Tiểu thuyết "Bàn tay nhỏ dưới mưa"

Nhà phê bình văn học
09:32 CH @ Thứ Sáu - 14 Tháng Bảy, 2017

LÒNG YÊU SỐNG

Sinh thời, nhà thơ Hoàng Trung Thông khi đang còn là Viện trưởng Viện Văn học, nhân một lần trò chuyện văn chương chữ nghĩa ông bảo tôi là ông không thích cái tên dịch một truyện ngắn của nhà văn Mỹ Jack London là “Tình yêu cuộc sống” (Love of Life). Nhà thơ bảo nên thay chữ “tình yêu” bằng chữ “lòng yêu”. Ông nói chữ “tình yêu” trong tiếng Việt như đã đặc dụng cho đôi lứa nam nữ, còn chữ “lòng yêu” là dùng cho mọi đối tượng. Dịch cái tên truyện của Jack London thành “Lòng yêu cuộc sống” đúng và hay hơn. Tự nhiên tôi nhớ câu chuyện này khi ngồi gõ phím bàn tính viết đôi lời mở đầu cho cuốn tiểu thuyết đầu tay của tác giả Trương Văn Dân mang tênBàn tay nhỏ dưới mưa. Nội dung cuốn truyện là kể về tình yêu của một người con gái tên Gấm. Gấm đã trải qua hai cuộc hôn nhân không tìm thấy hạnh phúc. Trong lúc đau khổ và tuyệt vọng nhất Gấm đã gặp được người đàn ông của đời mình, người đã mang lại cho Gấm không chỉ một tình cảm lứa đôi (tuy không làm vợ chồng) trọn vẹn, đằm thắm, mà còn cả một cuộc sống làm người đầy đủ, phong phú. Có lẽ vì số phận nhân vật như thế, nội dung truyện như thế, nên tự nhiên mà đọc xong xui tôi nhớ đến cách dùng chữ của nhà thơ Hoàng Trung Thông. Và tôi nghĩ cuốn tiểu thuyết của Trương Văn Dân là một khúc ca trầm về lòng yêu sống. Không chỉ yêu tình yêu mà còn yêu sự sống, một sự sống đang có nguy cơ bị hủy diệt bởi chính con người. Tình yêu của Gấm và người đàn ông lý tưởng của cô được tác giả đặt vào trong một môi trường xã hội và tự nhiên đang bị con người vấy bẩn, làm ô nhiễm, tàn phá, hủy hoại. Khác với những khung cảnh lãng mạn nên thơ của tình yêu truyền thống. Phần này của truyện lồng ghép một cách trực tiếp, trực diện, có thể chưa phải đã tự nhiên, khéo léo về nghệ thuật, nhưng thông điệp tác giả muốn truyền đi thì đã rõ. Nó giúp tác giả nói lên lòng yêu sống toát ra từ tình yêu của Gấm.


Bìa sách "Bàn tay nhỏ dưới mưa"

.

Tôi gọi Bàn tay nhỏ dưới mưa là khúc ca trầm vì tác giả dùng hình thức kể chuyện ở ngôi thứ nhất thông qua cuốn nhật ký của Gấm ghi chép về cuộc đời mình. Những ghi chép này làm thành phần đầu cuốn truyện. Chúng được nhân vật người đàn ông của cuộc đời cô tìm thấy và công bố khi cô không còn hiện hữu về thể xác trên cõi đời. Và đó là phần sau cuốn truyện. Trong những ghi chép của mình, Gấm soi chiếu toàn bộ cuộc đời cô dưới ánh sáng của cuộc tình cuối cùng. Chủ yếu ở đây là chiêm nghiêm tâm trạng. Những sự kiện, tình tiết được kể lại hay nhắc đến chỉ để khơi gợi nỗi yêu và nỗi đau của Gấm, cho cô những trường hợp để trăn trở nghĩ suy về cuộc đời, tình yêu, và lòng người. Nhân vật người đàn ông nhà báo đã cứu vớt cuộc đời cô, đã yêu cô làm cô hồi sinh và hạnh phúc, được Gấm ngợi ca như một con người toàn bích, lý tưởng. Nhưng lắng sâu vẫn là nỗi buồn lo, phấp phỏng cho sự mong manh của kiếp người, của cái đẹp, cái thiện trong đời. Tác giả dùng lời cho Gấm nhiều những câu dài miên man cảm xúc, nhiều những nhịp điệu thăng trầm tâm trạng. Đồng vọng tương cảm với những ghi chép của Gấm là những cảm nhận, suy tư của người đàn ông nhà báo khi đọc chúng. Người đọc tiểu thuyết vì thế được dòng tình cảm của hai nhân vật cuốn đi mê mải buồn. Dừng ngắt ở chỗ nào cũng là chưa đủ. Mà bắt đầu từ ở chỗ nào cũng vẫn kịp. Có thể đấy là một dụng công viết của tác giả, phải chăng. Câu truyện trong tiểu thuyết có thể là một phần đời đã sống của tác giả, cũng có thể chỉ là hư cấu, điều này tùy thuộc cảm nhận của mỗi người đọc sách. Nhưng khát vọng sống, khát vọng yêu cho con người hạnh phúc giản dị thường ngày, vượt qua và vượt lên những oan trái, khổ đau, cả những bất trắc rình rập từ những hiểm họa thiên tai và nhân tai, đó là điều tác giả tìm mọi cách trình bày và truyền tải đến người đọc qua nhiều lớp ngôn từ được huy động và sử dụng. Cảm tưởng như tác giả muốn rung lắc độc giả lay động theo từng con chữ anh viết để chia sẻ cùng anh những điều tin lo.


Dịch giả, nhà văn Trương Văn Dân

.

Trương Văn Dân nhiều năm sống xa xứ, làm một ngành nghề không dính tới văn chương. Nhưng anh cầm bút trước hết để được sống cho mình, sống với mình, từ những hồi ức kỷ niệm về quê hương, người thân, mà đã là người Việt nặng tâm tình thì dù ở đâu đi đâu làm gì cũng đều canh cánh bên lòng và vấn vương trong hồn. Lòng yêu sống ở anh thấm vào trong câu chữ mộc mạc, chân tình, ngay ở tác phẩm đầu tiên – tập truyện ngắn Hành trang ngày trở lại. Viết tiểu thuyết với Trương Văn Dân còn hơn một sự thử bút ở thể loại dài, đó là sự trang trải, giãi bày một tình yêu, một lòng yêu, của mình cho mình, và cho người. Đọc Bàn tay nhỏ dưới mưa, tôi không để mình bận tâm lắm về kỹ thuật viết, tôi để lòng mình cho rung động theo lòng tác giả và nhân vật, và tôi thương cô Gấm như tác giả thương.

Có một lòng thương người như thế mới có một lòng thương đời đến thế. Và khi đã chạm vào chữ thương thì “người đọc người thương nhau” (Chế Lan Viên). Cuốn tiểu thuyết này vì vậy là một bàn tay vẫy trong mưa với ai cho ai từng có/gặp một người như Gấm. Đấy là sự sẻ chia của/với tác giả.

Phạm Xuân Nguyên


Gấm trong "Bàn tay nhỏ dưới mưa"
(Vài cảm nhận khi đọc “BÀN TAY NHỎ DƯỚI MƯA” tiểu thuyết của nhà văn TRƯƠNG VĂN DÂN)

Đọc cuốn tiểu thuyết “Bàn tay nhỏ dưới mưa” của nhà văn Trương Văn Dân, tôi chợt nhớ lại những ngày còn đi học, hồi đó hai câu thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du đã làm tôi khắc khoải bởi ý niệm của con người ý thức số phận của mình là do thiên mệnh:

'Bắt phong trần phải phong trần'

'Cho thanh cao mới được phần thanh cao” (Truyện Kiều - Nguyễn Du)

Tôi đồng cảm với nhà văn Trương văn Dân về sự giải bày, chia sẻ tình yêu thương, những trăn trở về sự sống và số phận con người trong xã hội công nghiệp hóa và toàn cầu hóa. Tiểu thuyết “Bàn tay nhỏ dưới mưa” gần như không có cốt truyện, chỉ kể về tình yêu giữa người phụ nữ tên Gấm và người đàn ông nhà báo với miên man dòng cảm xúc, những suy tư, trăn trở về mối hiểm họa trong xã hội hiện đại mà con người phải gánh chịu. Qua bút pháp độc thoại nội tâm có pha lẫn thể loại ký báo chí, ông khám phá hiện thực cuộc sống và nỗi bất hạnh, nỗi lo sợ của con người trong xã hội hiện đại “Nó là hệ quả của một nhịp sống hối hả phi nhân của thời đại, nguyên nhân chính là sự gian tham và tàn ác của con người[i], lập luận và đưa ra những lý do vì sao con người cần phải sống theo tự nhiên, ông đã gởi vào đó một khát vọng sống và yêu mãnh liệt của con người qua nhân vật Gấm và người đàn ông của cô.

Từ những giằng xé trong tâm hồn của một nhà văn đầy lòng trắc ẩn, ông đã xây dựng một nhân vật điển hình cho lòng khát khao sống và khát khao yêu trong xã hội hiện đại. Họ đã yêu nhau thiết tha và mãnh liệt giữa cõi đời này: “Cám ơn em, vì nhờ có em mà anh hiểu được một tình yêu vừa thánh thiện vừa mê say trên cõi đời này là có thật. Tình yêu đó vừa nhẹ nhàng, vừa mãnh liệt, vì chúng mình đã yêu nhau trong ý thức, trong vô thức và cả trong tiềm thức....”. Nhưng tình yêu của họ phải trải qua nhiều nỗi đau trong một xã hội xấu xa đầy dối trá và số phận Gấm là hệ quả của sự tham lam, ích kỷ, tàn bạo và sống thiếu trách nhiệm của con người.


Bìa sách "Bàn tay nhỏ dưới mưa"

Gấm đã cô đơn với cuộc sống từ tuổi thơ cho đến bám víu vào hai cuộc hôn nhân, và bi kịch hơn là cô đơn ngay với chính mình từ cuộc hôn nhân lần thứ hai: “...Đêm đêm nằm bên tôi, chắc anh ta chưa bao giờ nghe tiếng trái tim tôi quặn thắt”. Đã qua hai cuộc hôn nhân mà Gấm vẫn chưa tìm cho mình một tình yêu đích thực. Với lối viết tả ít nhưng gợi nhiều, ông đã gợi cho người đọc những nỗi niềm trăn trở với “nỗi đau thân phận con người và khuynh hướng tàn ác hiện nay của thế giới”.Ông đã viết, lý giải những điều trông thấy và những dự cảm của mình xung quanh cuộc sống, tập hợp những sự kiện, miêu tả từng chi tiết những phát minh của con người với nền khoa học văn minh, tiến bộ. Nhưng mặt trái những tiến bộ khoa học là sự khủng hoảng, là nỗi lo sợ, của con người trong xã hội toàn cầu hóa, được ông viết với những dòng cảm xúc khắc khoải đầy khát vọng: “...Trên thực tế có nhiều đường sá nhưng chỉ để bảo đảm nhu cầu mặt tiền và bán đất chứ không vì giao thông. Thành phố phình to mà không gian bị bế tắc về cảnh quan, môi trường và sự cân bằng sinh thái bị phá vỡ.

Trong không gian chật hẹp, tập tính của con người bị dồn nén đang bị biến tính, sống kiểu tranh cướp nhau. Con người không còn băn khoăn về việc buôn gian bán lận, lừa lọc người khác và có khi còn xem đó là nghệ thuật sống. Cuộc tranh sống khốc liệt biến con người thành ích kỷ và hung bạo”.

Dưới ngòi bút của một nhà văn đầy lòng nhân ái, ông nêu ra “Những vấn nạn của xã hội trước xu thế toàn cầu hóa”và ông đã chỉ ra một cách nhẹ nhàng mà đầy tính thuyết phục về sự vô nghĩa và phi lý của xã hội công nghiệp hóa và toàn cầu hóa. Ông nêu những thành tựu khoa học ngày càng văn minh, tiến bộ, cuộc sống vật chất ngày càng cao....đồng thời cũng chỉ rõ những nhu cầu ích kỷ, tham vọng của con người “con người thì tham lam mà trái đất thì cạn kiệt”, để thấy rõ môi trường sống đã trở thành mối hiểm họa tự hủy diệt mình: “Các người đang khai thác hành tinh này như thể là không hề có ngày mai. Các người đã bán rừng. Bán đất. Hết bán trên mặt thì các người đào xới dưới sâu để bán. Các người đang bán những gì có thể. Bán tất tần tật. Kẻ bán thể xác, kẻ bán linh hồn, bán mãi đến khi không còn gì để bán và thế giới này đang bị hủy hoại cả vật chất lẫn tinh thần”

Mà suy cho cùng, tham vọng con người cũng không thể tách rời cái ác. Ngày nay, thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh... ngày càng tăng, đạo đức ngày càng suy thoái cũng chỉ vì tham lam, ích kỷ, xâu xé lẫn nhau để tranh giành địa vị trong xã hội.... và ông đã đau xót cho nỗi bất hạnh này: “Tôi chợt nghĩ là Gấm đã sống đủ và đau khổ cũng đủ. Biết đâu trái tim mẫn cảm của nàng không chịu nổi sự trần tục ở đời, không thích ứng với những mưu ma chước quỷ của thời đại, nơi con người “hiện đại” đang tranh sống và xâu xé nhau như dã thú”. Cùng đau với nỗi đau của con người, nhưng không buông xuôi mà ông đã có một thái độ sống đúng đắn, biết cảm thông và bao dung, ông khuyên con người “đừng tự xiềng xích mình vào nỗi bất hạnh”“hãy vui mà sống”“Hạnh phúc thật ra chỉ có trong những điều nhỏ nhặt”.Ông quan niệm về hạnh phúc con người trong cuộc sống cần phải có nhiều thứ, ví như người giàu, có quá nhiều tiền bạc, của cải mà thiếu văn hóa sống thì sẽ trở thành người bất hạnh: “Nghèo thì khổ, điều đó dễ thấy, nhưng giàu mà thiếu văn hóa sống thì cuộc đời cũng chẳng khác gì đâu. Cái khác là nghèo, từ thiện có thể cho, còn bất hạnh thì không ai giúp được”.Tôi nghĩ ông là người chịu nhiều ảnh hưởng bởi triết lý Phật giáo, nên khi viết về lòng yêu thương, ông đã viết với tấm lòng bao dung và độ lượng: “Người ta nói rất nhiều về tình yêu, nhưng lại thương yêu nhau quá ít...”, “Mỗi người chúng ta đều có thể mang nhân quả, liên kết với nhau từ bao kiếp trước, hãy lấy tình thương mà bước qua những khổ đau và oán hận....”.Hay như ông tự hóa giải, trên tinh thần “vô ngã” hay “dĩ tĩnh chế động” mỗi khi tỏ ra không tôn trọng một ai:“...không cần to tiếng hay cãi cọ, nụ cười có thể làm cho người ta thấy đau hơn nhiều. Nó làm cho người ta cảm thấy mình không tồn tại hay tồn tại mà không có trọng lượng gì trong mắt ”.

Vợ chồng tiến sĩ Elena Pucillo Truong và dịch giả, nhà văn Trương Văn Dân

.

Đọc “Bàn tay nhỏ dưới mưa”, ta nhận ra ở ông là một sự cảm thông chia sẻ, một nỗi ngậm ngùi, một niềm khắc khoải bởi lẽ ông luôn nghĩ đến niềm vui và hạnh phúc của con người, chiến tranh đã đi qua, con người lại tiếp tục đối phó với những đau khổ và bất hạnh bởi lòng tham sân si… Dù bị đe dọa bởi hiểm họa môi trường sống, nhưng vì cuộc sinh tồn con người buộc phải lao vào mà không thấy những hệ lụy đằng sau đó. Tưởng rằng đã thoát ra khỏi nỗi sợ hãi của chiến tranh, đẫm máu vì bom đạn thì nay con người lại phải đối mặt với những hệ lụy từ những cạnh tranh, giành giật, tận thu tài nguyên, phá hủy môi trường... Nó đã trở thành mối hiểm họa và đã làm cho kẻ thì bệnh tật, sống lây lất, người thì dùng mọi cách lừa lọc để tìm đến đỉnh vinh quang, thể hiện cái tôi, cái ta trong xã hội. Tác giả đã vạch rõ bản chất của những mỹ từ, những“ngôn ngữ hồ đồ, đánh tráo khái niệm”nhằm“che đậy những tư tưởng xấu xa”trong xã hội.

Viết về thân phận con người trong xã hội hiện nay, ông đã viết về nỗi đau cùng với nỗi khát khao của con người trong tình yêu:” Nỗi tủi nhục và bẽ bàng cứ bám riết tôi. Qua hai đời chồng mà tôi chưa hề tham gia tích cực trong quan hệ đượm vị ái ân. Tôi chưa bao giờ trở thành kẻđồng lõa trong trò chơi mê cuồng, hoan lạc. Thân thể tôi sau nhiều năm ngủ yên, bản năng tắt lịm như con thú ngủ đông tưởng sẽ chẳng bao giờ thức dậy. Đó là vết thương đau đớn và bí mật mà tôi tưởng mình sẽ phải gánh chịu cho đến cuối cuộc đời”.Khi biết cái chết gặm nhắm dần sự sống, ông đã khắc họa tâm trạng dằn vặt, đau đớn của Gấm với hình thức độc thoại nội tâm thật vô cùng sâu sắc: “Mỗi thời khắc trôi qua là con Gấm sống và tự giết chết một phần của chính mình. Những tế bào này chết, những tế bào khác sinh ra. Con Gấm thay đổi, tự bác bỏ, tự mâu thuẫn, tự hoài nghi giữa đúng và sai, giữa chân lý và sai lầm… và đó chính là sự trưởng thành, là sự hoà nhập vào hiện thực cuộc sống thiên hình vạn trạng”.

Những ngôn từ đầy mỹ ý để che giấu hành động độc ác, những thành tựu khoa học văn minh từ sự đồi bại có chủ tâm ... chẳng mang lại cho con người một cuộc sống an toàn, hay một tình yêu đích thực. Con người luôn phải đón nhận bi kịch này đến bi kịch khác trong kiếp nhân sinh. Bi kịch lớn nhất lúc này của Gấm là nỗi sợ hãi và cô đơn, nhưng khi đứng ở giữa lằn ranh của sự sống và cái chết, đối diện với chính mình, tư tưởng Gấm không chịu buông thả số phận mình theo định mệnh mà cô đã ý thức được về sự tồn tại của mình và hình như mọi động, tĩnh của cuộc đời đã làm cho cô nhận thức được cái Tôi trong cô: “Chỉ có sự nhận thức rằng mọi chuyển biến đều không tránh khỏi là còn ở lại. Và tôi thả rơi cái Tôi của mình trong cảm giác tự xóa mà không đau đớn, sẵn sàng hòa nhập và chìm trong mênh mông. Từ trên cao nhìn xuống, tôi thấy khói sương. Tất cả núi sông, thành quách, nhà cửa....dưới trần gian bổng thu nhỏ lại, dần dần biến mất.

Tất cả chỉ còn là khoảng không. Vô tận và mờ ảo.

Bản ngã, vô ngã sắp hòa vào đại ngã”.

Đây cũng là thế giới nội tâm của ông khi nhìn lại chính mình, là giá trị nhân văn sâu sắc về lẽ tử - sinh mà ông muốn gởi gắm vào đó. “Vậy có phải đã ngộ ra được lẽ tử sinh? Đã lý giải được cái giới hạn vươn lên cõi vô cùng? Đã thấy được vô biên trong hình người hữu hạn?” .

Nhân vật Gấm đã diễn xong vai diễn của mình ở sân khấu cuộc đời với những bi, hài kịch đầy đủ hỷ, nộ, ái, ố, lạc, dục. Những thứ ánh sáng điện đèn nhiều màu sắc rực rỡ, chớp nháy như ánh hào quang rồi cũng tắt, Gấm rời vai diễn, rời khỏi sân khấu để lùi vào bóng tối của cuộc đời, có thể sau đó sẽ có một ít người nhớ đến Gấm với những vai diễn hoàn hảo, mang lại cho họ những khoảnh khắc buồn, vui trong chốc lát : “Áng mây trên bầu trời kia sẽ không còn nữa. Như tôi chưa từng hiện hữu. Tôi sẽ trả lại nước mắt khổ đau cho đời. Tôi sẽ vứt bỏ hết mọi lạc thú, mọi thói quen và vĩnh viễn rời bỏ cuộc sống. Có lẽ chỉ còn lại những điều mà tôi suy nghĩ, từng cảm xúc và để lại nỗi nhớ trong lòng một ít người còn nhớ đến tôi”.

Nhưng rồi Gấm đã nhận thức được những giai đoạn mà đời người phải trải qua : sinh, lão, bệnh, tử, cho nên cô cũng không còn hoảng loạn, lo lắng về căn bệnh quái ác và cái chết cận kề, Gấm bỗng trở nên lạc quan và yêu thiết tha cuộc sống này, yêu nữa người mình tìm thấy như yêu một tâm hồn đồng điệu.Khát vọng yêu của Gấm, của một cuộc đời đang bước những bước tận cùng của số phận đã được ông viết ở đỉnh cao của cảm xúc: “cả hai tận hưởng dư vị trái cấm trong cảm giác say sưa. Rả rời và buông thả. Hình hài quằn quại như đớn đau nhưng hoan lạc vươn lên đỉnh điểm”.

Còn viết về tình yêu, tình dục, ông đã viết bằng một cảm xúc mãnh liệt từ sự rung cảm của trái tim, làm cho văn chương ông toát lên một vẻ đẹp quyến rũ và hướng đến giá trị chân thiện mỹ: “...Chúng tôi thường thủ thỉ những lời yêu thương, đến khi ngôn ngữ không còn khả năng chuyển tải và diễn đạt thì chúng tôi lại nói với nhau bằng thứ ngôn từ đơn giản nhất. Ngôn ngữ của thân xác. Ôi, từ trước đến nay tôi chỉ cảm nhận tình yêu bằng một sự chung đụng, có khi đau xót hay day dứt đến bẽ bàng, thì đây là lần đầu tiên tôi chứng nghiệm được sự tuyệt vời của tình yêu. Bằng tất cả yêu thương và sự thèm khát trong người đàn bà bấy lâu nay kìm nén, gìn giữ, bằng tất cả sự sung mãn và phát triển đang độ phì nhiêu nhất... tôi cùng anh hòa nhịp trong vũ điệu ái tình. Đắm đuối dìu nhau lên đỉnh điểm khoái cảm tột cùng. Hai thân thể quấn quýt nhau trong thứ ánh sáng của ngày mới, mang đầy màu sắc vừa hoang dã, vừa linh thiêng của thưở hồng hoang”.

Bỗng nhiên tôi liên tưởng đến cái tên “Gấm” mà ông đặt cho người phụ nữ trong tác phẩm này. Gấm là một trong những loại vải quý hiếm, áo gấm ngày xưa được coi là biểu tượng của sự giàu sang, phú quý, sự thành đạt trong con đường học hành và công danh. Trong Hán sử có câu “Phú quý bất quy cố hương như cẩm y dạ hành” (có nghĩa là giàu sang mà không trở về quê thì cũng như mặc áo gấm đi đêm). “Gấm” trong “Bàn tay nhỏ dưới mưa”, có lẽ đó là sự chắt lọc tất cả những cái tốt đẹp và thuần khiết nhất của con người từ thuở hồng hoang, nhưng thân phận Gấm cũng là thân phận con người “ Tôi là kết tinh của sự bất hạnh hay là người phụ nữ được yêu....”, cuộc đời Gấm cuối cùng rồi cũng bị xô đẩy vào con đường bế tắc của số phận.

Bằng những cung bậc cảm xúc khác nhau và với một lối viết rất riêng, ông đã cho người đọc nhận ra hệ quả tất yếu từ những tham vọng của con người và ông đã viết đến tận cùng của cảm xúc về lòng khát khao sống và khát khao yêu của con người: “Vì chết chỉ là mở đầu của sự tái sinh nên chúng tôi ước muốn sẽ cùng nhau quay lại cõi trần gian. Bởi với tình yêu ngút ngàn Gấm đã dành cho, thì giữa Bồng Lai của chư thần và cuộc sống trần tục với tôi, chắc nàng sẽ chẳng đắn đo chọn bước thứ hai”.

Có lẽ là người xa quê hương rất nhiều năm, ông lại là một nhà văn rất gần gũi với cuộc sống đời thường, với tấm lòng bao dung, ông đã hóa thân vào nhân vật Gấm để gửi gắm những suy tư, trăn trở về thế sự, về cuộc đời, về số phận và nỗi bất an của con người. Ông viết và lý giải những điều mắt thấy tai nghe, phản ảnh đời sống xã hội và thể hiện nhân sinh quan trong những ngày tháng trở về quê hương sau 40 năm sinh sống ở đất Ý và đặc biệt là ông đã sống hết mình cho tình yêu.

Nhưng Gấm là ai? là ai mà đã làm ông phải khắc khoải, suy tư.... với rất nhiều cảm xúc đan xen trong suốt hơn 400 trang sách. Phải chăng đó là cảm xúc của ông, của một tấm lòng nhân hậu, của một con người sống có trách nhiệm với đời, với người, khi nghĩ về thân phận và cuộc đời của con người vừa thoát ra khỏi cuộc chiến tranh lại phải sống chung với những vấn nạn xã hội về xu thế toàn cầu hóa; về bản năng sinh tồn và sự hủy diệt con người; về những mầm hy vọng chưa kịp lóe lên rồi chợt tắt trong niềm tuyệt vọng; về cuộc đời giữa mơ và thực, giữa tử và sinh, giữa hạnh phúc và khổ đau, giữa tình yêu và nước mắt, giữa xảo trá, quỷ quyệt và lòng trung thực.... Nỗi đau của Gấm trong tác phẩm này cũng chính là nỗi đau của nhà văn Trương văn Dân và cũng là nỗi đau chung của nhân loại, vì vậy ông đã chiến đấu với nó như nhà văn Ấn Độ Suzanna Arundhati Roy, một cây bút tích cực tranh đấu cho human right đã viết: “Trong bối cảnh toàn cầu hoá về kinh tế và đồng nhất hoá về văn hoá như hiện nay, nhà văn phải dấn mình vào cuộc đấu tranh chống lại những biến động chính trị, kinh tế, xã hội không phải với tư cách một chiến binh chuyên nghiệp, mà là với tư cách một con người biết động lòng trắc ẩn vì chân, thiện, mỹ. Chiến đấu bằng ngòi bút là cách tốt nhất mà một nhà văn có thể làm” ( Trích trong bài “Nhà văn trước mặt trái của toàn cầu hóa” củaArundhati Roy, bản dịch củaNgô Vũ)[ii]

Cho dù “Bàn tay nhỏ dưới mưa” không che nổi phận đời, phận người, nhưng có thể vẫy gọi khắp mọi nơi bằng tình yêu thương, bằng tấm lòng từ, bi, hỷ xả, để mọi người cùng nhau chia sẻ yêu thương, để con người rủ bỏ bớt lòng tham lam, ích kỷ, để chúng ta có được một cuộc sống thân thiện, an yên, biết đón nhận lấy những bất trắc trong cuộc đời và nhất là biết tha thứ để mang lại hạnh phúc cho nhau:

“Hãy yêu nhau đi quên ngày u tối
Dù vẫn biết mai này xa lìa thế giới
Mặt đất đã cho ta những ngày vui với
Hãy nhìn vào mặt người lần cuối trong đời” (Nhạc Trịnh Công Sơn)

Qui Nhơn, ngày 03 tháng 9 năm 2014


Bàn tay nhỏ dưới mưa - Cuốn tiểu thuyết luận đề

(Dương Kim Thoa)

Có 2 tuyến nội dung chạy dọc cuốn tiểu thuyết này, và có thể, tùy theo cái tạng của từng độc giả, tuyến nào sẽ có tác động mạnh mẽ hơn tới tâm trí họ. Tuyến thứ nhất, những lo lắng, ám ảnh về sự bất an của nhân loại trước hàng loạt những nguy cơ đã thấy và sẽ thấy trước cơn lốc hiện đại hóa, toàn cầu hóa. Tuyến thứ hai, câu chuyện tình vô cùng lãng mạn của Gấm và anh nhà báo.

Theo cảm nhận của cá nhân độc giả là tôi, có lẽ, người viết còn thiếu chút gì đó để tạo sự nhuần nhuyễn giữa hai vỉa mạch nội dung này. Nó khiến người đọc phải phân thân, phải tự tách bạch lý trí và tình cảm khi trải nghiệm từng trang sách. Những trang cuối của tiểu thuyết, khi người viết tập trung tinh thần và trí lực vào việc miêu tả cảm xúc và cái chết của cô Gấm, khi anh dường như quên đi mất cái mạch nội dung thứ nhất thì hình như trang văn có được vẻ thống nhất hơn.

Nhưng theo ý riêng tôi, rõ ràng, người viết không hề vụng dại trong kỹ thuật viết khi tạo dựng 2 vỉa mạch nội dung tưởng như hoàn toàn chẳng liên quan gì đến nhau trong cuốn sách này. Cái anh muốn “đánh động” tới tất cả độc giả chính là cái vỉa nội dung thứ nhất, nhưng cái anh muốn lắng lại trong lòng người đọc, lại chính là cái vỉa nội dung thứ 2. Cuộc sống rồi sẽ còn tiếp diễn khôn lường, nhân loại sẽ, dù muốn hay không, phải trải qua vô vàn những cuộc khủng hoảng và suy kiệt khác vì lòng tham lam, ích kỷ, nhưng tình yêu vẫn sẽ là điểm tựa duy nhất và cuối cùng của con người sau tất cả những biến cố, suy vi đó. Người viết dụng công miêu tả những khoảnh khắc thăng hoa, lãng mạn tới mức không tưởng trong mối tình thứ 3, và cũng là mối tình cuối cùng, của Gấm. Và anh cũng đã dụng không không ít trong việc khắc họa tới mức “nhìn thấy, sờ thấy” những nguy cơ khủng khiếp của nhân loại trong từng bước đi hôm nay. Người ta cần phải thoát ra ngoài để nhìn rõ hơn những thứ ở bên trong một không gian hạn hẹp. Với Trương Văn Dân, phải chăng, với quãng thời gian hơn 40 năm sống và làm việc tại Italia, nhưng vẫn không thôi dõi đôi mắt đau đáu yêu thương và trăn trở về tổ quốc, đã cho anh con mắt nhìn thật sâu, thật thấm thía về những nguy cơ có thật đã, đang và sẽ xảy ra trên đất nước mình. Những bãi rác công nghiệp độc hại đang ngày càng trở nên lộ liễu và bành trướng, nạn ô nhiễm môi trường, thực phẩm độc hại, những cuộc mua bán hôn nhân trần trụi, trơ tráo giữa người Việt và người nước ngoài, những cuộc hội nhập, toàn cầu núp danh các mỹ từ để một nhóm người có cơ hội thao túng từ kinh tế cho đến chính trị của một quốc gia, vùng lãnh thổ, và thậm chí là cả khu vực rộng lớn hơn thế. Ai dám bảo đó là những nỗi lo vô cớ? Ai dám bảo đó là chuyện của thiên hạ, là trách nhiệm của những người có vai vế trong xã hội, trong thế giới? Không, đó là những điều rất nhỏ đang tác động vào cuộc sống mỗi ngày của chính chúng ta. Là mớ rau có màu xanh đậm và non mướt tới mức nghi ngờ trong bữa cơm gia đình. Là những xóm, những làng ung thư đang ngày một trở nên phổ biến trên cả nước. Là những đứa trẻ bị trưởng thành, dậy thì sớm do uống phải những loại sữa có chứa chất kích thích tăng trưởng hormone ngay từ thuở sơ sinh, v.v… Đọc những trang văn có phần luận chiến nhiều hơn miêu tả, giãi bày của Trương Văn Dân, những ai còn có lương tri và hiểu biết thật khó mà yên được.

Và giữa tất cả những ám ảnh bất an đó, tình yêu của Gấm như một con suối mát lành cố như muốn làm dịu đi sự gay gắt, nhức buốt của hiện thực. Mới đọc sách, tôi cứ tưởng người viết đang trở lại với lối viết tiểu thuyết theo kiểu “ba xu” của những cuốn sách in chữ to dành cho những bà nội trợ, bán hàng thuê đọc ngày xưa. Ấy vậy mà càng đọc, càng thú vị và thấm thía với những khoảnh khắc đầy trải nghiệm sâu sắc của một người vốn đã nhấm nháp khá nhiều cái dư vị chua chát của cuộc đời. Đọc sách của Trương Văn Dân, thấy anh đọc nhiều văn chương của bạn bè, của các tác giả lớn trên thế giới, lại cũng thấy anh mê kinh Phật, mê những triết lý gần gũi với cuộc đời hơn là những mớ lý thuyết suông, nghe thì vô biên mà thực chất chẳng đem lại chút giải thoát, thanh thản gì cho cuộc đời. Tiêu đề cuốn sách không hiểu sao gợi một cảm giác thật xót thương. “Bàn tay nhỏ dưới mưa”, nó phải chăng cũng chính là biểu tượng về thân phận của con người giữa cuộc đời này. Mỗi thân phận đang trôi đi giữa dòng đời có lẽ cũng chỉ là một bàn tay nhỏ, chẳng che nổi chính mình, sao có thể che đỡ nổi cho ai khác giữa cơn mưa dông ập tới. Cơn mưa cuộc đời chẳng chừa ai cả. Nó trút xuống mỗi số phận, mỗi bàn tay nhỏ, dù bàn tay đó chấp nhận buông xuôi hay vẫn luôn gắng gượng che chắn trong hy vọng.


Tác giả Trương Văn Dân

Có lẽ, với tình yêu, tôi đã đọc được nhiều trang sách trước khi đến với “Bàn tay nhỏ dưới mưa” của Trương Văn Dân. Nhưng với toàn cầu hóa, với hiện đại hóa được đưa vào văn chương, anh là người đầu tiên khiến tôi cảm nhận được sự gần gũi và sát thực đến thế của những câu chuyện, những vấn đề mang tầm cỡ nhân loại. Người ta phải đủ uyên bác tới mức thế nào mới có thể nói một cách giản dị về những điều phức tạp. Trương Văn Dân đã làm được điều mà tôi cho rằng không hề đơn giản. Người ta nói đông, nói tây, nhưng những câu chuyện của đời sống hàng ngày, những điều đe dọa cuộc sống hàng ngày thì không phải ai cũng có khả năng lý giải thuyết phục. Tôi chỉ tiếc, giá như anh “mềm” hơn nữa trong cách ứng xử với những tư liệu về thời sự, chính trị, kinh tế, xã hội, “mềm” hơn trong cách đưa chúng vào văn chương, tạo ra những bối cảnh, những kết cấu để chúng xuất hiện tự nhiên hơn thì chắc chắn, tác phẩm của anh sẽ thành công hơn nữa.

Có lẽ, tôi là một người đọc nhiều lý trí hơn tình cảm nên thực sự bị lôi cuốn vào mạch nội dung thứ nhất. Và rất chủ quan, tôi đồ rằng, người viết cũng dụng công vào mảng nội dung này hơn là những trang viết, dù rất công phu, kỹ lưỡng, anh dành cho cuộc tình của Gấm. Vẫn biết rằng, dù nhân loại có tiến đi đâu đi nữa thì câu chuyện của văn chương vẫn chỉ loay hoay quanh những vấn đề của tình yêu và cái chết mà thôi. Nhưng để cảm nhận được sâu sắc giá trị lớn lao và đích thực của tình yêu, người ta cũng lại phải hiểu thật rõ những nguy cơ, những mối hại mà đời sống đang làm nảy sinh ra thêm trong tiến trình phát triển này đối với tình yêu. Chẳng phải chính những nhu cầu hưởng thụ, ham vật chất của thời hiện đại đang làm con người xa lánh nhau hơn đó sao? Chẳng phải chính những truyền thông về thái độ, quan điểm sống tôn sùng giá trị vật chất đang đẩy con người thành những cỗ máy, những rô bốt lãnh cảm, từ lúc mở mắt đi làm cho tới khi nhắm mắt bước vào giấc ngủ chỉ đau đáu với ý nghĩ làm thế nào kiếm được thật nhiều tiền đó sao? Trên thực tế, thế giới hiện đại với tất cả những tổng lực của nó đến từ nhiều phía đang tạo ra một guồng quay khốc liệt với những thang bậc giá trị được định hình vô lối. Người ta bị ảo tưởng giữa những lời khen, những tung hô tưởng như rất thực, song thực tế lại là những viên kẹo bọc đường. Thế giới hiện đại có khả năng kỳ diệu trong việc tạo ra những hệ thống mỹ từ có thể xoa dịu, đánh tráo khái niệm với những sự thật vốn trần trụi và thô thiển hơn rất nhiều. Người ta bị “đánh bả” bởi những ngôn từ mỹ lệ như “hội nhập”, “toàn cầu”, “phát triển bền vững”, “hai bên cùng có lợi”, v.v… Rõ ràng, tất cả những áp lực kinh hoàng đó đang khiến con người xa rời nhau, xa rời những tình cảm chân thành, đúng mực, những giá trị sống căn bản, cốt lõi của loài người vốn tôn thờ qua bao nhiêu thế hệ. Vậy nên tôi vẫn nghĩ, câu chuyện tình của Gấm, rốt cuộc, chỉ là một cái đòn bẩy để Trương văn Dân nói nhiều hơn về những nguy cơ của thời đại đối với con người, với tình yêu và những giá trị nhân bản lớn lao. Gấm chết bởi sao? Chẳng phải chính bởi ung thư, căn bệnh vốn đã trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của toàn thế giới trong khoảng vài thập kỷ trở lại đây và khoảng mươi năm gần đây với người Việt Nam đó hay sao? Vì sao có ung thư? Câu trả lời có lẽ chẳng cần nói ra ở đây nữa. Bởi gần như xung quanh cuộc sống của mỗi người Việt Nam bây giờ, việc tìm ra một người chết vì căn bệnh này xem ra quá đơn giản. Cái chết trở thành điều bình thường cũng là một ám ảnh quá đỗi kinh hoàng của thời đại chúng ta đang sống.

Mặc dù người viết (hoặc nhà xuất bản) đã định danh thể loại cho cuốn sách này là “tiểu thuyết”, nhưng tôi muốn thêm vào hai chữ “luận đề” vào đó. Bàn tay nhỏ dưới mưa là cuốn tiểu thuyết trình bày quan điểm của người viết về những nguy cơ ở tầm thế giới nhân loại đang diễn ra khốc liệt ngày hôm nay. Người viết đã khéo léo tìm một cách nói rất “trữ tình”, dù đôi lúc anh không thể vịn vào cái áo trữ tình đó khi nội dung luận bàn về quan điểm trở nên quá “chật chội”. Nhưng theo ý riêng của tôi, ở một chừng mực nhất định, Trương Văn Dân đã nói được cái điều anh định nói một cách giản dị nhưng vô cùng thuyết phục. Cuốn sách của anh là một món quà quý với những độc giả ham chuộng tư tưởng khi đọc văn chương.

Hà Nội ngày 3-9-2012


Đọc Bàn tay nhỏ dưới mưa - thưởng thức ly vang ý thượng hạng!
(Vũ Thu Hoài)
Bìa tiểu thuyết "Bàn tay nhỏ dưới mưa" của Trương Văn Dân, NXB Hội Nhà văn, 2011
.
Sự liên tưởng đến bất chợt, có thể do tôi là một người kinh doanh và dành nhiều tình yêu cho rượu vang, cũng có thể do tác giả Trương Văn Dân là người Việt nhưng đã có nhiều năm làm việc và định cư tại Ý, nơi rượu vang là quốc sản khiến dân tộc họ tự hào. Sự rung động này đã đến ngay khi tôi vừa đọc phần đầu cuốn sách BTNDM được anh trao tặng. Vì nhiều lý do, tôi đã quyết định “nhâm nhi ly vang Ý thượng hạng” này một cách từ từ… Đến hôm nay, khi gấp lại những trang cuối, sự xúc động mạnh mẽ khiến tôi - một người rất ít khi viết lách, cũng liều lĩnh ghi lại vài dòng cảm nhận về BTNDM như một cách neo lại những cảm xúc hiếm gặp đem đến cho bản thân mình...

Vang Ý là kiệt tác nổi tiếng thế giới bởi nhà sản xuất không dùng duy nhất mà thường phối trộn nhiều giống nho với nhau. Họ dùng các loại nho quý được trồng lâu năm, trải nghiệm cả điều kiện thời tiết nắng nóng của mùa hè lẫn băng tuyết của mùa đông. Rượu nho sau đó được ngâm ủ nhiều tháng trong thùng gỗ sồi mới của Mỹ để bổ sung thêm nét tươi trẻ, mạnh mẽ. Vang Ý nhờ đó có màu sắc, hương vị, kết cấu phức tạp, sang trọng, thỏa mãn mọi giác quan. Trong mỹ học và nghệ thuật, người ta ca ngợi vang Ý như một thứ đồ uống giúp con người thư giãn, ngây ngất với cuộc sống, truyền cảm hứng và nâng tâm hồn tới gần sự hoàn thiện và cao quý.
.
Khi đọc BTNDM, cũng giống như đang thưởng thức một ly vang Ý hảo hạng , người ta có thể thấy những lớp lang tư tưởng của một nhà văn sâu sắc, từng trải như những cây nho già, trong một sự thể hiện đầy tươi mới của xúc cảm, như hương vị mạnh mẽ của những thùng gỗ sồi Mỹ. Chính vì vậy mà tác phẩm BTNDM của anh có sự hấp dẫn kỳ lạ, mang tầm vóc vươn ra thế giới giống như những chai vang Ý huyền thoại vậy.
.
Tiểu thuyết BTNDM là cuốn nhật ký tình yêu đầy màu sắc huyền ảo lãng mạn của một người đàn bà đẹp mang nỗi bất hạnh hai lần đổ vỡ trong hôn nhân với chàng nhà báo “soái ca” hoàn hảo. Họ đến với nhau trong sự khao khát được yêu thương nên thứ tình yêu họ trao nhau thật kỳ diệu, một thứ tình yêu vô tư không toan tính. Họ dành cho nhau trọn vẹn sự tử tế, trân trọng người mình yêu. Giống như vị ngọt nồng nàn của rượu vang, mỗi giây phút họ ở cạnh nhau đều là những giây phút thần tiên, đam mê say đắm. Thật hiếm có thứ tình yêu nào mãnh liệt, si mê đến thế. Từ đầu đến cuối tiểu thuyết, tác giả ru người đọc trong những dòng văn chương lãng mạn với men tình chạy dần dật. Mở bất cứ đoạn nào, ta cũng có thể tìm thấy những dòng ngôn tình khiến ngay cả những trái tim khô khốc cũng phải tan chảy như:
.
“Lúc yêu anh và được anh yêu, những tế bào từ trong sâu thẳm bỗng dưng chuyển động, nhựa rạo rực trong thân, lá đâm chồi, nảy lộc, rồi những cánh nhỏ như từ một thế giới vô hình nào đó lặng lẽ đơm hoa. Nó thầm lặng mà tỏa hương ngào ngạt khắp đất trời…”
“Sức nóng làm cả hai mê lịm đi…rồi…cùng mở bung hết ngọn nguồn cảm xúc. Tinh thần, thể chất, nội thân ngoại nhập, âm dương đều hòa hợp”…
.
Nhưng như một ly rượu vang hoàn hảo, bên cạnh vị ngọt luôn có vị chua chát…Bàn tay nhỏ vì vậy không che được những cơn mưa giá rét tất yếu của cuộc đời. Người đàn bà đang say đắm trong tình yêu bị quật ngã bởi căn bệnh ung thư, căn bệnh tàn ác có nguyên nhân từ việc môi trường sống bị đầu độc bởi chính thói tham lam, ích kỷ của con người. Dành khá nhiều trang viết về giai đoạn chiến đấu với bệnh tật của nhân vật, tác giả đã lồng vào suy tư, chiêm nghiệm của mình về các vấn đề của xã hội với cái nhìn đa chiều của một người có tầm hiểu biết sâu rộng. Cũng thông qua nhiều trang viết về những triết lý của Phật giáo, tác giả gửi gắm nhiều bài học sâu sắc về nhân sinh quan hướng thiện, buông bỏ để có cuộc sống an lạc, giải thoát.
.
Một điểm tôi cũng rất thích trong BTNDM là tác giả đã khéo léo lồng ghép những tình huống va chạm mà đa số cặp đôi phải trải qua thời gian chung sống, rồi thông qua những suy nghĩ, hành động, lời nói của họ dành cho nhau để gửi gắm thông điệp mang tính nguyên tắc để có cuộc sống chung hòa hợp và yêu thương giữa các cặp vợ chồng. Từ những việc tưởng đơn giản như dành thời gian học làm món ăn người kia thích, cùng nhau vun đắp không khí lãng mạn, san sẻ việc nhà đến những việc như chăm sóc, chiều chuộng và nhường nhịn nhau khi đau ốm, tôn trọng những thói quen, sở thích của nhau…đều là những bài học mà tác giả muốn gửi gắm đến cả hai giới.
.
Những dòng cảm nhận của một người không có chuyên môn văn học về tác phẩm BTNDM có thể chưa lột tả được hết những lớp tư tưởng sâu sắc nằm trong tác phẩm. Nhưng chắc chắn một điều, tôi cảm nhận được tình yêu cuộc sống mãnh liệt, đặc biệt là tình yêu, sự trân trọng của tác giả dành cho những người phụ nữ nói chung. Vì vậy, khi ngày Phụ nữ Việt Nam đang tới gần, những người phụ nữ được yêu là chúng ta còn chần chừ gì mà không nhận lấy món quà ngọt ngào của tác giả “Tuýp phờ nờ” đáng mến này.
(Hà Nội, 10-2016)

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Một phút tự do

    12/07/2017Lam ĐiềnCô Elena Pucillo Trương - nhà văn người Ý - vừa ra mắt bạn đọc VN tập truyện ngắn và tùy bút mang tên Một phút tự do...
  • 'Kim thiếp vũ môn': Ranh giới thực hư trong tiểu thuyết lịch sử

    16/05/2017Gia Hạ"Hư cấu và sự thật trong tiểu thuyết lịch sử” là chủ đề của buổi tọa đàm về cuốn tiểu thuyết lịch sử “Kim thiếp vũ môn"...
  • Bàn về tiểu thuyết

    07/10/2016Phạm QuỳnhẤy triết lý của tiểu thuyết như thế mà ảnh hưởng của tiểu thuyết lại như thế. ảnh hưởng ấy thật là sâu xa vô cùng. Song trong ảnh hưởng ấy có sự hay mà cũng có sự không hay.
  • Tiểu thuyết Cá Hồi - cảm quan phê phán con người từ góc nhìn sinh thái

    15/06/2016Trần Xuân TiếnTiểu thuyết Cá Hồi - 연어của Ahn Do Hyun – 안도현thể hiện rõ ý nghĩa cảnh báo về nguy cơ sinh thái. Thông qua những ẩn dụ về hành trình trở về nguồn cội của loài cá hồi, cùng những diễn ngôn giễu nhại, tác phẩm rung lên hồi chuông về cách nhận thức và ứng xử của con người đối với tự nhiên...
  • Hồ Biểu Chánh, người mở đường cho tiểu thuyết hiện đại Việt Nam, vừa đúng 120 tuổi

    22/04/2016Trang Quang SenNăm 1988, học giả Trần Hữu Tá than phiền là giới văn học Việt Nam đã quên làm „Kỷ niệm 100 năm sinh nhà văn Hồ Biểu Chánh“ nhà văn „hết sức quen thuộc với nhiều thế hệ người đọc Việt Nam - đặc biệt là người đọc phía Nam Tổ quốc“ . Gs Trần Hữu Tá có lý, nhưng 20 năm sau giới văn học Việt Nam cũng „quên lửng“, ít nhắc đến nhà văn này...
  • Cuốn tiểu thuyết lịch sử về thép và súng của người Việt

    05/11/2015Nguyên HảiSau nhiều năm đi tìm lời giải cho mấy chữ Kim-Thiếp Vũ Môn, tác giả Thâm Giang Trần Gia Ninh đã bổ sung thêm những sự kiện sách sử Việt chưa từng chép về hai sáng tạo tuyệt vời của tổ tiên ta...
  • Tiểu thuyết Việt Nam đang ở đâu?

    02/11/2015Nguyễn Thanh SơnBởi vì, chúng ta không thể trả lời câu hỏi "tiểu thuyết Việt nam đang ở đâu?", nếu không trả lời được câu hỏi "tiểu thuyết Việt nam đã ở đâu?". Với khoảng một trăm năm văn học quốc ngữ, tiểu thuyết Việt nam đã đi được bao xa trên đoạn đường mà tiểu thuyết châu âu đã đi hơn 400 năm?
  • Tiểu thuyết "Lao động Biển cả" của Victor Hugo

    11/09/2015Lao Động Biển Cả (Les Travailleurs de la mer) Là một tác phẩm của đại văn hào Victor Hugo được xuất bản năm 1866. Tác phẩm mô tả cuộc đấu tranh của chàng đánh cá Giliát với biển cả và sự hy sinh cao quý của chàng cho hạnh phúc của người chàng yêu tha thiết, Đêruysét...
  • Kiểu con người đa ngã trong tiểu thuyết Người tình Sputnik của Haruki Murakami

    25/09/2014Trần Thị Tố LoanKhông còn nghi ngờ gì nữa Haruki Murakami đã trở thành nhà văn Nhật Bản được chờ đợi nhất trên thế giới hiện nay. Nhiều nhà nghiên cứu đã tự hỏi, tại sao một người không được giới phê bình ngay tại chính quốc - những người đã quen với thơ haiku, tác phẩm của Tazinaki Junichiro, Akutagawa Ryunosuke, Kawabata Yasunary... chào đón nhiệt liệt lại có thể trở thành nhà văn lớn của thời đại ?
  • Tiểu thuyết Xác phàm của Nguyễn Đình Tú – nén hương thơm tưởng nhớ liệt sĩ

    28/07/2014Trần Đình SửNgày 27 tháng 7 năm nay bạn đọc Việt Nam được thưởng thức cuốn tiểu thuyết mới rất xúc động của nhà văn Nguyễn Đình Tú – cuốn Xác phàm do nhà xuất bản Trẻ ấn hành và phát hành vào quý ba năm 2014. Tiểu thuyết được viết vào tháng 8, 9 năm 2013, nhưng một năm sau, tức là tháng 7 năm nay nó mới được xuất bản, hẳn cũng do đề tài “nhạy cảm”...
  • Bài học canh tân từ tiểu thuyết Hồ Quý Ly

    05/06/2014Hà Thủy NguyênGiữa lúc tình trạng văn học nước nhà vào những năm 90 đang rơi vào cảnh èo uột, không có tác phẩm nào đáng kể thì “Hồ Qúy Ly” như một cơn địa chấn lớn khiến độc giả bừng tỉnh. “Hồ Qúy Ly” không đơn thuần kể lại câu chuyện của thế kỷ 14, đầu thế kỷ 15 mà nhà văn đang “ôn cố tri tân”...
  • Tiểu thuyết vĩ đại cuối cùng của Victor Hugo

    06/04/2014Lam Thu"Chín mươi ba" lấy bối cảnh một cuộc chiến khốc liệt, tàn bạo song vẫn toát lên vẻ đẹp của sự lương thiện, lòng nhân ái...
  • Tiểu thuyết "Thế kỷ bị mất"

    17/03/2013Nhà văn Phạm Ngọc Cảnh NamThế Kỷ Bị Mất của Phạm Ngọc Cảnh Nam là cuốn tiểu thuyết gần như đầu tiên viết về phong trào Duy Tân đất Quảng. Đây là phong trào vận động cách mạng khởi phát từ Quảng Nam rồi nhanh chóng lan rộng ra các tỉnh ven biển miền Trung cũng như trên phạm vi cả nước…
  • Viết tiểu thuyết lịch sử không nên lệ thuộc vào chính sử

    17/09/2010Hương Lan thực hiệnSau 20 năm miệt mài, nhà văn Hoàng Quốc Hải đã hoàn thành hai bộ tiểu thuyết lịch sử đồ sộ về nhà Trần và nhà Lý đúng vào thời điểm cả nước chuẩn bị chào đón đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. “Phổ cập lịch sử là trách nhiệm của nhà văn”, ông chia sẻ với Sài Gòn Tiếp Thị trong ngày ra mắt hai tác phẩm lớn của mình – “Tám triều vua Lý” và “Bão táp triều Trần”...
  • Tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỉ XXI từ góc nhìn hậu hiện đại

    14/09/2010Thái Phan Vàng AnhCho đến nay, chủ nghĩa hậu hiện đại không còn là một khái niệm xa lạ trong văn học nước ta. Dẫu có nhiều cách giải thích khác nhau, nhưng nó đã được nhìn nhận như một khuynh hướng văn học với những nét đặc thù. Trong những năm cuối thế kỉ XX đầu thế kỉ XXI, yếu tố hậu hiện đại đã để lại dấu ấn trong tiểu thuyết Việt Nam...
  • Tiểu thuyết Việt bế tắc?

    27/07/2010Tiểu QuyênVăn học nói chung đã trầm lắng thì tiểu thuyết nói riêng lại càng im ắng hơn khi càng lúc văn đàn càng hiếm những tác phẩm tạo dấu ấn đặc biệt. Tiểu thuyết thời hiện đại đã không thể nào làm nên những thành quả lớn lao như các thế hệ nhà văn trước đã làm...
  • Nhà ký hiệu học Umberto Eco và tiểu thuyết

    16/10/2009Huyền Sâm-Ngọc AnhTên của đoá hồng là sự hội tụ nhiều tư tưởng triết học lớn của nhân loại. Trong đó, triết lý sâu xa nhất mà cuốn tiểu thuyết mang lại, đó là: Chân lý không phải là cái gì sẵn có, vĩnh cửu, mà chính con người là chủ thể làm nên chân lý. Con người, vì vậy cần phải biết “cười vào chân lý”...
  • Xứ Cát - tiểu thuyết khoa học giả tưởng lớn của thời đại

    15/06/2009Trần Tiễn Cao ĐăngThể loại khoa học giả tưởng vẫn thường bị một số người trong giới học thuật - phê bình hàn lâm coi là “genre literature”, hiểu theo nghĩa nào đó là văn chương hạng hai, không đủ tư cách ngồi chung chiếu với “great literature”, văn chương “lớn” hay “nghiêm túc”. Tuy nhiên, Xứ Cát của Franklin Patrick Herbert đích thực là một tác phẩm kinh điển của văn chương khoa học giả tưởng, và, về thực chất, là một cuốn sách kinh điển của văn chương.
  • 400 năm Đôn Kihôtê: Cuốn tiểu thuyết hay nhất mọi thời đại

    17/08/2005Tại nhiều cuộc bình chọn văn học cho đến nay, Đôn Kihôtê (Don Quixote) đã được chọn là "tiểu thuyết số 1 thế giới", "tiểu thuyết hay nhất mọi thời đại"... Nó cũng là một trong những cuốn sách được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất và được tái bản nhiều nhất trong lịch sử nhân loại, chỉ sau Kinh thánh...
  • xem toàn bộ