Cần tìm lại niềm tin nơi công chúng đọc

12:30 CH @ Thứ Ba - 05 Tháng Bảy, 2005

- Thưa GS, trong thời đại nghe nhìn nhiều người lo ngại rằng nền văn hóa đọc là nền văn hóa thiếu tương lai. Ý kiến của GS ra sao?

- Tôi cho rằng, sự ảnh hưởng của văn hóa đại chúng như truyền hình, phim ảnh, ca nhạc đến văn hóa đọc là tình trạng chung của nhiều nước trên thế giới chứ không riêng gì nước ta. Nhưng chủ yếu vẫn là các lớp độc giả bình dân thôi, còn giới trí thức thì không bị ảnh hưởng nhiều lắm. Những cuốn sách hay vẫn có sức hấp dẫn của riêng chúng, vẫn luôn luôn được tìm đọc. Nói riêng ở Việt Nam, tình trạng ngại đọc sách của độc giả nếu có là bởi hai lý do sau: Thứ nhất, độc giả thay đổi nhưng nhà văn vẫn viết theo cách cũ, sách vì thế không còn là món ăn khoái khẩu đối với nhiều người. Thứ hai, người ta tìm trong số các tác giả được xem là đổi mới nhưng lại không có được những cái mới thực sự nên sinh ra tâm lý chán nản. Vậy là nguyên nhân sâu xa không nằm ở phía độc giả. Dẫu cho các phương tiện nghe nhìn là những kênh cung cấp thông tin trực diện hơn, thú vị hơn nhưng tôi không tin là công chúng không còn nhu cầu đọc sách. Không thể nói rằng nền văn hóa đọc là thiếu tương lai, bởi vì, như chị cũng đã thấy, những năm trở lại đây số lượng sách được in ra phục vụ nhu cầu đọc của công chúng là quá nhiều so với trước.

- Thưa GS, đúng là ngày nay số lượng sách in phục vụ sự đọc lớn hơn xưa rất nhiều. Sự đọc đã lan đến mọi tầng lớp trong xã hội, không chỉ là trí thức như xưa nữa. Phần lớn các báo, tạp chí tồn tại là nhờ vào doanh thu. Vậy phải chăng ngày nay chúng ta đọc dàn trải, thiếu chiều sâu?

- Ở một khía cạnh nào đó cũng có thể hiểu như vậy. Vấn đề đặt ra ở đây là cách đọc, văn hóa đọc. Đơn cử các tác phẩm văn học đã được viết theo cách đổi mới thì cách tiếp nhận của bạn đọc cũng phải được đổi mới. Nếu cứ giữ thói quen đọc sách như xưa thì sẽ không thể thấy được cái hay, cái đẹp của sách. Khổ nỗi, thị hiếu của độc giả hôm nay vừa đa dạng vừa phân tán, trong khi nhiều giá trị mới (qua các tác phẩm in thành sách) chưa định hình, chưa được xác lập, được thừa nhận bởi số đông nên cũng rất khó để xây dựng một cách đọc mới, tâm lý tiếp nhận mới. Riêng trong lĩnh vực văn học, theo tôi, chưa có nhiều tác phẩm lớn thực sự có đủ sức mạnh để hướng dẫn dư luận. Bi quan nhất là mảng thơ. Thơ hiện nay in tràn lan, in nhiều nhưng thành tựu lại ít. Chưa bao giờ thơ được xuất bản nhiều như hôm nay nhưng cũng chưa bao giờ độc giả đọc thơ ít như hôm nay.

- Tâm lý ngại đọc những gì “dài hơi” của độc giả có phải là một kết quả tất yếu của nền văn hóa nghe nhìn đang tấn công ồ ạt vào cuộc sống hiện đại?

- Một đặc điểm nổi bật của văn chương thế giới hiện đại là các nhà văn ngày càng viết ngắn đi. Tức là lượng câu chữ ít nhưng lượng thông tin lại phải rất lớn. Viết được như vậy là rất khó. Sự thay đổi trong cách viết của nhà văn cũng chính là để phục vụ nhu cầu của độc giả. Vì bạn đọc hôm nay bận rộn hơn, họ luôn luôn phải chia lẻ thời gian của mình cho phù hợp với tốc độ sống gấp gáp. Hơn nữa, các phương tiện nghe nhìn, giải trí có một sức hấp dẫn lớn khiến cho người ta ngại đọc những gì “dài hơi”. Nhất là khi cái “dài hơi” đó lại vô ích, lại không chứa đựng nhiều thông tin thú vị. Sự nhiễu loạn của đời sống xuất bản đã cho thấy số lượng các tác phẩm văn học vô vị tràn lan trên các giá sách làm mệt mỏi độc giả. Nhưng nói như thế không có nghĩa là họ quay lưng với tất cả nhưng gì “dài hơi”. Vấn đề chính vẫn là chất lượng của sách. Một tác phẩm đích thực luôn luôn được chào đón, bất kể độ dài ngắn thế nào.

- Theo GS thì cảm giác thú vị của việc đọc khác thế nào so với việc nghe nhìn, hay nói khác đi, chúng ta có thể nói gì về vai trò của việc đọc?

- Không thể phủ nhận những tiện ích mà các phương tiện nghe nhìn mang lại cho chúng ta, nhưng tôi có thể nói ngay rằng, không gì giúp con người phát huy trí tưởng tượng bằng việc đọc. Phương tiện nghe nhìn cho ta thông tin là chủ yếu, còn việc đọc giúp ta suy nghĩ về văn, về câu chữ. Đọc một cuốn sách hay ta học được rất nhiều điều. Sách mở ra cho ta một thế giới mới lạ mà không phụ thuộc vào bất cứ điều gì ngoài trí tưởng tượng của ta. Đọc sách còn làm chúng ta giàu có hơn về ngôn ngữ, vốn từ, mở rộng trường liên tưởng. Ví dụ, tác phẩm Anh em nhà Karamazov của Dostoievski đã giúp ích cho tôi rất nhiều khi tôi nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hay tôi đã học được những chữ rất đẹp của Nguyễn Tuân, khi tả chuối Ngự thành Nam, chữ “màu vàng giãy nảy” để liên tưởng đến cách viết chân thực của một nhà văn. Đọc cũng là một cách để thu lượm vốn sống, tích lũy kinh nghiệm ứng xử trong cuộc đời.

- Thời của khoa học công nghệ điện tử và kỹ thuật số đã đẻ ra những thứ ngôn ngữ ví dụ như: ngôn ngữ Internet, ngôn ngữ điện thoại di động... ít nhiều làm méo mó ngôn ngữ chính thống của một quốc gia. Nhưng khi người ta viết một cuốn sách thì người ta buộc phải có một kiến thức hệ thống về ngôn ngữ. Vậy vai trò của văn hóa đọc đối với việc phát triển ngôn ngữ được hiểu như thế nào, thưa giáo sư?

- Tôi nhận thấy hiện nay tiếng Việt của chúng ta đã bị hiểu sai, bị làm méo mó đi rất nhiều. Ngay cả những người có học, trí thức cũng dùng sai tiếng Việt. Truyền hình, báo chí, sách in mắc nhiều lỗi về diễn đạt, ngữ pháp. Nhiều tác giả sách không còn ý thức về việc bảo vệ ngôn ngữ tiếng Việt, họ cẩu thả và không kính trọng bản thân mình, không kính trọng độc giả nên hệ lụy tất yếu là độc giả không còn mặn mà với việc đọc. Một khi các tác giả, các nhà văn, cha đẻ của những cuốn sách còn vô trách nhiệm với tiếng mẹ đẻ như vậy thì cũng đừng nói đến việc phát triển ngôn ngữ cho bạn đọc.

- Giáo sư có thể vui lòng cho bạn đọc biết một vài kinh nghiệm đọc sách của riêng ông?

- Đọc một cuốn sách tôi bao giờ cũng đọc qua một lượt trước để có được một ấn tượng tổng thể, sau đó mới đọc kỹ, tỉ mỉ từng câu chữ, từng chi tiết. Phải dành thời gian thực sự cho việc đọc, và đọc là phải suy ngẫm, nếu chỉ lướt qua thôi ta khó mà thấy hết vẻ lung linh của câu chữ. Nói chung việc đọc là rất công phu.

- Giữa biển sách mênh mông ngày hôm nay, việc chọn lựa một cuốn sách để đọc thật chẳng dễ dàng gì. GS có một lời khuyên nào dành cho các độc giả trong việc chọn lựa sách cũng như cách đọc sách sao cho có hiệu quả, bổ ích và phù hợp?

- Thực lòng mà nói tôi không biết nên khuyên độc giả thế nào. Bản thân tôi, khi tìm đọc một cuốn sách nào đó cũng vẫn chỉ là nhìn vào tên tác giả mà mua. Riêng trong lãnh địa văn học hiện nay, mỗi năm có biết bao nhiêu là đầu sách được xuất bản. Việc in ấn dễ dàng, thuận lợi cộng với sự dễ dãi trong khâu biên tập, quản lý xuất bản đã tạo điều kiện cho bất kỳ ai muốn in sách đều được, mà không cần đến sự đảm bảo chất lượng. Tôi chỉ xin nêuý kiến của riêng tôi về phía các nhà xuất bản, đó là nhất thiết phải có sự chọn lọc trong khâu cấp phép, xuất bản sách. Mỗi nhà xuất bản cần phải tạo ra cho được một thương hiệu trong lòng độc giả, để khi đứng trước một cuốn sách được in bởi nhà xuất bản đó, độc giả hoàn toàn có thể yên tâm về sự lựa chọn của mình. Về phía báo chí, khi lăngxê, đăng tải bất cứ một tác phẩm, tác giả nào cũng cần phải có một sự chọn lựa xứng đáng, chứ không thể làm ào ào như hiện nay.

Một điều quan trọng nữa, là sự hướng dẫn dư luận từ phía một số nhà phê bình tin cậy. Chính các nhà phê bình chân chính sẽ định hướng giúp độc giả vì họ không thể có nhiều thời gian mà chọn lựa. Trong thời gian gần đây, thật lòng mà nói, các nhà phê bình đã đánh mất niềm tin nơi bạn đọc. Các giá trị thật - ảo bị đánh tráo, lẫn lộn bởi nạn phê bình “cánh hẩu”. Những khen - chê đều không chính xác. Đời sống văn học bị “giải thiêng”. Các giải thưởng, lẽ ra cũng là một phương thức để tiếp cận độc giả, thu hút độc giả, tạo dư luận tốt, nhưng ở ta mấy năm gần đây gần như bị chìm vào quên lãng, đó là một thực tế đáng buồn. Thay đổi cơ chế xuất bản sách và tìm lại niềm tin nơi công chúng đọc, là cách tốt nhất để phát triển văn hóa đọc.

- Xin cảm ơn giáo sư!

LinkedInPinterestCập nhật lúc: