Chiến tranh thương mại của Quản Trọng

03:37 CH @ Thứ Hai - 14 Tháng Giêng, 2019

Thời Xuân Thu, khoảng 2.700 năm trước, Quản Trọng là một doanh nhân startup làm đủ thứ trên đời để sinh nhai. Đến năm ngoài 40 tuổi thì gặp Tề Hoàn Công, giúp cho nước Tề trong suốt 40 năm, trở thành một cường quốc. Khác với Nho gia thường đề cao nhân nghĩa, Quản Trọng vốn là doanh nhân, biết được ý nghĩa của thị trường tự do, nên thúc đẩy tự do hoá kinh tế, khiến kinh tế nước Tề phát triển mạnh mẽ. Tề cũng là nước có biển có núi, tài nguyên nhiều, nên năng lực sản xuất được phát huy mạnh mẽ, GDP đầu người tăng cao. Tề là nước đầu tiên xưng Bá, thay mặt nhà Chu hiệu triệu chư hầu.


Quản Trọng (725 TCN - 645 TCN), họ Cơ, tộc Quản, tên thực Di Ngô (夷吾), tự là Trọng, thụy hiệu là Kính (敬), đương thời hay gọi Quản Tử (管子), là một chính trị gia, nhà quân sự và nhà tư tưởng Trung Quốc thời Xuân Thu.

Ông được Bào Thúc Nha (鲍叔牙) tiến cử, Tề Hoàn công phong ông làm Tể tướng. Ông nổi tiếng với chiến lược không đánh mà thắng mà người Trung Hoa gọi là Diễn biến hòa bình, đó là tấn công bằng mưu trí, trừng phạt và dùng kinh tế để giáo huấn. Câu nói nổi tiếng của ông là:

"Kế một năm, chi bằng trồng lúa,
Kế 10 năm, chi bằng trồng cây.
Kế trọn đời, chi bằng trồng người,

Trồng một, gặt một, ấy là lúa.
Trồng một, gặt mười, ấy là cây,
Trồng một, gặt trăm, ấy là người."

Kinh tế thị trường phát triển rầm rộ, của cải tích luỹ nhanh, nhân dân giàu có, tầng lớp trung lưu phát triển, nảy sinh khuynh hướng dân chủ đòi đa nguyên đa đảng, đe doạ vị trí độc tôn của Tề Hoàn Công. Lúc này Quản Trọng làm Tướng quốc, nghiễm nhiên là công thần trụ quốc, liền ra chính sách quốc hữu hoá hai ngành quan trọng nhất của nền kinh tế, biến thành độc quyền nhà nước. Đó là ngành muối và ngành luyện sắt.


Muối vì trăm họ phải ăn. Nên nếu nhà nước nắm được ngành này, thì có thể kiểm soát được đời sống nhân sinh. Giống như ngày nay nhà nước nắm ngành điện thông qua EVN vậy.

Sắt thì là ngọn nguồn của các phương tiện, công cụ sản xuất. Đó là một loại công nghệ mới ra đời. Ai có sắt kẻ ấy làm chủ được ngành nông nghiệp và sản xuất vũ khí, tức là toàn nền kinh tế vậy. Đại khái giống như ngày nay nhà nước nắm nhà mạng thông qua Viettel.

Quản Trọng thường nói với Tề Hoàn Công: thu thuế của bách tính họ sẽ phản đối, mà bọn nhà giàu vì thế mà làm loạn. Nhưng nếu đã nắm độc quyền ngành muối và sắt, thì ta có thể tuỳ ý tăng giá hai món hàng đó, cải thiện thu ngân sách, mà bọn chúng chỉ có thể cúi đầu mà nghe. Tề Hoàn Công cho thế là hay.

Sử gọi chế độ này là Diêm Thiết Sách (Chính sách về muối và sắt). Có ý nghĩa lâu dài tới tận đời Thanh. Còn tư tưởng của Quản Trọng giờ vẫn bàng bạc trong cái gọi là Mô hình XHCN mang màu sắc Trung Quốc, tức là kinh tế thị trường có sự độc quyền của nhà nước ở các ngành chính yếu.

Lại nói về cách Quản Trọng tiêu diệt các nước nhỏ.

Bấy giờ Lỗ là nước láng giếng, có khả năng dệt lụa rất đẹp, bền tốt. Giống như Việt Nam ngày nay có khả năng trồng thanh long rất ngon vậy. Quản Trọng vỗ về nước Lỗ, đề ra một số chữ vàng, nhập khẩu rất nhiều lụa của nước ấy, cho toàn dân nước Tề may mặc. Lỗ rất vui mừng. Nhà nhà đua nhau dệt lụa, bỏ bê việc đồng áng. Tiền từ bán lụa được nhiều, có thể nhập gạo từ Tề mà ăn. Cuộc sống thật dễ dàng. Đó gọi là hội nhập kinh tế sâu rộng.

Đến một ngày, Quản Trọng thấy đã thích hợp, kiếm cớ này kia, liền đóng cửa thị trường, không mua lụa từ nước Lỗ nữa. Doanh nghiệp nước Lỗ phá sản hàng loạt, lụa ế chỏng trơ ở biên giới. Mà thóc lúa cũng không có mà ăn. Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Đói kém khắp nơi.

Nước Tề bấy giờ liền mở cửa thị trường lao động, cho chiêu mộ dân nghèo nước Lỗ, đưa tới những miền đất cằn cỗi của Tề mà canh tác, hoặc cho đi làm muối hay luyện sắt. Có thể gọi đó là phong trào xuất khẩu lao động từ rất sớm trong lịch sử vậy.

Quản Trọng thường nói: Vì lợi ích một năm phải trồng lúa, vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người.

Tuy nhiên, ông nói vậy mà xem ra không trồng được người mấy. Sau khi ông chết, nước Tề đại loạn.

Thế mới biết, muốn trồng người phải có nhân nghĩa, có thể chế khoan dung cởi mở, chứ chỉ dựa trên trí khôn mưu mẹo hòng giữ quyền giữ lực cho mình, o ép những kẻ yếu thế để buộc họ phải khuất mình, thì diệt vong chỉ là vấn đề thời gian thôi.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan