Bất bình đẳng chuyện "cơm phở"

05:34 CH @ Chủ Nhật - 12 Tháng Tư, 2009

Giữa đàn ông và phụ nữ, ai thường viện cớ chán "cơm" thèm "phở" nhiều hơn? Khi cả hai cùng đi ăn "phở", đàn ông có nhìn người phụ nữ của mình dưới con mắt bình đẳng không? Thưa rằng: Hầu hết đàn ông vẫn ôm khư khư quan niệm cho mình cái quyền "đi ngang về tắt" một chút còn vợ thì đừng có mơ. Thật là bất công nếu chỉ lên án phụ nữ ngoại tình.

Cợt nhả và đoan trang

Vốn tham lam nhưng lại ích kỷ, đàn ông thường đặt ra cho phụ nữ những tiêu chuẩn khắt khe, đòi vợ mình phải hội đủ "công, dung, ngôn, hạnh", trong khi bản thân họ thì tha hồ đi sớm về khuya, bê trễ việc nhà. Khi đi ra ngoài, đàn ông tự cho mình cái quyền được liếc ngang liếc dọc, ngỏ lời ong bướm ngay trước mặt vợ, cho rằng đó chẳng qua chỉ là vui đùa tí tẹo để cuộc sống đỡ tẻ nhạt.

Họ có thể đến quán karaoke, vào nhà hàng, khách sạn nhưng nếu họ phát hiện thấy vợ đưa mắt nhìn theo hoặc nói chuyện có vẻ thân mật với người đàn ông khác thì tỏ ý khó chịu ra mặt và chụp mũ ngay cho vợ là không đoan trang, đúng mực.

Một lần và mãi mãi

Đối với đàn ông sau khi chuyện ăn "phở" bị bại lộ, cuộc sống thay đổi không nhiều, họ quay về với gia đình mà không hề gặp bất cứ trở ngại nào - do điểm yếu của phụ nữ là dễ mủi lòng tha thứ. Nhưng cũng là một lần trót dại đi ăn "phở" ấy, phụ nữ phải gánh chịu nhiều thiệt thòi, chịu đủ mọi "lời ong tiếng ve".

Cho dù đức ông chồng có đồng ý tha thứ thì cũng chỉ là "bằng mặt", khi làm gì không vừa ý, họ sẽ dễ lôi "tỳ vết" ra để làm bàn đạp tấn công, chì chiết khiến "đối phương" chỉ còn biết lặng im cúi đầu chịu trận. Một lần đối với đàn ông chỉ là cơn gió thoảng qua, nhưng với phụ nữ lại là mãi mãi.

Phở "tái" và "chín"

Cùng cảnh đi ăn "phở" nhưng với đàn ông - họ luôn biết giương cung đúng lúc để hạ gục con mồi. Sau khi đã ăn phở "tái", họ có thể thay đổi khẩu vị bằng "phở tái - chín, nạm gầu, pín" ngon hơn, phù hợp hơn. Thậm chí, quán phở này hết vị thì lại tìm quán khác. Còn phụ nữ, khi đã tìm được loại "phở" ngon, vừa miệng - thường là "phở chín", họ sẽ đắm đuối với nó, một lòng một dạ đi theo, ít khi nghĩ đến sự đổi vị. Do vậy, khi đàn ông đã chán "phở", họ vẫn có thể ăn rất ngon món "cơm rang", nhưng phụ nữ hay coi chừng - trong "cơm rang" thường có sạn chứ không dễ nuốt như "phở" đâu.

"Sự nghiệp" của ai quan trọng hơn

Đàn ông vốn là những kẻ hiếu thắng, luôn muốn chứng tỏ bản lĩnh, tài năng của mình mà không bao giờ chịu thừa nhận mình thất bại hoặc thua kém. Khi biết vợ đã ăn "phở" thì phải lục vấn bằng được kẻ đó là ai, ở đâu, làm gì và đã "làm" những gì? Nhưng nếu khi bị vợ phát hiện ra mình cũng đã ăn vụng thì đàn ông thường tìm kế phủ nhận mọi tội lỗi và đội cho nó cái mũ: "Vì công việc làm ăn thời nay là phải thế, cô thì biết gì!". Trong trường hợp này, phụ nữ đừng có dại mà đòi hỏi "còn sự nghiệp của tôi thì sao?" - bởi đàn ông luôn chỉ coi sự nghiệp của phụ nữ chính là gia đình.

"Một liều ba bẩy cũng liều"

Chuyện ăn vụng vỡ lở, tình huống xấu nhất là dẫn đến chia tay. Trong hoàn cảnh đó, đàn ông vẫn "no problem" (không vấn đề). Họ vẫn luôn trong tư thế sẵn sàng để chinh phục những thử thách mới, có nhiều cơ hội để "nấu nồi cơm mới".

Tuy nhiên với phụ nữ chuyện làm lại là không đơn giản, hoặc có được thì cũng là "rổ rá cạp lại", nồi cơm mới có khê cũng đành cố mà nuốt. Khi đã là vợ chồng đàn ông và phụ nữ phải xác định quan hệ vợ chồng hoàn toàn bình đẳng. Đó không chỉ là sự bình đẳng trong hưởng thụ mà còn có nghĩa vụ bình đẳng trong đóng góp và cống hiến. Tất nhiên, phụ nữ cũng đừng nên áp dụng lý lẽ bình đẳng một cách máy móc và ngụy biện vào việc "ông ăn chả" thì bà cũng phải đi "ăn nem". Khi một trong hai người có trót ăn vụng hãy nên bình tĩnh suy xét để tìm được đáp số thấu tình, đạt lý.

"Ông mất chân giò, bà thò nậm rượu"

Chuyện tình cảm vốn là "có đi có lại mới toại lòng nhau". Khi đàn ông và phụ nữ rủ nhau đi ăn "phở" thì cả hai đều tìm thấy và thỏa mãn ở nhau một điểm nào đó. Tuy nhiên, không ít đàn ông chỉ coi tình trường là thương trường để trục lợi, còn phụ nữ khi vướng vào đó thường không "khôn" được, thậm chí biết là "dại" cũng không thể tránh.

Cứ cho là cả hai bên cùng không quan trọng chuyện "cho" và "nhận", ai được hơn ai nhưng cuối cùng ngẫm lại phụ nữ vẫn là người bị "ăn mòn" cả về thể xác và tinh thần.


Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tôn giáo và ngoại tình

    12/04/2017Hồng Thu, Nguyễn Thiện AnCả Phật giáo lẫn Cơ Đốc giáo đều hướng con người ta đến sự phục thiện trong tình yêu. Sau đây là hai mẩu chuyện hướng thiện đó...
  • Bồ nhí - vui tý mất gì?

    12/04/2014Thế PhanCùng với sự tăng trưởng của nền kinh tế, thu nhập của một bộ phận quan chức không còn là chuyện "ba cọc ba đồng” mà còn lộc rơi lộc vãi do chức sắc mang lại. Một hiện tượng đang phát triển ngoài sự mong đợi của xã hội - bồ nhí đang ngày càng trở nên phổ biến và đang tác động sâu sắc vào đạo đức truyền thống và các mối quan hệ xã hội...
  • Ngoại tình từ “chat”

    06/01/2009Trịnh Trung HòaCó một hiện tượng phổ biến gần đây là trong một số gia đình trẻ, buổi tối vợ chồng ít nói chuyện với nhau mà say mê trò chuyện với máy vi tính. Điều này rất mới mẻ, mà cách đây độ chục năm không hề có. Những e-mail gửi đi, gửi lại tới tấp. Ngồi “chát” với nhau hàng tiếng đồng hồ...
  • Nhật ký của một ông chồng có bồ

    07/07/2008Lê Thị Liên HoanNgày… tháng… năm
    Mình tỉnh giấc lúc bảy giờ. Bên cạnh “mụ” vẫn ngủ say. Nhẹ nhàng, len lén ra ngoài, mở di động lên coi. Em nhắn, nội dung loanh quanh vẫn thế “nhớ anh-yêu anh”. Rõ khổ, vốn từ nghèo nàn. Đã bảo không được nhắn lung tung, có ngày “mụ” vớ được thì nhừ xương...
  • Ở đời ai chẳng muốn “rau”

    23/03/2007Tân NhânĐây không phải loại rau được trồng trên những cánh đồng bát ngát ở VânNội (Đông Anh). "Rau sạch" ở đây là một từ nóng ám chỉ những mối quan hệ "già nhân ngãi, non vợ chồng" đang nở rộ trong xã hội hiện đại.