Chất lượng giáo dục còn thấp: Nhìn lại mình để sửa, thay vì săm soi lỗi ở nơi khác

03:51 CH @ Thứ Ba - 11 Tháng Mười Một, 2003

Nỗi bức xúc chính đáng

Trong khuôn khổ bài viết này, chúng ta tạm thỏa thuận với nhau là khi nói đến chất lượng giáo dục (CLGD) là nói đến chất lượng kiến thức mà học sinh đã thể hiện qua 3 bài thi tuyển sinh vào đại học theo đề chung và được chấm chung.
Ta không lấy tỷ lệ thi đậu vào đại học để làm thước đo vì điểm chuẩn của các trường chênh nhau khá lớn, có khi đến 15 điểm. Ta không lấy số học sinh giỏi, số học sinh thủ khoa làm thước đo vì số này không mang tính đại diện cho số đông. Ta cũng lấy tỷ lệ tốt nghiệp tú tài vì ai cũng biết tỷ lệ này thiếu độ tin cậy khi cần so sánh tỉnh này với tỉnh khác do không chỉ phụ thuộc vào chất lượng kiến thức của học sinh mà còn vào cách coi thi, chấm thi, vào sức đề kháng bệnh thành tích của các cấp quản lý ngành và xã hội.

Ở đây, ta lấy thước đo làm tỷ lệ đạt 15 điểm trở lên cho 3 môn thi vào đại học vì ít ra trong kỳ thi này, thí sinh đã được gác thi trong một hội đồng "lạ", hơn nữa lại không cho bạn khác chép bài vì phải cạnh tranh nhau; bài thi lại được chấm chung và người chấm không bị sức ép của tỷ lệ đậu rớt giống như khi chấm thi tốt nghiệp. Với thước đo này có thể tạm chia 61 tỉnh thành, từ cao đến thấp.

Không nên vội kết luận tốp thứ nhất là tốp có CLGD tốp để rồi biểu dương hay lấy đó làm liều thuốc an thần mà chỉ nên nói là tốp này có CLGD xếp trên các tốp còn lại. TP.Hồ Chí Minh đang đứng hạng trên của tốp thứ 2, một vị trí rất khiêm tốn so với mong muốn và sự trông đợi, so với điều kiện học tập. Đây mới chính là nỗi bức xúc rất chính đáng của người dân thành phố.

Mỗi người tự nhìn lại

Để có căn cứ chính xác, cấp quản lý giáo dục phải thu thập đủ các số liệu về kỳ thi, đối chiếu điểm thi của thành phố mình, của trường mình với tỉnh khác, trường khác; đối chiếu kết quả thi tú tài với thi đại học trong từng môn. Từ đó, các cấp quản lý sẽ tìm ra mặt yếu trong chỉ đạo chuyên môn và chỉ đạo  những hoạt động khác như công tác đánh giá, công tác thi đua, công tác tuyển sinh chọn và điều chuyển giáo viên, bố trí cán bộ lãnh đạo, công tác hướng nghiệp 

Khi đó dù CLGD chung vẫn vậy nhưng tỷ lệ những học sinh có tổng điểm thi trên 15 sẽ khả quan hơn nhiều.

Mỗi giáo viên cần biết học sinh của mình gặp khó khăn kiểu gì, loại nào trước kiểu thi đại học để xem lại cách dạy của mình đã đảm bảo yêu cầu của chương trình đến đâu. Và không chỉ giáo viên lớp 12 mà giáo viên lớp nào cũng nên nhìn lại mình về mặt kiến thức, cách truyền đạt và nhất là cái tâm của mình, xem mình đã thật sự vì học sinh hay chưa, mình có dạy cho học sinh lòng ham học và cách học, nhất là cách tự học chưa, hay mới chỉ dạy cho học sinh cách học thuộc kiến thức và trả bài, hóa giải "chiêu"? Mỗi bậc cha mẹ cũng nên tự nhìn lại mình, tự hỏi cách chăm sóc giáo dục con của mình đã đúng chưa? Mỗi học sinh cũng phải tự xem lại động cơ, ý chí, phương pháp học tập của mình.

Cấp quản lý xã hội cũng cần nhìn lại mình mà tự hỏi: mình có dám chấp nhận địa phương mình hoàn thành chậm công tác phổ cập vì lý do phải đảm bảo chất lượng giáo dục hay không? Liệu mình có còn để tình trạng lớp học đông đến 50-60 học sinh khiến giáo viên không còn điều kiện mà theo dõi chăm sóc từng em ngay từ lớp quan trọng nhất là lớp 1 ?

Mỗi người chúng ta đang đứng trước một cơ hội tốt để tự tìm thấy trách nhiệm của mình trước thực trạng CLGD còn thấp thay vì săm soi lỗi ở đâu khác.

Mới đây, các nhà quản lý ở Anh đã tìm ra nguyên nhân chất lượng học vấn của học sinh nước này không cao là vì có quá đông học sinh trong mỗi lớp (đến  25 em) nên quyết định giảm sĩ số còn dưới 15 em/lớp. Thủ tướng Thái Lan cũng tự mình đứng ra thử dạy một tiết toán ở trường trung học phổ thông trước ống kính truyền hình để đích thân tìm hiểu nguyên nhân vì sao học sinh nước mình bị đánh giá kém toán hơn học sinh nhiều nước. Những nỗ lực của lãnh đạo chính quyền các nước nhằm nâng cao chất lượng giáo dục thật đáng cho chúng ta suy ngẫm.

Tiến sĩ Hồ Thiệu Hùng - Thanh Niên 3/10/2003

LinkedInPinterestCập nhật lúc: