Tu bụi

04:14 CH @ Thứ Bảy - 05 Tháng Tư, 2008

Từ trước đến nay, nói đến tôn giáo, người ta thường nghĩ tới sự thành kính tôn sùng một hình tượng nào đó. Có thể là một đức Phật, một đức Chúa hay một đức Thánh.

Thế nhưng trên thực tế tôn giáo không chỉ để tôn thờ hay sùng bái một hình tượng nào mà tiềm ẩn đằng sau là những triết lý của cuộc sống và cách để con người giải thoát mình khỏi những bất hạnh tinh thần. Cuốn tiểu thuyết "Tu bụi" của tác giả Trần Kiêm Đoàn là một sự diễn giải giáo lý nhà Phật gắn liền với thực tại của cuộc sống xung quanh.

Tu giữa đời thường, sen trong lửa
Tu bụi là tu giữa bụi trần.

Những lời mở của cuốn sách đã phần nào hé mở nội dung triết học và đạo học mà tiểu thuyết Tu Bụi đã khắc họa một cách vô cùng sinh động. Có lẽ đã rất lâu rồi mới lại có một cuốn sách cùng một lúc đạt đến nhiều tiêu chí như "Tu Bụi". Đây là một cuốn tiểu thuyết lịch sử truyền tải nhiều nội dung phật giáo đồng thời lại phân tích và lý giải rất sâu sắc những triết lý sống mà đạo phật hướng vào.

Lấy bối cảnh lịch sử là đời vua Gia Long và nhân vật chính là Hoàng thân Trí Hải. Tiểu thuyết Tu Bụi đã xây dựng một hình tượng Trí Hải có kiến thức uyên thâm. Thế nhưng hàng chục năm đọc và tìm tòi trong sách vở ông vẫn không tìm ra cách để trở nên hạnh phúc về mặt tinh thần. Trí Hải tìm đến tu sỹ phái Trúc Lâm và được khuyên rằng phải tìm triết lý trong cuộc sống. Trí Hải chấp nhận từ bỏ tất cả bổng lộc, tước hiệu và danh vọng của một đấng hoàng thân để dấn thân vào cuộc sống trở thành một còn người bình dị dân dã nhưng như thế vẫn là chưa đủ để ông tìm được cách thức tu hành.

Sự giải thoát tinh thần của Trí Hải chỉ đến nhiều năm sau đó thông qua việc Tu giữa bụi trần. Trí Hải đã phải trải qua cả một hành trình dài mà để sống và suy nghĩ và ngộ ra rằng: Tu bụi có ba cấp độ. Biết rõ vấn đề như một khổ nạn tất yếu của cuộc sống; hiểu rõ và chấp nhận sống thật với vấn đề. Còn cấp độ thứ 3 và cũng là cách để hóa giải khổ nạn. Đó là sử dụng toàn tâm toàn trí để chuyển hóa khổ nạn từ tình trạng bị dính mắc và trói buộc đến tình trạng buông xả và tự do trong tình thần từ bi, trí tuệ của Phật giáo.

Có nghĩa là nếu như vật chất và tham vọng là cội nguồn đau khổ thì việc"Tu hành" cũng đồng nghĩa với cởi bỏ những cám dỗ vật chất và tham vọng của bản ngã. Tác giả Trần Kiêm Đoàn đưa ra một hình ảnh ẩn dụ: tâm hồn của con người như một tấm gương sáng do tiếp xúc với cuộc đời mà dính phải bụi trần. Nếu dùng tay phủi hay dùng chổi quét thì càng lau bụi sẽ càng bám. Để tẩy sạch bụi cần phải ngộ ra bản chất này và chuyển hóa tâm hồn thành một tấm gương mà bụi trần không bám được.

Tác giả Trần Kiêm Đoàn không phải là một nhà văn chuyên nghiệp. Ông là thày giáo môn tâm lý Trị liệu tại một trường Đại học tại Mỹ. Thật sự thì đây là điều khó mà hình dung được nếu nhìn vào cách hành văn trôi chảy, giàu vần điệu và cách giải thích triết học bóng bảy nhiều ẩn dụ của tác giả.

"Tu Bụi" không phải là một tác phẩm biên khảo lịch sử đúng nghĩa. Các nhân vật chỉ là hư cấu nhưng lại có những giá trị khắc họa những nét chính của một giai đoạn vương triều Gia Long.

"Tu Bụi" giải thích nhiều triết lý sâu xa. Nhiều lý luận khá phức tạp nhưng được lồng trong một cốt truyện tiểu thuyết với tình tiết, câu chuyện, sự kiện hấp dẫn. Một cuốn tiều thuyết khá khó đọc nhưng đáng để đọc.

Anh Ngọc (VTV)


Tu Bụi
Tiếng vỗ một bàn tay

Ta thường nói “cơm bụi”, “đi bụi”... Nhưng giờ đây Trần Kiêm Đoàn đưa ra một khái niệm mới: tu bụi!

Tu là tìm đường thoát tục, là hướng về vĩnh cửu. Nhưng ở đây tu là lấm láp gian nan để gánh lấy cõi đời phiền tạp trong đó mình đang sống.

Tu bụi, tức là tu giữa bụi trần. Một câu chuyện thiền được xây dựng trong khung cảnh cổ xưa của một thời trong lịch sử triều đình Huế. Hoàng thân Trí Hải, người đã từng tháp tùng hoàng tử Cảnh sang Pháp xin viện binh khi vua Gia Long còn nương náu ở Bangkok, nay trở thành nhà quí tộc tao nhã phong lưu nhất của kinh thành Huế. Những suy nghĩ, chiêm nghiệm về thời cuộc, những phân biệt chân giả ở đời đã khiến chàng phải đối diện với những sự thật sâu thẳm, nhưng có lẽ chủ trương “tu bụi” đã không đến với chàng nếu không có tiếng gõ cửa thôi thúc từ một mối tình...

Một phụ nữ đẹp, tài hoa, lại rất giỏi làm kinh tế; một nữ doanh nhân cưỡi thương thuyền đi Singapore, Thái Lan, Trung Quốc để tự lập cho mình một sự nghiệp riêng dù bản thân đã ở địa vị phu nhân quan chánh chưởng, có thể an nhàn hưởng phú quí trong dinh thự xa hoa...

Một thiếu phụ Việt Nam thế kỷ 19 có dám mặc áo đầm phương Tây, có dám sống trọn tính cách của mình như nàng Ba Gấm chăng? Con người Việt Nam thế kỷ 19 có thể có tầm nghĩ như Trí Hải chăng ? Trần Kiêm Đoàn dám xây dựng những nhân vật như thế, vì với anh con người Việt Nam trong lịch sử thời ấy hoàn toàn có khả năng đạt được những điều như vậy...

Nói chuyện tu hành nhưng trong tác phẩm này Trần Kiêm Đoàn không chủ trương đi quá sâu vào những khúc mắc tâm linh. Anh xây dựng tác phẩm bằng cách đặt mỗi nhân vật của mình trước một hành trình riêng, từ đó làm hiện rõ những mâu thuẫn tiềm tàng trong sự tồn tại của từng thân mệnh. Đi tận cùng số phận của những nhân vật này mới thấy đường tu là đường đến với cuộc đời, một cuộc đời đa đoan, phiền tạp, nhiều oan trái nhưng cũng hết sức thân thương. Vì vậy tu không phải là trốn tránh cõi người mà là mở lòng ra cưu mang nó, ôm ấp nâng đỡ nó, là viên thành cái Phật tính tiềm tàng nơi mỗi trái tim người.

Người đọc đã quen với cách viết trong các tập ký của Trần Kiêm Đoàn trước đây như Chuyên khảo về Huế, Con yêu bánh nậm va Từ ngõ Huế xưa sẽ phần nào bỡ ngỡ khi đi vào thế giới truyện của Trần Kiêm Đoàn, nơi đây tác giả đã thay đổi cách viết với quyết tâm thử nghiệm một con đường mới trong cả thể loại, bút pháp và ý tưởng. Cũng là xứ Huế với ký ức thăm thẳm và một cái nhìn soi dõi vào quá khứ, nhưng ở những tập ký trước đây là một giọng trữ tình hoài cảm chen lẫn nụ cười trào lộng dí dỏm, còn với tập truyện này là những chiêm nghiệm lắng sâu về con đường đi tới miền an trú cho mỗi tâm hồn.

Tu bụi vì thế chính là công án thiền của một Trần Kiêm Đoàn trăn trở và tìm kiếm trong hành trình sống, trải nghiệm và nhận thức về chính tâm hồn mình. Với hơn 600 trang in, Tu bụi đến với chúng ta với rất nhiều âm vọng từ một khởi động tâm linh mà tác giả cho ta thấy qua hình tượng Tiếng vỗ một bàn tay:

Vỗ với quá khứ nghe buồn vì ngày qua đã mất;
Vỗ với tương lai bỗng nhạt vì hoài niệm trống không;
Vỗ với hiện tại mới nghe tiếng vọng của trái tim mình và tiếng đập của đôi cánh bướm...

Trần Thùy Mai (Theo Tuổi trẻ)

Lời mở

Tu Bụi Là Tu Giữa Bụi Trần


Tu giữa đời thường, sen trong lửa,
“Tu bụi” là tu giữa bụi trần.

Xin được viết đôi dòng cảm nghĩ của mình về tác phẩm Tu Bụi của tác giả Trần Kiêm Đoàn.

Số là rất tình cờ, tôi và anh Đoàn cùng dạy lớp mùa Hè ở trường Pacific Lutheran University tại Olympia, Washington State, tháng 6 năm 2001. Hai chúng tôi được xếp chung hai phòng sát nhau trong cư xá giáo sư trường đại học PLU và cũng là hai người Việt duy nhất ở đây. Anh Đoàn dạy môn Psychotherapy (Tâm Lý Trị Liệu) và tôi dạy môn Physiotherapy (Thể Lý Trị Liệu) nên có dịp làm việc chung trong khóa học. Tôi ham thể thao, anh Đoàn ham viết lách, nhưng trời Olympia mưa nhiều hơn nắng, nên tôi thường bị bó chân trong cư xá sau giờ dạy. Ở nhà nhiều, tôi đâm ra tò mò vì thấy ngày nào, đêm nào, ngoài giờ lên lớp, người ở phòng bên cạnh cũng say sưa gõ máy.

Hỏi ra, mới biết anh Trần Kim Đoàn đang viết một cuốn truyện dài bằng tiếng Việt. Sống xa quê hương từ năm 1965, tiếng Việt đối với tôi là một “linh tự” vì đó là tiếng nói yêu thương của ngày xưa Quê Mẹ. Đến khi đi mòn chân, gần khắp hết các nẻo đường xứ người, tôi mới hiểu và cảm thấy yêu một nhân vật trong sách Giáo Khoa thuở nhỏ tôi học, khi ông ta đi khắp bốn phương và trở lại làng cũ nói rằng: “Không nơi nào đẹp bằng quê hương ta!”. Đẹp, vì đó là nơi mẹ tôi đã sinh tôi ra và tập cho tôi tiếng nói đầu đời bằng tiếng ru của Mẹ. Tôi yêu Quê Hương, yêu Mẹ nên yêu Tiếng Nói của Mẹ mình.

Học tiếng người, nói tiếng người, viết tiếng người, dạy tiếng người, nên tôi thèm tiếng Mẹ. Tôi đã năn nỉ với anh Đoàn cho tôi đọc những trang tiếng Việt mà anh đang viết. Lúc đó, tuy anh mới viết ba chương bản thảo trong số vài ba chục chương dự định cho tập sách, nhưng cũng đồng ý cho tôi xem. Tập sách tương lai chưa có tên. Tác giả chỉ cho biết đơn sơ rằng, anh muốn đem tinh thần hóa giải của Phật giáo để giải quyết những vấn đề khúc mắc trong tâm lý nhân vật của cuốn truyện.

Khi tôi hỏi về nhan đề cuốn sách, anh Đoàn đưa ra nhiều tên mà anh đang nghĩ đến để hỏi ý tôi. Trong số những tên làm tôi chú ý, có tên “Tu Giữa Bụi Trần”. Tôi liền đề nghị với tác giả rút gọn bốn chữ thành hai chữ là… Tu Bụi! Vốn là nhà giáo và cựu huynh trưởng Gia Đình Phật Tử Việt Nam, anh Đoàn hơi giật mình vì cụm từ “tu bụi” nghe có vẻ “phiêu bạt giang hồ” quá. Nhưng tôi đã cố thuyết phục và đã được tác giả chấp nhận. Tôi đã đưa ra ý kiến rằng: Về nội dung, “Tu Bụi” mang một hình tượng dấn thân của kẻ hành đạo giữa thế giới Ta Bà; về hình thức, “Tu Bụi” có một độ bám đặc biệt, khó chìm trong một thế giới đầy chữ nghĩa và danh từ hoa mỹ. Nó níu được sự tò mò và chú ý của người đọc. Nếu so với những tên khác nghe có vẻ thuần thành, văn vẻ hơn nhưng lại trơn tuột, đọc xong sẽ quên ngay.

Thế là khái niệm “tu bụi” ra đời như một cái duyên vừa thuận vừa nghịch. Thuận, vì nói lên được tinh thần nhập thế của sự tu hành; đồng thời, nắm bắt được sự tò mò chú ý và quan tâm của người đọc. Nhưng nghịch, vì hình tượng chữ nghĩa quá mới mẻ và đầy tính phiêu lãng, chưa hề có ai dùng.

Chờ mãi cho đến bốn năm sau tôi mới được đọc chương cuối cùng của Tu Bụi.

Tôi rời xứ Việt và nhập vào dòng Phật giáo SriLanka đã hơn 40 năm nay. Tôi thuộc Đạo Tràng Tân Tích Lan Thiền Tông (New Theravada Sangha of Ceylon). Đây là một đạo tràng chủ trương đổi mới, tu và tìm sự giải thoát ngay giữa cuộc đời này.

Đọc Tu Bụi của tác giả Trần Kiêm Đoàn, tôi có cảm tưởng như nhìn thấy một mảnh bóng dáng của chính mình qua nhân vật chính là Trí Hải. Đời Trí Hải có nhiều biến cố. Từ vị trí của một vị hoàng thân, được tiên vương Gia Long tin tưởng, nhưng lại bị tân vương Minh Mạng nghi ngờ, nhân vật Trí Hải từ địa vị cao sang, bước vào cuộc đời gió bụi. Ông ta cũng có khi bị trôi nổi, vùi dập trong từng chặng đời khi lên, khi xuống qua hoàn cảnh sống và qua suy tư của riêng ông. Gặp những lúc khó khăn và khúc mắc nhất trong cuộc sống, Trí Hải phải dựa vào tinh thần hóa giải của đạo Phật để tìm ra phương hướng giải quyết. Hóa giải theo tinh thần đạo Phật trong Tu Bụi có ba cấp độ: Biết rõ vấn đề như một khổ nạn tất yếu của cuộc sống; hiểu rõ và dấn thân sống thật với vấn đề; và sử dụng toàn trí, toàn tâm để chuyển hóa khổ ách từ tình trạng bị dính mắc và trói buộc đến buông xả, tự do trong tinh thần từ bi và trí tuệ nhân bản đượm mùi Phật giáo. Đấy là cách giải quyết vấn đề ít thiệt thòi nhất và không gây đau khổ cho mình và cho người bởi vì cốt tủy của sự thay đổi hay “tu” là chuyển hóa thực tế chứ không tiêu diệt vấn nạn bằng danh từ suông hay bằng sự ỷ lại siêu hình, dễ dãi nào cả. Như lối thoát cho một cuộc tình đầy đam mê, thơ mộng nhưng ngang trái giữa Trí Hải và Ba Gấm không phải là một ngõ cụt của tuyệt vọng, hủy hoại mà là một sự chuyển hóa từ dục vọng tầm thường vươn lên cao thành ra lòng thương quý và sự hy sinh cao thượng cho mình và cho người. Từ gốc rễ, Trí Hải, nhân vật chính trong truyện, không phải là người theo đạo Phật, nhưng ông đã học và đã thực hành tinh thần đạo Phật qua hai nhân vật tu sĩ là sư Trúc Lâm và thầy Tiều. Tuy phương pháp tu hành khác nhau, thầy Tiều đi vào đời sống xô bồ đời thường và sư Trúc Lâm đi vào đời sống thanh tịnh ẩn dật, nhưng cả hai vị tu sĩ này đều thấy rõ được bản chất cá nhân để chọn pháp môn thích hợp cho mình và cho đời. Tôi có cảm tưởng như hai nhà sư xuất hiện giữa đời này khác nhau như Sao Hôm, Sao Mai; nhưng từ trong cội nguồn, họ là Sâm Thương, là một, là hai lữ hành cùng bước đi trên một con đường Trí Tuệ dẫn về phương giải thoát.

Về hình thức văn chương, Tu Bụi không phải là một tác phẩm tiểu thuyết (fiction) đúng nghĩa; mà cũng chẳng phải là một tác phẩm biên khảo hay lịch sử mang tính phi tiểu thuyết (non-fiction) thực sự. Nhiều đoạn văn đẹp và giàu vần điệu trôi chảy như thơ. Nhiều đoạn văn lý luận mang tính triết học và phân tích tâm lý rất sâu và trừu tượng. Cũng có những đoạn văn trình bầy sự kiện lịch sử, dữ kiện xã hội và khoa học có thật để làm bối cảnh cho dòng tưởng tượng trôi chảy. Nhưng thật ra, chất liệu “lịch sử” trong Tu Bụi thường chỉ là một cái cớ được dựng lên bằng dữ kiện trộn lẫn với tưởng tượng và sự sáng tạo đầy tính nghệ sĩ và phóng khoáng của tác giả. Bởi thế, nếu đi tìm lịch sử trong Tu Bụi thì phải tìm bằng tiếng hát tuyệt vời của chàng Trương Chi tưởng tượng bên cạnh Mỵ Nương là nàng công chúa yêu kiều đâu đó trong lịch sử.

Theo tôi, đây là một tác phẩm mang đạm nét tinh thần đạo Phật, lý giải được một số tín điều cũng như quan niệm triết học vẫn còn nằm sâu trong góc khuất tư tưởng. Với cảm nhận nghệ thuật riêng, tôi nhận định rằng, Tu Bụi vừa lôi cuốn, vừa kéo, vừa đẹp về cả ba phương diện: Văn học, triết học và đạo học. Đây là một đạo Phật gần với triết lý sống thật giữa đời hơn là chìm sâu trong thế giới tâm linh thuần tôn giáo.

Tuy nhiên, điểm nổi bật hơn cả là cái Tâm của người viết. Đấy là tấm lòng hướng đến điều thiện. Tác giả Trần Kiêm Đoàn đã dùng một lối hành văn trôi chảy, uyển chuyển, giàu hình tượng và ví von, đầy cảm xúc. Ngay cả trong lý luận thì hình ảnh và cảm tính nghệ thuật cũng đã được vận dụng một cách tài hoa. Lắm lúc, sự lãng mạn tràn trề hay phẫn nộ bùng vỡ, nhưng vẫn giữ được vẻ tròn trịa, quý phái và cổ kính trong ý, trong từ và trong điệu văn.

Trong một e-mail từ Colombo gửi cho anh Trần Kiêm Đoàn nhân dịp Tết Bính Tuất năm nay, tôi có đùa rằng: “Nếu khi đọc Tu Bụi xong mà người ta nôn nóng muốn thử “tu bụi” như thế nào và muốn gặp một “thiền sư tu bụi” coi thử ra sao… thì tác phẩm mới được xem là thành công. Và biết đâu rồi sẽ có một dòng… Tu Bụi ra đời về sau này”.

Có muôn vàn thứ bụi và lớp bụi trong Tu Bụi của tác giả Trần Kiêm Đoàn: Bụi đời, bụi tham, bụi danh, bụi tình, bụi nghĩa… cấu kết thành bụi vong tình. Mỗi thứ bụi đều khoác bằng những lớp áo nhiều vẻ, nhiều màu đầy cuốn hút.

Gần một nghìn năm trước, năm 1096, trong lễ trai tăng của hoàng thái hậu Phù Cảm Linh Nhân ở Giao Châu, thiền sư Trí Không đã nói đến ý nghĩa tu và giác ngộ rằng: “Tất cả mọi sinh linh đều có bản tính giác ngộ, chỉ vì bụi vong tình che lấp, trôi theo nghiệp báo mà lưu lạc mãi trong vòng ngũ thú. Phủi được hàng hàng lớp lớp bụi vong tình ấy thì chân tâm hiển hiện, Phật tính tỏ bày”.

Nếu chỉ phủi bụi bằng đôi tay và cây chổi của đời thường thì chỉ làm cho những lớp bụi có cớ dày thêm. Bụi đời chỉ có thể rửa sạch bằng đôi mắt thương (từ nhãn) và bằng tấm lòng trung chính (chân tâm), Tác phẩm Tu Bụi đã thành công trong việc gợi ý “quét bụi trần gian” qua nghệ thuật kết cấu mang tính biểu tượng (symbolism) và tâm lý nhân vật được xây dựng mang tính cường điệu sáng tạo (creative exaggeration) gây ấn tượng sâu và đậm cho người đọc.

Tu bụi để phủi được lớp bụi vong tình.
Trong dòng suối cũ tâm linh, có một con nước, rất mới.

Mahinda Phúc Nguyễn
Colombo, Tích Lan - mùa Xuân 2006

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Một số lời nói hay của nhà Phật

    13/06/2018DQA (Sưu tầm)Kẻ thù lớn nhất trong cuộc đời là chính mình. Câu nói này rất quan trọng. Trong cuộc đời chúng ta thường có một số kẻ thù, như bọn lưu manh, vô lại, kẻ tiểu nhân... Bọn cầm thú mặc quần áo người đó vô cùng tàn ác, nhưng nếu nhìn thấu, thì bọn chúng cũng chỉ là lớp cặn bã...
  • Sống thời đại và tinh thần đức Phật

    15/10/2014BS Bùi Mộng HùngChính vào những giai đoạn xáo trộn biến động như hiện nay, con người phân vân trước cuộc sống bao nhiêu thì nhu cầu xét lại gốc rễ nguồn căn làm cơ sở cho hành vi ứng xử của mình, của xã hội lại càng bức thiết bấy nhiêu...
  • Tạ Thị Ngọc Thảo và triết lý của doanh nhân Phật tử

    03/04/2008Tiếp tục những trăn trở của một người đi trước dành cho giới trẻ, chị Tạ Thị Ngọc Thảo chia sẻ với bạn đọc một cách sống và làm việc theo triết lý nhà Phật trong thời đại cạnh tranh ý tưởng...
  • Đọc “Dòng đời”

    18/12/2006Cao Huy ThuầnLần đầu tiên, văn học Việt Nam có một tiểu thuyết đồ sộ, dựng lên cả một xã hội ba mươi năm hậu chiến với đủ khía cạnh văn hóa, chính trị, kinh tế, đưa ra những bộ mặt tiêu biểu của đủ giai tầng xã hội mới cũ, vẽ lên một bức tranh hoạt họa linh động, bi hài. Phải vừa là chuyên gia, vừa là nhà văn mới viết được một truyện dài như thế, lý sự thâm hậu xen kẽ với tình tiết tài hoa...
  • Dòng đời – Dòng tâm huyết

    18/12/2006Đông LaDòng đờilà tác phẩm có tính sử thi, nhưng không thuần sử, nghĩa là tác giả không chỉ liệt kê và mô tả những sự kiện xảy ra trên đất nước mà chủ yếu ông tái hiện cái hành trình gian khó của sự nảy sinh, sự đơm hoa kết trái, những bài toán và lời giải còn ở phía trước của công cuộc đổi mới. Về nghệ thuật, Nguyễn Trung lựa chọn bút pháp hiện thực rất giản dị, rất trong sáng...
  • Đọc tiểu thuyết "Dòng đời"

    07/12/2006Phan Đình DiệuTác giả đã tỏ ra rất chắc tay khi không e ngại đi sâu vào những khía cạnh tế nhị, chứa nhiều uẩn khúc tâm lý hoặc nhiều khác biệt chính kiến để đưa ra được một cách trung thực và thẳng thắn - dù vẫn không xa rời hình thức văn học của một cuốn tiểu thuyết - những vấn đề vừa cấp thiết, vừa nóng bỏng đặt ra cho sự phát triển của đất nước ta trong một thời kỳ dài từ quá khứ vừa đi qua cho đến hiện tại hôm nay...
  • Thiền phật giáo nguyên lý và một số phạm trù cơ bản

    23/12/2005TS. Hoàng Thị ThơPhân tích quan niệm của Thiền Phật giáo về quá trình nhận thức, và cùng với nó là quá trình giải thoát, tác giả muốn chỉ ra thế mạnh cũng như hạn chế của những quá trình mang tính hướng nội và cá thể này. Vì vậy, có thể lý giải được sự lan toả đang rất thành công của Thiền Phật giáo trên thế giới hiện nay...
  • xem toàn bộ