Chung quy, tại cái… chỉ tiêu

03:46 CH @ Thứ Sáu - 15 Tháng Chín, 2006

Chỉ tiêu, là những con số cụ thể trong các kế hoạch nhằm định mức phấn đấu cho một tổ chức, cá nhân trong những công việc cụ thể phải đạt tới...

Chỉ tiêu, như bản thân nó vốn có

Từ xưa đến nay, không ai phủ nhận vai trò tích cực của những con số chỉ tiêu đúng đàn, sát thực tế để đưa ra mức phấn đấu cho những công tác, những kế hoạch đưa đất nước, tổ chức xã hội đi lên.

Xét cho cùng, chỉ tiêu là mục đích phấn đấu cho từng công việc giai đoạn cụ thể. Vì thế, nó chỉ có ý nghĩa thực sự khi nó đạt được bằng chính năng lực và tình hình thực tế tại các thực thể chuyển động.

Một chỉ tiêu xa rời các điều kiện thực tế là chuyện viển vông, một chỉ tiêu không đặt được định hướng phấn đấu tích cực là một chỉ tiêu không có tác dụng.

Những điều đó cho thấy, các nhà hoạch định chính sách, kế hoạch cần có đầy đủ tri thức. Cơ sở dữ liệu cũng như các yếu tố đảm bảo cho việc xác định các con số chỉ tiêu sát thực tế khả thi và tích cực, là một việc làm hết sức quan trọng và nghiêm túc.

Chỉ tiêu, sự biến tướng từ mục đích thành phương tiện tiến thân

Trong quá khứ, câu chuyện đấy tính bi hài về chỉ tiêu và thực hiện chỉ tiêu là hình ảnh hai nhân vật thầy MinĐơ và MinToa trong tác phẩm "Số đỏ" của cố nhà văn Vũ Trọng Phụng. Chỉ vì để đủ chỉ tiêu phân bổ cho chi nhánh Ty cảnh sát là phải phạt đủ năm ngàn bạc cho ngân khố, Sở Cẩm phải nghĩ ra biết bao nhiêu những điều trái khoáy, nghĩ ra đủ các cách để phạt tiền đâu. Khi phạt dân không đủ, họ nghĩ ra những cách quái dị, cả cách để phạt tiền lẫn nhau, thúc giục mọi người phạm lỗi để phạt ngay chính gia đình mình và bạn bè, thậm chí rất hậm hực, tức tối vì người dân không chịu vi phạm quy tắc để được phạt cho đủ... chỉ tiêu được giao.

Những tưởng câu chuyện chỉ tiêu hài hước kia chỉ có trong xã hội phong kiến thời xưa. Nhưng không, giờ đây, trong xã hội Việt Nam hiện đại, cái bệnh chỉ tiêu kia cũng không kém phần nhức nhối nó đang hoành hành ngày càng nặng và thuốc chữa như càng ngày càng bị nhờn.

Gần đây, vấn đề chỉ tiêu lại biến tướng, nảy sinh những vấn đề bất cập của nó. Từ chỗ nó là mục đích phấn đấu, bị biến thành phương tiện, giành thành tích để tiến thân của không ít những cá nhân, tổ chức trong xã hội, bất chấp hậu quả, bất chấp tiêu chí cơ bản của con người mới đã được dày công và dài thời gian xây dựng là sự trung thực.

Không ít những doanh nghiệp Nhà nước quá trình kinh doanh thua lỗ một cách nặng nề, triền miên, đời sống cán bộ nhân viên ngày càng đi xuống, nhưng cuối năm, trong những báo cáo rộn ràng, vẫn là những con số đạt chỉ tiêu phấn đấu rất hoành tráng. Chính sự dối trá đã đẻ ra không biết bao nhiêu mưu mô, thủ đoạn kiểu như thế.

Chúng tôi đã từng chứng kiến những doanh nghiệp Nhà nước giữa năm lo chạy đôn chạy đáo xin điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch, cuối năm cuống cuồng lo vay sản lượng, ký hợp đồng khống... chỉ nhằm đảm bảo doanh thu, đạt bằng được con số chỉ tiêu kế hoạch đã giao. Mục đích của những việc đó là để đạt danh hiệu: Đơn vị hoàn thành kế hoạch, đơn vị xứng đáng nhận cờ luân lưu, cờ thưởng... thủ trưởng đạt danh hiệu cá nhân này nọ...

Một câu chuyện thời nay: ở xã nọ, có một phong trào "nhà nhà trồng cây, ngành ngành trồng cây người người trồng cây". Xã đứng lên phát động toàn xã cùng ra quân trồng cây đạt chỉ tiêu 10.000 cây con. Kết quả, cả xã trồng được 2.000 cây con. Tuy nhiên khi xem xét báo cáo cuối đợt của toàn xã, số cây được báo cáo là 10.000 cây? Vì sao vậy? Thì ra tất cả các đoàn thể, từ Phụ nữ, Thanh niên, Phụ lão, Thiếu nhi và Mặt trận đều báo cáo về phong trào trồng cây của tổ chức mình với kết quả là đã trồng được 2.000 cây con cho mỗi tổ chức tổng cộng là 10.000 cây con được báo cáo hùng hồn lên huyện, lên tỉnh.

Năm 2005 là năm kết thúc việc thực hiện Nghị quyết 07/CP của Thủ tướng Chính phủ ra đời tháng 6/2000 về phát triển Công nghệ giai đoạn 2001 - 2005. Kỳ vọng lúc ban đầu là rất lớn và thậm chí "5 năm phát triển Công nghệ phần mềm đã được ví với cả 100 năm công nghiệp than".

Tuy mới đi được n ửa chặng đường, cả các cơ quan Nhà nước và các doanh nghiệp đều nhận thấy là không thể hoàn thành được mục tiêu giá trị 500 triệu USD vào năm 2005. Giáo sư Chu Hảo cho biết, con số 500 triệu USD không phải là do các cơ quan Nhà nước áp đặt mà dựa trên cam kết của các doanh nghiệp, các ngành và địa phương với tổng giá trị lên tới 1 tỷ USD. Như vậy con số 500 triệu USD được đưa ra có nghĩa là đã được trừ đi một nửa giá trị được cam kết. Ông Trương Gia Bình- Tổng Giám đốc Công ty FPT lại cho biết: Việc các doanh nghiệp không thể thực hiện nổi giá trị như mong muốn các hợp đồng gia công, xuất khẩu phần mềm là do nguồn nhân lực chưa đủ sức đáp ứng được. Không chỉ có trong những ngành kinh doanh, kinh tế, bệnh hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch một cách bất chấp thực tế diễn ra khá nghiêm trọng ngay trong Ngành giáo dục, một ngành mà sự trung thực là điều cần thiết bậc nhất với đặc thù của một ngành trồng Người. Căn bệnh trầm kha này đã được nói quá nhiều quá lâu nhưng gần như biến chuyển không được là bao.

Để đạt chỉ tiêu là 90, rồi 95 thậm chí 99% học sinh đạt khá giỏi, đỗ tốt nghiệp, nhiều nhà trường, nhiều hội đồng thi, nhiều nhà giáo đã bất chấp tiếng nói trung thực của lương tri người Thầy, họ tìm cách đạt được các chỉ tiêu trên bằng mọi giá.

Câu chuyện tiêu cực trong thi cử gần đây là một điển hình. Bao nhiêu những tiêu cực trong các kỳ thi từ nhỏ đến lớn, sự vi phạm qui chế trường thi diễn ra ngày càng nghiêm trọng từ nhỏ đến lớn, từ kỳ thi vào lớp 1 đến kỳ thi Cao học. Những người vi phạm qui chế thi cử (thực chất là vi phạm, coi thường pháp luật) không chỉ là các học sinh cấp I, cấp II, mà ngay cả đến cả các Tiến sĩ, Giáo sư. Không chỉ có người dân thường mà ngay đến cả các cán bộ có chức sắc. Những người đó những tổ chức đó, họ đã tìm mọi cách để đạt chỉ tiêu ảo, những điều thực tế không có.

Chỉ tiêu thực tế tác dụng thực sự

Thực tế những ví dụ trên cho thấy khi nhà hoạch định những kế hoạch đưa ra những chỉ tiêu, những người khai sinh ra nó đã không có dữ liệu và cơ sở thực tế Những người thực hiện, do bệnh thành tích quá nặng nề, đã tìm mọi cách để đạt bằng được kể cả những biện pháp vi phạm pháp luật, chính họ đã đưa ra những thành tích ảo khi thực hiện các chỉ tiêu ảo. Những con số đưa ra là những con số dối trá. Những bước hành động đạt các chỉ tiêu đó là những hành động phản tiến bộ, không thực chất.

Không biết bao nhiêu chuyện hài hước đã xẩy ra. Cái nguy hại của hiện tượng đó quả là không hề nhỏ. Những hệ lụy của nó không đơn giản chỉ là một lĩnh vực mà nhiều khi, nó ảnh hưởng đến toàn bộ sự vận hành và phát triển của hệ thống xã hội. Trong lịch sử, không hiếm những chỉ tiêu, kế hoạch đã được trả giá bằng máu, và nước mắt của nhiều người.

Vậy có cách nào để kiểm chứng những chỉ tiêu đưa ra là có cơ sở thực tế và có tác dụng tích cực? Lối thoát có vẻ rất khó khăn(!)

Xin thưa' Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Dễ trăm lần, không dân cũng chịu. Khó vạn lần, dân liệu cũng xong". Hãy để người dân được thực hiện đầy đủ vai trò người chủ, người giám sát của Nhà nước, của các cơ quan công quyền. Chính họ sẽ là những người cho chúng ta biết: thực chất của những chỉ tiêu đó có tác dụng đến đâu.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Thể chế và Thành tích

    25/10/2014Nguyễn Trần BạtBất kỳ nhà nước hay hệ thống chính trị nào cũng phải trả lời câu hỏi làm thế nào để phát triển hay làm thế nào để giảm thiểu rủi ro trong tiến trình phát triển. Trong quá trình đi tìm lời giải cho câu hỏi này, càng ngày người ta càng nhận ra vai trò của thể chế đối với phát triển, nghĩa là, một thể chế tốt sẽ đẩy mạnh tốc độ phát triển và tăng cường chất lượng phát triển; ngược lại, một thể chế bất hợp lý sẽ kìm hãm tốc độ phát triển và làm suy thoái chất lượng phát triển...
  • Giáo dục và bệnh thành tích

    19/07/2006Huỳnh Bửu SơnThành tích là kết quả có thể đánh giá được của nỗ lực con người. Kết quả đó không chỉ là một lợi ích vật chất hay tinh thần cá nhân, tuy rằng phần lớn yếu tố tạo nên động lực khiến con người phải nỗ lực nhiều hơn, tốt hơn để đạt thành tích chính là lợi ích cho mình. Nhưng con người vẫn có thể làm hết sức mình vì lợi ích chung, lợi ích của xã hội, của đất nước.
  • Bệnh thành tích đã lan rộng!

    07/12/2005Ngọc MinhChạy theo thành tích đã trở thành bệnh - bệnh thành tích. Bệnh này không trực tiếp gây chết người, nhưng có thể làm "chết" một phong trào, làm "chết" sự trung thực, làm "chết" lòng tin và làm "chết" sự phát triển, gây ra tính gian dối, kiêu ngạo...
  • Bản “thành tích”... đạt chuẩn quốc gia

    12/10/2005Hoàng Trí Dũng - N. Bình - Phạm KiềuTheo báo cáo của Sở GD-ĐT Cà Mau hiện tỉnh đã có 76/89 xã, phường, thị trấn và 4/9 huyện, thành phố đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục trung học cơ sở... Oái oăm thay, các con số báo cáo này được xây dựng dựa trên sự gian lận của những cán bộ quản lý ngành giáo dục và giáo viên nhiều trường...
  • Bệnh thành tích trong giáo dục vẫn là... bệnh nan y?

    23/08/2005Quốc Thanh - Sông Ngân64,15% - tỷ lệ tốt nghiệp THCS ở Khánh Hòa - đã gây “sóng gió” cho tỉnh này trong suốt mấy tuần qua. Nhưng từ con số này đã nói lên điều gì trong cách dạy và học hay tổ chức thi cử?
  • Tuyên chiến với bệnh thành tích: Ai cần động viên?

    18/08/2003Một câu chuyện ngoài hành lang lớp học: có một giáo viên lớp 5 đã dặn học sinh của mình: "Nếu vào phòng thi mà không làm bài được thì cứ xin đi tiểu để ra ngoài gặp thầy, thầy sẽ giúp cho...” Bé Dương, con của chị Minh, đã nhớ kỹ lời thầy dặn. Trong một buổi thi tốt nghiệp tiểu học, bé đã xin "đi tiểu” đến ba lần để gặp thầy - đang làm giám thị hành lang tại nơi bé thi. Thầy đã giúp bé ba "chiêu” và bé đã... đường hoàng tốt nghiệp tiểu học!
  • xem toàn bộ