Chất lượng giáo dục phổ thông một vấn đề cấp bách (phần 2)

03:51 CH @ Thứ Ba - 11 Tháng Mười Một, 2003

4. Bệnh hiện đại mà không hài hòa.

Hiện nay "tin học" và "tiếng Anh" đương là "mốt" nên mới đẻ ra chuyện kỳ quái là ở một trường tiểu học nào đó có kiểm tra tiếng Anh khi tuyển sinh lớp một. Người ta vin vào lời khuyên: "Học ngoại ngữ khi tiếng Việt chưa thạo thì ngoại ngữ vào dễ hơn. Dĩ nhiên học ngoại ngữ sớm là có lợi nhưng đừng cực đoan coi ngoại ngữ ngang thậm chí hơn tiếng mẹ đẻ. Nếu cứ lập luận kiểu ấy thì chỉ một bước nữa là sẽ đi đến chủ trương: "Gửi trẻ sơ sinh sang các nước nói tiếng Anh thì chúng sẽ giỏi tiếng Anh. Cực đoan hơn nữa thì sẽ đi đến chủ trương dùng tiếng Anh làm chuyển ngữ ở những môn khoa học mới ra đời khỏi lo làm danh từ khoa học tiếng Việt trong các khoa học đó (hiện nay tin học có nguy cơ rơi vào tình trạng đó). Về tin học cũng vậy, không phải cứ cho trẻ em sớm tiếp xúc với máy tính điện tử là nước ta sẽ tiến nhanh về tin học. Máy móc sẽ giúp ta rất đắc lực khi ta làm chủ nó.

Trong toán học, càng hiện đại bao nhiêu càng trừu tượng và càng hình thức bấy nhiêu. Nhà toán học thì thấy mối liên hệ giữa những cái trừu tượng đó với thực tiễn nhưng học sinh làm sao hiểu được khi vốn thực tiễn của họ còn quá ít. Nước Pháp đã thất bại trong việc hiện đại hoá giáo dục toán học phổ thông chỉ vì lý do đó. Ngay một số cải tiến mà nhiều người cho là một sự tiến bộ so với ngày xưa cũng phải tỉnh táo đề phòng bệnh hình thức. Đó là việc dùng chữ thay số nên đưa vào nhà trường ở lớp mấy là vừa. Ngày xưa lên đến cấp hai mới dùng x, y thay cho ẩn số còn bây giờ ở lớp hai đã thấy có ẩn số. Để dùng thì có thể thực dụng như bà hàng xén dùng máy tính điện tử chỉ nhằm mục đích thực dụng là tính giá cả, còn trẻ em dùng máy tính điện tử để học thì việc phát triển tư duy vẫn phải để lên hàng đầu.

Cho nên, để chống bệnh hình thức nên sửa đổi phương châm "cơ bản, hiện đại, Việt Nam" thành "cơ bản, hiện đại và hài hòa, Việt Nam". Hài hòa đây là hài hòa với tâm lý, sinh lý trẻ em, là hài hoà với môi trường xã hội và tự nhiên mà các em đương sống.

5. Xa rời cuộc sống

Hiện nay, đương có sự cố gắng tiến tới xóa bỏ dạy chay trong các trường. Hướng cố gắng đó rất đáng hoan nghênh nhưng chưa đủ vì không dạy chay chỉ mới là "học đi đôi với hành" trong bốn bức tường của lớp học. Học còn phải gắn với hành ở ngoài đời không những vì "hành ngoài đời" là mục đích cuối cùng của học mà còn vì "hành ngoài đời thì sẽ tranh thủ được tổ chức và cơ sở vật chất ở ngoài đời, điều đó rất quan trọng đối với nước ta là một nước còn nghèo. Kinh nghiệm của trường đại học Sư phạm Hà Nội cách đây ba thập kỷ là khi sử dụng học sinh phổ thông làm cộng tác viên cho các đề tài của mình thì các học sinh phổ thông làm được nhiều việc mà trường phổ thông không phải đầu tư gì thêm vì học sinh làm việc cho xã hội với những tổ chức và phương tiện mà xã hội sẵn có. Chính nhờ vậy mà chủ trương táo bạo đưa nghiên cứu khoa học vào nhà trường phổ thông mới khả thi. Hơn nữa qua việc gắn với đời sống bằng phương thức nghiên cứu khoa học với sự giúp đỡ của trường Đại học, "đời" có thể dạy cho học sinh nhiều điều mà không cần đưa những điều đó vào chương trình, làm nặng nội khóa. Thí dụ, học sinh tham gia nghiên cứu phải cân, đo, đong, đếm chính xác để có số liệu, sau đó họ được hướng dẫn rất thiết thực để xử lý các số liệu đó mà không cần cho thêm một số tiết xác suất thống kê vào chương trình như đã làm ở chương trình phân ban A.

6. Coi nhẹ khoa học tư duy.

Triết học là khoa học của các khoa học. Nó rất quan trọng để xây dựng thế giới quan, nhân sinh quan, phương pháp luận. Ngày xưa, ban tú tài có học triết học. Mãi gần đây, ta mới đưa triết học duy vật biện chứng vào lớp 12 phân ban C. Đó là một bước tiến nhưng như vậy là ta vẫn cho rằng khoa học xã hội cần đến triết học hơn là khoa học tự nhiên. Điều đó không đúng. Triết học trùm lên tất cả các khoa học và muốn sâu về triết học phải có kiến thức cả về khoa học tự nhiên và khoa học xã hội và ngược lại khoa học tự nhiên và khoa học xã hội đều cần đến triết học. Ngày nay đã có một khoa học mới là sáng tạo học (Creatology). Cơ sở triết học của nó là triết học duy vật biện chứng. Sáng tạo học dạy cho người ta các sáng tạo, kể cả ở những người không có năng khiếu bẩm sinh. Trước đây, người ta cho rằng phải có năng khiếu thì mới sáng tạo được, không có năng khiếu thì chịu vì sáng tạo là ngẫu hứng, chả theo quy luật nào nên chả dạy được. Quan niệm đó giờ đây đã thay đổi nhờ những nghiên cứu đi sâu phân tích các hoạt động sáng tạo và chiết xuất được từ đó ra những quy luật về sáng tạo, lập nên sáng tạo học. Đối với nước ta sáng tạo học rất phù hợp cả với sở đoản và cả với sở trường của ta. Sở đoản của ta là nghèo thì sáng tạo học chả đòi hỏi trang thiết bị gì nên nước nghèo có thể chạy đua với nước giàu. Sáng tạo học đòi hỏi bộ óc tự nhiên thông minh thì về phương diện này, người Việt Nam không thua người các nước phát triển (ta đã đấu trí quyết liệt với họ và đã thắng trong hai cuộc kháng chiến). Sáng tạo học lại có cơ sở triết học là triết học duy vật biện chứng thì đó là một thuận lợi lớn cho chế độ ta. Ở trình độ nào cũng có thể học sáng tạo học rồi vận dụng vào những vấn đề ngang tầm trình độ mình nên sáng tạo học có thể đem dạy ở trên đại học, ở đại học và ở phổ thông.

7. Quá chậm trong việc đổi mới cách dạy, cách học.

Suốt từ 1981 đến gần đây, trong ngành giáo dục chỉ thấy thay chương trình, thay sách mà chả đả động gì đến cách dạy, cách học. Nghị quyết 2 của BCH T.Ư khoá VIII ra đời cách đây bảy năm, đã đặt rất mạnh vấn đề đổi mới cách dạy, cách học nhưng sự chỉ đạo rất lúng túng vì bị vướng vào quan niệm rằng nội dung và phương pháp có quan hệ qua lại với nhau nên phải chờ đổi mới nội dung (chương trình, sách giáo khoa) rồi mới đổi mới phương pháp được. Nhận thức phiến diện này (vì quên mất sự độc lập tương đối giữa nội dung và phương pháp) đã kìm hãm việc đổi mới cách dạy, cách học. Đáng lẽ phải tận dụng sự độc lập tương đối nói trên mà bắt đầu sớm, chẳng hạn như có thể lo ngay việc chống chủ nghĩa hình thức đương rất phổ biến trong nhà trường chúng ta và đương là nguyên nhân trực tiếp của sự yếu kém về chất lượng.

Do tham kiến thức, do hiện đại quá trớn, do học không đi đôi với hành học sinh thường hiểu hời hợt nội dung các khái niệm khoa học qua một số hình thức bên ngoài nên không linh hoạt được trong việc chuyển từ hình thức này sang hình thức khác thuận lợi hơn để đi tới đích. Với chương trình hiện hành giáo viên có thể đề ra cho học sinh tìm nhiều hình thức cùng diễn tả một nội dung rồi trong các hình thức đó chọn hình thức nào đưa đến đích thuận lợi nhất. Việc này sẽ rất phong phú trong các môn văn, ngoại ngữ, toán; chỉ với ba môn này cũng đã nâng được chất lượng học tập của học sinh lên. Còn "học đi đôi với hành", nhất là hành ngoài đời thì ba thập kỷ trước, trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã triển khai thắng lợi với các trường phổ thông trên địa bàn mấy tỉnh (thắng lợi này bị việc luyện thi dạy thêm, học thêm tràn lan làm cho tiêu tan) trong một thời gian khá dài (mười lăm năm), tại sao không tổng kết, rút kinh nghiệm, mở rộng ra để khai thác thêm hai nội lực mới lâu nay còn bị lãng quên: tâm lý thích sáng tạo của học sinh và sức mạnh liên kết giữa Đại học và phổ thông. Trên đây là những việc có thể làm ngay mà không cần chờ đợi chương trình mới, sách giáo khoa mới. Sách giáo khoa mới có hướng dẫn giáo viên đổi mới cách dạy. Đó là điều tốt nhưng phải đề phòng giáo viên, vận dụng máy móc các điều hướng dẫn, nhất là các giáo viên kém (giáo viên kém khá nhiều và đó là hậu quả của tâm lý xã hội "chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm" kéo dài nhiều năm *); có giáo viên kém nhận thức rằng đổi mới cách dạy thì không được thuyết giảng, rằng bất kỳ kiến thức gì cũng phải hướng dẫn học sinh tự tìm ra. Đó là những cách hiểu đơn giản máy móc, cứng đờ trong lúc mà các tình huống sư phạm biến đổi khôn lường.

8. Phải đổi mới quản lý giáo dục.

Bao trùm lên tất cả mọi chuyện nói ở trên là vấn đề quản lý giáo dục. Quản lý mà không nắm chắc các quy luật thì quản lý sẽ trở thành lực cản. Một nhà giáo lão thành nói vui với đồng nghiệp trẻ: Hồi xưa tôi được suy tôn "giáo viên dạy giỏi" là do chẳng ai quản lý tôi cả; tôi dạy như thế nào là theo lương tâm và trình độ, óc sáng tạo của tôi; sau này, đến thế hệ các anh thì nào là "năm bước lên lớp", "phân phối thời gian cho từng bài, từng chương" do cấp trên quy định, bó tay không cho phép giáo viên phát huy sáng tạo. Ông ta có phần cực đoan nhưng cũng nói lên được một tình hình là: Quản lý không giỏi thì sẽ trở thành lực cản. Trồng cây cũng vậy. Cây mọc giữa rừng, chả ai chăm sóc nếu gặp mưa thuận gió hòa, nó sẽ phát triển tươi tốt theo các quy luật sinh lý, sinh thái của nó. Cây mọc trong vườn, nếu giao cho người không hiểu sinh lý, sinh thái của nó chăm sóc thì ông ta có thể làm cho nó còi cọc, thậm chí chết. Nói đến bếp núc của quản lý thì rất thiếu việc nhưng hướng chung để cải tiến quản lý là bộ máy quản lý nên gọn, nhẹ, người ít mà tinh. Số người ít mà tinh này sẽ quy tụ được rất nhiều người giúp việc vô hình: đó là các quy luật. Những người giúp việc vô hình này thật là tuyệt vời vì họ không ăn lương, không biết nói dối, rất công tâm, không thiên vị ai mà lại có sức đẩy công việc tiến lên băng băng như dòng nước đẩy người bơi xuôi dòng.

Cha ông ta ngày xưa chỉ cần ba năm tổ chức một kỳ thi hương thật nghiêm túc còn để cho dân tự do mở trường tư, tự do tuyển sinh, tự do dậy và học, tự do trả và thu học phí, Nhà nước không can thiệp. Nhưng giáo dục vẫn được quản lý. Ai quản lý? Các quy luật tâm lý sẽ hướng mọi người hành động sao cho học trò sẽ qua được cửa ải "thi hương". Đó là cách quản lý "lỏng đầu vào, chặt đầu ra". Còn chúng ta bây giờ làm ngược lại. Nếu ta chuyển sang cách quản lý "lỏng đầu vào, chặt đầu ra" thì nhẹ gánh cho Nhà nước rất nhiều mà chất lượng Đại học sẽ lên.

(*) Những năm gần đây, tuyển sinh sư phạm đã được cải thiện nhiều nhưng Nhà nước lại buông việc phân phối tốt nghiệp nên giáo dục phổ thông chả được lợi gì (trường ĐHSP Hà Nội cho biết chỉ 10% số tốt nghiệp xin được việc làm ở cơ quan Nhà nước).

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc: