Cao Văn Lầu và tiếng đàn hồi tâm

09:44 SA @ Thứ Sáu - 21 Tháng Năm, 2010

Năm 2000, khi tìm tư liệu viết kịch bản phim tài liệu Những người con gái trong khởi nghĩa Nam kỳ, tôi được gặp ông Trần Văn Sớm, nguyên bí thư Tỉnh uỷ Bạc Liêu, uỷ viên Trung ương Đảng. Ông Sớm rất tự hào về quê hương và về tên tuổi của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Nhưng còn có một chuyện ít ai biết, về người nhạc sĩ Nam bộ tài hoa này...

Nhờ thầy dạy đàn thử lòng người

Năm 1947, do nắm được một số quy luật hoạt động của ta, bọn Pháp thường tổ chức vây ráp, bắt cóc nhiều cán bộ cách mạng. Trong số đó, có các ông Phan Văn Nhờ, Trang Văn Tỷ, Châu Hà Thanh – huyện uỷ viên Giá Rai, Nguyễn Chánh Bình, Lê Dĩ... Với vai trò bí thư Tỉnh uỷ, bác Hai Sớm canh cánh nỗi lo cho số phận đồng chí, đồng đội. Đang lúc ấy, bác nhận được lệnh dự hội nghị Quân dân chính Nam bộ ở chiến khu Đồng Tháp Mười.

Nhưng ngay sáng hôm sau, giặc càn, ông Hai Sớm chạy vô Dãy Cờ Đen, gặp nhà sư Thiện Chiếu, vị thượng toạ từng ở tù chung với ông ngoài Côn Đảo, sau khi khởi nghĩa Nam kỳ thất bại. Cuộc hội ngộ bất ngờ giữa hai người bạn cựu tù ở chiến khu Đồng Tháp Mười xiết bao mừng vui, cảm động.

Ngay sau đó, sư Thiện Chiếu trở nên đăm chiêu, cân nhắc. Cuối cùng ông nói: “Tôi có thằng em rể là Đỗ Quang Huê…” Ông Hai Sớm giật nảy mình. Đỗ Quang Huê là chánh án tỉnh Bạc Liêu của chính quyền thực dân. Một ý nghĩ vụt loé sáng trong đầu vị bí thư Tỉnh uỷ: “Ta có thể tranh thủ Huê được không? Tây bắt cả mười cán bộ của ta. Tôi chưa biết làm cách nào giải thoát cho các đồng chí ấy…” Trầm ngâm một lúc, sư Thiện Chiếu nói: “Có thể được. Tôi sẽ biên cho chú hai cái thơ. Chú tìm cách gởi cho Huê. Cứ thử xem…”

Bác Hai Sớm cầm thư nhưng lòng vẫn hoang mang. Nếu thực sự Huê “nhớ” kháng chiến như lời sư Thiện Chiếu nói thì mọi việc có thể tốt đẹp. Còn như ngược lại thì kế hoạch này không ít phiêu lưu, mạo hiểm. Rất may, khi bác Hai chia tay với thượng toạ về Bạc Liêu dự cuộc họp tỉnh đội thì gặp Cao Kiến Thiết – con trai nhạc sĩ Cao Văn Lầu – đang là tỉnh đội phó Bạc Liêu.

Nghe cách thượng toạ Thích Thiện Chiếu vận động em rể thả một số cán bộ của ta, Cao Kiến Thiết nhíu mày suy nghĩ rồi reo lên: “Cha tôi đang dạy đàn cho Đỗ Quang Huê”. Ông Hai Sớm nói luôn: “Vậy tôi trao thư của sư Thiện Chiếu gởi Huê tìm cách thả số Việt Minh vừa bị Tây bắt, chắc chắn chúng phải đưa số cán bộ của ta ra toà. Huê là chánh án có thể quyền biến. Vậy anh trao lại lá thư cho bác Sáu Lầu, nhờ bác Sáu dò xem thái độ của Huê. Nếu Huê thật sự “nhớ” kháng chiến thì bác Sáu hãy đưa thư. Còn ngược lại, thì tìm cách huỷ lá thư đó…”

Sức nặng của bài Dạ cổ hoài lang

Đêm ấy, tại nhà Đỗ Quang Huê, bác Sáu Lầu lắng nghe tiếng đàn của viên chánh án. Bài Dạ cổ hoài lang mà bác viết ra thấm trong từng mạch máu, chỉ cần sai một nhịp cũng đủ làm lòng bác quặn đau. Khi viết bài hát ấy, bác Sáu Lầu mới ở tuổi 28 nhưng đã nếm trải nhiều cơ cực, ngang trái. Vừa dứt bài Dạ cổ hoài lang, ông Huê buông đàn, vẻ trầm tư…

Bác Sáu bắt gặp những giọt nước mắt đa cảm chảy trên gương mặt trông có vẻ lãnh đạm, chừng mực của Huê mỗi khi nghe bác đàn. Một người còn cảm được vẻ đẹp từ tiếng nhạc buồn, bác tin không hết tình người. Cuối cùng, bác Sáu Lầu tìm cách vào đề: “Nghe nói ngài chánh án có người bà con đi theo kháng chiến?”. Ông Huê giật thót, trố mắt nhìn bác Sáu, hỏi lại: “Sao thầy lại hỏi tôi chuyện này?” – “Tôi dạy đàn cho ngài cả tháng nay, tình thầy trò đã có. Tôi vốn mến mộ kháng chiến. Nghe nói thân nhân ngài có người đi theo kháng chiến. Nếu đúng vậy tôi rất mừng, xin được bày tỏ lòng ngưỡng mộ ngài”.

Ông Huê nhấp một ngụm trà: “Đúng. Sư Thiện Chiếu chính là anh vợ của tôi” – “Ngài thượng toạ là một nhà yêu nước nổi tiếng. Tôi lên xuống Bạc Liêu hoài, làm sao tiếng tăm của ngài tôi lại không biết. Tôi nghe nói ngài thượng toạ theo Việt Minh, đang công tác tại uỷ ban Kháng chiến hành chánh Nam bộ, còn ngài ngồi ghế chánh án tỉnh Bạc Liêu. Liệu có ảnh hưởng gì đến ngài không?” – “Anh tôi theo kháng chiến là đúng đấy, thầy ạ” – “Ngài ủng hộ kháng chiến?”. Bỗng Huê sững người, đăm đăm nhìn bác Sáu Lầu, hỏi lại: “Tại sao hôm nay thầy hỏi tôi chuyện này?”. Cuối cùng, bác Sáu Lầu nói: “Có bức thư của thượng toạ gởi cho ngài, nhưng tôi không mang sẵn. Thôi, hẹn với ngài chánh án ngày mai…”

Ngày hôm sau, bác Sáu Lầu y hẹn mang thư cho Huê. Đọc xong lá thư, Huê ra chiều nghĩ ngợi: “Hãy cho tôi biết tên các nạn nhân. Tôi sẵn sàng với điều kiện những người bị bắt không có chứng cứ. Chà, tôi không ngờ thầy thân với Việt Minh quá!”

Kiến Thiết trao danh sách này cho cha để chuyển cho Huê, xem xong, viên chánh án nói: “Qua nghiên cứu hồ sơ, trước mắt tôi sẽ tìm cách thả sáu người. Tuy nhiên, việc này phải được tiến hành khéo léo. Tôi sẽ thả các vị ấy ra làm nhiều đợt để người Pháp không nghi ngờ…”

Vị chánh án giữ đúng lời hứa, tìm cách thả từng đợt một, tất cả được sáu cán bộ nòng cốt của lực lượng kháng chiến tỉnh Bạc Liêu. Trong số đó, có người sau này trở thành anh hùng lực lượng vũ trang, có vị thành cán bộ lãnh đạo Khu uỷ thời chống Mỹ.

* * *

Bác Hai Sớm vuốt mái tóc đã điểm bạc, nói: “Những đồng chí được thoát hiểm năm ấy không hề biết đến nguyên nhân sâu xa lòng tốt của vị chánh án Bạc Liêu, càng không biết đến sự đóng góp thầm lặng của tiếng đàn bác Sáu Lầu… Và sâu xa hơn nữa là tình thân sâu thẳm trong mỗi gia đình, lòng yêu nước tiềm ẩn trong lòng mỗi công dân Việt Nam. Dù ở đâu, bất cứ là ai, nếu biết khơi dậy, lòng ái quốc sẽ bện thành sức mạnh vĩ đại, không kẻ thù cướp nước nào có thể thắng nổi”.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Nghĩ thêm về bản sắc

    21/12/2009Nguyên NgọcBây giờ thường nghe nói nhiều đến toàn cầu hóa và hội nhập, và mỗi khi nói đến hội nhập hầu như bao giờ cũng nghe kèm theo một chữ “nhưng” chặt chẽ và thận trọng: Hội nhập, đúng rồi, không thể không hội nhập trong thời đại ngày nay, nhưng phải luôn tâm niệm không được để mất bản sắc (cũng như hễ nói đến tiên tiến thì, nhưng, phải đậm đà bản sắc dân tộc).
  • Một nền văn hóa dân tộc

    08/05/2009Phạm QuỳnhMột cuộc bàn cãi sôi nổi đang diễn ra ít lâu nay trong một số anh em đồng nghiệp báo chí nước Nam chúng tôi. Đó là về việc nước Nam có một nền văn hoá dân tộc không. Một dân tộc nổi danh hiếu học, tự hào về các bậc túc nho, qua bao thế kỷ có sản sinh ra được một nền văn hoá dân tộc mang bản sắc riêng không? Hay rốt cuộc nó chỉ là một cậu học trò, dù đôi khi là một học trò xuất sắc nhưng vẫn là một học trò của nước Trung Hoa, người mẹ của toàn bộ văn hóa và văn minh, cô giáo duy nhất của tất cả các dân tộc Viễn Đông?
  • Truyền thống và hội nhập

    16/01/2009Tô PhánLịch sử luôn có thăng trầm nhưng xu thế là không ngừng phát triển. Sự phát triển đó hội tụ đủ những giá trị truyền thống tốt đẹp như một sự kế thừa tất yếu di sản, đồng thời thích nghi trong chọn lọc giá trị thời đại...
  • Tính cách người Nam Bộ qua ca dao

    02/04/2007Trần Phỏng DiềuNói đến tính cách của người Nam bộ, chúng tôi muốn đi vào tìm hiểu những nét riêng trong cử chỉ, tính tình của người Nam bộ được thể hiện qua các mốiquan hệ trong xã hội. Do điều kiện địa lý, nét văn hóa khác nhau của từng vùng, miền mà tính cách của con người cũng có khác nhau...
  • Tính truyền thống và yêu cầu đổi mới trong thiên niên kỷ tới

    10/10/2005Lê Đăng Doanh"Truyền thống của dân tộc ta đâu chỉ có chiến đấu. Sao không thấy trình diễn các truyền thống sáng tạo văn học nghệ thuật, khoa học, cách tân của ông cha ta?" Đó là một câu hỏi nghiêm túc cần được suy nghĩ và phân tích, khi chúng ta bước vào thiên niên kỷ của tiến bộ khoa học công nghệ và toàn cầu hoá với quy mô và mức độ sâu rộng chưa từng có. Không có dân tộc nào có thể tự cho mình là hoàn hảo trong mọi thời đại để quên mất học tập và tiếp thu cái tốt, cái đẹp của các dân tộc khác...