Có cái hại nào bằng không chịu sửa mình?

10:32 SA @ Thứ Bảy - 12 Tháng Chín, 2015

Cổ nhân dạy: “Không có cái hại nào bằng không chịu sửa mình.”, có đúng như vậy chăng?

Chính thế! “Nhân vô thập toàn”, trong trời đất chẳng ai mười phân vẹn mười cả. Mỗi chúng ta đều có khuyết điểm. Nếu như ta cứ bảo thủ mà không chịu sửa chữa, điểm yếu ấy cứ lớn dần, chèn ép những cái tốt và sản sinh thêm những cái xấu khác, khiến con người ta không thể nào phát triển được. Giả thử có người văn võ song toàn, có tài kinh bang tế thế nhưng lại kiêu căng, ngạo mạn mà không chịu sửa mình. Y cho rằng mình hoàn hảo. Thảm họa bắt nguồn từ đấy. Do kiêu căng, y sinh ra bảo thủ, không chịu tiếp thu cái hay, cái đẹp của người khác. Và vì không tiếp thu thêm cái mới, y trở nên lạc hậu trước thế giới luôn biến đổi. Cuối cùng, do không chịu sửa mình, y không những không loại bỏ được thói kiêu căng mà ngay cả cái tài của y cũng dần bị diệt vong. Nói cách khác, thói tự sửa mình cũng giống như kháng thể trong thân ta vậy.

Sống trên đời, không ai không bị bệnh, chẳng nặng thì nhẹ. Đó cũng giống như thói xấu ta mắc phải. Thế nhưng vì lẽ gì có người bệnh nặng thì hết mà có kẻ bệnh nhẹ lại không qua khỏi? Đó chẳng phải là do hệ miễn dịch tốt xấu khác nhau hay sao? Người bệnh nặng nhưng có hệ miễn dịch tốt sẽ tự đẩy lùi bệnh mà hiếm khi phải dùng bất cứ một viên thuốc tây y nào. Kẻ bệnh nhẹ nhưng không có khả năng miễn dịch thì dù có uống thuốc tốt đến mấy, bệnh nhẹ cũng hóa nặng, không thể chữa trị. Kẻ ấy luôn trách trời, trách phận mà không biết y chỉ có thể tự trách mình đã không sống điều độ mà thôi! Không biết sửa mình có tác hại nghiêm trọng đến như thế. Nó có thể hủy diệt một con người tốt. Từ đó, ta có thể tự ngẫm mà suy ra rằng, sửa mình là điều cấp bách nên làm, cũng như mỗi ngày ta phải rèn luyện thân thể để có hệ miễn dịch tốt vậy.

Nhưng sửa mình như thế nào cho đúng, cho có hiệu quả cao là điều không phải ai cũng biết rõ. Cách sửa mình sai lầm thường thấy nhất là sửa mình theo kiểu hình thức. Những người này phao lên rằng họ sẽ tiếp nhận những ý kiến đóng góp của mọi người để hoàn thiện mình. Nhưng rồi nghe xong, họ bỏ đấy, vào tai này ra tai kia. Khi nhận được ý kiến, họ thường bảo: "Cảm ơn những ý kiến đóng góp quý báu của anh. Tôi sẽ tiếp thu và sửa chữa trong một thời gian gần đây.". Nhưng có vẻ như cái "thời gian gần đây" của những người này là sự vật phi thực tế nhất mà không nhà văn khoa học viễn tưởng nào có khả năng nghĩ đến. Sửa mình như thế thì chẳng khác nào không sửa, lại còn mắc thêm thói hình thức. Tệ hơn cách sửa hình thức là cách sửa chuộng lời khen. Những người này bảo rằng thích nghe điểm yếu của mình nhưng chỉ trông chờ được tâng bốc. Một trong những kẻ như thế là Tào Tháo trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa” của La Quán Trung. Chuyện kể rằng ngày nọ, Tào Tháo viết được một bài ca, thích chí, bèn ngâm lên cho quần thần nghe và yêu cầu họ phê bình thật lòng. Nhưng khi Thứ sử Dương Châu là Lưu Phúc chỉ ra chỗ dở trong bài ca, Tào Tháo nổi trận lôi đình, chém Lưu một kiếm chết tươi. Tuy sau này Tào có hối hận nhưng quần thần đã không bao giờ còn dám chê bai y một tiếng nào. Những kẻ như thế không những không hoàn thiện được mình mà còn khiến kẻ khác xa lánh và không thật lòng với họ nữa!

Có kẻ khác thật tâm muốn hoàn thiện mình, luôn thiết tha được nghe người khác chỉ cho mình điểm yếu. Họ luôn tin tưởng và làm theo tất cả những lời khuyên một cách không tự chủ, chẳng thèm quan tâm lời khuyên ấy là đúng hay sai. Nhưng thế cũng dở, tựa như anh chàng đẽo cày giữa đường vậy. Nghe lời khách bộ hành, y đẽo cày cái thì quá to, cái lại quá nhỏ, khiến cả đống gỗ trở thành đồ phế thải. Đó là cách sửa mình mù quáng, quá tin người khác mà không tin chính mình, không biết chọn lọc cái hay mà nghe, cái dở mà tránh. Nói vui một cách ít văn chương, đó là cách sửa mình ba phải. Lại có người sửa mình theo đúng hướng và đã thấy được những thành quả đầu tiên thì lại bỏ ngang, cho rằng như thế là đủ, không cần phấn đấu nữa. Họ không biết rằng sửa mình là công việc phải làm suốt đời, cũng như rèn luyện thân thể phải xuyên suốt, nếu bỏ ngang thì cơ thể sẽ trở nên yếu ớt như trước. Khi ta dừng việc sửa mình, những khiếm khuyết sẽ dần trở lại, bởi trong cuộc sống, ta luôn gặp phải cái xấu, cái ác quanh mình. Dừng sửa mình đồng nghĩa với việc phá bỏ bức tường lửa ngăn những tập tin xấu từ mạng xâm nhập vào máy tính của ta.

Vậy ta sửa mình như thế nào là phải? Ta nên vừa tự tìm chỗ mạnh, chỗ yếu của mình, vừa nhờ những người xung quanh chỉ giúp. Khi nhận được lời phê bình từ những người này, một mặt ta phải cảm ơn họ, mặt khác phải xét kĩ từng lời mà nhìn lại ta. Nếu đó là lời khen chê đúng, ta phải lấy đó làm cái quy cái củ mà uốn mình theo; giả như đó là lời phê bình sai, ta nên loại bỏ nó ra khỏi đầu ngay lập tức, không nghĩ đến nữa. Khi đã đạt được thành quả, tức là điểm yếu được loại bỏ, điểm mạnh được phát huy thì ta càng phải năng hoàn thiện mình chứ không nên từ bỏ.

Sửa mình là công việc ta phải làm suốt cuộc đời, không thể ngày một ngày hai mà xong được. Người không biết sửa mình là người tự tạo điều kiện cho thói xấu trong họ phát triển, tựa như tế bào ung thư không được điều trị kịp thời di căn khắp toàn thân vậy. Do đó, ta phải luôn nỗ lực không ngừng để hoàn thiện mình. Dù ta không bao giờ có thể trở thành người hoàn hảo, những cố gắng ấy vẫn sẽ làm ta hạnh phúc hơn và khiến cuộc sống của ta thêm ý nghĩa. “Thật tình thì tôi không bao giờ đạt tới tuyệt mĩ, nhưng dù sao, những cố gắng hằng ngày để đến đích ấy cũng làm cho tôi tốt hơn và sung sướng hơn”. (Benjamin Franklin)

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Cơ chế nào sửa sai lỗi hệ thống?

    06/11/2019Nguyễn Chinh Tâm...tham nhũng ở nước ta đã trở thành quốc nạn. Không phải chỉ một, hai cá nhân hay một vài đơn vị tha hóa mà căn bệnh đang lan rộng khắp guồng máy. Thừa nhận hay đến lúc bắt buộc phải thừa nhận: tham nhũng xuất phát từ cơ chế mà trong đó mỗi sai phạm của cá nhân chỉ đóng vai trò hệ quả. Cái nhân của nó nằm tận bên trong, vì bộ máy đang tồn tại những khuyết điểm mang tính hệ thống.
  • Tín nhiệm - trách nhiệm và sửa mình

    18/11/2018Thành Thông biên dịchCó một người trẻ tuổi phá sản khát nước tìm nước uống, đến nhà một vị lão thí chủ. Anh ta nhìn thấy hai mắt lão thí chủ lõm sâu, đoán định lão ta là một người mù. Uống nước xong, anh ta phát hiện có một số tiền để ở dưới gối, ..
  • Tứ diệu đế - từ góc độ phương pháp luận khoa học

    28/01/2015PGS. TS. Hà Vĩnh TânKhi còn nhỏ, những câu chuyện cổ tích mà bà và mẹ kể về Bụt đã để lại trong lòng tôi hình ảnh một ông cụ râu tóc bạc phơ đầy từ bi, luôn hiện ra đúng lúc, đúng chỗ, dùng phép lạ cứu giúp muôn chúng sinh qua mọi cảnh khổ nạn...
  • Cụ Huỳnh Thúc Kháng nói về khuyết điểm của Khổng giáo

    06/01/2015Huỳnh Thúc KhángThuyết của Khổng tử nói về chánh trị thì chú trọng về vua quan mà không nói đến dân, dân chỉ ngồi không mà nhờ người trên sắp đặt lo liệu cho mình mà thôi...
  • Phương pháp giải quyết vấn đề và Tứ Diệu Đế (phần 1)

    29/06/2010Nguyễn Cung Thông (Gửi từ ÔXTRÂYLIA)Loạt bài này tóm tắt các suy nghĩ về phương pháp giải quyết vấn đề (viết tắt là ppgq, problem solving) và Tứ Diệu Đế – nói cách khác hơn là suy nghĩ về tư duy (think of thinking). Nội dung các phần sau dựa nhiều vào kinh nghiệm kỹ thuật, ngôn ngữ, giáo dục (sư phạm) và nhất là từ sự quan sát và suy nghĩ cá nhân qua những hoạt động hàng ngày...
  • Thế kỷ XXI - thế kỷ sửa sai

    05/05/2006Lê SơnCuộc trao đổi giữa nhà bác học Nga lỗi lạc, Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Nga Nikolai Antonovieh Dolezjam (sinh năm 1900), hai lần Anh hùng lao động, giải thưởng Lênin và 5 giải thưởng Quốc tế, và phóng viên báo Thế Kỷ về tương lai của nhân loại trong thế kỷ XXI...
  • xem toàn bộ