Cần có cái nhìn toàn diện về chất lượng giáo dục

03:51 CH @ Thứ Năm - 04 Tháng Mười Hai, 2003

Sẽ là phiến diện và thiếu công bằng khi đưa ra kết luận về sự thiếu nghiêm túc trong dạy và học của giáo viên - học sinh toàn quốc trên cơ sở những quan sát cá nhân, cảm tính ở một số khu vực. Đã đến lúc, chúng ta cần có những thước đo toàn diện hơn, khoa học hơn, và hệ thống hơn về chất lượng giáo dục để thực sự hiểu rõ những điểm mạnh và yếu của hệ thống giáo dục nước nhà, cũng như so sánh tương quan với các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.

Những hệ tiêu chí đánh giá mang tính lượng hóa (chẳng hạn các tiêu chí về tỷ lệ người dân biết chữ, tỷ lệ học sinh các cấp, số sinh viên đại học trên một vạn dân, tỷ lệ giảng viên/ sinh viên, số công trình khoa học được công bố trên các tạp chí chuyên môn của thế giới, khả năng tiếp cận công nghệ mới của học sinh, kỹ năng diễn đạt và kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh..) như vậy rất phổ biến trên thế giới và ngay cả Việt Nam ta cũng có sử dụng nhưng chưa đồng bộ và ít công bố rộng rãi. Trên phuơng diện quản lý vĩ mô, đây là những công cụ hỗ trợ ra quyết định rất hiệu quả.

Mặt khác, hiện nay giáo dục nước ta đang có sự phân hóa mạnh mẽ với nhiều loại hình đào tạo và cơ hội học tập khác nhau, khác hẳn trước đây chỉ có các trường học của nhà nước. Đây là kết quả tích cực của chủ trương xã hội hóa giáo dục. Nền giáo dục hiện nay có nhiều phân lớp. Mỗi phân lớp có những mục tiêu xã hội khác nhau và do vậy có kỳ vọng chất lượng khác nhau dẫn đến tiêu chí đánh giá chất lượng cũng không giống nhau. Chẳng hạn trong giáo dục đại học có những trường đại học lâu đời, uy tín thu hút những sinh viên giỏi nhằm tạo nguồn chất xám bậc cao cho quốc gia; thì cũng có những hệ thống đại học cộng đồng thu hút những sinh viên có năng lực trí tuệ thấp hơn nhưng có nhu cầu học tập để bổ sung lực lượng lao động. Rõ ràng tiêu chí đánh giá chất lượng giáo dục của hai phân lớp này không thể giống nhau. Chẳng hạn đối với các trường đại học chất lượng cao thì khả năng phát triển lý thuyết và nghiên cứu khoa học hay số lượng và chất lượng các nghiên cứu khoa học của giảng viên và sinh viên sẽ là tiêu chí quan trọng để đánh giá; còn đối với khối cộng đồng thì các tiêu chí như năng lực giải quyết vấn đề cụ thể trong công việc hay tỷ lệ có việc làm sau tốt nghiệp lại là thước đo chính. Việc không rõ ràng trong phân lớp và thước đo chất lượng sẽ dẫn đến bế tắc trong đánh giá chất lượng giáo dục nước nhà.

Một lý do khiến giáo dục luôn là điểm nóng chính là vì tính xã hội trong giáo dục rất cao. Các vấn đề cộm cán hiện nay của giáo dục như bệnh thành tích, sính bằng cấp, tiêu cực trong "kinh doanh" giáo dục phải chăng là vấn đề đặc thù của riêng ngành giáo dục? Thực sự các vấn đề này là vấn đề kinh niên của toàn xã hội. Tất nhiên không thể bào chữa cho những yếu kém trong quản lý ngành (nếu có), nhưng cũng phải nhìn nhận vấn đề rộng hơn từ góc độ xã hội thì mới mong giải quyết vấn đề một cách triệt để.

Cuối cùng, trở lại câu hỏi về chất lượng giáo dục, chắc chắn chưa được như chúng ta mong đợi nhưng nó có quá ảm đạm hay không? Tiếp xúc với một lượng lớn sinh viên hàng ngày, tôi luôn ngưỡng mộ các em - những tuổi trẻ tràn đầy sức sống, năng động, và tri thức. Có lẽ một điều ai trong chúng ta cũng phải công nhận - các thế hệ bây giờ có rất nhiều thế mạnh hơn thế hệ đi trước - và họ là một phần của "sản phẩm" giáo dục Việt Nam. Về đội ngũ giáo viên, bên cạnh những lệch lạc đây đó, tôi vẫn thấy phổ biến những tấm lòng nhiệt huyết yêu nghề, trau dồi đạo đức kiến thức. Cứ nhìn thế tôi lại thấy tin ở tương lai giáo dục nước nhà.

Vũ Thế Dũng -(ĐH Bách khoa TPHCM)

LinkedInPinterestCập nhật lúc: