Chuyện đặc khu và nỗi giận dữ từ một bộ phim Trung Quốc

09:38 CH @ Thứ Ba - 26 Tháng Sáu, 2018

Thiếu thông tin, thiếu cơ sở lý tính, đa phần người dân đều đánh đồng việc ra đời Luật đặc khu với nguy cơ bị Trung Quốc chiếm đất, di dân và đồng hóa, cần phản đối mạnh mẽ...


Cổng vào Kings Romans Casino thuộc “Đặc khu kinh tế Tam Giác Vàng” ở Lào

Có lẽ chưa tới 1% trong số những người phản đối đã đọc đầy đủ “Dự thảo Luật đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Vân Phong, Phú Quốc” dài chẵn 50 trang A4. Họ lại càng không biết rằng bộ hồ sơ thuyết minh, giải trình cho việc ra đời Dự luật đặc khu (gọi tắt) gồm tới 1.200 trang.

Thiếu thông tin, thiếu cơ sở lý tính, đa phần người dân đều đánh đồng việc ra đời Luật đặc khu với nguy cơ bị Trung Quốc chiếm đất, di dân và đồng hóa, cần phản đối mạnh mẽ.

Để tạo ra làn sóng bức xúc trong nhân dân - dù đúng hay chưa đúng - có phần lỗi của truyền thông, của chính các cơ quan có trách nhiệm vì đã thông tin không đầy đủ, không kịp thời cho người dân hiểu. Trong khi đó, phía Trung Quốc lại thường xuyên tung ra những luận điệu tuyên truyền bịa đặt, đầy tính khiêu khích, không chỉ trên báo chí mà ngay cả trong các tác phẩm văn hóa - văn nghệ - giải trí khác về vấn đề chủ quyền lãnh thổ.


Sòng bạc Kings Romans.

Từ tháng 10 - 2017, trên Youtube, bộ phim hành động dài tập nhan đề “Đặc công truy sát ông trùm ma túy” do Trung Quốc sản xuất đã được chiếu rầm rộ. Phim khá hấp dẫn, cảnh quay đẹp, diễn xuất tự nhiên, kịch bản và đầu tư sản xuất công phu. Có cả bản thuyết minh và phụ đề Việt ngữ được thực hiện rất kỹ lưỡng, chăm chút.

Tuy nhiên, tôi không định giới thiệu hay phê bình bộ phim. Tôi muốn “đọc” chính xác thông điệp nguy hại mà nó gửi tới khán giả, nhất là khán giả Việt.

Bộ phim mở đầu và xoay quanh cuộc chiến quyết liệt giữa đặc nhiệm chống khủng bố Trung Quốc với tập đoàn tội phạm túy – khủng bố Mãnh Mã của người Trung Quốc, có sào huyệt nằm ở khu vực biên giới của nước F. giả định.

Phiếm chỉ, nhưng với cảnh quay, sinh hoạt, tập quán cộng đồng (lễ hội té nước chẳng hạn)…, nước F. vẫn hiện ra như một khu vực nào đó thuộc Bắc Lào, giáp Trung Quốc, gần Thái Lan và Myanmar. Nơi đặt đại bản doanh, sào huyệt của Mãnh Mã là một đặc khu của nước F. cho người Trung Quốc thuê dài hạn. Cả luật pháp Trung Quốc lẫn luật pháp nước sở tại đều không có quyền đối với việc giải quyết những vi phạm luật pháp, những âm mưu, hành vi, tổ chức hoạt động tội ác đang diễn ra trong đó.

Buộc lòng, Trung Quốc, với sự đồng thuận của nước F. phải dùng đặc nhiệm đột kích - nhiều lần và liên tục - để giải quyết vấn đề và bảo vệ xã hội của họ.

Tôi không chắc chắn tưởng tượng trong phim vô tình hay dựa hẳn những gì có thật từ nguyên mẫu ngoài đời. Song, nhân vật ông trùm Bát Diện Phật của tổ chức tội phạm Mãnh Mã trong phim gần như trùng khít với Zhao Wei, ông chủ tập đoàn Kings Romans đang thuê đặc khu ở vùng Tam Giác Vàng, tỉnh Bokeo, Bắc Lào, giáp với Trung Quốc.

Năm 2007, Chính phủ Lào cấp phép cho Tập đoàn Kings Romans có trụ sở tại Hồng Kông thuê 10.000 hecta đất, trong đó 3.000 hecta được dành lập “Đặc khu kinh tế Tam Giác Vàng” tại tỉnh Bokeo với nhiều chính sách ưu đãi. Kings Romans dự kiến đầu tư tổng cộng 2,25 tỷ USD vào trước năm 2020, để xây dựng nhiều hạng mục công trình phục vụ du lịch - nghỉ dưỡng - ăn chơi - giải trí, tuyệt nhiên không có hạ tầng công nghệ cao nào cả.

Theo tờ South China Moning Post, năm 2013, Kings Romans đã phát đi một clip quảng cáo dài 15 phút trên nhiều kênh truyền hình Trung Quốc, tự hào vì đã xây dựng một khu du lịch và thương mại cùng với khu nghỉ dưỡng cao cấp, sân golf, câu lạc bộ du thuyền… Hầu hết 4.500 nhân viên - công nhân tại đặc khu đều là người Trung Quốc.

Hầu như không có lao động người Lào được đào tạo và nhận vào làm việc, tạo công ăn việc làm như họ từng cam kết. Người điều hành Kings Romans là Zhao Wei, 67 tuổi, một y sĩ xuất thân từ tỉnh Hắc Long Giang, phát biểu rằng ông ta toàn quyền kiểm soát Đặc khu Tam Giác Vàng, biến nó thành “một thế giới riêng của người Trung Quốc” rộng 102km2, với 7km dọc bờ Mekong nhìn sang Myanmar và Thái Lan.

Sau hơn 10 năm, việc “mang lại lợi ích kinh tế cho tỉnh Bokeo nói riêng và Lào nói chung” thì khó thấy, nhưng Kings Romans đã biến Đặc khu Tam Giác Vàng thành một ổ tội phạm khổng lồ. Tờ báo tiếng Anh The Lao Tian Times công khai giật tít gọi King Romans là “Sân chơi vô luật pháp của Lào” (The “lawless” playgrounds of Laos). Ngày 19-1-2018, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) có bài kêu gọi “Dỡ bỏ mạng lưới tội phạm Zhao Wei” (Disrupting the Zhao Wei Criminal Network).

Hãng tin Reuters ngày 31-1-2018 cho biết: tháng 1-2018, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã đưa công ty này vào danh sách các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia bị Mỹ cấm vận, bởi liên quan “ma túy, buôn người, buôn lậu động vật hoang dã và mại dâm trẻ em…”. Dù vậy, hoạt động của Kings Romans tại Lào vẫn không thể bị đóng cửa mà sẽ tiếp tục hoành hành cho kỳ hết hợp đồng thuê đất 99 năm. Nó không khác gì tổ chức tội phạm Mãnh Mã ở trong phim.


Ông trùm Bát Diện Phật trên phim.

Phần cuối bộ phim là chiến dịch giải cứu nhóm các nhà khoa học hàng đầu của nhiều nước bị bọn tội phạm cướp máy bay đem ra giam giữ tại một hòn đảo khu vực Nam Hải (tức biển Đông của Việt Nam), phía Nam Trung Quốc. Từ con tàu neo đậu ở khu vực đường Trung tuyến, dùng ống nhòm có thể quan sát được trên đảo.

Trong phim, nhân vật tư lệnh lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố giải thích với thuộc cấp rằng, hòn đảo đó vốn từ cổ xưa là của Trung Quốc nhưng vì ở khu vực biên giới nên bị nước S. (tức Việt Nam) chiếm giữ. Hiện tại, đảo vẫn đang là vùng tranh chấp nhưng do nước S. quản lý, cho thuê làm đặc khu, trên đó có một tổ chức tội phạm khủng bố người Trung Quốc khác thuê đất làm sao huyệt. Vì tấn công vào đặc khu thuộc quyền chủ quyền nước khác, viên tư lệnh yêu cầu đội đặc nhiệm đổ bộ lên đảo không được mang theo vũ khí để tránh tiếng xâm lược. Khi lên đảo (có cả đường băng sân bay và trại giam), họ sẽ cướp vũ khí của đối phương để tấn công đối phương.

Hòn đảo họ nói đến trong phim có tên là Bạch Long. Vị trí địa lý, những giải thích, mô tả thì rõ ràng nó đang nói về đảo Bạch Long Vĩ thuộc TP. Hải Phòng của Việt Nam, là đảo xa bờ nhất trong khu vực Vịnh Bắc Bộ, cách mũi Đại Giác của đảo Hải Nam (Trung Quốc) 130km và cách đường Trung tuyến phân chia Vịnh Bắc Bộ chỉ khoảng 4 hải lý. Việc trùng 2/3 tên gọi chắc chắn là cố ý.

Và không may, đảo Bạch Long trong phim hay Bạch Long Vỹ ngoài đời lại chính là một huyện đảo của Hải Phòng nằm gần huyện đảo Vân Đồn của tỉnh Quảng Ninh (nhưng sâu hơn về phía Nam những 70km) – một trong ba Đặc khu tên đã được nêu trong Dự luật cho thuê 99 năm gây tranh cãi.

Với bộ phim, chính người Trung Quốc đã cho rằng thuê đất đặc khu là để kinh doanh thu lợi nhuận, kể cả biến nó thành hang ổ tội phạm. Họ cũng đã soạn sẵn những kịch bản các tổ chức cặn bã của Trung Quốc sẽ biến các đặc khu gần biên giới của họ thành sào huyệt tổ chức phạm tội, gây nguy hại cho Trung Quốc. Khi cần, vì an ninh nội địa Trung Quốc, để bảo vệ quyền lợi và bảo vệ công dân Trung Quốc, họ sẵn sàng tấn công vũ trang vào đặc khu ngoài biên giới của họ. Họ gọi đó là đấu tranh chính nghĩa, là trách nhiệm, là nghĩa vụ, là sự xả thân của lòng quả cảm (!).

Từ trong tâm thức, với những vùng đất như đảo Bạch Long Vỹ, xa biên giới Trung Quốc hơn gấp bội so với Vân Đồn, một khu vực chưa thành đặc khu ở Việt Nam, phía Trung Quốc đã ngang ngược bịa đặt, nhồi sọ và tuyên truyền rằng “vốn là của họ”, chỉ vì “đại cục” tạm giao cho Việt Nam quản lý. Khi cần, họ sẽ có toàn quyền hành xử với chính nghĩa(!). Bịa đặt, láo khoét... nhưng đã ăn sâu thành cảm thức của họ, đến nỗi đã trở thành cảm hứng sáng tạo văn nghệ để họ viết thành kịch bản phim và dựng chiếu cho cả thế giới, trong đó có người Việt chúng ta xem.

Tôi không tài nào hiểu nổi và hết sức bất bình vì với những nội dung như thế, tại sao phim vẫn được quảng bá rộng rãi ở Việt Nam với đầy đủ phụ đề và thuyết minh tiếng Việt kỹ lưỡng. Tiếp tay cho việc truyền bá quan niệm sai trái, xâm phạm chủ quyền, xuyên tạc lịch sử Việt Nam của Trung Quốc phải được xử lý bằng luật pháp.

Núp sau vỏ bọc hào nhoáng của văn hóa, nghệ thuật, phía Trung Quốc đã tự phơi bày lòng tham, âm mưu của họ. Do đó, nếu người dân Việt có tỏ ra cảnh giác, hoài nghi, lo lắng với những gì liên quan đến âm mưu bành trướng và phản ứng dữ dội, tôi nghĩ cũng không hề là điều quá đáng, không có gì lạ. Đó là phản ứng của lương tri, của tình cảm và của tinh thần dân tộc trước sự tồn vọng của đất nước, dân tộc mình.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Cái giá của đặc khu kinh tế

    18/06/2018Hồ Quốc TuấnGiữa việc có luật và việc thành lập, vận hành thành công các đặc khu kinh tế vẫn còn nhiều vấn đề cần làm rõ. Chuyên đề này sẽ tập trung phân tích các kinh nghiệm từ Trung Quốc và các nước khác trong việc thành lập và điều hành các đặc khu, từ đó suy ngẫm đến tình huống của Việt Nam...
  • Đặc khu kinh tế

    19/04/2018Mạnh Quân thực hiệnVề phía Nhà nước cũng có sự quan tâm đến các mô hình đô thị lớn tạo động lực phát triển, nhưng đây là vấn đề rất khó...
  • Độc lập và Chủ quyền

    11/09/2011Phùng NguyênNhân ngày Quốc khánh đánh dấu Tết Độc lập lần thứ 66, các nhà nghiên cứu cùng Tiền Phong trao đổi về độc lập và chủ quyền dân tộc trên cả 3 lĩnh vực lãnh thổ - lãnh hải, kinh tế và văn hóa.
  • Trận hải chiến bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974 (04/07/2011)

    10/07/2011Nhóm PV Biển ĐôngSau khi quân Pháp rút khỏi Đông Dương, theo Hiệp định Genève 1954, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) đảm nhiệm chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa cho đến khi Trung Quốc xâm chiếm bằng vũ lực ngày 19-1-1974. Trận hải chiến bảo vệ quần đảo Hoàng Sa năm 1974 của Hải quân VNCH là một bằng chứng lịch sử rõ ràng cho thấy Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế khi sử dụng vũ lực để cưỡng chiếm Hoàng Sa từ tay VNCH...
  • Phục hồi sự thông minh bằng đặc khu tri thức

    07/11/2010NewsweekTầm nhìn của Medvedev về tương lai của Nga là về các khối óc chứ không phải về sức mạnh dầu lửa, những quả bom hay điện Cremli...
  • Chủ quyền quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế hiện nay

    14/07/2007Nguyễn Tuấn DũngViệc bảo đảm chủ quyền của mỗi quốc gia phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, chịu sự tác động của các nhân tố kinh tế, chính trị, quân sự… Trong phạm vi bài viết này, nêu lên một vài suy nghĩ về chủ quyền quốc gia Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hoá kinh tế hiện nay...
  • Tư tưởng chủ quyền nhân dân trong tác phẩm khế ước xã hội của J.J.Rousseau

    20/04/2007Phạm Thế LựcCho đến ngày nay, nhiều nội dung trong tác phẩm Khế ước xã hội của J. J. Rousseau vẫn được kế thừa đã được nêu trong các văn kiện chính trị quan trọng như một tinh thần cách mạng đối với nhân loại. Trong Khế ước và xã hội, chủquyền nhân dân là tư tưởng xuyên suốt tác phẩm...
  • xem toàn bộ