Cần bãi bỏ ngay các “chỉ tiêu” trong giáo dục

03:51 CH @ Thứ Ba - 18 Tháng Mười Một, 2003

Có lẽ trong toàn bộ lịch sử giáo dục của Việt Nam, chưa bao giờ căn bệnh thành tích lại trở nặng như bây giờ. Nhìn sang các nước khác, hình như cũng không thấy ai mắc căn bệnh quái dị này. Bài viết này thử đề xuất một phương thuốc.

Xu hướng chạy theo thành tích thực sự đã trở thành một hiện tượng “bệnh hoạn” đang làm tê liệt cả người thầy lẫn người trò. Ngay bản báo cáo của Chính phủ đọc trước Quốc hội ngày 22-10 vừa qua cũng đề cập tới căn bệnh này, và đánh giá rằng việc chậm khắc phục những “yếu kém và tiêu cực” trong ngành giáo dục là “điều rất nghiêm trọng”.

Lâu nay, người thầy giáo luôn phải làm việc dưới một sức ép tâm lý nặng nề là làm sao đạt cho bằng được nhiều thứ chỉ tiêu mà nhà quản lý giáo dục ấn xuống, như bao nhiêu phần trăm học sinh xuất sắc, tiên tiến, tỷ lệ lên lớp  để đem lại thành tích cao cho trường, nếu không sẽ bị trừ điểm thi đua. Áp lực này dẫn tới nhiều hệ quả tai hại. Người thầy chỉ còn cách lo nhồi nhét kiến thức, còn học sinh thì buộc phải học vẹt. Nội dung sách giáo khoa thí điểm với nhiều sai sót, cũng như những đợt cải cách thay đi đổi lại, đã làm cho cả thầy lẫn trò đều chóng mặt. Dạy cũng khổ mà học cũng khổ, trong khi kết quả mà ai cũng biết là thành tích “ảo”. Hầu như lớp nào cuối năm cũng đạt đến 80-90% học sinh xuất sắc và tiên tiến.Thi tốt nghiệp phổ thông năm nào cũng đậu trên 90%. Nhưng đến kỳ thi vào đại học thì mọi người mới té ngửa ra là chỉ có 13-14% đạt điểm trên trung bình.

Xuất huyết nội.
Nhiều tờ báo ở tp. HCM, đặc biệt tờ Người Lao động với loạt bài điều tra gần đây về lao động giáo viên, đã phản ánh chi tiết thực trạng trên trong nhà trường, cùng với những lời kêu cứu khẩn thiết của các thầy cô giáo. “Chúng tôi quá mệt mỏi !”, “Còn thời gian, sức khoẻ đâu để đầu tư chuyên môn !”, “Phòng Giáo dục – Đào tạo và trường đang vắt kiệt sức giáo viên” (Người Lao động, ngày 10-10, 25-10, 30-10). Tờ Người Lao động tính ra giáo viên làm việc mỗi ngày tới 12-15 giờ đồng hồ, ngoài chuyện dạy học còn phải bù đầu làm các loại sổ sách, soạn giáo án, dự giờ, họp hành, tham gia phong trào 

Căn bệnh chạy theo thành tích và kèm theo nó  là bệnh hình thức đã vắt kiệt sinh lực của các thầy cô giáo, đến mức người có tâm huyết với nghề giáo đến đâu cũng đành bó tay vì không thể làm khác được.

Do bị bão hoà cả về thời gian lẫn khối lượng công việc, người giáo viên khó lòng giữ được sinh khí và hướng thú mỗi lần bước lên bục giảng, nhiều khi phải dạy theo kiểu rập khuôn (bài mẫu ) và làm cật lực như cái máy. Khả năng sư phạm và năng lực sáng tạo không còn chỗ để thi thố. Và đáng lo hơn là trong không ít trường hợp, lương tâm và đạo đức nghề nghiệp dần dà bị bào mòn đi, chẳng hạn, buộc phải cho điểm 5 khi bài làm của học sinh chỉ đáng điểm 2, hoặc ép học sinh phải học thêm một cách quá đáng. Khả năng phát triển tư duy và tính trung thực của cả thầy lẫn trò đang bị thử thách một cách nghiêm trọng.

Có thể nói những hiện tượng trên chính là những dấu hiệu bộc lộ tình trạng chảy máu chất xám trong giới nhà giáo, không phải chảy máu ra bên (như bỏ nghề chẳng hạn), mà là một thứ xuất huyết nội đáng ngại ở ngay bên trong nhà trường. Và xét về mặt ý nghĩa của lao động, thì đó cũng là một hình thức tha hoá.

Cần bãi bỏ các chỉ tiêu
Nhiều người lâu nay hay nói “chống bệnh thành tích”, nhưng không thấy ai nói chống thế nào. Một biện pháp có thể làm ngay là bãi bỏ các chỉ tiêu mà ban giám hiệu hoặc phòng và sở giáo dục và đào tạo đề ra cho các giáo viên. Điều này sẽ giải toả gánh nặng tâm lý ám ảnh giáo viên, và là bước đầu tiên để trả lại cho họ sứ mạng thực thụ của nghề giáo. Theo cuộc điều tra của tờ Người Lao động (5-11-2003), 85,2% giáo viên cho rằng việc đặt ra các chỉ tiêu thi đua như số học sinh lên lớp, học sinh giỏi  là “không cần thiết’ .

Nếu chúng ta chú ý điểm lại, thì sẽ thấy có rất nhiều thuật ngữ thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp được dùng lại trong lĩnh vực giáo dục, như: sản phẩm của giáo dục, chất lượng giáo dục, công nghệ giáo dục, đầu ra/đầu vào, chiếc máy cái sản xuất ra những cái máy con  Trong chừng mực nào đó, cách vay mượn từ ngữ này biểu thị một lối tư duy không quan niệm giáo dục như một lĩnh vực hoạt động đặc thù của xã hội, mà chỉ coi nó như là mộtngành “sản xuất” ngang hàng với các ngành sản xuất khác. Và một khi đã coi nhà trường như một cơ sở sản xuất, thì việc đặt ra các chỉ tiêu và lấy đó để đánh giá mức độ “hoàn thành kế hoạch” của các thầy cô giáo là điều hoàn toàn logic.

Thực ra, thi đua và cạnh tranh là những phương pháp có thể áp dụng một cách lành mạnh trong trường học. Nhưng nhất thiết khkông nên sử dụng biện pháp đưa ra chỉ tiêu định lượng, vì thi đua theo chỉ tiêu làm cho người ta cuối cùng chỉ chú ý tới thành tích, chứ không chú trọng vào bản thân nỗ lực và vào nội dung của hoạt động.Trong trường hợp này, thi đua trở thành một phương pháp phản giáo dục. Có lẽ các trường học cũng nên coi lại nhiều phong trào thi đua, vì bệnh chạy theo chỉ tiêu trong thi đua có thể dẫn tới bệnh thành tích, bốn là một căn bệnh hết sức nguy hiểm trong xã hội hiện nay. Đó là chưa nói tới những trường hợp mà người ta lợi dụng nỗ lực thi đua của đứa trẻ để lấy làm thành tích cho người lớn, lấy thành tích giáo viên để làm thành tích thăng chức cho cấp trên.

Hãy trả lại lớp học cho nhà giáo!
Khi mà người giáo viên không còn sợ bị đánh giá căn cứ trên tỷ lệ học sinh giỏi, học sinh xuất sắc, thì lúc đó họ mới có thể thanh thản chuyên tâm vào chức năng nhà giáo của mình. Ai cũng biết trong một lớp học, cũng giống như trong xã hội, có người giỏi, có người dở, có người hiểu nhanh nhưng cũng có người chậm hiểu. Vì thếm chạy theo chỉ tiêu trong nghề giáo là điều vô nghĩa và phi lý. Theo giáo sư Dương Thiệu Tống, trường học không phải là nơi dành riêng cho những nhân tài và phương pháp dạy học chỉ tốt khi người thầy giáo quan tâm đến những học sinh chậm nhất, kém năng khiếu nhất và điều chỉnh công việc giảng dạy của mình cho phù hợp, chứ không phải chỉ tập trung nỗ lực vào việc đào luyện “học sinh giỏi” như “những con gà nòi” để ganh đua về thành tích (Sài Gon Giải Phóng, 10-7-2001).

Việc bãi bỏ chỉ tiêu nói trên, theo chúng tôi, cũng là một cách trả lại lớp học cho nhà giáo. Tuy nhiên, ngoài chuyện chỉ tiêu, nhà giáo hiện nay còn phải làm rất nhiều thứ việc, không thuộc chức trách của mình (chẳng hạn thu tiền ủng hộ nhà trường, tiền học thêm, tiền bảo hiểm .), trong khi có những phần việc thuộc về trách nhiệm của mình thì lại không được làm. Điển hình như chuyện kiểm tra học kỳ và thi cử. Mới đây, ngày 24-10, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM thông báo giao quyền cho các phòng giáo dục và đào tạo (của các quận huyện) và các trường ra để kiểm tra cuối học kỳ cho các khối lớp 3 và 4, còn đối với các khối lớp 1, 2 và 5 thì sẽ do sở ra đề (Người Lao động, 25-10-2003). Chúng tôi thực sự không hiểu tại sao phòng và sở phải can thiệp vào chuyện ra đề, trong khi chính người giáo viên phụ trách từng bộ môn ở ngay lớp mình chẳng lẽ lại không đủ séc làm việc này? (Điều này cũng tương tự như vai trò của Bộ Giáo dục và Đào tạo làm thay các trường đại học vào mỗi kỳ thi tuyển sinh hàng năm). Thời gian qua, nhiều cuộc thi học kỳ còn được tiến hành bằng cách cho học sinh đổi trường, đổi lớp và đổi cả người chấm bài. Nếu không tin vào giáo viên đến mức ấy, trong khi vẫn để cho họ hàng ngày đứng lớp giảng dạy, thì quả thực những người quản lý giáo dục đã tạo ra một tình trạng nghịch lý mang tính chất xúc phạm đối với cả nhà giáo lẫn nghề giáo.

Phân tích nguyên nhân của hiện trạng giáo dục ngày nay, nhà giáo dục học Dương Thiệu Tống cho rằng “không thể trách giáoviên”, mà cần xem lại các cách quản lý của các nhà quản lý giáo dục (Người Lao động, 29-10-2003). Theo ý kiến của chúng tôi, có lẽ đã đến lúc cần đặt vấn đề “cởi trói” cho giáo dục, nếu nói ví von thì giống như đợt “cởi trói” cho doanh nghiệp trong những năm bắt đầu đổi mới vào giữa thập niên 1980.

Trần Hữu Quang

LinkedInPinterestCập nhật lúc: