Cô gái Việt ở Nepal viết thư gửi Bộ trưởng GD

03:25 CH @ Thứ Tư - 26 Tháng Mười Một, 2014

Mới đây, Võ Thị Mỹ Linh (nickname Va Li) cô gái sinh 1989 đã có chia sẻ về việc học tiếng Anh của học sinh Nepal.

Nội dung đoạn viết có tên: “Thư gửi bác Bộ trưởng Bộ GD-ĐT” của Linh viết hiện đã có hơn 7500 lượt thích và hơn 3300 lượt chia sẻ cùng hơn 730 bình luận. Đa phần các ý kiến đều ủng hộ và tâm đắc với câu chuyện mà cô bạn sinh năm 1989 chia sẻ.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng câu chuyện, ví dụ của Mỹ Linh không hoàn toàn đúng, chỉ là phương pháp áp dụng của VN còn nhiều khuyết điểm và chưa triệt để, và tiến độ chậm hơn.

Mỹ Linh hiện vẫn ở Nepal, và dự tính ngày 1/12 sẽ trở về Việt Nam. Cô bạn này khá nổi tiếng, mới đây nhất là việc cô may mắn thoát chết trong vụ sạt lở tuyết tồi tệ nhất trong 10 năm qua tại dãy Himalaya (Nepal) làm khoảng 40 người chết.

Được sự đồng ý của Mỹ Linh, VietNamNet trích đăng nội dung bức thư:

Gửi bác Bộ trưởng Bộ GD-ĐT,

Cháu tên Linh. Dĩ nhiên bác không cần nhớ tên cháu làm gì.... Chỉ cần chúng ta có một câu chuyện chung để nói. Thế là đủ rồi bác nhỉ.


Sách dạy tiếng Anh của học sinh VN được Linh chia sẻ trên Facebook cá nhân


Chuyện kể là, hôm qua, cháu ngồi ở thư viện trường Shree Sarbodaya quận Syanja - Nepal. Cháu dành cả một ngày đọc sách giáo khoa English để hiểu cách dạy English của người Nepal. Dĩ nhiên, người Nepal dạy English không tốt đâu. Vì họ không có tiền để mua tivi, băng đĩa, không có phương tiện cho học sinh nghe người bản xứ nói chuyện, thậm chí đến cả cuốn từ điển giấy họ còn túng thiếu bác ạ (túng thiếu đến cỡ nào cháu sẽ có 1 bài viết để kể sau).

Nhưng so với Việt Nam thì English của họ giỏi hơn nhiều. Dĩ nhiên, Nepal đúng là một nước nghèo, nghèo xếp hạng top nghèo nhất thế giới ấy. Nhưng cần so sánh với trình độ GD của 1 nước nghèo để thấy rằng trình độ của nước mình ở đâu. Và giờ, có mấy điều cháu muốn trao đổi với bác như sau:

1. Cháu đọc SGK English của học sinh Nepal từ lớp 1 đến lớp 5.

Bài học đầu tiên của học sinh lớp 1 Nepal là chuyện chào hỏi. Bài học đầu tiên của học sinh lớp 2 nói chuyện đi đến trường. Bài học đầu tiên của học sinh lớp 3 kể lại nhật ký một ngày của cô bé Lilu. Bài học đầu tiên của học sinh lớp 4 dạy bạn phải biết Be careful với câu chuyện cậu bé Raj vừa đi vừa chơi game mà không để ý thấy cây cầu bị gãy.



Sách dạy tiếng Anh của học sinh tiểu học Nepal (Ảnh: Facebook Mỹ Linh).

Bài học đầu tiên của học sinh lớp 5 hỏi, "What do you want?" và kể chuyện người cha già có đứa con bị ở tù. Ông ra vườn trồng khoai tây và ước giá mà có đứa con trai ở đây để đào lỗ cho ông trồng. Thế là ông viết thư cho con trai. Mỗi bài học thể hiện độ khó khác nhau bác ạ. Thậm chí ngoài English, họ còn có 2 môn học khác là Văn hoá xã hội và Khoa học - Sức khoẻ cũng hoàn toàn được viết bằng English và nằm trong môn học chính của học sinh.

Cháu lập tức nhắn về Việt Nam, nhờ đứa bạn thân chạy ra hiệu sách, chụp cho cháu xem SGK English từ 1-5 dạy cái gì. Bác biết gì không?

Bài học đầu tiên của SGK 1 dạy Hello. Bài học của sách SGK 2 là dạy câu "where are you from". Bài học của SGK 3 dạy lại Hello. Bài học đầu tiên của SGK 4 dạy câu "How're you". Bài học đầu tiên của SGK 5 dạy lại câu "where're you from".

Cháu hoảng hồn bác ạ. Cháu không biết vì bác nghi ngờ trình độ của học sinh VN quá kém nên có mỗi 3 câu "hello, how're you, where're you from" mà phải học đi học lại suốt 5 năm?

Hay tại chúng ta quan niệm, 5 năm, học được 3 câu đó là đã quá nhiều rồi?

Bác biết không, học sinh ở độ tuổi càng nhỏ thì khả năng tiếp cận ngôn ngữ càng tốt. Vì lúc đó bộ nhớ của chúng chưa sử dụng để ghi nhớ những điều phức tạp, những chuyện kiếm tiền, yêu đương. Nên cháu buồn khi thấy chúng ta bắt các em học quá nhiều thứ về toán lý hoá nhưng lại lo sợ trí nhớ của các em không đủ để học English. Buồn cười nhỉ.

2. Để dạy học sinh Nepal hiểu English, nhớ English, người Nepal bắt đầu bài học bằng những câu chuyện. Chuyện kể cô bé Deepa làm việc này việc kia. Chuyện kể gia đình cu cậu Ramesh thế này thế nọ.

Cô giáo sau khi dạy học sinh về câu chuyện sẽ hỏi lại học sinh câu chuyện đó kể gì, cô bé Deepa làm gì, cậu Ramesh bị gì. Học sinh trả lời và ghi nhớ.

Để dạy học sinh Việt Nam hiểu English, các nhà soạn sách VN soạn ra những đoạn hội thoại chẳng có ý nghĩa gì và bắt học sinh học lại đoạn hội thoại đó để ứng dụng như một con vẹt. Theo bác, việc ghi nhớ nội dung câu chuyện dễ hơn hay khó hơn ghi nhớ một đoạn hội thoại dễ hơn?

3. Người Nepal soạn sách giáo khoa để dạy người Nepal. Thế nên những câu chuyện họ viết, những đề tài họ dạy liên quan đến đời sống, văn hoá hàng ngày của họ.

Họ nói về đỉnh Everest, nói về thủ đô Kathmandu, nói về những cậu bé, cô bé với những cái tên rất Nepal như Gauri, Sunda... Đó là cách họ khiến học sinh hứng thú với môn English vì nó gần gũi, dễ hiểu. Đó cũng là cách họ từ hào về đất nước họ.

Chúng ta - trong đó có bác - luôn nói tự hào về Việt Nam. Nhưng có bao giờ bác nhìn SGK English của người Việt để xem sách viết gì không?

Sách viết câu chuyện của Tom, của Peter, của Marry...những cái tên không phải của người Việt. Sách kể chuyện My hometown nhưng cái Hometown ấy là London.

Sách kể về món bánh nhưng không phải là bánh chưng, bánh giày, bánh mì thịt nướng mà là bánh Pizza.

Thế nên cháu muốn hỏi là, có phải vì chúng ta không đủ kinh phí để soạn một cuốn sách dạy English những nội dung xoay quanh đời sống Việt không? Hay là những nhà soạn sách họ không nghĩ ra cái gì hay ho hơn nên phải dùng những câu chuyện của nước khác.

Để đến khi người nước ngoài họ hỏi cái món bánh nổi tiếng nhất ở nước mày là món gì thì học sinh bảo là pizza vì chúng không biết từ bánh mì thịt nướng trong English nói thế nào.

Nếu mà vì chúng ta nghèo quá, không có kinh phí, chỉ cần bác nói thôi, cháu sẽ huy động được một đội ngũ soạn được cuốn sách dạy English cho người Việt mà không cần lấy một đồng nào.

Còn nếu vì những người soạn sách họ không nghĩ ra cái gì hay ho hơn để viết, thì cũng chỉ cần bác nói thôi, cháu sẽ chỉ họ cách viết. Thí dụ như thay vì viết bài giảng "quê mày ở đâu hả Tom? Quê tao ở Mỹ, Peter ạ" thì cháu sẽ chỉ họ chuyển thành thế này "Quê mày ở đâu hả Tí? Quê tao ở Mỹ Tho Tèo ạ, là cái xứ ngày xưa bọn Mỹ đánh hoài mà không chiếm được ấy."

Cháu tin bọn học sinh sẽ hứng thú với câu chuyện của thằng Tí, thằng Tèo hơn câu chuyện của Tom và Peter ạ. Vì chúng cháu đã từng là những thằng Tí, thằng Tèo như thế.

4. Đã rất lâu rồi, chúng ta, hoặc vì lười biếng, hoặc vì bảo thủ, hoặc vì không muốn tiếp cận cái mới nên luôn tự ru ngủ nhau rằng, "là người Việt, chúng ta phải tự hào về văn hoá Việt, nên chúng ta cần học tiếng Việt chứ không phải English". Đó chắc là lý do mà kỳ thi tốt nghiệp THPT năm vừa rồi English trở thành môn tự chọn và không có trong môn thi.

Nhưng cháu thì muốn đổi lại một chút thế này, "là người Việt, chúng ta cần tự hào về văn hoá Việt, nên chúng ta cần học English để nói cho thế giới biết về văn hoá của chúng ta đẹp như thế nào". Người Nepal đưa English thành ngôn ngữ chính, vì họ muốn kể câu chuyện văn hoá của đất nước họ cho thế giới biết. Nên cũng đã đến lúc chúng ta cần học theo như họ rồi bác ạ.

Nó giống như câu chuyện anh nông dân xây được cái nhà đẹp ấy. Nếu anh tự hào về ngôi nhà anh đẹp, thì anh phải tìm cách đi qua làng bên, nói cho người làng bên biết cái nhà anh đẹp thế nào để họ còn biết mà đến thăm. Nhưng chúng ta đã làm gì?

Chúng ta đã bảo anh nông dân ấy nằm ở nhà, chổng mặt lên ngắm trần nhà và tự khen nhà mình đẹp thôi là đủ. Trong khi thế giới ngoài kia, có biết bao ngôi nhà đẹp hơn đang được xây nên mỗi ngày, bác ạ...

Cháu thì ở xa, bác lại bận trăm công nghìn việc chắc khó nghe thấy những lời cháu nói. Nhưng cháu tin thông điệp cháu gửi rồi cũng tới bác.


Bộ Giáo dục hồi đáp thư bạn trẻ Việt ở Nepal

Trao đổi với VietNamNet ngày 25/11, phó Trưởng Ban thường trực Ban quản lý Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) Vũ Thị Tú Anh hồi đáp nội dung bức thư của cô gái Việt đang ở Nepal.

Người thầy quyết định hiệu quả của SGK

Theo bà Tú Anh, không có bộ SGK nào là hoàn hảo vì cuộc sống và thực tiễn luôn luôn thay đổi mà một bộ SGK thì không thể thay đổi nhanh như cuộc sống.


TS Vũ Thị Tú Anh (Ảnh: Văn Chung)

Những bộ SGK dạy tiếng do các NXB nổi tiếng biên soạn nếu không được biên soạn riêng hoặc điều chỉnh lại cho một nhóm người học, một nước học cụ thể thì cũng không tính hết được những yếu tố văn hoá, đất nước, con người, mục tiêu giáo dục…

Cần phải khẳng định vai trò của người dạy là quyết định đến hiệu quả thành công của một bộ SGK nhất định. Sử dụng SGK hay tài liệu giảng dạy dù lệ thuộc hay dùng một cách sáng tạo đều phải đặt trên cơ sở năng lực ngoại ngữ và năng lực sư phạm của giáo viên.

Hiện nay, ở nước ta, từ trước khi có bộ SGK tiếng Anh do NXB Giáo dục Việt Nam xuất bản và đang được sử dụng thí điểm theo kế hoạch của của Đề án dạy và học ngoại ngữ do Bộ GD-ĐT chỉ đạo, ở một số địa phương, trường học dạy theo hình thức tự chọn, đã và đang sử dụng một số bộ SGK ngoại ngữ do các nhóm tác giả khác trong nước biên soạn và một số bộ SGK ngoại ngữ/tiếng Anh do các nhà xuất bản nước ngoài biên soạn, xuất bản đã được chỉnh lý, biên tập để dùng cho Việt Nam.

Quyết định số 1400/QĐ-TTg ngày 30-9/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Dạy và học Ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 -2020” đã yêu cầu: “Hoàn thành việc xây dựng chương trình và biên soạn SGK ở phổ thông theo chương trình 10 năm và chương trình, giáo trình, tài liệu dạy học cho các trường dạy nghề, TCCN, CĐ, ĐH và giáo dục thường xuyên. Đồng thời triển khai việc lựa chọn, sử dụng một số chương trình, SGK, tài liệu dạy học ngoại ngữ của nuớc ngoài phù hợp với mục tiêu, yêu cầu dạy học ngoại ngữ ở Việt Nam”.

Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 09/6/2014 của Chính phủ cũng nói rõ: “Các cá nhân, tổ chức được khuyến khích tham gia biên soạn SGK (sách in và sách điện tử) trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt, sử dụng thống nhất trong toàn quốc”.

Chủ trương nêu trên của Chính phủ đã tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi đề các cá nhân, tổ chức có đủ năng lực tham gia sâu rộng hơn nữa vào quá trình biên soạn SGK, đồng thời cũng tạo cơ hội cho nhà trường và đội ngũ giáo viên lựa chọn một bộ sách có chất lượng tốt nhất trong số các bộ sách đang đươc phép lưu hành trên thị trường SGK ở nước ta.

SGK ngoại ngữ cần phù hợp với điều kiện VN

Theo bà Tú Anh: Việc biên soạn mới SGK ngoại ngữ hoặc lựa chọn SGK ngoại ngữ của nước ngoài để chỉnh lý, biên tập dùng cho trường phổ thông Việt Nam đều theo hướng chuẩn hóa, thiết thực, bảo đảm năng lực sử dụng của người học, vừa đảm bảo tính thống nhất trong toàn quốc, vừa phù hợp với đặc thù của mỗi địa phương.
Bộ Giáo dục, hồi đáp, thư, cô gái Việt, Nepal, tiếng Anh, tiểu học



Hình ảnh SGK tiếng Anh tiểu học của Nepal (ảnh trên) và của VN (ảnh dưới) được Mỹ Linh chia sẻ trên Facebook cá nhân

Đồng thời chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân; tăng cường giáo dục thể chất, quốc phòng – an ninh và các giá trị văn hóa truyền thống, giáo dục kỹ năng sống, giáo dục lao động và hướng nghiệp cho học sinh phổ thông.

SGK ngoại ngữ cũng tuân thủ những nguyên tắc cơ bản của việc biên soạn SGK nói chung và đảm bảo tiếp cận theo đường hướng giao tiếp hay dạy ngôn ngữ giao tiếp (Communicative Language Teaching) nhấn mạnh đến chức năng ngôn ngữ (language functions) chứ không tập trung vào việc dạy hệ thống kiến thức ngôn ngữ.

Nội dung SGK ngoại ngữ hệ 10 năm, từ lớp 3 lớp 12 THPT, bao gồm hệ thống chủ điểm, chủ đề không chỉ phản ánh đất nước, con người và văn hóa của các nước bản ngữ mà còn phản ánh đất nước, con người và văn hóa của cả Việt Nam nữa.

Học sinh sau khi học xong chương trình ngoại ngữ có khả năng tiếp thu được tri thức, văn hóa của nước ngoài, đồng thời cũng có khả năng làm cho người nước ngoài hiểu được đất nước, con người và văn hóa Việt Nam thông qua ngoại ngữ các em được học. Đây là yếu tố quan trọng và luôn luôn được đội ngũ tác giả Việt Nam quan tâm trong quá trình thiết kế các bài trong SGK Tiếng Anh mới, hệ 10 năm.

Nghiêm túc tiếp thu mọi ý kiến

Phó Vụ trưởng Vũ Thị Tú Anh cho hay: Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang chỉ đạo triển khai thí điểm chương trình và SGK ngoại ngữ mới, trước mắt là tiếng Anh nhằm xem xét tính khả thi của chúng.


Mỹ Linh chụp chung với các em nhỏ ở Nepal. (Ảnh: NVCC)

Trong quá trình triển khai thí điểm, tập thể các tác giả SGK đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý báu xuất phát từ các góc độ, quan điểm đánh giá khác nhau của nhiều tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước.

Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các tác giả và NXB Giáo dục Việt Nam nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp đó và khẩn trương chỉnh sửa, bổ sung kịp thời nhằm hoàn thiện bộ SGK ngoại ngữ dùng cho học sinh Việt Nam.

Tuy không tránh khỏi một số hạn chế, nhưng SGK mới đã được thầy cô giáo đang trực tiếp đứng lớp ghi nhận sự đổi mới cả về nội dung và phương pháp biên soạn, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong trường phổ thông hiện nay.

Bộ cũng đang khẩn trương hoàn thiện bộ tiêu chí thẩm định để lựa chọn SGK tiếng Anh phổ thông cũng như đặc biệt coi trọng công tác giám sát quy trình này để quản lý chất lượng SGK tiếng Anh nói riêng và SGK nói chung.

(Văn Chung, Vietnamnet)

Nguồn:Vietnamnet
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Đổi mới giáo dục: Cần cải cách toàn diện

    16/09/2009Hoàng Anh Thắng (thực hiện)Nhân dịp đầu năm học mới, Giáo sư Phan Đình Diệu, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Khoa học và giáo dục-UBTƯ MTTQ Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Đại Đoàn Kết, ông khẳng định: “Đổi mới nền giáo dục, cần tiến hành một cuộc cải cách toàn diện, chứ không chỉ là những điều chỉnh đơn lẻ về từng mặt...”
  • Bài thơ học tiếng Anh

    18/01/2008Long dài, short ngắn, tall cao
    Here đây, there đó which nào, where đâu
    Sentence có nghĩa là câu
    Lesson bài học, rainbow cầu vồng...
  • Bảo đảm điều kiện đổi mới giáo dục phổ thông

    05/09/2003"Cần bảo đảm các điều kiện về chương trình, giáo trình, sách giáo khoa, giáo viên, cơ sở vật chất, trường lớp, thiết bị, thư viện, phòng thí nghiệm cho giáo dục phổ thông". Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã nhấn mạnh như vậy trong buổi lễ khai giảng năm học mới 2003-2004 của trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội, diễn ra sáng nay (4/9).
  • Đổi mới giáo dục hướng tới một xã hội tri thức trong thế kỷ 21

    04/05/2003(Tuổi Trẻ CN) Tại hội nghị giáo giới ASEAN lần 19 vừa được tổ chức ở Hà Nội từ ngày 5 đến 8.12, tham luận của GSTS Phan Đình Diệu với tựa đề "Đổi mới giáo dục hướng tới một xã hội tri thức trong thế kỷ 21" đã gây sự chú ý đặc biệt. Trích đăng.
  • Đổi mới giáo dục

    11/02/2003Hiện nay có lẽ một trong những vấn đề cấp bách hàng đầu của đổi mới giáo dục là cần phải đổi mới quan niệm về nội dung giảng dạy ở nhà trường, trong đó đặc biệt là mối quan hệ giữa dạy kiến thức và dạy tư duy. Không ai phủ nhận trường phổ thông phải mang lại cho học sinh một vốn kiến thức nhất định, làm nền tảng cho việc tiếp thu những kiến thức khai thác khi các em bước vào đời hoặc tiếp tục học cao hơn.
  • Đổi mới giáo dục cần bắt đầu từ đổi mới kiểu tư duy

    11/02/2003"Dạy học hướng vào người học" còn gọi là "dạy học lấy chủ thể học sinh làm trung tâm" được coi là thành tựu của Âu - Mỹ. ở ta, một số lý thuyết và mô hình giáo dục của nước ngoài đã và đang được nghiên cứu và ứng dụng. Việc học tập những thành tựu giáo dục lành mạnh tiên tiến của nớc ngoài là cần thiết, nhưng kinh nghiệm cho hay rằng, một nền giáo dục vững chắc của một đất nước là một nền giáo dục biết tự đứng trên đôi chân của mình.
  • xem toàn bộ