Bức xúc ở chỗ khác!

05:57 CH @ Thứ Tư - 17 Tháng Tám, 2005

Chung quanh dự thảo Luật Phòng và chống tham nhũng mà Quốc hội đang yêu cầu nhân dân góp ý kiến, nổi lên một số cách nhìn và giải quyết thực tế khác nhau.

Về phòng và chống, hai phạm trù bản thân đã có vấn đề. Có người cho rằng phòng là quan trọng, nếu không hơn thì cũng tương đương với chống, không phòng thì khó chống. Lại có ý kiến cho rằng chống là hết sức cần thiết, có chống tích cực mới phòng tích cực, phòng thì nhiều văn bản pháp luật đã xử lý, còn chống chưa tạo đủ bề thế trong cuộc đấu tranh gay go như chúng ta đang trải qua. Trình bày như vừa rồi, tôi đã phát biểu thái độ, tức tôi nghiêng về chống để phòng. Chống là khâu nóng, cập nhật, còn phòng là khâu cơ bản, lâu dài. Viết đến đây, tôi chợt nhớ chuyện... Tam Quốc. Khi vào đất Thục, Lưu Bị chủ trương quản lý vùng đất mới mà ông vừa thu được bằng một chính sách nhân đạo, ít trừng phạt. Khổng Minh suy nghĩ ngược lại: Thục từng nhiều chục năm do một chính quyền nhu nhược quản lý, quan tham tràn lan, nếu không khép vào kỷ cương thì đất Thục khó hùng mạnh, đủ khả năng tranh chấp với Tào Tháo và Tôn Quyền, nên cần siết chặt luật pháp. Tư tưởng nhân nghĩa của Lưu Bị là đáng quý, song vào thời điểm này, chủ trương của Khổng Minh thiết thực hơn. Theo quan niệm "hàn lâm", quả phòng rất chiến lược, song không thể thoát ly cuộc sống đang diễn ra, cho nên cũng không kém "hàn lâm" khi nhấn mạnh và thực hiện việc chống là trọng điểm có tính thời gian.

Một khác nhau nữa trong ý kiến đối với dự luật là, một bên ngại sự chồng chéo giữa bộ phận đặc trách nếu nó ra đời, bởi chức năng của hệ thống chính trị đã được minh định. Còn ý kiến ngược lại thì cho cơ chế là để quản lý một xã hội phát triển bình thường, các chuẩn mực về pháp luật đã được tuân thủ. Song, vào những thời điểm quyết định, nếu không có một cơ quan đủ quyền giải quyết nạn tham nhũng một cách điển hình, thì khó ngăn chặn tham nhũng. Tôi nghiêng về ý sau, bởi cơ chế có từ lâu, đang hoạt động, lời răn dạy không thiếu, từ kinh điển đến những chỉ thị trước mắt, nhưng tham nhũng không giảm. Chắc chắn ở đây còn những nguyên nhân thuộc chiều sâu như nội hàm dân chủ trong xã hội và trong quản lý đất nước chưa đạt mức cần thiết. Cái nếp cũ từ bao cấp do hoàn cảnh chiến tranh và do yêu cầu giữ chính quyền cách mạng vào một lúc nào đó là tất yếu vẫn còn ảnh hưởng trong tình thế mới. Quốc doanh đâu phải không cần thiết, nhưng hình thái quản lý cũng liên quan đến môi trường quản lý, lúc cần phân phối mà không có quốc doanh thì hết sức gay go, còn khi mặt bằng kinh tế xã hội đã phát triển trong cái thế cần giải phóng sức sản xuất ở mức cao hơn, quốc doanh không thể không đóng góp vào quy trình ấy, đóng góp về chất lượng, về vị trí ở những khu vực then chốt, chứ không tràn lan. Cũng vậy, trong cơ chế chống tham nhũng của luật pháp nước ta, ai cũng thấy, nói chống tham nhũng thì nhiều, nhưng chống không được bao nhiêu. Tại sao ? Khi tham nhũng thâm nhập vào quyền lực quản lý thì vấn đề đặt ra: ai chống ai? Trong trường hợp này, có một tách bạch: quyền lợi của người dân đối lập với nạn quan liêu và tham nhũng, bởi người dân là nạn nhân của các tệ nạn này. Biết bao nhiêu khiếu tố, có cái kéo dài hàng mấy chục năm trời, bị lãng quên. Cơ chế đâu cho phép như vậy, nhưng sự lãng quên vẫn là nỗi đau của xã hội. Dân là nạn nhân của tham nhũng, mà Nhà nước, chế độ cũng là nạn nhân.

Đương nhiên, cái cuối cùng mà cơ chế phải đạt: toàn bộ bộ máy quản lý nhà nước - gồm cả Viện Kiểm sát và tòa án - phải vận hành đúng chức năng của mình, song đó là một quá trình. Không có gì chồng chéo với cơ chế vốn có và hiện hành. Nó chỉ là một điểm nhấn tình thế để giúp cho cơ chế dần dần cáng đáng được chức năng. Nói thật tình, nếu không có một cơ quan quyền lực chống tham nhũng, đặc biệt với những vụ tham nhũng liên quan đến cán bộ cấp cao, thì không một người dân nào tin rằng chúng ta quyết chống tham nhũng và chống tham nhũng là việc có thể thu kết quả. Dân nói: "Các ổng giải quyết chuyện nhà với nhau, mình không ở trong nhà với mấy ổng, chờ đợi đến héo hon cũng chưa đạt được cái quyền mình đương nhiên có". Nhiều bộ phận quản lý trung thực cũng xót ruột không kém, của cải làm ra ngày mỗi lớn và tương ứng với vận tốc ấy là tham quan càng nhiều, phát tài càng nhanh, thủ đoạn trấn áp những người phản đối tham nhũng càng quyết liệt, tham nhũng từ nội bộ cơ quan nhà nước bắt tay với "xã hội đen", tất cả không chỉ khuynh đảo đất nước về kinh tế tài chính, mà cao hơn.

Những điều tôi trình bày ở trên chẳng phải thuộc loại phát hiện gì ghê gớm, nó nằm trong hồ sơ đã quá dày và người dân đã quá thông thạo.

Tôi hiểu rằng một quy chế chống tham nhũng đột xuất cần tính đến mối liên quan và cần quy định phạm vi trách nhiệm. Song, nó không thể không có mặt trong bộ luật lớn của nước ta.

Đó là chỗ bức xúc hàng đầu của một nước, của chế độ và của người dân...

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • "Đấu tranh đây là trận cuối cùng"

    26/05/2015Dương Trung QuốcĐó là một điệp khúc trong bài hát cách mạng đã từng cổ vũ nhiều thế hệ những người cộng sản trong sự nghiệp đấu tranh cho những mục tiêu cao cả của mình.
  • Giải pháp góp phần tích cực phòng và chống tham nhũng

    17/08/2005Trọng DânCó thể nói, nếu luật về phòng và chống tham nhũng, lãng phí ra đời, công cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở nước ta đã phải sử dụng tới hình thức pháp lý cao nhất, một "đòn phép" tối hậu...
  • Chống tham nhũng

    21/07/2005Nguyễn Quang ATham nhũng là lạm dụng quyền được trao để mưu lợi cá nhân. Có uỷ quyền là có thể tham nhũng. Tham nhũng cổ gần như loài người và sẽ còn khi loài người còn. Chẳng ai tin vào hi vọng hão huyền về một xã hội không có người được trao quyền, không có nhà nước.
  • Toàn dân hiến kế chống tham nhũng

    21/07/2005Đỗ Lê TảoHôm nay (ngày 20.7), dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng được đưa ra lấy ý kiến đóng góp của mọi tầng lớp nhân dân, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể quần chúng... Theo tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng tại kỳ họp thứ 7 - Quốc hội khoá XI thì tình hình tham nhũng hiện nay của nước ta đang diễn ra rất phức tạp, trong nhiều lĩnh vực, có xu hướng tăng về quy mô, tính chất ngày càng nghiêm trọng...
  • Công cụ chống tham nhũng của Tổ chức minh bạch quốc tế

    18/07/2005Danh ĐứcCảnh sát điều tra sẽ có kết luận về những vụ việc đang làm công chúng buồn lòng, thậm chí nghĩ rằng mình đang bị lừa đảo, móc túi.

Nội dung khác