Bí ẩn Vũ Bằng

03:50 CH @ Thứ Tư - 10 Tháng Bảy, 2013
“Một nhà báo kiệt hiệt” -  Nhà văn Tô Hoài đã dành cho Vũ Bằng - một người bạn, một người anh, một nhân vật đặc biệt có cuộc đời và thân phận nhiều bi kịch nhất trong giới báo chí văn nghệ trước năm 1945 những lời ngợi ca như vậy.

Con người mà văn chương đạt đến tầm tuyệt bút và đầu óc thông tuệ như vậy, nhưng chỉ nhận mình là người đãng trí hay quên. Con người mà khi sống phục vụ cách mạng kháng chiến trong âm thầm như vậy mà đến chết vẫn chưa một lời minh oan cho cái án “dinh tê”, trốn đi Nam theo Mỹ…

Và đây nữa, chín năm sau khi đất nước yên hàn thống nhất, vì lẽ gì  mà ông không đặt chân trở lại Hà thành - mảnh đất máu thịt của đời ông, của văn ông? Tất cả vẫn còn là những bí ẩn. Nhân một trăm năm sinh của tác giả Bốn mươi năm nói láo, xin được viết đôi nét chân dung cùng những bí ẩn đời văn, đời người của Vũ Bằng…

Tôi rất thích câu mở đầu của Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin năm 2000 lúc in cuốn sách Vũ Bằng, Bên trời thương nhớ khi viết rằng: Vũ Bằng là một hiện tượng. Trong suốt dòng sông của cuộc đời có mặt, Vũ Bằng đã đánh đổi tất cả chỉ để xin lấy về phần mình hơi thở của nghệ thuật. Nghệ thuật làm báo cũng như viết văn… Và cũng giống như nhiều người Việt yêu nước thuở ấy, bằng những cách riêng của mình, họ đã hoàn thành sứ mạng lịch sử nào đó, song cũng không ít tránh khỏi thiệt thòi, éo le. Vũ Bằng là một trường hợp...

Khác với Vũ Hoàng Chương, người không có cái khắc khoải nhớ Hà Nội như Vũ Bằng, mà “mỗi lần nhớ về quê hương bản quán, nhà cửa ruộng vườn, anh em bè bạn là nhớ ngay đến mấy xóm ngoại ô có nhà hát cô đầu…”; Vũ Bằng từ lâu được xem là nhà văn của hồn cốt phố phường Hà Nội. Nhắc đến Vũ Bằng là người ta lại nhớ đến một Hà Nội nhiều bâng khuâng với những gì thanh tao, lịch lãm. Nhắc đến Vũ Bằng người ta bỗng thấy thêm yêu một Hà Nội của mình, là người ta nhắc tới Miếng ngon Hà NộiThương nhớ mười hai  (theo tác giả Thu Hương).



Với nghề báo, Vũ Bằng đã tự vẽ chân dung mình, chân dung thế hệ, trong cuốn Bốn mươi năm nói láo. Về cuốn hồi ức nghề báo của bạn, họa sĩ Tạ Tỵ đã viết: “Ông đã thành thực chẳng những với lòng mình mà còn với người đọc. Những điều mà Vũ Bằng viết ra tôi tin rằng chẳng có ích bao nhiêu đối với những người chưa hoặc không nghĩ tới chuyện làm báo, nhưng nó rất cần thiết cho lịch sử báo chí và những ai muốn sống đời ký giả. Bán cả một cuộc đời để được trả bằng mấy trăm trang sách kể là quá đắt”.

Cuốn hồi ký Bốn mươi năm nói láo đã nói lên tất cả mọi khía cạnh đặc thù - trong đó - Vũ Bằng đã ký thác tâm sự mình, ký thác “nghiệp chướng” mình một cách quá đầy đủ về mặt báo chí: “Làm báo như hạng Nguyễn Phan Long, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, viết một bài, Tây sợ chết cha chết mẹ, phải mua chuộc hàng ngàn hàng vạn mà chưa chắc đã êm... Mê quá!”.  Và nghiệp chướng đã chọn ông.

Từ năm 1929, ở cái tuổi 15 - 16, Vũ Bằng chính thức bước chân vào cái nghề điêu đứng: nghề làm báo, từ bỏ giấc mộng mà bà mẹ đã từng ấp ủ là sang Pháp học nghề thuốc.  Sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nghề xuất bản ở Hà Nội, từ tấm bé ông đã có điều kiện vùi đầu vùi mộng vào sách báo, và sớm nuôi mộng trở thành một nhà báo đúng lúc báo chí Việt Nam phát triển, nghề viết báo đã trở thành một nghề “hot”, ký giả đã là cái nghề lý tưởng với rất nhiều người trẻ thời ấy.

Điều kỳ lạ là Vũ Bằng đã vào đời, vào nghề với tất cả đam mê đến sôi sục và ông đã băm bổ có mặt khắp các lĩnh vực của báo chí, từ chủ bút, thư ký tòa soạn đến biên tập, đi nhà in và đặc biệt với văn tài của  mình, ông có thể viết tất cả các chuyên mục… Nếu tính những tờ báo mà Vũ Bằng từng viết bài cộng tác trong giai đoạn ông làm báo ở Hà Nội (1929 - 1954) thì đó là một con số đáng nể: Hữu Thanh, An Nam tạp chí, Đông Tây, Rạng Đông, Nhật Tân, Trung Bắc tân văn, Công dân, Tiểu thuyết thứ bảy, Phổ thông bán nguyệt san, Truyền bá, Tương lai, Vịt đực, Trung Bắc chủ nhật, Trung Việt tân văn...

Nhà báo ấy từng trở thành một người hùng trong mắt bạn bè, độc giả khi chủ trương thành lập và trực tiếp xắn tay vào công việc của báo Vịt đực - tờ báo trào phúng đầu tiên ở Việt Nam. Làm Vịt đực, Vũ Bằng và các bạn ông thả sức dùng tiếng cười để chế giễu, đả kích các loại quan to quan nhỏ của chính quyền Nam triều và chính phủ Bảo hộ, với phương châm: “Đã không chửi thì thôi, đã chửi thì đối phương khôn nhất là im đi...

Chúng tôi quyết chửi trường kỳ, chửi hàng tháng, hàng năm, theo kiểu Ba Giai - Tú Xuất, kỳ cho đến khi nào chán và hết vấn đề để chửi mới thôi” (Bốn mươi năm nói láo). Đến cả viên Thống sứ Pháp và cả Bảo Đại cũng là đề tài  bị Vịt đực móc máy, bóng gió chỉ trích châm biếm…  Nhưng sau 52 số tung hoành trên đủ các mặt của đời sống xã hội Bắc Kỳ, tờ báo ấy đã bị đóng cửa!.

Vịt đực đóng cửa, ông Vũ Đình Long đã sớm thu nhận Vũ Bằng về, để cùng một lúc ông trông nom ba tờ báo cho Tân Dân, là Tiểu thuyết thứ bảy, Phổ thông bán nguyệt san, Truyền bá. Làm sao mà một người có thể lao động báo chí khủng khiếp như vậy? Chỉ có thể là tài năng. Quan trọng hơn, Vũ Bằng thời kỳ này đã phát hiện và nâng đỡ nhiều tài năng văn học.

Nhờ có con mắt xanh ấy, truyện của Nam Cao mới được in liên tục và cái bút danh Nam Cao ngày càng nổi tiếng. Vũ Bằng cũng là người có công phát hiện ra Tô Hoài khi ông chọn đăng truyện ngắn đầu tay Đôi chim gi đá của Tô Hoài trên Tiểu thuyết thứ bảy, và tiếp đó, lại đăng trên tờ Truyền bá một tác phẩm khiến tên tuổi Tô Hoài trở nên nổi tiếng: Dế mèn phiêu lưu ký. Chịu trách nhiệm cùng lúc ba tờ báo, ông đã tập hợp văn hữu bạn bè khuyến khích họ sáng tác và đã có những tác động nhất định tới con đường sáng tác của anh em văn hữu.

Và từ cái nôi văn chương báo chí ấy, nhiều tên tuổi sau này đã được khẳng định. Trong cuộc đời làm báo, nhân cách người cầm bút luôn là nỗi day dứt đời ông... “Viết lách đơn độc và tự xoay mình trong quỹ đạo của chế độ Ngô Đình Diệm, không có tự do, không có dân chủ, tôi sẽ thành ra thứ người gì?”.

Thời ấy giữa chế độ Mỹ ngụy ở Sài Gòn mà người ta nhận thức rất rõ ràng, làm báo “là làm một cái gì nghiêm trang cao quý, có tính năng tranh đấu và xây dựng, mà người làm báo phải tha thiết với tự do, dân tộc, kinh qua những nghịch cảnh, thăng trầm để chống lại độc tài, độc đoán dưới mọi hình thức quan lại, phong kiến hay dân chủ giả tạo” (Bốn mươi năm nói láo).

Tất cả những day dứt trước thời cuộc và “nghiệp chướng” của mình chứng tỏ ông là một nhà báo chân chính. Không như những người kiếm sống bằng nghề viết lách, ông đã tự cật vấn mình và ngẫm ngợi nhiều về nghề nghiệp của mình. Một đời gắn bó với nghề báo bắt đầu từ tuổi thiến niên, từng múa bút tung hoành trên mặt báo khắp trong Nam ngoài Bắc, Vũ Bằng đã có quá nhiều trải nghiệm với những vinh - nhục, được - mất.

Có thể nói ông đã làm báo với một niềm say mê lớn lao, và vì nghề, ông phải chịu một nghiệp chướng. Nhưng ông không ân hận. Bằng chứng là khi khép lại tập Bốn mươi năm nói láo của mình, ông đã viết như một lời nguyền: “Người mẹ nào sinh ra con lại chẳng muốn cho con sau này ăn nên làm ra, có vai có vế. Nhưng mẹ ơi, con đành chịu tội bất hiếu với mẹ: Nếu trở lại làm người, con cứ lại xin làm báo!”.

Nhưng  chân dung nhà văn - nhà báo Vũ Bằng vẫn còn những bí ẩn mà một đôi khi nghĩ đến ông, tôi cảm thấy đau lòng. Nói như nhà văn Văn Giá: Cuộc đời ông hẳn là một trường hợp éo le vào bậc nhất trong đội ngũ những nhà văn hiện đại Việt Nam từ năm 1945 đến nay. Khác với Vũ Hoàng Chương than thở: “Lũ chúng ta lạc loài dăm bảy đứa/ Bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh”, Vũ Bằng đã chọn con đường cách mạng kháng chiến như một cách nhập thế”; Vũ Bằng là nhà văn biết trải lòng yêu nước thương nòi và tự nguyện âm thầm đi vào đội ngũ những chiến sĩ kháng chiến.

Năm 1948 từ vùng tản cư, Vũ Bằng đưa vợ con về lại thành chịu tiếng “dinh tê” để được bí mật hoạt động trong mạng lưới tình báo nội thành. Chủ động nhận cái án dư luận là kẻ phản bội để tạo vỏ bọc cho mình, là chấp nhận hy sinh, là chấp nhận vợ con, gia đình phải chịu điều tiếng, khổ đau... Nhưng  nỗi oan ấy, cái án phản động ấy đã đeo đuổi ông cho đến lúc xuống mồ chưa được giải.

Đó là một bí ẩn? Nhà phê bình văn học Văn Giá là người đã cất công đi tìm chân dung chiến sĩ cho Vũ Bằng và để giải oan cho ông từ hàng chục năm trước từng viết: Nhà văn Vũ Bằng đã là một trí thức, một chiến sĩ cách mạng đứng hẳn về phía nhân dân góp phần nhỏ bé vào thắng lợi chung của dân tộc. Chấp nhận hy sinh danh tiết trong một tình thế ngặt nghèo như vậy, con người ấy phải có một nghị lực lớn, một tấm lòng kiên trung đến nhường nào.

Ông Vũ Hoàng Tuấn, con trai trưởng của nhà văn kể lại: Năm 1954, hai mẹ con anh xuống Hải Phòng để tiễn Vũ Bằng xuống tàu vào Nam. Tuấn lúc đó mới mười mấy tuổi, cứ nằng nặc đi theo bố.

Ông bảo con: Nước độc lập rồi. Con còn phải ở nhà học chứ! Hai năm nữa sau Hiệp định thống nhất, lúc đó bố lại về với con”... Hai mẹ con bà Quỳ đã gạt nước mắt trở về Hà Nội đợi ngày tái ngộ... Nhưng đất nước bị kẻ thù chia cắt lâu dài. 21 năm chia ly ấy đã làm ông khắc khoải trong văn chương một nỗi nhớ Hà Nội, nơi có người vợ tảo tần và đứa con đầu lòng như đã biết.

Và trong lòng Sài thành, Vũ Bằng tiếp tục âm thầm làm sứ mệnh của người chiến sĩ tình báo. Đại tá  Trần Văn Hội là người phụ trách lưới tình báo đã xác nhận điều đó. Nghề tình báo là thế. Đơn độc và cô đơn giữa đất nước mình, giữa gia đình, bạn bè mình... Và Vũ Bằng là một điển hình về đức hy sinh của người chiến sĩ như vậy.

Đại tá tình báo Trần Văn Hội cho biết, sau giải phóng hơn một năm thì gặp lại Vũ Bằng, thấy gia đình nheo nhóc, liền đến cơ quan đề nghị trợ cấp cho Vũ Bằng hơn tạ gạo. Cẩn thận, ông viết cho Vũ Bằng giấy xác nhận là thành viên cơ sở trong mạng lưới tình báo do ông phụ trách nay đã hoàn thành nhiệm vụ. Đưa giấy xác nhận, rồi ông nói với Vũ Bằng rằng cứ sinh sống bình thường, nếu ai hỏi gì đã có bằng chứng ấy.  Ông Trần Văn Hội cùng vợ con ra Hà Nội sinh sống. Ông cũng không ngờ, khi xa nhau, Vũ Bằng ở lại phải chịu nhiều nỗi truân chuyên đến thế...

 Nhà văn Văn Giá kể: Tôi có gặp trực tiếp hỏi ông Hội rằng thế khi hai ông xa nhau, Vũ Bằng không liên lạc gì với ông sao, ông cho biết ngày đó Bắc Nam cách trở, tuổi cao sức yếu, chả có liên lạc thư từ gì, thì vẫn cứ yên tâm rằng Vũ Bằng yên ổn...

Nỗi oan của nhà báo Vũ Bằng đã được giải, có công của nhà phê bình văn học Văn Giá. Đó là hành trình tìm được đồng đội và người chỉ huy năm xưa đã liên lạc và giao nhiệm vụ cho Vũ Bằng. Từ năm 2000, nhà báo Vũ Bằng đã được công nhận chính thức là chiến sĩ tình báo có bí danh X10, và được tổ chức biệt phái vào Nam năm 1954.

Ông được xác nhận và được Nhà nước truy tặng Huân chương kháng chiến hạng Nhất, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật... Nhà văn Triệu Xuân - Giám đốc Chi nhánh Nhà xuất bản Văn học tại TP Hồ Chí Minh cho biết thêm: Trong kỷ yếu nhà văn in năm 2007, Vũ Bằng được công nhận là Nhà văn trước khi thành lập hội 1957...

Bây giờ lúc kỷ niệm 100 năm sinh thì Vũ Bằng đã về miền cát bụi chẵn 30 năm, mang theo nhiều bí ẩn về chính cuộc đời và nghiệp chướng của mình. Nhưng tôi tin lịch sử vốn công bằng. Hy vọng sẽ có lúc những sự thật và bí ẩn ấy được sáng rõ, để chân dung nhà báo Vũ Bằng lung linh hơn, rực rỡ hơn...
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Vũ Bằng (1913-1984)

    31/01/2012Vũ Bằng (1913 – 1984), tên thật là Vũ Đăng Bằng, là một nhà văn, nhà báo nổi tiếng của Việt Nam. Ông là người có sở trường về viết truyện ngắn, tùy bút, bút ký,... Ông đã vào Sài Gòn sau 1954 để làm báo và hoạt động tình báo....