Bệnh "tam sao thất bản" trên báo chí

10:46 SA @ Thứ Sáu - 10 Tháng Chín, 2010
Trước đây, cũng trên tờ Văn nghệ Công an này, tôi đã có bài viết phê phán căn bệnh hời hợt, thiếu chính xác (mà tôi gọi là bệnh "đại khái") của nhiều phóng viên trong việc ghi chép, trích dẫn lại những câu nói, bài phát biểu của các nhân vật mà họ muốn đề cập, phản ảnh trên mặt báo. Và tôi xem đây là một căn bệnh trầm trọng, cần phải kiên quyết dẹp bỏ...

Ai đời, tại một kỳ họp quan trọng, có ý nghĩa trọng đại đối với đất nước như kỳ họp Quốc hội, lời phát biểu, chất vấn của các đại biểu được truyền hình trực tiếp tới toàn thể người dân hai năm rõ mười thế kia, vậy mà chỉ hôm sau thôi, đối chiếu cách đưa dẫn trên các báo, đã thấy độ dung sai khá lớn. Gần như rất hiếm tờ báo đưa dẫn khớp nhau tới 100% (trong khi đúng ra, việc này phải như vậy, bởi đã là ý kiến phát biểu trước toàn thể bàn dân thiên hạ, giữa rừng máy ghi âm, thì không thể có chuyện chữ tác thành chữ tộ như việc nghe lỏm ngoài đường được). Đã vậy, nhiều báo lại đưa tin theo kiểu "tóm lược ý chính", dù rằng vẫn gán cái "ý chính" ấy vào miệng nhân vật, như thể họ phát biểu nguyên văn là vậy. Thảng hoặc còn có phóng viên cả gan biên tập, chỉnh sửa những lời phát biểu ấy cho "hợp ý" mình. Những điều tôi nói trên hoàn toàn là sự thật, chỉ cần bạn đọc chịu khó làm một cuộc khảo sát nho nhỏ là thấy ngay.


Giám khảo Siu Black và thí sinh Nguyễn Sơn Lâm trong cuộc thi Việt Nam Idol.

Sở dĩ tôi phải nói căn bệnh làm việc "đại khái" như trên là nghiêm trọng, bởi ai cũng biết, cùng một câu nói, một ý kiến đó, song chỉ cần đưa dẫn sai vài ba chữ thôi là tinh thần của nó có thể thay đổi, và từ đó, thái độ của người nghe cũng thay đổi theo. Thật lạ là có những lời phát biểu của người này người nọ được đưa dẫn trên mặt báo, thu hút nhiều ý kiến trao đổi lại của các tầng lớp độc giả, song mọi người say sưa tranh luận mà có ai để ý rằng, thực tế, đại biểu nọ có phát biểu như vậy đâu (chẳng qua là do phóng viên ghi lại một cách bập bõm, rồi báo nọ dẫn lại báo kia, khiến câu chuyện bị "tam sao thất bản"). Và người tranh luận thì cứ "say máu", đâu biết mình đang tấn công với... cối xay gió. Cũng cần phải nói là, mặc dù bị trích dẫn sai, song không hiểu sao, rất ít vị chịu lên tiếng yêu cầu cải chính, hoặc thậm chí, như ở các nước phương Tây, có thể khởi kiện. Có thể là họ coi thường, (đến độ không thèm chấp?) hoặc ưu ái, thông cảm với cánh phóng viên báo chí quá chăng?

Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VIII mới kết thúc cách đây chưa lâu. Là người trực tiếp tham dự đại hội, tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy, có những ý kiến, lời nói được phát ra giữa thanh thiên bạch nhật, hàng mấy trăm con người đều nghe tỏ, vậy mà sau đó, trong các bài tường thuật diễn biến đại hội, lại thấy không ít người (đa phần là các nhà văn có mặt tại đại hội) trích dẫn lại theo kiểu "không ai giống ai". Điều này khiến tôi lắm lúc không khỏi hoang mang. Chẳng lẽ trong thời đại máy móc tối tân như thế này, phóng viên nào cũng kè kè bên mình chiếc máy ghi âm, vậy mà việc ghi lại sao cho chính xác lời phát biểu của một ai đó cũng khó đến vậy sao?

Chưa dừng ở đó, cách đây ít ngày, dư luận thêm dịp bàn tán về việc một thí sinh của cuộc thi Việt Nam Idol, trong lá thư gửi bà Võ Hoàng Yến, Giám đốc chương trình khuyết tật và phát triển - DRD - thuộc khoa Xã hội học, Trường đại học Mở TP Hồ Chí Minh, đã có ý kiến phê phán thái độ kỳ thị người khuyết tật của ca sĩ Siu Black, một trong những thành viên Ban Giám khảo cuộc thi (thí sinh này tên gọi Nguyễn Sơn Lâm, là một chàng trai chỉ cao có 83cm, nặng 23kg). Điều đáng nói là mặc dù cuộc hỏi đáp cũng như các tình tiết khác diễn ra giữa thí sinh Nguyễn Sơn Lâm và giám khảo Siu Black đều được quay phim để phát sóng, nhưng căn cứ trên những gì hai người cung cấp cho báo chí thì thấy có những câu nói được họ trích dẫn với nội dung không khớp nhau. Và cả hai đều "khuyến cáo" dư luận hãy chờ xem đoạn băng trên được phát sóng, khi ấy mọi việc mới "hạ hồi phân giải".

Từ câu chuyện trên, bất giác tôi lại nhớ tới bài viết chê trách nhà thơ Trần Đăng Khoa của một nhà văn nọ. Trên trang web của mình, nhà văn này đã thẳng cánh phê Trần Đăng Khoa là "hàm hồ", là "bất khiêm" vì - theo nhà văn này - Trần Đăng Khoa đã can tội "gọi anh mình là Đỗ Phủ, gọi mình là Lý Bạch". Tôi đã đọc bài thơ "Gửi bác Trần Nhuận Minh" của Trần Đăng Khoa, bài thơ có nhắc tới Đỗ Phủ, Lý Bạch thật, nhưng không phải Trần Đăng Khoa ví anh trai mình (tức nhà thơ Trần Nhuận Minh) với Đỗ Phủ, còn mình với Lý Bạch. Nguyên văn hai câu thơ của Trần Đăng Khoa là: "Người bảo bác theo Đỗ/ Em phải học Lý thôi". Sự thật là vậy, đâu phải vỗ ngực so sánh mình đến độ bất khiêm như nhà văn nọ quy kết. Có thể nói, từ một văn bản thơ thế này mà nói ra thế nọ, chính người phê phán Trần Đăng Khoa mới là "hàm hồ". Tiếc rằng, không phải ai cũng biết tới bài thơ này của Trần Đăng Khoa để mà hiểu đúng sự tình.

Như vậy, ta có thể thấy, việc một văn bản in trên mực đen giấy trắng hẳn hoi mà còn bị người ta trích dẫn và hiểu ra thế kia, nói gì tới việc ngồi nghe lớt phớt ở đây ở đó rồi ghi lại một cách "đại khái"...
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tại sao trên báo chí lại thưa vắng các bài điểm sách?

    13/01/2018Vương Trí NhànMột mặt trong tâm thức của nhiều người, văn chương là một cái gì ghê lắm, danh giá để đời, tên tuổi đi vào lịch sử. Mặt khác thông tin trên mặt báo về văn học lại nghèo nàn nhạt nhẽo. "Kính nhi viễn chi", người ta lảng tránh. Trong sự thông tin kém cỏi như vậy, riêng phần đọc sách vì không màu mỡ riêu cua câu khách được tí nào, nên càng bị ghẻ lạnh.
  • Báo chí hiện đại ngày càng lá cải

    09/01/2018Alex S. Jones - Hoàng Thư (biên dịch)Nhà khoa học chính trị Robert M. Entman đã tìm ra một số cách vừa sâu sắc vừa thú vị để chỉ ra sự khác biệt giữa các thể loại báo chí Mỹ. Theo ông, truyền thông có thể được chia thành 4 loại: báo chí truyền thống, báo chí lá cải, báo chí cổ súy, và giải trí. Cách đầu tiên mà Entman đưa ra để phân biệt 4 loại báo này với nhau là dựa vào mức độ chúng tuân thủ 5 tiêu chuẩn căn bản của báo chí.
  • Kỳ vọng ở báo chí: Báo chí phải nhìn lại mình

    15/08/2009Dương Bình Nguyên thực hiệnGiáo sư Tương Lai có thể làm chuyên gia trong nhiều lĩnh vực bởi ông là một kho tri thức sống quý giá. Hơn thế, ông là người luôn nóng lòng phản biện trên báo chí trước những vấn đề lớn của xã hội. Và từ đó, góc nhìn của Giáo sư Tương Lai với báo chí cũng là góc nhìn đầy thực tế và mang tính xây dựng cao...
  • Báo chí Việt Nam “đêm trước đổi mới”

    12/06/2009Đoan TrangTin tức hết sức lành mạnh, chỉn chu, không “lá cải” giật gân, thiên về quảng bá những điển hình tiên tiến; một số bài báo nổi tiếng góp phần vào sự nghiệp đổi mới sau đó… Đó là vài đặc điểm nổi bật của báo chí Việt Nam giai đoạn từ năm 1975 tới “đêm trước đổi mới”, năm 1986.
  • Truyền thông đang “xâm lấn” báo chí

    20/06/2006Lê ThăngTháng 5 vừa qua, Đại học Tự do Bruxelles đã tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề “Các nhà báo thời kỳ công nghệ thông tin và truyền thông (ITC): Những thách thức về đạo đức báo chí”. Tham dự hội thảo này có các nhà báo, nhà nghiên cứu báo chí từ châu Mỹ, châu Phi, châu Âu và châu Á (PV Báo Lao động tham dự và trình bày tham luận tại hội thảo)...
  • Những hạt sạn trong báo chí

    27/01/2006Phan ViệtMột số những sai trái trong đời sống văn hoá hiện tại của Việt Nam nguyên nhân là do sự cẩu thả, dễ dãi hoặc ấu trĩ về nhận thức của những người tham gia tạo, phát tán và đánh giá các sản phẩm và hoạt động văn hóa, với mong muốn góp phần làm trong sạch hơn bầu không khí văn hóa nước nhà
  • xem toàn bộ