Chuyện ''thâm cung'' trong ngành giáo dục

03:51 CH @ Thứ Ba - 11 Tháng Hai, 2003

Người nói ra những sự thật này là ông Nguyễn Gia Phong nguyên chuyên viên cao cấp của Vụ Trung học phổ thông (1969 - 1980), Viện Khoa học giáo dục - Bộ Giáo dục và Đào tạo (1981 - 1997). Ông Phong đã từng có hàng chục năm tham gia hội đồng ra đề thi tốt nghiệp và cũng từng không ít lần phải ấm ức...

Ông Phong kể đã nhiều lần "bị" chỉ đạo phải ra đề thi thế nào để cho khoảng 90% học sinh có thể đỗ. Hội đồng chấm thi chấm được 10% số bài thì phải báo cáo kết quả lên bộ. Khi thấy tỷ lệ điểm "hợp lý", Bộ duyệt mới được chấm tiếp. Nếu kết quả còn thấp phải nới rộng đáp án và biểu điểm để số học sinh đạt điểm trung bình có tỷ lệ được cao hơn.

Theo ông Phong và những cán bộ nghiên cứu, chỉ đạo việc dạy và học ở trung học phổ thông, qua nhiều lần điều tra cơ bản đã đánh giá thực chất chỉ có khoảng 30% số học sinh đạt được yêu cầu học lực trung bình. Thế mà vẫn phải chấp nhận tỷ lệ trên 90% học sinh tốt nghiệp và trên 95% học sinh được lên lớp.

Một phép tính logic, nếu cứ theo thực chất 30% mà làm thì nghĩa là 70% học sinh thi trượt tốt nghiệp phải học lại lớp 12, 70% học sinh lớp 11 phải học lại lớp 11, 70% học sinh lớp 10 phải học lại lớp 10. Cứ thế mà ''dồn toa'' thì số chỗ cho học sinh được vào lớp 10 chỉ còn 30%. Muốn có số học sinh được tuyển vào lớp 10 năm nay bằng năm học trước (chưa nói đến phát triển thêm) thì phải có thêm 70% số lớp 10 hiện có, và cứ thế ''dồn toa'' lên, năm sau lại phải có thêm 70% số lớp 11, lớp 12...Số lớp phải mở thêm sẽ kéo theo số giáo viên, số sách giáo khoa....mỗi năm chí ít cũng phải tăng thêm 70%. Cho nên tuy thực chất chỉ khoảng 30% học sinh đạt học lực trung bình, nhưng vẫn phải chấp nhận cho 90% học sinh hoặc nhiều hơn nữa được tốt nghiệp. Có cho ra như thế mới có chỗ vào cho học sinh lớp 10. Không thể làm khác được.

Có thể kể ra vô số những thực tế điển hình cho sự yếu kém của học sinh, học đến lớp 3, lớp 4 mà vẫn chưa đọc thông, viết thạo. Một bài làm văn của học sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 5 điểm (điểm trung bình) cũng có thể nhặt ra được hàng chục lỗi ngữ pháp, lỗi chính tả. Học sinh lớp 12 vẫn chưa làm được những phép tính phân số... Dẫu không phải là phần lớn, nhưng không phải là ít.
Kết quả của kiểu giáo dục nêu trên được nhận thấy  rõ ràng nhất khiến mọi người thấy ''rùng mình'' là số học sinh đạt điểm kém và rất kém quá nhiều trong kỳ thi tuyển sinh đại học vừa qua. Những con số của các năm trước được giấu kín, mãi đến năm nay mới công bố cụ thể, công khai. Nhưng sự công khai cũng mới chỉ nửa vời khi ông Quách Tuấn Ngọc, Giám đốc Trung tâm công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo) khước từ trả lời câu hỏi về ''bản thống kê các địa phương có tỷ lệ điểm thi xếp hạng từ cao xuống thấp...''. Phải chăng Bộ Giáo dục và Đào tạo muốn giữ ''thể diện'' cho ngành giáo dục ở các địa phương!?

Theo ông Phong thì chất lượng giáo viên cũng rất đáng báo động. Qua các đợt khảo sát, kiểm tra có đến 30% số giáo viên quá kém, kém đến mức ''vô phương cứu chữa'' chỉ còn có cách là ...cho đi làm việc khác. Nhưng nếu giải quyết như thế thì lại không có ai đứng lớp. Vẫn cứ phải để họ dạy, vẫn cứ ''đến hẹn lại lên'' phải nâng lương cho họ...

Một thực tế nữa góp phần làm suy giảm chất lượng đào tạo là ngành giáo dục những năm qua luôn thiếu ổn định. Không hiểu có phải nhiều đời bộ trưởng, vì ''tân quan, tân chính sách'' hay không mà kéo theo bao thay đổi xoành xoạch? Chữ viết truyền thống được thay bằng ''chữ viết cải cách'' cứng đơ, lùn tè. Thấy khó coi lại phải đổi lại. Chủ trương phân ban trong nhà trường THPT, làm thí điểm vừa xong đã xoá bỏ để làm phân ban theo kiểu khác. Chương trình, sách giáo khoa từ tiểu học, đến trung học cơ sở, trung học phổ thông cứ thấy cải cách, sửa đổi, chỉnh lý, bổ sung liên miên...

Những việc làm nêu trên chưa kể đến sự lãng phí hàng trăm tỷ đồng chắc hẳn không thể không ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Vậy thực chất nền giáo dục của chúng ta như thế nào?

LinkedInPinterestCập nhật lúc: