Bản chất hiện tượng phân thân qua lên đồng

Viện Vật lý Y Sinh học - Trung tâm Khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự - Bộ Quốc phòng
12:53 CH @ Thứ Tư - 28 Tháng Ba, 2018

Giới đồng cốt thường tuyên bố họ lên đồng là để tiếp xúc với “người cõi âm”, nói chuyện với người chết, giúp người sống tìm gặp “vong” người thân đã mất... Và sự phân thân của cô đồng (đóng vai một người hoàn toàn khác: tên tuổi khác, giới tính khác, gia cảnh khác, phương ngữ khác...) thường được coi là dấu hiệu “ma nhập”, khi “hồn” của người chết nhập vào cô. Dưới ánh sáng khoa học, cụ thể là môn tâm lý và tâm thần học, sự phân thân qua lên đồng chỉ được giải thích đơn giản bằng các rối loạn tâm thần nhân cách phân ly hay đa nhân cách.


Phân ly nhân cách là hiện tượng đóng vai người khác, thường hay gặp ở người lúc nhỏ bị ngược đãi. Thực ra đó là một cơ chế bảo vệ, khi người ta tìm cách thoát ly về mặt tinh thần ra khỏi một thực trạng khó khăn. Chẳng hạn một phụ nữ Mỹ khăng khăng khẳng định mình là Đức đồng trinh, mà nguyên nhân chỉ là vì người chồng mới đi xa về nên hoạt động tính dục hơi thái quá. Còn theo GS tâm lý Robert Baker tại ĐH Kentucky, cô đồng J.Z. Knight nổi tiếng nước Mỹ những năm 1980 - 1990 từng nhập vai một người da đỏ tên là Ramtha sống từ 35 ngàn năm trước! Nói chung, đó là những trường hợp đóng vai một cách vô thức. Còn trong trường hợp cô Năm thì không hoàn toàn như vậy, vì cô luôn “hiệu chỉnh” cách phát ngôn sao cho đẹp lòng người!

Cách ứng xử

Muốn hiểu bản chất của quá trình tìm mộ, cần lý giải cách ứng xử của “đức ông” khi giải quyết những trường hợp cụ thể. Và với cái nhìn mang tính phê phán khoa học, có thể tìm ra sự thật ẩn giấu dưới bức màn thần bí.

* Trường hợp 1: Anh thanh niên tìm được mộ cha khá dễ dàng vì anh khai rõ là cha anh hy sinh trong một trận đánh cụ thể. Tất cả hài cốt liệt sĩ trong trận đó đều đã được quy tập về một nghĩa trang liệt sĩ. Chắc chắn chị Năm đã biết điều đó. Và có thể chị cũng đã đến thăm nghĩa trang. Tại đó, sơ đồ và đặc điểm một số ngôi mộ đã được ghi nhớ một cách vô thức vào trí nhớ của chị. Đó là hiện tượng ký ức ẩn giấu rất quen thuộc với giới tâm lý học. Trong hiện tượng đó, ta nhìn thấy, nghe được, đọc ra, thu nhận một số thông tin mà không biết là ta đã biết chúng. Vì ta không biết nên chúng ẩn giấu trong vô thức (hoặc vì ẩn giấu nên ta không biết). Khi chúng bất chợt hiện ra ở ý thức, ta rất ngạc nhiên không hiểu từ đâu và vì sao ta lại biết chúng.


Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng đang tìm mộ liệt sĩ bên hồ Đắk Lốp (Ảnh: Caxahoc.vn)

Cần nhấn mạnh thêm rằng, trong lĩnh vực dị thường, rất nhiều hiện tượng lạ có thể giải thích bằng hiện tượng này. Chẳng hạn một nhóm du khảo dừng chân nghỉ trưa tại một gốc cây to. Bỗng trong đầu người trưởng nhóm vang lên mệnh lệnh: Hãy đi chỗ khác ngay! Mệnh lệnh cứ lặp đi lặp lại mãi cho đến khi cả nhóm vội vàng rời khỏi gốc cây. Giây lát sau, một cành cây to rơi xuống. Tai họa chắc chắn xảy ra nếu nhóm trưởng không tuân theo mệnh lệnh “siêu hình”. Đó là sự tiên tri hay thần linh mách bảo? Câu trả lời là ký ức ẩn giấu. Vừa dừng chân nghỉ, nhóm trưởng vô tình nhìn thấy cành cây trên cao đang lắc lư (cảm nhận một cách vô thức). Cần lưu ý là trường nhìn của chúng ta khá rộng, nhưng về mặt ý thức, ta chỉ cảm nhận được những gì ta chăm chú nhìn thôi; phần còn lại thuộc về vô thức. Và chính vô thức người trưởng nhóm đã cứu nhóm du khảo.

Ở đây cũng vậy, khi được yêu cầu, chị Năm qua “đức ông” vô hình, đã tùy tiện gán một ngôi mộ cho anh thanh niên, với niềm tin tưởng rằng, hành động đó sẽ được hoan nghênh từ nhiều phía. Có ai đi tìm mộ mà lại hy vọng không tìm được mộ!

* Trường hợp 2: Đây là trường hợp khá điển hình minh họa cho thủ thuật quen thuộc của giới đồng cốt: tìm mọi cách đánh vào tình cảm con người. Khi tình cảm dâng cao thì lý trí xuống thấp; và người ta dễ dàng chấp nhận mọi phán quyết của cô đồng. Khi chị phụ nữ nức nở vì thấy “ông” bảo hồn cha chị đang khóc lóc thảm thiết, nói gì mà chị chẳng tin! Thông tin về “mấy cái cúc áo” thì là kết quả của kinh nghiệm, vì áo trấn thủ thời chống Pháp rất bền.

Khi người viết kể với một phóng viên báo An ninh thế giới, anh liền cho biết, nói hài cốt nằm dưới chân móng hội trường tỉnh ủy Bình Thuận là không đúng vì tòa nhà này có từ thời Pháp thuộc. Còn việc mang bát hương tới đón “hồn” về thờ hoàn toàn thuộc về tín ngưỡng, nên khoa học không cần phải giải thích.

* Trường hợp 3: Trường hợp này là minh họa rõ ràng cho một thủ thuật khác của giới lên đồng: nói dựa theo phản ứng của người cầu hồn trước những lời thăm dò nước đôi mà cô đồng khéo léo đưa ra đúng lúc. Câu nói của “ông”: “Ngày xưa đó là rừng, nhưng bây giờ thì khác nhiều rồi” là mồi câu. Người tìm mộ đã mắc câu khi mách: “Bây giờ là ruộng sắn”. Và “ông” chỉ việc phán: “Thì ông cũng bảo thế” là ung dung giật được con cá mong ước: sự thán phục và tin tưởng của mọi người. Sau đó “ông” nói gì người ta cũng tin!

Rồi những lời phán của “ông”, rằng cứ phải đào tìm hài cốt, chỗ này không thấy thì đào chỗ khác, không đào thì thấy làm sao được (!) là những điều quá hiển nhiên, theo kiểu “mẹ cô đàn bà, cha cô đàn ông”, ấy vậy mà chẳng ai phản đối cả. Tôi thấy chị phụ nữ cũng thất vọng, nhưng chị tế nhị không nói ra. Trường hợp này còn thú vị ở chỗ, vừa vào là “ông” trách ngay: “Hồn anh cô trách cô sao bây giờ mới đi tìm”. Chị phụ nữ phản ứng: “Vì gặp nhiều khó khăn nên nay mới đi tìm được, sao không thông cảm mà lại trách”. Thế là “ông” vội hòa giải: “Người ta đã hy sinh vì dân vì nước, nay trách móc chút ít cũng được chứ sao”. Sao mà “ông” khéo thế!

Thế hóa ra cô Năm không có một chút công trạng gì hay sao? Có lẽ không phải như vậy, vì theo lời đồn thì hình như cô có khả năng cảm xạ.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Các hiện tượng dị thường là gì?

    28/01/2014Đại tá, nhà nghiên cứu Đỗ Kiên CườngCác hiện tượng dị thường hay các hiện tượng lạ là tập hợp nhiều hiện tượng phức tạp, từ các chủ đề tín ngưỡng - tôn giáo (như thần thánh, ma quỉ, thiên đường, địa ngục…) cho tới các lý thuyết khoa học mới mà ban đầu người ta chưa hiểu nên bị xem là dị thường. Xin giới hạn chủ đề trong phạm vi đối tượng nghiên cứu của một ngành khoa học đang gây tranh cãi là cận (hay ngoại) tâm lý (parapsychology)...
  • Giải mã các hiện tượng dị thường

    19/12/2008Đại tá, nhà nghiên cứu Đỗ Kiên CườngChúngta.com đăng lại loạt bài viết "Giải mã các hiện tượng dị thường" đã đăng trên báo Thể thao & Văn hóa rất bổ ích và có giá trị nhận thức cao về những hiện tượng ở ranh giới nhận thức của loài người...