Cái đúng hôm qua nay không đúng nữa!

01:48 CH @ Thứ Ba - 19 Tháng Giêng, 2016

Ông Tú, nhân vật chính trong truyện ngắn Một thời gió bụi (1991), của Nguyễn Khải là một cán bộ vốn sống ở thành phố, khi nhận sổ hưu, liền có ý định về sống hẳn ở quê. Song chỉ về quê thăm thú ít ngày, ông đã phải bật ra, quay trở lại với vợ con ở thành phố, làm chân phụ việc bán hàng cho vợ.

Tại sao? Theo cách miêu tả của tác giả, nhân vật tưởng đã rất từng trải ở đây đã thực sự bị sốc trước tình trạng xảy ra trên quê hương. Con người gian giảo lừa lọc. Niềm tin và sự bình thản trong tâm tư không còn. Mối quan hệ thuần hậu giữa người với người đã bị biến dạng.

Chữ lợi làm mờ cả mắt. Người ta sẵn sàng làm bất cứ việc gì, kể cả đào trộm một ngôi mộ cổ của một bà thứ phi của chúa Trịnh Doanh, bẻ đầu bà ta, để kiếm vàng. Ấn tượng còn lại ở ông Tú là “một cái làng, một vùng quê không còn quá khứ, không còn lịch sử ”. Quay trở lại với gia đình nơi đô thị, ông nghe một đứa con hỏi : “Về quê có vui không?”, đành đáp: “Cuộc sống gay gắt lắm”. Lại khi nghe hỏi: “Vùng ấy phong cảnh đẹp lắm hả bố”, ông chỉ còn cách trả lời: “Bây giờ thì trần trụi tan hoang cả” (xem Tuyển tập Nguyễn Khải ba tập, tập III, NXB Văn học 1996, các trang 269 và 280).

Nguyễn Khải từng có nhiều thiên truyện viết về nông thôn miền Bắc những năm 60-70 thế kỷ trước, trong đó có truyện Tầm nhìn xa chế giễu ông Tuy Kiền, phó chủ nhiệm hợp tác chuyên xoay xở kiếm lợi. Văn xuôi Nguyễn Khải hồi ấy cho thấy một nông thôn hài hòa mà sôi động, con người đầy khao khát song rất tự chủ, và luôn tự chứng tỏ là có thể đứng vững trước bất cứ thay đổi nào của thời cuộc.

Nay với Một thời gió bụi, tác giả vẫn sắc sảo như xưa, nhưng lại hai lần đáng ca ngợi vì là một sắc sảo phát hiện ra những gì ngược với niềm tin của mình hồi trẻ. Trong phút xuất thần của ngòi bút, Nguyễn Khải thật đã dự cảm chính xác sự băng hoại của nông thôn cổ điển trước công cuộc hiện đại hóa tự phát có pha một chút dã man hôm nay.

Thứ nữa, điều quan trọng không kém, nhà văn còn gọi ra được một lối phản ứng trước hoàn cảnh đang chi phối nhiều người chúng ta. Đó là một cái nhìn tĩnh, một nếp nghĩ trì trệ, chỉ biết mơ màng với những giáo điều cũ kỹ, lúc chạm vào thực tế thì sợ hãi lảng tránh. Trong khi vẽ ra một bức tranh thực tế xa lạ hẳn với thói quen cảm nhận của số đông, tác giả như thoáng có một chút chế giễu cái sự lãng mạn quá lâu của mọi người, và thầm đề nghị rằng mọi suy nghĩ về nông thôn phải thay đổi.

Cần nhấn mạnh cái khía cạnh thứ hai này của tác phẩm vì thời gian gần đây - ngót nghét hai chục năm sau khi Một thời gió bụi ra đời - dường như vẫn đang có một lối nhìn, một mạch suy nghĩ cảm xúc ngự trị trong xã hội, chảy ngầm trong những câu chuyện và len lỏi trong tâm tư mỗi cá nhân lúc họ cô đơn. Đó là niềm lưu luyến khôn nguôi với nông thôn thời quá khứ, là việc lý tưởng hóa mối quan hệ giữa người với người hôm qua, tiếp đó lẽ tự nhiên là tiếng thở dài than vãn vì một cái gì tốt đẹp vừa bị đánh mất, và niềm ao ước thầm kín, giá kể đồng hồ có thể quay ngược, giá kể có thể trở về với những ngày xưa thân ái, tình làng nghĩa xóm, rau cháo có nhau, nghèo khổ nhưng mà đầm ấm.

Con người vốn yếu đuối. Trước những thay đổi quá chừng đột ngột, lại ngả sang dữ dằn ghê gớm của công cuộc hiện đại hóa ít nhiều phi nhân văn hiện nay, cái sự co lại trong hành động, sự mệt mỏi trong tâm tư là điều dễ hiểu. Nhưng tôi tưởng đây chính là lúc chúng ta cần một ít lý trí sáng suốt. Quay về làm sao nổi. Đúng là không thể làm giàu bằng bất cứ cách nào. Nhưng cũng không thể nghèo mãi như cũ. Chỉ có dấn bước đi tới với nghĩa nhìn thẳng vào thực tế, nhận ra những quy luật chi phối sự vận động của xã hội, người ta mới có cơ tìm ra cách ứng xử hợp lý nhất.

Trong việc này, số lượng những tác phẩm văn chương có cái nhìn tỉnh táo như của Nguyễn Khải còn ít, mà - thường tình thay mà cũng đáng tiếc thay - là lối nhìn nhận ngược lại.

Trong một bài phiếm luận, một nhà văn gần đây có tâm sự rằng thuở nhỏ sống với một bà mẹ rất tình cảm và nay mỗi lúc khó khăn trong cuộc đời, tác giả lại tìm thấy sự chỉ bảo nâng đỡ trong những lời mẹ dặn.

Để sang một bên những trường hợp cụ thể, tôi chỉ nghĩ rằng nếu tính đại trà thì nay là lúc con người gặp phải những khó khăn mà các thế hệ trước chưa bao giờ gặp phải. Vậy nên kinh nghiệm sống và suy nghĩ của lớp người đi trước không đủ nữa.

Trong cái việc tự mình cứu mình, có bao hàm cả cái việc chủ động tìm tòi để bứt phá khỏi cái vòng vây của những tư tưởng cũ. Những tư tưởng ấy vốn trước kia đã đúng, lại gắn liền với kỷ niệm của tuổi ấu thơ chúng ta, nên dễ lan truyền và làm tổ trong chúng ta. Dứt bỏ là chuyện đau đớn. Nhưng làm sao khác được! Đi tìm cho được những cái mình cần, đó là trách nhiệm mà cũng là số phận của con người hiện đại.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • “Học, nhưng đừng nghĩ đó là chân lý duy nhất”

    23/06/2016Nguyễn Thị Ngọc Hải thực hiệnBa người con với dâu rể là sáu, trong đó năm người là thạc sĩ, tiến sĩ,
    sau tiến sĩ, giảng dạy tại các trường đại học ở Pháp và Mỹ. Tuy nhiên,
    vợ chồng giáo sư Phan Đình Diệu bảo không có gì nên viết bởi “chuyện
    thường vậy thôi”, con họ chỉ “hòa nhập trong dòng nhiều thanh niên
    thành công”.
  • Chân lý là đất không có lối vào

    02/03/2016Tiến sĩ. Nguyễn Huy HoàngBài viết trình bày một cách khái quát nhận thức của Trần Đức Thảo về chủ nghĩa xã hội từ lập trường của chủ nghĩa Mác; đồng thời, phân tích những tư tưởng của ông về nguồn gốc của ý thức và ngôn ngữ.
  • Ngày nay, không đổi mới nhận thức cũng coi như mù chữ

    11/12/2015Trường GiangTrình độ nhận thức thực tế khách quan của con người cũng bị giới hạn bởi điều kiện lịch sử. Có những điều mà ngày hôm nay cho là chân lý nhưng ngày mai lại bị nghi ngờ, thậm chí bị phủ định do có những phát minh, phát kiến mới, làm thay đổi hiểu biết của con người. Do đó nhận thức của con người phải luôn luôn đổi mới...
  • Vấn đề chân lý

    06/08/2009William S. Sahakan& Mabel. Sahakan- Thanh Chân dịchNgay từ thời cổ đại, con người đã từng bị ám ảnh không dứt bởi vấn đề chân lý đa phương diện, đa sắc thái. Người ta không ngừng nỗ lực đúc kết một định nghĩa hoàn hảo cho khái niệm chân lý, người ta đã liên tục suy tư chiêm nghiệm về bản chất tổng thể của chân lý...
  • Các tiêu chuẩn xác định chân lý

    04/08/2009William S. Sahakan& Mabel. Sahakan- Thanh Chân dịchMột trong những lãnh vực quan trọng mà luận lý học quan tâm đến là xác định các khả năng kiểm chứng chân lý, các tiêu chuẩn phân biệt lẽ đúng sai. Tiêu chuẩn xác định chân lý là thước đo chuẩn mực được dùng để đánh giá sự chân xác của các ý tưởng và nhận định...
  • Tiêu chuẩn logic trong nhận thức chân lý

    01/01/1900Nguyễn Khắc ChươngCó thể nói, bằng sự tổng kết toàn bộ tiến trình phát triển lịch sử của nhận thức, Hêgen đã xác định rõ trình độ của mỗi giai đoạn nhận thức và vai trò của các học thuyết logic: "Phép biện chứng: phép biện chứng bên ngoài, sự suy luận không đâu vào đâu, mà trong đó linh hồn của bản thân sự vật không được hoà tan.
  • Chân lý là gì?

    19/07/2006Thật khó định nghĩa được chân lý là gì. Một vài người bạn của tôi nói rằng chân lý là điều mà hầu hết mọi người cùng nghĩ như nhau. Nhưng điều đó đối với tôi thật vô nghĩa, bởi vì đôi khi đa số lại sai lầm. Thậm chí những gì mà mọi người cùng đồng ý có thể không phải là chân lý...
  • Chứng minh và chân lý trong toán học

    31/03/2006Trích từ cuốn Khoa học và các khoa học của Gilles – Gaston Granger, NXB Thế giớiCông việc của nhà toán học hoàn toàn không qui về chỗ chứng minh. Các bài toán mà anh ta gặp hoặc tự đề ra cho mình chắc hẳn có thể thuộc kiểu: mệnh đề này mà tôi phỏng đoán là chân lý, tôi có thể chứng minh được không?
  • Chân lý là cụ thể

    17/02/2006Tương LaiTa hiểu được những ai đã sai và có thể còn sai .Và chất người trong ta cộng sản thêm chút nữa Trút vỏ thần tượng đi càng lồng lộng con người...”. Những câu này trong tập thơ ra đời từ 1969 đã khiến cho tác giả lao đao một dạo. Thế rồi ba mươi sáu năm sau, tình cờ trong một lần chỉ hai anh em trên đường công tác, tác giả kể với tôi một chuyện xúc động về câu thơ ấy...
  • xem toàn bộ