Báu vật kim sách triều Nguyễn

09:48 CH @ Thứ Sáu - 17 Tháng Năm, 2019


Kim sách bằng vàng chế tác năm Gia Long thứ nhất (1802). Hoàng đế Gia Long ca tụng công đức và tấn tôn thân mẫu là quốc mẫu vương thái phi Nguyễn Thị Hoàn làm vương thái hậu. Ảnh: Đỗ Quang Tuấn Hoàng.

Một trong những nguồn thư tịch cổ quý hiếm trong lịch sử thành văn Việt Nam là những quyển sách được làm bằng vàng, bạc và đồng. Thư tịch cổ của nhà Nguyễn có nhiều chất liệu và loại hình phong phú nhất so với các triều đại phong kiến khác trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam. Kim sách triều Nguyễn là di sản quý giá cả về văn bản học, nghệ thuật đúc, khắc... của tiền nhân.

Vô giá

Thời nhà Nguyễn, công việc làm kim sách được giao cho bộ Lễ. Trước hết, nó dùng cho lễ đăng quang của nhà vua. Sách “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ” do Nội các triều Nguyễn biên soạn vào giữa thế kỷ XIX chép: “Phàm kính gặp đại lễ đăng quang, trước kỳ làm lễ, các quan văn, võ tâu xin tôn hiệu, sau khi được chỉ, hội đồng những quan coi việc đúc chế sách vàng, viện Hàn lâm nghĩ soạn sách văn, chiếu cáo và bài biểu mừng, chọn ngày tốt tâu xin sai quan làm lễ kính cáo giao, miếu và đàn xã tắc. Đến ngày làm lễ, đặt nghi lễ đại triều ở điện Thái Hòa, hoàng đế tới ngự, bách quan kính đưa sách vàng lên, dâng tôn hiệu và bài biểu, làm lễ khánh hạ”.

Tiếp đến, sách vàng dùng trong cách lễ kính dâng huy hiệu hoàng đế, hoàng hậu các đời trước; kính dâng tôn hiệu hoàng thái hậu; sách phong hoàng tử, các công trong hoàng thân; sách phong các bậc trong cung (hoàng quý phi thì làm sách bằng vàng, sáu ngôi phi khác thì làm sách bằng bạc mạ vàng, (cung) tần trở xuống thì làm sách bằng bạc).

Về chất liệu, kích thước, số trang, hòm đựng: Sách của vua làm chín tờ bằng vàng mười tuổi, hai tờ trước, sau khắc rồng, mây, bảy tờ giữa sách văn; dài sáu tấc ba phân, ngang ba tấc sáu phân, dày hai li; bốn khuyên tròn bằng vàng, hòm để sách bằng bạc, hòm gỗ đỏ đựng ở ngoài, bịt góc và chìa khóa đều bằng vàng. (Cẩn án: Năm Thiệu Trị trở về trước, sách dài sáu tấc bảy phân, ngoài ra đều cùng thế).


Kim sách làm bằng vàng chế tác năm Gia Long thứ năm (1806). Nội dung ca tụng công đức và truy dâng tôn hiệu cho chúa Nguyễn Phúc Khoát.

Sách của hoàng hậu làm bằng vàng mười tuổi, có sáu tờ, tờ trước và tờ sau chạm khắc rồng, mây, bốn tờ giữa khắc sách văn; dài năm tấc năm phân, ngang ba tấc năm phân, dày hai li; bốn khuyên tròn bằng vàng; dùng hòm bằng bạc để chứa; bốn mặt chung quanh và nắp đều khắc rồng, mây; hòm gỗ đỏ đựng ở ngoài.

Sách của hoàng thái hậu làm bằng vàng mười tuổi, có năm tờ, tờ trước tờ sau chạm rồng, mây; ba tờ giữa khắc sách văn; dài sáu tấc ba phân bốn li, ngang ba tấc năm phân một li; dày hai li; bốn khuyên tròn bằng vàng; đựng bằng hòm bạc; chung quanh và nắp đều khắc rồng, mây; hòm gỗ đỏ đựng ở ngoài.

Sách của hoàng thái tử làm bằng vàng mười tuổi, có năm tờ, tờ trước tờ sau khắc rồng, mây, ba tờ giữa khắc sách văn; dài năm tấc sáu phân sáu li, ngang ba tấc hai phân bốn li, dày hai li; bốn khuyên tròn bằng vàng; đựng bằng hòm bạc; chung quanh và nắp đều khắc rồng, mây; hòm gỗ đỏ đựng ở ngoài.

Ngoài ra còn có: Sách của hoàng đế ở hữu miếu (vàng mười tuổi); Sách của hoàng hậu ở hữu miếu (vàng tám tuổi); Sách của hoàng đế ở tả miếu (vàng tám tuổi hay năm tuổi); Sách của hoàng hậu ở tả miếu (vàng tám tuổi hay năm tuổi); Sách của hoàng tử công, hoàng thân công (bạc mạ vàng); Sách của quốc công (bạc); Sách của quận công (bạc); Sách của công chúa (bạc mạ vàng); Sách của phi, tần (bạc, sách của phi thì mạ vàng); Sách của quận công được tập phong (bạc); Sách của hầu tước được tập phong (bạc).

Nội dung sách văn đều viết theo lối biền ngẫu, ca tụng công lao của chủ nhân. Hay nhất là lời văn trong kim sách Gia Long năm thứ năm: “Trộm nghe: Có đức tốt của thánh nhân, tất được nhận vật báu lớn của thánh nhân, đứng ngôi chính trong thiên hạ, tất được nhận tiếng tốt trong thiên hạ; nên thiên Hồng phạm để lại lời văn đặt ra ngôi cao quý; mà kinh Xuân thu chú trọng đến nghĩa chính thống từ đầu.


Hộp đựng kim sách chế tác bằng bạc, trang trí hình rồng, mây. Ảnh: Đỗ Quang Tuấn Hoàng.

Lớn thay nước Việt ta, từ xưa trấn giữ phương Nam, tiên vương mở rộng cơ đồ công đức tích lũy, như trời cao vô cùng. Liệt thánh hết sức chăm lo, ơn huệ sâu dày, cho người nhớ mãi. Phúc xưa, dành để sáng ngời, mặt trời mọc gặp thời tươi đẹp. Kính nghĩ nhà vua, anh hùng hơn cả từ xưa; trí dũng nêu cao trong nước; giúp thời vận như sấm mây quét sạch khó khăn, trừng trị tội ác để cứu dân, đem oai trời như gió chớp vang ầm, vượt mọi khó khăn vừa trung hưng, vừa sáng nghiệp; công lớn, việt, mao đủ cả; vật cũ, chuông giá chẳng dời. Nước Việt thống nhất bản đồ, triều cận âu cả thảy đều quy phục, giữa trời đôi vầng thêm mới, thần nhân xã tắc, làm chủ có người. Ức triệu dân cũng được nhờ cậy, hai, ba lần tâu xin lên ngôi. Trên nhà vua thức khiêm tự xử, dưới thần thứ tin tưởng một lòng; thực đúng với điềm lành có vua thánh ra đời, xây nền thịnh trị. Bọn tôi kính cẩn dâng kim sách, tôn hiệu hoàng đế.

Cúi mong ngôi bắc thần định sở, sáng rực như tử vi; nhận danh hiệu vẻ vang, gây phúc lành cao cả; rộng dày cao sang, sánh với trời đất vô cùng; yên ổn dài lâu, trải bao đời năm còn mãi.

Bọn tôi rất mực trông mong, vui mừng khôn xiết!”.

Dưới thời Minh Mạng, có một quyển kim sách mang nội dung đặc biệt. Đó là dịp nhà vua làm bài thơ “Đế hệ thi” và 10 bài “Phiên hệ thi” theo thể ngũ ngôn tứ tuyệt để đặt chữ lót sẵn cho 20 thế hệ con cháu thuộc dòng chính của mình và thuộc 10 dòng phụ (phiên hệ) của 10 anh em trai của nhà vua. Vào năm 1823, vua Minh Mạng đã cho đúc một quyển kim sách để khắc bài Đế hệ thi và 10 quyển ngân sách để khắc 10 bài Phiên hệ thi. Hai mươi mỹ tự trong bài Đế hệ thi đã được nhà vua chọn lựa và chép thành bốn câu thơ: Miên Hồng Ưng Bảo Vĩnh/ Bảo Quý Định Long Trường/ Hiền Năng Kham Kế Thuật/ Thế Thoại Quốc Gia Xương.


Ấn thái hậu chi bảo chế tác bằng vàng, niên hiệu Gia Long (1803-1810). Hoàng đế Gia Long cho đúc cùng kim sách tấn tôn thân mẫu là vương thái hậu Nguyễn Thị Hoàn làm hoàng thái hậu. Ảnh: Đỗ Quang Tuấn Hoàng

Ban đầu, các bảo vật của triều đình, trong đó có kim sách, được bảo quản và thờ trong điện Phụng Tiên. Đời Duy Tân (1907 - 1916), triều đình chuyển các bảo vật này về cất giữ trong điện Cần Chánh ở trong Tử Cấm thành. Năm 1942, ông Paul Boudet, nhà lưu trữ cổ tự họa người Pháp, kiểm kê tài sản trong điện Cần Chánh vẫn thấy ở kho tàng trong hoàng cung Huế còn bảo lưu được 26 quyển kim sách, trong đó có ba kim sách khắc các bài Thánh chế mạng danh và nhiều kim sách khác đề niên hiệu các vua: Gia Long, Thiệu Trị, Tự Đức, Hàm Nghi, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân và Khải Định. Ngoài ra, còn có một số sách phong bằng bạc mạ vàng do triều đình tấn phong các hoàng thái hậu và thái tử.

Ông Nguyễn Quốc Hữu, thạc sĩ - Phó trưởng phòng Trưng bày, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, cho biết: Kim sách triều Nguyễn (1802 - 1945) là một loại thư tịch cổ đặc biệt, được làm từ các kim loại quý, dùng để ghi lại việc chính sự, lễ nghi triều đình như sự kiện các hoàng đế lên ngôi, lập thái tử, hoàng hậu hoặc ghi công, phong tước và dâng, ban tôn hiệu, tôn thụy cho hoàng thân, quốc thích... Lời sách do đích thân các hoàng đế hoặc các đại thần biên soạn. Việc chế tạo được giao cho Hữu ty thuộc Bộ Lễ thực hiện.

Kim sách làm theo khổ chữ nhật đứng, bìa trước và sau trang trí hình rồng năm móng hoặc hình phượng, gáy đóng bốn khuyên tròn. Sự ra đời, mục đích, nội dung của kim sách hầu hết được ghi chép trong các sách do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn như “Đại Nam thực lục”, “Đại Nam liệt truyện”, do Nội các triều Nguyễn biên soạn như Khâm định “Đại Nam hội điển sự lệ”... Bởi vậy, mỗi quyển kim sách là độc bản, không những chứa đựng các thông tin giá trị về lịch sử, văn hóa của triều đại mà còn là một di sản vô giá.

Mai một

Những cuốn kim sách là những bảo vật độc bản, được chế tác rất tinh xảo đạt đến trình độ cao về mặt mỹ thuật và kỹ thuật. Trong suốt 143 năm của triều đại nhà Nguyễn với chín chúa, mười ba vua và vô vàn hoàng hậu, hoàng thái tử, hoàng tử, công chúa.v.v... chắc chắn số lượng kim sách được làm phải nhiều không đếm xuể. Thật tiếc, những báu vật này đã bị hủy hoại gần hết.

Sau thất bại trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược Pháp và buộc phải ký hòa ước Nhâm Tuất (1862) với thực dân Pháp, vua Tự Đức (1848 - 1883) phải thu gom gần như toàn bộ vàng thoi, bạc nén trong quốc khố để bồi thường chiến phí cho liên quân Pháp và Tây Ban Nha, số tiền là bốn triệu piastre được quy đổi thành 2.880.000 lạng bạc. Do quốc khố không có đủ vàng thoi nên vua Tự Đức phải thu hồi một số bảo vật bằng vàng và bạc đang trưng bày trong các cung điện, đúc thành thoi vàng và nén bạc trả để trả cho người Pháp. Theo ông Phan Thuận An, nhà nghiên cứu văn hóa Huế: Năm 1869, vua Tự Đức ra lệnh cho các hoàng thân, hoàng tử, công chúa... nộp lại kim ấn và kim sách mà triều đình đã ban cho họ trước đây, đúc thành 135 đĩnh vàng để triều đình tiêu dùng. Sau đó, nhà vua đã cấp lại cho họ những chiếc ấn và những sách phong làm bằng đồng.


Kim sách chế tác bằng bạc mạ vàng, niên hiệu Minh Mạng thứ 17 (1836). Hoàng đế Minh Mạng truy phong vợ là Chiêu Nghi Hồ Thị Hoa làm thần phi. Kèm theo kim sách là ấn chính hậu chi bảo đúc bằng vàng. Ảnh: Đỗ Quang Tuấn Hoàng

Ngày 5.7.1885, quân Pháp đánh chiếm kinh thành Huế, tràn vào cướp bóc tất cả đồ đạc quý giá đang trưng bày và thờ tự trong các cung điện ở Đại Nội. Theo ghi chép của linh mục Siefert, người có mặt ở Huế lúc bấy giờ, khi đối chiếu với bảng kiểm kê tài sản của hoàng gia lập trước ngày 5.7.1885 với những gì đã mất, thì quân Pháp đã cướp “228 viên kim cương, 266 món nữ trang có nạm kim cương, hạt trai, hạt ngọc, 271 đồ bằng vàng trong cung của bà Từ Dũ... Tại các tôn miếu thờ các vua Gia Long, Minh Mạng và Thiệu Trị thì hầu hết các thứ có thể mang đi như mũ miện, đai áo, thảm đệm, triều phục, long sàng và bàn xoay có chạm trổ, các giá treo vũ khí, hộp đựng trầu để thờ, ống nhổ, quán tẩy bằng vàng; hỏa lò, mùng và màn thêu hoa, đỉnh trầm, ấm trà và khay chén, tăm xỉa răng... đều bị cướp.” (J. Chesneaux, Contribution à l’histoire de la nation vietnamienne, Paris, Éditions Sociales, 1955, p. 134). Ngày 24.7.1885, tướng De Courcy, người chỉ huy cuộc tấn công kinh đô Huế, đã gửi cho chính phủ Pháp một bức điện. “Trị giá phỏng chừng các quý vật bằng vàng hay bằng bạc giấu kỹ trong các hầm kín là chín triệu franc. Đã khám phá thêm nhiều ấn tín và kim sách đáng giá bạc triệu. Xúc tiến rất khó khăn việc tập trung những kho tàng mỹ thuật. Cần cử sang đây một chiếc tàu cùng nhiều nhân viên thành thạo để mang về mọi thứ cùng với kho tàng”. Và sau đó, phần lớn những bảo vật cướp bóc trong đợt này đã được người Pháp chuyển về Paris.

Sau khi vua Đồng Khánh (1885 - 1889) lên ngôi vào tháng 9.1885, người Pháp đã trả lại cho triều đình nhà Nguyễn một số kim bảo, ngọc tỉ và kim sách. Triều đình đã chuyển những bảo vật này về bảo quản và thờ trong điện Phụng Tiên. Trong số đó có một cuốn kim sách khắc bài “Tự chế mạng danh thi” của vua Minh Mạng.

Bảo vật của triều Nguyễn bị người Pháp lấy đi khá nhiều từ năm 1885, chỉ còn lại gần 3.000 hiện vật. Theo ông Phạm Quốc Quân, tiến sĩ khảo cổ học - nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, vào năm 1945 vua Bảo Đại đã chuyển giao toàn bộ bảo vật hoàng cung cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa, người đại diện tiếp nhận là ông Trần Huy Liệu. Sau đó số bảo vật này được chuyển tới cất giữ tại Liên khu 5. Đến năm 1954, số bảo vật được chuyển sang cho Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa, rồi chuyển sang Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Trong lần trưng bày tại bảo tàng vào năm 1961, một chiếc ấn bạc mạ vàng của Nam Phương hoàng hậu đã bị mất. Vì thế số bảo vật lại được niêm phong, chuyển vào trong kho của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Sau gần nửa thế kỷ, tới năm 2007, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia mới được tiếp nhận lại các bảo vật trên.

Ông Trần Đức Anh Sơn, tiến sĩ sử học - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng, từ hai mươi năm qua đã bỏ công đi tìm những cổ vật Việt Nam đang lưu lạc ở nước ngoài. Trong hành trình ấy, ông đã phát hiện hai kim sách.

Đầu tiên là một sách phong bằng bạc mạ vàng, trước đây thuộc sưu tập của ông Hồ Đình Xuân ở Pháp, được đưa ra bán đấu giá ở Paris, Pháp vào ngày 12.12.1996 với giá 9.500 franc. Đây là sách phong do vua Thiệu Trị tấn phong vợ là bà Vũ Thị Viên, từ hạng lương tần lên hạng lương phi vào năm Thiệu Trị thứ 6 (1846). Sách gồm 5 tờ, 10 trang, làm bằng bạc mạ vàng; kích thước 23cm x 14cm, nặng hơn 2kg. Ngoài 2 trang bìa trước và sau, 8 trang còn lại của sách phong khắc 186 chữ Hán nói về thân thế và công trạng của bà Vũ Thị Viên và lý do vua Thiệu Trị sách phong bà. Theo sách “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ” do Nội các triều Nguyễn biên soạn, thì sách phong các phi được làm bằng bạc mạ vàng, dài 5 tấc 4 phân (21,60 cm), rộng 3 tấc 2 phân 4 li (12,96cm), với hai tờ bìa khắc hình rồng mây, bên trong có ba tờ sách khắc sách văn. Như thế, sách phong cho lương phi Vũ Thị Viên có kích thước lớn hơn. Đây là một điều khá đặc biệt. Nội dung sách văn tạm dịch như sau: “Thiệu Trị năm thứ sáu, Bính Ngọ, tháng Giêng, vượt qua ngày mồng một, Đinh Tỵ, được 20 ngày (tức là ngày Bính Tí). Thừa thiên hưng vận, hoàng đế ban rằng: Trẫm nghĩ: Vương gia giáo hóa ưu tiên lấy biểu nghi làm chuẩn mực. Khánh lễ quốc gia, theo phép gia ân lớn tự bên trong. Chọn được ngày lành. Ban ra ân chiếu. Đoái nghĩ lương tần họ Vũ: Con nhà danh giá, công lao. Tư cách đằm thắm thận trọng. Đoan trang tốt đẹp hết sức trợ giúp cung cấm, dạy bảo thuận hòa. Cung kính nết hạnh, dốc lòng phụng thờ bề trên, dịu dàng khuôn phép. Vui vẻ chiều ý đức Từ (tức bà Thuận Thiên Cao hoàng hậu). Khéo khôn nhận đầy sủng mệnh. Đúng dịp trẫm mới lên tuổi sơ thọ (40 tuổi), nên ân ban khắp chốn đất trời. Nay đang cậy đức lớn đức Từ, cần lớn lao để thêm long trọng. Dựa theo phép tắc. Để ngợi khen riêng. Nay đặc biệt tấn phong ngươi là lương phi. Phi hãy: Cung nhận tiếng khen. Kính tuân giáo huấn. Thuận kính đúng theo khuôn mẫu, không có điều lầm lẫn, phúc lành mới được nương nhờ, còn mãi chở che. Kính thay” (Vĩnh Cao dịch). Theo sách “Nguyễn Phúc tộc thế phả”, lương phi Vũ Thị Viên là vợ thứ của vua Thiệu Trị và con gái của phó vệ úy Vũ Hữu Lĩnh, người huyện Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên). Bà sinh ra bốn hoàng tử: Nguyễn Phúc Hồng Hưu (Gia Hưng vương), Nguyễn Phúc Hồng Kiện (An Phúc quận vương), Nguyễn Phúc Hồng Bàng, Nguyễn Phúc Hồng Thụ và hai hoàng nữ: Nguyễn Phúc Ý Phương (Đồng Phú công chúa), Nguyễn Phúc Minh Tư.

Theo ông Philippe Truong, nhà nghiên cứu và sưu tầm cổ ngoạn người Pháp gốc Việt ở Paris: Bốn năm sau, người mua được sách phong này đã ủy thác cho nhà đấu giá Sotheby’s ở Paris đấu giá sách phong này vào ngày 16.12.2010. Sotheby’s đặt giá cổ vật này từ 30.000 euro đến 40.000 euro, cuối cùng nó đã được bán với giá 72.750 euro (chưa kể tiền thuế và tiền phí đấu giá). Và điều tuyệt vời là nó thuộc về ông Cao Xuân Trường, nhà sưu tầm cổ vật ở số nhà 31, phố Bà Triệu, phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ông Trường nghe nói về cuốn sách lần đầu tiên vào năm 2002, từ một người bạn sống ở Pháp. Nhưng phải đến năm 2004 ông mới lần đầu tiên được ngắm nó và rất xúc động khi được thấy và chạm tay vào một món đồ cổ độc đáo. Để mang được cuốn sách trở lại Việt Nam, ông đã sang Pháp hơn mười lần. Ông đã gặp một vị tướng người Pháp đã nghỉ hưu từng tham gia chiến tranh ở Việt Nam, người sở hữu cuốn sách, để thuyết phục người này bán lại sách cho mình nhưng bị từ chối. Khi biết cuốn sách được bán đấu giá vào ngày 16.12.2010, ông Trường lập tức bán một căn nhà ở Canada để bay sang Paris đấu giá. Ông kể lại, mức khởi điểm trong buổi đấu giá là 30.000 euro. Ngay sau đó, một vị khách tây trả 45.000 euro. Một người Trung Quốc ra giá 55.000 euro. Một khách bí mật định giá 70.000 euro qua điện thoại. Cuối cùng, ông Trường là người thắng cuộc, với mức giá là 72.750 euro (hơn 2 tỉ đồng). Theo lời giới thiệu trên vựng tập của nhà đấu giá thì hoàng thái tử Bảo Long - con trai vua Bảo Đại - là người bán cuốn sách đó đầu tiên. Vậy là tình yêu với di sản văn hóa dân tộc đã tiếp sức cho ông Trường chiến thắng. Ông tâm sự rằng cuốn sách này là món đồ mà ông thích nhất trong bộ sưu tập đồ cổ hàng ngàn món của mình. Khoảng hai năm sau, ông bán lại kim sách này cho một nhà sưu tầm cổ vật ở thành phố Hà Nội với giá cao hơn nhiều giá mua. Điều ấy chứng tỏ sức hấp dẫn không nhỏ của kim sách đối với giới sưu tầm.

Cũng tại phiên đó nhà đấu giá Sotheby’s ở Paris, Pháp rao bán một sách phong bằng bạc mạ vàng, do vua Gia Long cho làm vào năm 1807 để tôn phong bà Đoàn thị (khuyết danh), chánh phi của chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan (1601 - 1648), là “Trinh Thục Từ Tĩnh Mẫn Duệ Huệ Kính Hiếu Chiêu hoàng hậu”. Sách phong này thuộc bộ sưu tập của ông Ralph Marty, ủy thác cho Sotheby’s đấu giá. Tuy nhiên, do bị mất hai trang bìa nên nó không được ai mua.

Ngày 12.12.1996, khi cuốn sách phong bằng bạc mạ vàng, thuộc bộ sưu tập của ông Hồ Đình Xuân được bán ở Paris, Pháp, rất nhiều người khẳng định “Đây cũng là cuốn sách phong duy nhất làm bằng bạc mạ vàng còn tồn tại, vì ở Việt Nam và hải ngoại, người ta chỉ còn trông thấy một số đồng sách (sách phong bằng đồng) và thể sách (sách phong bằng lụa) mà thôi, chủ yếu mang niên hiệu từ đời Tự Đức trở về sau”.

Thế nên khi Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam công bố triển lãm tới 22 kim sách bằng vàng và bạc mạ vàng thì công chúng mừng đến… rụng tim.

Ông Nguyễn Quốc Hữu cho biết: Bảo tàng hiện đang lưu giữ một bộ sưu tập kim sách triều Nguyễn bằng vàng và bạc mạ vàng. Trong đó có kim sách bằng vàng chế tác vào năm Gia Long thứ năm (1806), nặng 2,1kg, được làm rất tinh xảo. Đáng chú ý, nhiều kim sách có kèm theo kim bảo được đúc trong cùng thời điểm, cùng sự kiện.

Một trong số đó là kim sách bằng bạc mạ vàng, niên hiệu Minh Mạng thứ 17 (1836). Hoàng đế Minh Mạng truy phong vợ là Chiêu Nghi Hồ Thị Hoa làm thần phi. Kèm theo kim sách là ấn chính hậu chi bảo đúc bằng vàng. 16 tuổi, bà được tuyển làm thiếp của hoàng thái tử Nguyễn Phúc Đảm, tức vua Minh Mạng sau này. Một năm sau, bà sinh hoàng tử trưởng Nguyễn Phúc Miên Tông, tức hoàng đế Thiệu Trị sau này. Sau khi sinh con được 13 ngày thì bà mất. Sinh thời bà là người nết na, đoan chính, hiền thục, hiếu kính nên cha mẹ chồng hết lòng yêu quý. Vua Gia Long bấy giờ thương xót, lệnh cho khắp dân gian phải kiêng húy tên gọi của bà. Hàng loạt địa danh trong nước có từ “hoa” đã phải đổi tên như: Tỉnh Thanh Hoa đổi thành Thanh Hóa, chợ Đông Hoa ở Huế đổi thành chợ Đông Ba, cầu Hoa ở Sài Gòn đổi thành cầu Bông... Vua Minh Mạng sau khi lên ngôi được một năm đã cho đúc kim sách phong bà làm Thuận Đức Chiêu Nghi. Sau đó, lại phong bà lên thần phi, kèm theo ấn vàng chính hậu chi bảo. Suốt thời gian trị vì, hoàng đế Minh Mạng có rất nhiều phi tần, nhưng vì tưởng nhớ bà nên vẫn bỏ trống ngôi chính cung.

Trong sưu tập kim sách triều Nguyễn, chỉ có một cuốn về giáng chức liên quan đến Trang Ý hoàng thái hậu. Bà là hoàng quý phi của vua Tự Đức. Được sủng ái, nhưng bà bị giáng chức làm trung phi do một lần cung nhân do bà cai quản tiến cơm chậm làm trái ý hoàng đế. Mặc dù vậy, trước khi mất, vua Tự Đức để lại di chiếu tôn phong bà làm Khiêm hoàng hậu. Năm 1887, hoàng đế Đồng Khánh cho đúc kim sách tấn tôn bà làm Trang Ý hoàng hậu.

Bộ sưu tập kim sách triều Nguyễn của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia hiện được đánh giá vô cùng quý giá, có một không hai. “Dưới góc độ trưng bày được tiếp cận thì hầu hết kim sách, kim bảo trong sưu tập đều xứng đáng là bảo vật quốc gia”, ông Hữu tự hào.


Sinh thời, giáo sư Nguyễn Lân từng nhắc lại kỷ niệm thời ông là thành viên Ban điều hành Chương trình Tuần lễ vàng: Năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động Tuần lễ vàng (từ ngày 4.9.1945) nhằm khuyến khích người dân đóng góp cho ngân sách quốc gia để tháo gỡ sự khó khăn tài chính của đất nước. Bấy giờ, có nhiều người trong ban điều hành nêu ý kiến là nên lấy các chiếc ấn và các cuốn sách bằng vàng của triều đình nhà Nguyễn để nấu chảy, bổ sung ngân khố quốc gia. Khi đề xuất ý tưởng này với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bác đã ngay lập tức bác bỏ. Người phân tích: “Đây là bằng chứng vật chất còn lại để thế hệ mai sau biết về văn hiến nước nhà, để con cháu còn có bằng chứng mà tự hào với các nước”.

Nguồn:Lao Động
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Không đọc sách, không thể có tầm cao văn hóa

    20/04/2020Thạch Quỳ - Phan ThắngVấn đề là: Ai rồi cũng phải đi qua cuộc đời “trăm năm trong cõi”, anh muốn làm một người hiểu biết hay một một người không hiểu biết? Anh muốn làm một người có văn hóa hay muốn làm một người thiếu văn hóa?
  • Cuối năm dọn sách

    22/01/2020Văn GiáNăm nào cũng vậy, xếp xếp, chọn chọn, bỏ cái nọ, giữ cái kia, đọc lại cái khác; có những cái tưởng đã quên, bỗng thấy; có cái tư liệu quan trọng tưởng đã mất, lại còn...Dọn sách cuối năm, kể ra cũng có cái thú, nhưng cơ bản là mệt...
  • Đọc sách như một bản năng

    26/09/2019Nguyễn Trần BạtNgoài việc phấn đấu trở nên giàu có người ta còn phải phấn đấu để trở nên hiểu biết và cao hơn nữa là phấn đấu để trở nên cao thượng. Trong quá trình phấn đấu ấy, sách là một công cụ hỗ trợ đắc lực cho con người và là công cụ không thể thiếu...
  • Choáng ngợp với bộ sưu tập 250.000 cuốn sách của NTK Karl Lagerfeld

    21/02/2019Y NguyênBên cạnh thời trang, sách cũng là niềm đam mê của giám đốc sáng tạo Chanel. Ông sở hữu một bộ sưu tập sách lớn, sắp xếp chúng thành một không gian ấn tượng...
  • Trận Ngọc Hồi - Đống Đa 230 năm trước trong sử sách Việt - Trung

    09/02/2019Lê Tiên LongCách đây 230 năm, vào mùng 5 tết Kỷ Dậu (1789), vua Quang Trung chỉ huy trận Ngọc Hồi - Đống Đa vĩ đại, đánh tan quân xâm lược nhà Thanh...
  • Đọc sách mới Hoàng Đạo Thúy - Trai nước Nam làm gì?

    07/01/2019Đinh Gia TrinhNgười có tâm huyết đã nghĩ ngợi nhiều, than thở nhiều khi nghĩ đến vấn đề thnh niên. Cũng đã có bao thanh niên, trong cô đơn, âm thầm đau đớn cái bại nhược của thanh niên! Quyển sách của ông Hoàng Đạo Thúy là một lời nói chân thành của một thanh niên trong đám thanh niên đã suy nghĩ...
  • Thích Nhất Hạnh, sách và con đường dẫn về hạnh phúc

    20/11/2018Cường NguyễnĐể có thể hiểu, và nhìn nhận về một con người, một nhân vật có sức ảnh hưởng lớn lao đến thế giới như Thiền sư Thích Nhất Hạnh, ngoài công trình hoằng pháp và truyền bá pháp môn Làng Mai, ta không thể nào bỏ qua được di sản đồ sộ với hàng trăm đầu sách của ông...
  • Phải "lập trình" việc đọc sách

    01/11/2018Bộ phận trong giới trẻ Romania hiện nay rất giỏi ngoại ngữ, giỏi vi tính, thành thạo sử dụng Internet nhưng lại rất dốt tiếng mẹ đẻ. Họ gần như rất ít đọc văn học, trở nên vô cảm với văn chương. Các phương tiện nghe nhìn tiện lợi đã gần như hút hồn, thời gian và tâm trí của giới trẻ, biến họ trở thành một thứ nô lệ, một thứ "linh kiện" trong cái mạng mạch của guồng máy computer hiện đại...
  • xem toàn bộ