Cáo hủ lậu văn

11:33 CH @ Thứ Ba - 02 Tháng Hai, 2016
Cáo hủ lậu văn là bài thơ của phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục nhằm mục đích đả kích lối học cũ và tư tưởng lạc hậu của các nhà Nho bảo thủ, một trở ngại cho phong trào Duy Tân hồi bấy giờ.
Bài này nguyên bản chữ Hán, tác giả lấy tên là "Yên Sĩ Phi Lý Thuần" (tức là "Inspiration" phiên âm ra tiếng Trung Quốc). Bản dịch này là của Ngô Vi Lâm (cổ chép là Ngô Vi Quý) đăng trên Đăng cổ tùng báo số 808 năm 1907.
Muôn năm Ất Tị (1)… vua ta,
Trước ba ngày Giáp(2)ấy là ngày Tân(3)….
Nhiệt thành có một chủ nhân,
Làm văn “cáo hủ” để răn những người:
Áo kia sông Tứ(4) đã tồi,
Nho thời nho vậy, mang cười y quan!(5)
Chiếu kia đàn hạnh(6) đã tàn,
Cổ thời cổ vậy, dám bàn báo hoa!(7)
Một lời nhắn bảo gần xa,
Xin ai đừng giận để ta hết lời.
Các người quân tử kia ôi!
Quê thời thanh thục(8), óc thời thông minh.
Vốn ta học Tố vương Kinh(9),
Cải thân là giống đàn anh da vàng.
Bây giờ, mới, lạ, mở mang.
Hội Duy tân những rõ ràng mắt tai!
Sao không đập mạnh thét dài,
Cho người mê ngủ ai ai tỉnh dần?
Sao không chống mảng mê tân(10),
Cho người chìm đuối lần lần vượt lên?
Tiếc thay sách hủ giữ bền,
Khác nào như mọt nghiến bên mình người.
Đau thay thói hủ giữ hoài,
Những là lầm lỡ cả đời người ta.
Khỏi làng mắt chửa thấy xa,
Lại toan mai mỉa hai nhà Khang, Lương(11)!
Ở nhà chân chữa ra đường,
Lại toan ngang dọc bốn phương giang hồ!
Hỏi: “Ông tu những đường mô?”
Ông rằng: “Tu những làng Nho đã thừa”.
Hỏi: “Ông mộ những gì ư?”
Ông rằng: “Mộ những người xưa làm thầy”.
Điềm trời không đó không hay,
Ông rằng: “Sự rủi sự may tại trời”.
Đường đi tỉnh, nhật hai ngôi,
Hấp ly(12) … sao thế, ông thời u ti.
Trái đất là tròn, là đi,
Ông rằng: “Vuông đấy, đứng kia thường thường”.
Phiên Thành (13), Thượng Hải một phương,
Bụng, lưng(14)đâu tả? Ông giương mắt chầu!
Hỏi rằng: “Dây thép sao mau?”
Ông rằng: “Khi học cùng mầu mà thôi”.
Kìa như dây sắt, roi lôi(15)
Nào ai hãy đặt mọi ngôi cho đành?
Hỏi rằng: “Xe khí sao nhanh?”
Ông rằng: “Nghề máy cũng lành mà thôi”.
Kìa như lửa ống, nước nồi,
Kìa ai bày xét đến nơi nhiệm mầu?
Năm châu tên gọi hay đâu,
Lại chê người rợ, mà rằng ta hoa (16),
Mắt dòm chính, học(17) chưa ra…
Lại chê người bas mà nhà ta vương(18).
Có người đau đáu lòng thương,
Mắng rằng trái thể, còn đương lỗi thì.
Có người học sách Tây kia,
Cười rằng trở đạo(19) mà lìa năm kinh.
Thấy ngúời bàn rộng khác mình,
Tình Châu (20)… Băng Thất (21) thêm tình ghét ghen.
Khoe mình dòm báo (22) một phen,
Hỏa sơn, Băng hải chỉ quen nói mồm.
Lại còn văn học lên câu(23),
Bịnh mê truyện qụái, lòng âu sách tình!
Tinh thần mê mẩn trong mình,
Bao nhiều ý khí sinh bình cũng tiêu!
Than ôi! Sắc đã xế chiều,
Vấn vơ hồn ấy biết chiêu chốn nào?

Ở trên kể lể mấy điều,
Gọi là nhặt nhạnh ít nhiều việc to.
Rộng xem lồng lộng tám khu (24),
Xa trông dằng dặc nghìn thư trên đời.
Há rằng ma hủ quấy người,
Khiển cho mê dại khôn rồi tỉnh ra?
Hâ rằng nghiệt lậu (25) theo ta,
Khiển cho giam buộc khó mà gỡ ra!
Nho ơi! Nhắn hỏi mọi nhà,
Khăng khăng nho thế sao ra cái đời?
Cổ ơi! Nhắn bảo mọi nơi:
Khu khư cổ mãi, đứng thời sao đây?
Thương thay! thương thảy! thương thương thay!
Ngắn than, dài thở, sự này tại ai?
Người sao trời rộng đất dài,
Ta sao co quắp một nơi thế mà!
Người sao nhảy thẳng bay xa.
Ta sao chen chúc xó nhà với nhau?
Người sao làm chủ hoàn cầu,
Ta sao nô lệ cúi đầu làm tôi?
Người sao sáng sủa đầy trời,
Ta sao hồn tối như người đi đêm!

Lấy gương thử ngắm mà xem,
Ra gì mặt mũi mà đem khoe đời!
Bước ra những ngại với người,
Cũng toan tay cẳng thì tài ai cho!
Lòng thời lạnh ngắt như tro,
Thân thời như thể hình thù cây khô.
Mắt tuy sáng cũng như mù,
Ai đem đèn khí(26) mà cho soi cùng!
Tai tuy có cũng như không!
Ai đem chuông náo(27)… mà rung bên mình!
Mong ai một tiếng kêu lanh,
Mấy lời đau khóc thương tỉnh cho ta!
Thương ôi! Nhắn bảo gần xa,
Văn này xin đọc vài ba bốn lần.
Nghe ông cũng có tân văn(28),
Sao ông chẳng giở cho cần(29) thế ư?
Nghe ông cũng có tân thư,
Sao ông lại vẫn ngần ngừ chẳng coi?

Đổi mau cái tính hẹp hòi!
Rước mau cái phúc người đời ta lên!

Ghi chú:

1. Năm 1905
2. Mồng 1 tháng giêng năm Ất Tý là ngày Giáp Tuất
3. Ngày 20 tháng chạp năm Giáp Thì là ngày Tân Mùi
4. Con sông ở quê Khổng Tử
5. Mũ áo
6. Tức Hạnh đàn, chỗ Khổng Tử dạy học trò ngày xưa
7. Nguyên văn là "báo lầu": lầu để trưng bày đồ quý

8. Sinh thanh thục hương: đẻ ra trong làng trong sách (nghĩa là thuộc thành phần nhà Nho)
9. Sách kinh điển của Khổng Tử: Người ta gọi Khổng Tử là Tổ vương (vua không ngôi, không quyền)

10. Bến mê
11. Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu
12. Định luật vạn vật hấp dẫn trong thái dương hệ về mặt trăng, mặt trời. Hấp: sức hút các tinh tú. Ly: sức lìa xa trung tâm
13. Tỉnh Bình Thuận
14. Phía trước và phía sau
15. Cột thu sét
16. Ta văn minh
17. Chính trị và học thuật
18. Các nhà Nho thủ cựu hồi đó vẫn chủ trương rằng văn minh châu Âu chỉ là "bá đạo", khôn khéo, nhưng chỉ thịnh một thời; còn đạo Khổng là "vương đạo" sẽ ngự trị thiên hạ mãi mãi.
19. Trái đạo
20. Tân Gia Ba (Singapore)
21. Ẩm Băng Thất: chỉ Lương Khải Siêu
22. Do chữ "khuy báo": ý nói ngó thấy sơ qua hoa văn của con beo, đã nghĩ rằng mình đã biết rõ con beo (mới biết được đôi chút về sự vật gì đã tưởng là nắm vững cả)
23. Lên câu: một thành ngữ cũ: "Lên câu tột", nghĩa là lên mặt, kiêu ngạo
24. Thiên hạ
25. Con ma hủ lậu
26. Đèn điện
27. Chuông réo
28. Báo chí
29. Cho chuyên cần

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Đường lối giáo dục cứu nước của Đông Kinh Nghĩa Thục

    23/09/2018Nguyễn Hải HoànhGiáo dục cứu nước (GDCN) là lựa chọn quan trọng nhất của các sĩ phu sáng lập Đông Kinh Nghĩa Thục (ĐKNT) khi họ quyết định đường lối đấu tranh giải phóng nước nhà của tổ chức cách mạng này. Trước đó, tất cả các cuộc đấu tranh chống Pháp đều theo đường lối bạo động vũ trang.
  • Đông Kinh Nghĩa thục: Học Nhật Bản chấn hưng đất nước

    26/07/2017Mai ThụcNhân ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, Trung tâm Văn Miếu Quốc tử Giám và Trung tâm Minh Triết Việt đã Tưởng niệm 100 năm các nhà giáo Đông Kinh Nghĩa thục. Họ là những sĩ phu yêu nước thắp sáng tư tưởng Chấn hưng - Duy Tân - Dân tộc, là những bậc thầy góp sức đặt nền móng xây dựng một triết lý giáo dục Tự lập, tự nguyện, học Tinh Hoa dân tộc và thế giới để dạy nên những con người Việt Nam hiện đại...
  • Nhìn lại phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục

    05/07/2017Nguyễn Trọng TínBỏ lối học từ chương khoa cử, tập trung cho thường thức và thực nghiệm, dạy cả tiếng Việt, Pháp và Hán văn. Chủ trương này lại xuất phát từ tầng lớp nho gia cuối cùng của Việt Nam. Không chỉ thế, chấn hưng công thương, khai mỏ, lập đồn điền, cắt tóc, xuất dương du học… cũng là chủ trương của họ. Dù chỉ tồn tại trong 9 tháng (5.1907 – 1.1908), nhưng trường Đông Kinh Nghĩa Thục thực sự là đỉnh cao của cuộc cách mạng xã hội to lớn đầu thế kỷ 20 có tên là Duy Tân
  • Đọc lại văn thơ Đông Kinh nghĩa thục

    02/03/2017Nguyên AnTrong kho tàng văn chương - văn hoá Việt Nam mấy trăm năm nay, có lẽ không có một nhóm tác giả, một tao đàn, một phong trào nào tồn tại ngắn ngủi mà lại có tiếng vang tốt đẹp, lâu dài như phong trào Đông Kinh nghĩa thục.
  • Văn minh tân học sách - Cương lĩnh hành động của Đông Kinh Nghĩa Thục

    20/11/2015Chương ThâuTrước đây, trong công trình nghiên cứu VĂN THƠ CÁCH MẠNG VIỆT NAM ĐẦU THẾ KỶ XX (Nxb Văn hóa, Hà Nội 1961) Giáo sư Đặng Thai Mai có viết: “Những thi ca do Đông Kinh Nghĩa Thục phát động và phổ biến có một ý nghĩa rất quan trọng...
  • Đông Kinh Nghĩa Thục, thử nhìn từ một góc độ khác

    02/07/2015Nguyên NgọcCó một tư liệu có lẽ có thể cung cấp cho chúng ta một câu trả lời độc đáo và thuyết phục, hoặc ít nhất, một gợi ý rất đáng để tiếp tục suy ngẫm, không chỉ để hiểu một quá khứ lịch sử quan trọng, mà còn có thể giúp ta suy nghĩ về những vấn đề đang đặt ra trong phát triển của chính chúng ta hôm nay...
  • Các cụ xưa đã khai dân trí qua sách vở "Đông Kinh Nghĩa Thục" năm 1907 như thế nào?

    23/06/2015Sưu tầmĐông Kinh Nghĩa Thục đã tạo nên một bão táp trong tư tưởng và hành động của sĩ phu đương thời. Học sinh dồn dập đến trường và các trí thức uyên bác được tập hợp lại, cùng nhau giảng dạy, viết giáo trình, tổ chức hội thảo, diễn thuyết, cổ động từ nơi này qua nơi khác… Phong trào mang tính cách mạng rầm rộ về văn hoá và tư tưởng...
  • Một thiếu sót trong văn học sử Việt Nam: Đông Kinh Nghĩa Thục

    16/06/2015Nhà văn Thiếu Sơn (1908-1978)Văn học sử Việt Nam có nhiều biến cố quan trọng. Chữ Nôm xuất hiện là một biến cố quan trọng. Chữ quốc ngữ ra đời cũng là một biến cố quan trọng... Như thế cũng là bỏ một biến cố quan trọng là phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục xuất phát năm 1907...
  • Đông Kinh Nghĩa thục và những điều kiện Hiện đại hoá

    21/05/2015Nhà nghiên cứu giáo dục Phạm ToànTự do này, độc lập này mà đồng bào ta vừa giành lại, chúng ta phải gìn giữ trong lĩnh vực tinh thần. Các dân tộc trường tồn chính là nhờ có thành tựu nghệ thuật và khoa học. Chúng ta cần dõng dạc và hào hùng tự khẳng định mình trong tư cách một dân tộc. Đó là lời dặn dò của cụ Nguyễn Hữu Cầu – suy ra cũng là những lời dặn dò Đông Kinh Nghĩa thục...
  • 100 năm Đông Kinh Nghĩa Thục: Trong cái nhìn hôm nay

    21/10/2011Cái nhìn của một số trí thức thời nay về phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Ngẫm chuyện xưa để nói chuyện nay - con đường phát triển dân tộc...
  • xem toàn bộ