'Cần đánh giá người Việt theo tiêu chuẩn thế giới'

06:30 CH @ Thứ Ba - 26 Tháng Giêng, 2016

Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn cho rằng, đánh giá con người theo tiêu chuẩn Việt Nam, đất nước khó hòa nhập với sự phát triển văn hóa, văn minh của thế giới...

Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn say sưa nói về những bất cập của văn hóa người Việt với tâm thế nhập cuộc sôi nổi. Cũng như những đau đáu về sự phát triển văn hóa trong cuốn sách mới tái bản Những chấn thương tâm lý hiện đại, trong buổi trò chuyện với Zing.vn, ông đánh giá hiện thực bằng cách nói hóm hỉnh và sâu sắc.

'Cần đánh giá người Việt theo tiêu chuẩn thế giới'
Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn trong buổi giao lưu với độc giả về "Những chấn thương tâm lý hiện đại". Ảnh: Hải An


- Cảm xúc của ông sau buổi giao lưu Những chấn thương tâm lý hiện đạivới độc giả thế nào?

- Rất thú vị! Làm sao không sung sướng được khi thấy mình còn đang cùng một nhịp nghĩ với các bạn trẻ. Phần lớn người ngồi nghe hôm nay là các bạn trẻ. Nhưng tôi còn ấn tượng về một trường hợp sau. Cuối buổi giao lưu, một phụ nữ đến xin chữ ký và nói rằng, chị bị trầm cảm đã bảy năm nay. Chị hỏi tôi có lời khuyên nào dành cho chị không.

Quả thật lúc đó, tôi không nghĩ ra một câu nào, chỉ khuyên chị là nên đọc các loại sách tôn giáo, Thiên chúa giáo, Phật giáo. Bản thân tôi những lúc buồn bã, tuyệt vọng và thường cũng tìm đọc các loại sách đó. Tôi đã tự phát bật ra một lời khuyên như vậy, không chắc đã giúp gì nhiều cho chị. Song tôi cảm thấy may mắn là gặp được những độc giả như vậy. Các bạn tin tôi và muốn cùng tôi bàn bạc về cuộc sống của mình. Với một người viết văn không gì có thể có ý nghĩa hơn.

- Ông đã chuẩn bị cho sự ra đời cuốn sách như thế nào?

- Từ những bài báo... Nói cho to tát ra, thì nó là từ toàn bộ vốn liếng làm người của tôi năm chục năm nay. Những kinh nghiệm bản thân trong cuộc sống hàng ngày luôn luôn được tôi so sánh đối chiếu với những thu hoạch trong nghề nghiên cứu văn học. Sau nữa là các lý thuyết sử học, xã hội học và văn hóa học.

Các bài viết trên báo chí hiện nay thường thiếu cái nền hiểu biết chắc chắn về văn hóa. May cho tôi là hai chục năm gần đây, tôi có chăm chú tìm đọc loại sách lý thuyết này và cố gắng “tiêu hóa” nó.

- Trong hơn 200 trang cuốn phiếm luận, điều ông muốn nhắn nhủ với bạn đọc là gì?

- Hai chữ thường trực trong tâm trí mọi người lúc này là chuyện hội nhập. Mà đằng sau cái khao khát hội nhập ấy là cảm tưởng về một sự thay đổi đang đến trong cuộc sống xã hội. Ta đang làm khác, nghĩ khác, ao ước khác đi rất nhiều, chẳng những so với các thế hệ trước mà còn ngay với ta nữa. Muốn đi với thế giới, chúng ta phải tự hiểu mình. Nhất thiết phải đánh giá lại con người Việt Nam. Chỉ có những yêu cầu cao về mình thì những thay đổi chúng ta hướng tới mới có thể gọi là phương án đúng.

Khi soi xét lại mình từ những chuẩn mực của thế giới lẽ tự nhiên là chúng ta nhận ra nhiều thói hư tật xấu tích lũy từ trong quá khứ. Không việc gì phải che giấu mà cũng không việc gì phải hoảng hốt. Chỉ cần thành tâm và có thiện chí, thì cái việc gọi là tự nhận thức ấy sẽ đi tới hiệu quả cần thiết.

- Những vấn đề văn hóa được ông đề cập qua thể phiếm luận. Tại sao ông không chọn dạng lý luận vốn là thế mạnh của mình?

- Mỗi giai đoạn, bạn đọc sẽ yêu thích những thể loại khác nhau. Bây giờ, ai cũng bận rộn, gấp gáp, không có nhiều thời gian để đọc, nghiền ngẫm những tác phẩm dày. Ngay cả những người trong giới văn chương với tôi thì không phải ai cũng có đủ kiên nhẫn để đọc những cuốn sách như thế.

Phiếm luận là thể loại có sự gặp gỡ giữa báo chí và văn học. Khi viết, tôi có cảm giác mình đang giao lưu với bạn đọc, rất thú vị. Tập hợp các bài viết trên báo nhưng tôi cố gắng thống nhất về giọng điệu, kiểu câu từ đầu đến cuối kiểu như cắm một bình hoa với những bông hoa cùng loại. Tôi chọn viết những quyển sách mỏng nhưng vận dụng những kiến thức mình có được.

'Cần đánh giá người Việt theo tiêu chuẩn thế giới'
Ông Vương Trí Nhàn có nhiều năm nghiên cứu văn học Việt Nam giai đoạn 1930-1945.

- Bên cạnh phê phán thẳng thắn những thói xấu của người Việt, ông cũng trích dẫn ý kiến của người khác nói về thói hư tật xấu. Phải chăng đó là một cách che chắn, ngại những ý kiến trái chiều rằng mình không trân trọng văn hóa Việt?

- Lúc đầu tôi cũng còn nhiều ngần ngại, nên phải tìm cách dựa vào những người đi trước, trích dẫn các bậc tiền bối trước rồi mới phát biểu suy nghĩ của mình. Làm thế để thêm tự tin và quyết tâm hơn. Trong các ý kiến của người xưa, tôi nhận ra đó không phải là sự chê bai dễ dãi mà là tinh thần phê phán khoa học, nhìn thẳng vào vấn đề.

Trong thế kỷ XX, khi người Pháp tổ chức lại xã hội ta theo hướng hiện đại hóa, họ đã dành thời gian nghiên cứu về văn hóa, con người Việt Nam. Tôi cũng tìm thấy ở đấy một cái nhìn khách quan cần thiết. Phải biết người ta nghĩ gì về mình, nhận ra cái sai thì mới có khả năng sửa chữa.

Trong văn học, nhiều nhà văn trước 1945 thể hiện tiếng nói mạnh mẽ và đúng đắn về văn hóa Việt. Tôi thích nhất câu của Tản Đà: “Dân hai lăm triệu ai người lớn, Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con”. Đó là những phát ngôn tự nhận thức về dân tộc rất giá trị.

Trong văn học dân gian, có một thời chúng ta ca ngợi trí thông minh, sự may mắn của Trạng Quỳnh, Trạng Lợn đi sứ. Nhìn lại thấy rất buồn cười vì có hay gì cái trò ra ngoài bịp nhau và cười hả hê mình thắng. Bây giờ, chúng ta phải nhìn người Việt theo tiêu chuẩn thế giới, chứ không thể chỉ biết các tiêu chuẩn vốn mơ hồ và tùy tiện của Việt Nam.

Nguồn:Zing
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • 3 câu hỏi của ông Vương Trí Nhàn giúp giới trẻ tránh “vết xe gian dối”

    07/07/2021Hoàng LựcNhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn cho rằng để không dẫm vào “vết xe gian dối”,  thế hệ người Việt trẻ nên chấp nhận sự thật, chấp nhận mình làm lại từ con số không. Thay vì vui mừng với tấm bằng đẹp nhờ gian dối các bạn trẻ nên làm lại bằng cách học thật, dám nhìn vào thực chất vấn đề, đặt ra câu hỏi cho riêng mình: Mình đã làm được gì? Mình đang làm gì? Và sẽ làm gì cho tương lai của chính mình…?
  • Nhà phê bình Vương Trí Nhàn: Hãy nghĩ tới ngày giã từ sư phụ để xuống núi

    06/09/2017Lê Hồng Lâm (thực hiện)Nhận diện lại lý tưởng và giá trị của những con người trẻ tuổi (đặc biệt là giới trí thức) trong thời chiến tranh và trong cuộc sống hiện tại...
  • Vương Trí Nhàn - Cần một thứ sử học khác

    23/11/2015Vương Trí NhànỞ những trang sử ta viết cho ta, trên cái nền là một ít sự kiện nghèo nàn, không có những con người mà chỉ có những hình nhân với một vài lời lẽ, hành động đôi khi cũng ấn tượng, nhưng quá nghèo nàn, đơn sơ. Đọc những trang viết khô khan cằn cỗi đó, thật không hình dung ra trong hàng chục thế kỷ qua, cộng đồng chúng ta đã ăn ở, sinh hoạt ra sao, quan hệ với nhau thế nào. Lại càng không thể từ đó rút ra những gợi ý về kiếp làm người của mình hôm nay....
  • Nghiên cứu văn hoá từ góc nhìn của Vương Trí Nhàn

    04/05/2015Vương Trí Nhàn - Phan ThắngVề phần mình, sau khi nói rằng VN có một nền văn hóa vô cùng rực rỡ không kém một ai, các nhà nghiên cứu VN có thói quen cho rằng chỉ ta là mới hiểu được ta. Với các thành tựu của người nước ngoài, ta chỉ sử dụng một vài tên tuổi làm nền và giúp vào việc minh họa cho quan niệm của người trong nước...
  • Vài nét về Vương Trí Nhàn

    01/12/2011Nguyễn Ngọc ThiệnVương Trí Nhàn là nhà lý luận phê bình có đầu óc thực tế tôn trọng hiệu
    quả hữu dụng, thực dụng của bất cứ một hoạt động nào, cả sáng tác cũng
    như nghiên cứu, lý luận phê bình văn học.
  • Lan man với Vương Trí Nhàn

    27/01/2011Nguyễn Thị Ngọc Hải thực hiệnLà một cây bút nghiên cứu phê bình văn học sắc sảo hay “đụng độ”, Vương Trí Nhàn gần đây quan tâm nhiều đến văn hóa, đô thị, lối sống, với cách nói thẳng băng.
  • Những chấn thương tâm lý hiện đại

    31/10/2008Vương Trí NhànMãi tận kỳ vào Sài Gòn hồi tháng 6 vừa qua, tôi mới thật chứng kiến cảnh thành phố kẹt xe triền miên đến vậy. Một tài xế taxi nói: Bây giờ thì chẳng ai nhường đường cho ai nữa, ai cũng cố chen lên bằng được, thành thử đường càng thêm kẹt. Mà con người sao đối xử với nhau quá tệ. Con người bây giờ ác quá!
  • 'Nhân nào quả ấy' - phiếm luận của Vương Trí Nhàn

    23/07/2006Cát Tường“Ngoài trời lại có trời”, “Nhân nào quả ấy” (và sắp tới là “Cánh bướm và đóa hướng dương”) là các tập sách tiểu luận phê bình vừa được Nhà xuất bản Phụ nữ cho in lại. Đó là những quyển sách khá quen thuộc mang “nhãn” nhà phê bình Vương Trí Nhàn, một viết về văn học nước ngoài, một bàn về văn hóa đương thời...
  • xem toàn bộ