiếp như thế nào...
  • Toàn cầu hoá và sự đa dạng văn hoá

    18/07/2005Dương Thuấn, Mai Văn HaiVăn hoá Việt Nam đang có nguy cơ bị văn hoá nước ngoài lấn át và mất dần đi bản sắc dân tộc! Đã có không ít bài viết cảnh báo về vấn đề này và bày tỏ sự quan ngại đó. Thực tế có đáng lo như vậy hay không? Trước tình hình toàn cầu hoá nhanh chóng như hiện nay, hội nhập là tất yếu, không có con đường nào khác nếu muốn phát triển. Để làm sáng tỏ về vấn đề này, chúng tôi muốn nói đến việc toàn cầu hoá và sự đa dạng văn hoá.
  • xem toàn bộ