Luật đời và Cha con

09:53 CH @ Thứ Hai - 20 Tháng Sáu, 2011

Luật Đời và Cha Con là một cuốn tiểu thuyết tình ái - chính trị gai góc và sinh động, một bước cố gắng thể hiện những vấn đề của cuộc sống và con người hiện đại ở góc nhìn mới mang tính luận đề, một cái nhìn trực diện về những diễn biến theo hướng suy đồi của xã hội hôm nay và chia sẻ những khó khăn của những người lãnh đạo có tầm nhìn mới, bản lĩnh mới và năng lực mới.

Chuyện cha con trong một gia đình nhưng là chuyện của cả xã hội. Câu chuyện kể về ba thế hệ gia đình ông Lê Hòe trong cả một thời kì dài. Ông Lê Hòe từ bàng hoàng đã đi đến nhận thức được vấn đề để thích nghi với cuộc sống khi thời cuộc chuyển đổi. Lê Đại – con trai ông thích ứng nhanh hơn với thời cuộc và dám làm dám chịu. Cháu ông, Lê Cường đã có nhiều vấp váp khi tuổi trẻ, nhưng biết đứng dậy đi tiếp....Gia đình là cái khung truyện và chuyện thay đổi cơ chế là nội dung chính. Qua bức tranh xã hội, tác giả cảnh báo, gợi ý ứng xử đối với những vấn đề trong đời sống, những ứng xử giữa người với người nhằm thúc đẩy xã hội phát triển. Tiểu thuyết "Luật đời và cha con" (Nguyễn Bắc Sơn) đã được chuyển thể thành phim “Luật đời”, đạt giải nhất thể loại phim truyền hình nhiều tập năm 2007, do khán giả bình chọn. Trong thời buổi sách báo ngồn ngộn này thì đây là một cuốn sách đáng để chúng ta đọc và suy ngẫm.

“…Dù biết mỗi phút giây lúc này là cấp thiết vô cùng, nhưng người lái xe cũng không thể nào nhấn thêm ga được. Con đường đất đồi không cho anh đi nổi 30 km giờ. Chiếc xe Lada cứ rung bần bật như sắp long ra từng mảng. Ông Hoè trân trân nhìn đoạn đường trước mặt. Mình không can thiệp để nó vẫn sang làm lính thể thao là đúng hay sai. Ông chỉ nghĩ đơn giản, ở đơn vị chiến đấu thì vất vả hơn, mọi chế độ đều không thể bằng bên thể thao được. Chỉ có việc ăn và tập, vừa khoẻ người, vừa lấy thành tích cho đơn vị. Và dù thế nào cũng phải nói, hệ số an toàn ở bên nào cao hơn hẳn bên kia chứ. Có ai ngờ được tình huống này? Không biết tình trạng con mình ra sao. Nội dung bức điện: "Đến ngay, Lê Hồi gặp nạn", không nói được mức độ nguy hiểm. Không biết con ông có mệnh hệ gì không? Chiếc xe đỗ xịch ngay trước trạm quân y hội thao. Một đám bụi đỏ trùm lên chiếc xe mầu trắng, mãi không tan. Ông bước vội vào. Con ông nằm đấy, mắt nhắm nghiền. Vầng trán trên gương mặt vuông vức nhăn lại như muốn hỏi, vì sao lại thế này? Ông cầm tay con đã lạnh ngắt. "Bố đây Hồi ơi!" Hình như chỉ chờ đến lúc này, anh cố mở mắt, nhìn bố lần cuối cùng rồi vĩnh viễn khép lại. Không nhắn gửi, không níu kéo, không yêu thương. Đôi mắt ấy như ai oán. Hai tay ông ôm hai bên má con, cái má thẳng của khuôn mặt vuông vức, đuôi lông mày rậm cũng xếch ngược lên như lông mày ông. Ông cúi xuống, áp mặt mình vào mặt con. Nước mắt ông trôi tuột trên gò má con trai phủ một lớp lông tơ mịn màng…”


Luật đời và cha con, những hệ lụy nhân sinh...

Đặng Văn Sinh

Ngay sau khi "Luật đời và cha con" được phát hành , tuần báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức hội thảo. Đây là việc làm phải nói là khá khôn ngoan nhằm định hướng dư luận để tránh búa rìu từ những cơ quan quyền lực rất có thể giáng xuống đầu tác giả và nhà xuất bản. Có lẽ vì thế nên hầu hết các tham luận chỉ dừng lại ở một vài hiện tượng tiêu cực, cán bộ tham nhũng, suy thoái đạo đức, nhân cách, dẫn đến gia đình đổ vỡ...mà không dám đi sâu vào bản chất vấn đề tác giả đặt ra vốn là nguyên nhân chính dẫn đến màn bi hài kịch gia đình Lê Hòe.

Tuy vậy cũng cần phải nói thẳng, văn của "Luật đời và cha con" không mới, thậm chí rất cũ. Đó là loại văn thông tấn nặng về kể lể, in đậm dấu ấn "quốc doanh" mà đặc điểm của nó là dài dòng, lôi thôi, ít hình ảnh, luôn gây phản cảm với người đọc. Sở dĩ tác phẩm tạo được ấn tượng với công chúng là bởi tác giả tìm đến đúng tâm điểm của căn bệnh, dùng dao sắc rạch một nhát, phơi bày phần cơ thể đầy ung nhọt đã ăn sâu vào lục phủ ngũ tạng của nó trước bàn dân thiên hạ.

Cũng bởi cuốn sách có nhiều sự kiện với những diễn biến ly kỳ, phức tạp, đầy kịch tính nên các nhà điện ảnh đã kịp thời chuyển thể thành film đưa lên màn ảnh nhỏ chiếu rộng rãi, và "Luật đời..." trở thành bộ film dài tập ăn khách nhất trong mấy tháng cuối năm 2007.

"Luật đời và cha con" là bộ tiểu thuyết được dàn dựng khá công phu với hàng loạt nhân vật thời hiện đại, hầu hết là công chức trong bộ máy công quyền, tất cả đều xoay quanh một nhân vật chính là Lê Hòe, chuyên viên cao cấp ngành tư tưởng. Danh xưng ấy có lẽ chỉ là một cách nói để giảm bớt tầm quan trọng chứ thật ra, chức vụ của ông Hòe chắc phải cao hơn thế. Một chuyên viên, dù là chuyên viên cao cấp cũng chỉ là kẻ thừa hành, làm sao có quền uy đến mức cả Ban Tuyên huấn thành phố cũng như các cán bộ đầu ngành đều nơm nớp lo mất chức hoặc nhẹ ra cũng là cảnh cáo ghi lý lịch đảng vì chưa kịp triển khai Nghị quyết Trung ương.

Về một mặt nào đó, có thể xem, cuộc đời hoạt động chính trị của Lê Hòe là tấm gương phản chiếu lịch sử hiện đại Việt nam ở vào thời kỳ xã hội có những biến động dữ dội mà điểm nhấn của nó là cuộc chiến tranh ý thức hệ kéo theo vô vàn bi kịch đau thương của cả một dân tộc. Có thể nói, Lê Hòe vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân của chính hệ ý thức ngoại lai và cơ chế chính trị do ông và những người cùng lý tưởng với ông tạo ra. Bước đầu , với tư cách là nạn nhân của chủ nghĩa tuyên truyền, anh bộ đội Lê Hòe bị cuốn vào cơn lốc Cải cách ruộng đất bằng thứ vũ khí đấu tranh giai cấp đẫm máu. Đây là cuộc xáo trộn xã hội trên quy mô lớn, kích động hàng chục triệu nông dân vào những trận đấu tố khủng khiếp. Nó phá tan giềng mối xã hội, làm lung lay nền tảng đạo đức được hình thành từ cả ngàn năm trước, đẩy một bộ phận không nhỏ những điền chủ ưu tú ở nông thôn thành kẻ tội đồ, đồng thời khuyến khích đại đa số bần cố nông vô học, lười biếng, đầu óc trì trệ "vùng lên", tiếp tay cho lũ cuồng tín, phá nát nền kinh tế Việt Nam tạo nên cuộc khủng hoảng toàn diện về chính trị, kinh tế và xã hội.

Từ lối tư duy cực đoan, loại bỏ lòng vị tha vốn là phẩm chất tốt đẹp của ông cha để lại, Lê Hòe nhẫn tâm ruồng rẫy vợ, bỏ rơi bà mẹ già nua và đứa con trai, ra thành phố chỉ vì cô vợ nhẹ dạ cả tin, bị bọn đội Cải cách lưu manh xui dại tố oan một ông già từng có ơn với gia đình. Vì thứ sĩ diện rởm và lý tưởng cách mạng, Lê Hòe chối bỏ những giá trị bền vững, thiêng liêng của nền văn hóa truyền thống, quyết tâm tẩy xóa hệ ý thức cũ để đến với hệ ý thức mới mặc dù chưa biết hình hài nó ra sao mà lương tâm không hề vướng bận.

Niềm tin vào thứ chân lý "duy nhất đúng" của người cựu chính trị viên đã có sẵn từ khi ông ta được đào luyện trong môi trường quân đội. Vì không được trang bị môn lịch sử tư tưởng và lịch sử triết học cổ kim của nhân loại có hệ thống nên kiến thức thu lượm sau mỗi đợt học tập của Lê Hòe là một mớ táp nham thông qua công nghệ nhồi nhét và học vẹt, để rồi sau đó, nhà tuyên huấn lại đem những thứ lý thuyết giáo điều lửng lơ đó truyền thụ cho lớp cán bộ tuyên truyền còn thấp kém và mơ hồ hơn cả ông ta. Với quy trình như vậy, Nghị quyết được mổ xẻ, xào xáo đến tận cấp cơ sở, hiệu quả ra sao không quan trọng, điều cấp trên quan tâm là anh phải ... thuộc lòng. Đối với Lê Hòe, Nghị quyết dường như đã ngấm vào máu thịt. Ông phủ định tất cả những thứ gì trái với Nghị quyết, Nghị quyết là kim chỉ nam, là ngọn đèn soi đường đi cho cả một dân tộc mà chẳng hề quan tâm đến cái "kim chỉ nam" ấy liệu có đưa dân tộc đến tương lai tươi sáng hay là vào đường hầm không lối thoát?

Quá trình nhận thức của Lê Hòe là đi từ cảm tính đến lý tính. Giai đoạn đầu mới bước vào nghề là do niềm tin ngây thơ, ấu trĩ, sau đó được trang bị vũ khí tư tưởng đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản, hệ ý thức của ông ta dần dần định hình và cuối cùng được xác lập như là một định đề bất biến. Thực ra, Lê Hòe không phải là con người phức tạp, một phần có lẽ bởi có nguồn gốc xuất thân từ thành phần bần cố nông, tầm văn hóa thấp. Ông ta trước sau cũng chỉ là kẻ thừa hành nhưng cuồng tín, luôn tôn thờ Nghị quyết và xem Nghị quyết là phương thuốc thần diệu có thể chữa được bách bệnh. Vì thế, sau này khi mà hàng loạt chủ trương, chính sách duy ý chí, trái quy luật, đẩy đất nước vào cuộc đại khủng hoảng, nhân dân mất hết lòng tin, bà Phụng, vợ ông ta đã mỉa mai cái thứ nghị quyết trên giấy bằng giọng hàng tôm hàng cá : "Nhà này không phải là chỗ giảng Nghị quyết nhớ, muốn giảng ông hãy ra ngoài đường mà giảng". Những lời thóa mạ của bà vợ đanh đá cá cày đánh vào lòng tự ái nghề nghiệp và thói sỹ diện hão khiến nhà chuyên viên của chúng ta phải quát lên : " Tôi cấm bà động đến Nghị quyết!".

Tất cả những xáo trộn xã hội trong mấy chục năm qua, xét đến cùng đều là hệ quả tất nhiên của cách nhìn và hành xử của một lớp người nắm vận mệnh dân tộc trong tay, độc quyền chân lý, kiêu ngạo, luôn tự cho mình đứng ở "đỉnh cao thời đại".Việc "ông giời con" Lê Cường cùng cả một thế hệ thanh niên lười nhác, không lý tưởng, mất hết niềm tin, liệu có phải là sản phẩm của hệ thống giáo dục luôn lấy Nghị quyết làm tiêu chuẩn để hình thành nhân cách con người? Thật đáng buồn khi mà, ngay trong biệt thự một ông chuyên viên cao cấp ngành tư tưởng lại xẩy ra việc thằng cháu đích tôn cưỡng dâm cô bán gạo, Thụy Miên thì rủ bồ về làm tình trong phòng riêng, bà Phụng và Lê Đại bàn mưu lừa ông hàng xóm để chiếm căn phòng trên gác bằng cái giá rẻ mạt. Chưa hết, màn kịch gia đình vẫn còn một xen khá hài hước, ấy là, lợi dụng cô gái nhà quê nhẹ dạ, ông Hòe còn giả cách đau xương nhờ cô ta trèo lên lưng xoa bóp để tận hưởng sự đụng chạm xác thịt khiến anh con trai phải đưa ra lời "góp ý".

Thói quen độc quyền chân lý, bản chất nô lệ, phục tùng máy móc của lớp người như Lê Hòe tưởng như đã sâu rễ bền gốc trong ý thức, vậy mà lại được cuộc sống điều chỉnh tạo thành bước ngoặt bất ngờ thông qua Lê Đại và ông bạn đại tá về hưu. Sự kiện ông cựu chuyên viên cao cấp vào động mại dâm qua đêm với cô gái làng chơi chỉ đáng tuổi cháu mình là một bằng chứng hùng hồn minh họa cho cái xã hội đã hỏng hóc từ lâu. Nghị quyết vẫn được sản xuất đều đều nhưng hình như đã hết thiêng. Đạo đức, nhân cách đã bị tha hóa. Gia đình, thành lũy cuối cùng của con người đang bị công phá. Một điều đáng quan ngại nữa là, cùng với sự sa sút về đạo đức, nhân cách, xã hội còn dung túng một kiểu làm ăn kinh tế chụp giật mà cựu thiếu tá Lê Đại là tiêu biểu. Lê Đại chủ động xin ra khỏi đảng, hòa nhập rất nhanh vào cơn lốc kinh tế thị trường cùng với những mánh mung và không ít lần hối lộ các quan chức để giải quyết nhanh chóng nhiều phi vụ làm ăn có gía trị bạc tỷ. Đại là nhân vật có thực, là mẫu người phổ biển, được miêu tả khá sinh động nhưng không phải là nhân vật điển hình.
Nhân vật được Nguyễn Bắc Sơn chăm sóc khá công phu là Trần Kiên. Có thể xem anh ta như mẫu cán bộ lãnh đạo lý tưởng làm đối trọng với tầng lớp quan chức "đỏ" đang lao vào cơn lốc làm giầu thông qua thủ đoạn kinh doanh quyền lực. Phải nói thẳng, Trần Kiên chỉ là nhân vật hư cấu nên mọi suy nghĩ và hành động đều gượng gạo giống sự vay mượn. Với tư cách bí thư quận ủy, ông cựu giám đốc nhà máy không chấp nhận luật chơi của giới quan chức tham nhũng. Đằng sau họ là những thế lực ngầm còn mạnh hơn bất cứ thứ Nghị quyết thành văn nào. Họ liên kết với nhau thành một thế trận liên hoàn với phương châm ăn chia sòng phẳng, luôn coi pháp luật là một thứ trò đùa chỉ để trừng trị lũ dân đen thấp cổ bé họng, thì Trần Kiên là một bí thư không đáng giá một đồng xu. Mối tình giữa Trần Kiên với Thanh Diệu cũng là một mối tình giả tạo được tác giả "chèn" vào nhằm lãng mạn hóa bầu không khí căng thẳng của cuộc đấu đá phe phái chứ không hẳn chỉ để tôn vinh cái đẹp của hai người cộng sản "ưu tú".

Kiên bị cách chức là đúng quy luật. Ở một xã hội mà mọi thứ đều có thể mua bán bằng tiền thì một trí thức ngu ngơ như Kiên làm sao có thể thực hiện được hoài bão của mình. Kiên chỉ là một mắt xích lỏng lẻo trong thiên truyện. Đây là nhân vật thiếu sức sống nhất, nhợt nhạt nhất nhưng xem ra lại quan trọng nhất để làm an lòng các đầu óc bảo thủ vốn rất sợ những lời nói nói "chối tai" từ phía những văn nghệ sĩ có tâm huyết với vận mệnh đất nước.

Ngoài những hội chứng về bệnh "nghiện" Nghị quyết, "Luật đời và cha con"còn là hồi chuông cảnh báo sự tan vỡ gia đình không phương cứu chữa. Chi tiết cả hai cha con Lê Đại cùng làm tình với Kiều Linh rồi cuối cùng ông bố doanh nhân cưới cô gái giầu thủ đoạn chài đàn ông này làm vợ là một cú đòn trời giáng vào niềm kiêu hãnh của gia đình Lê Hòe. Nó còn là bằng chứng không thể chối cãi cho thấy, ở một xã hội vô cảm, mòn mỏi bởi con người đã mất hết niềm tin, thì bất cứ chuyện gì, dù vô lý đến đâu cũng có thể xảy ra. Các nhà làm film hiểu rất rõ phản ứng dây chuyền của hành vi đốn mạt trên nên đã tìm cách cho Kiều Linh về quê thoát khỏi cuộc tình oan nghiệt, phần nào giảm sốc cho khán giả. Có điều, với tâm lý nhạy cảm của lớp trẻ, trong một xã hội mà nền giáo dục đang tuột dốc, thì những cuộc tình tay ba loạn luân như thế, chắc chắn sẽ là "tấm gương"vô cùng hấp dẫn mà chẳng cần phải mở bất cứ cuộc vận động nào. Với bản chất nổi loạn, bất cần đời như Lê Cường, đưa hắn ra nước ngoài tức là Lê Đại đã làm một cuộc cuộc "xuất khẩu" "hạt giống đỏ" sang cộng đồng quốc tế. Ở thế giới văn minh, luật pháp hoàn thiện, mọi công dân đều phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình, chắc gì Lê Cường đã cải tà quy chính khi mà bản chất hắn là một gã công tử lưu manh, chuyên ăn bám và quậy phá.

Viết về giới quan chức công quyền, qua hàng loạt nhân vật tiêu biểu của "Luật đời...", Nguyễn Bắc Sơn đã khá thành công khi lách sâu ngòi bút vào các mối quan hệ, không phải chỉ bề nổi mà cái chính là ông đã chỉ ra được phần chìm của tảng băng tham nhũng. Những bí thư đảng bộ vô học, gia trưởng và kiêu ngạo như Nguyễn Hải không phải là cá biệt. Chủ tịch quận Lâm Du già nua, ốm yếu nhưng đầy mưu mô trong vụ chia chác đất công, Vũ Sán phải hối lộ rất nhiều tiền, thậm chí còn liên kết với các thế lực ngầm do một gã người Tàu bảo kê để được ngồi vào cái ghế trưởng phòng quy hoạch Văn phòng Kiến trúc sư trưởng thành phố. Ngược lên trên nữa, người đọc còn nhận diện được những nhân vật tai to mặt lớn của Thành ủy cũng như Ban Tuyên huấn có vẻ như đều nằm trong đường dây buôn bán bất động sản. Họ có cả ngàn lẻ một chiêu thức ma quái từ việc hợp lý hóa bằng Nghị quyết đến gây áp lực, sử dụng bọn Khuyển Ưng của thế giới tội phạm ngầm đe dọa, khủng bố những người dám đấu tranh chống tham nhũng. Tổng biên tập Phạm Năng Triển bị tạt acid vào mặt không phải ngẫu nhiên mà là cú đòn dằn mặt giới báo chí của những ông trùm tư sản "đỏ". Tác giả đã hạ thấp mức độ nghiêm trọng vụ án Phạm Năng Triển bằng cách để công an vào cuộc tóm được mấy gã đàn em vô danh tiểu tốt vốn là vật thế mạng để thiết lập vành đai an toàn cho những chính danh thủ phạm đứng sau tấm màn nhung đạo diễn trò chơi bất động sản. Đến đây, độc giả có quyền đặt dấu hỏi, vậy thì ông xếp từng nhiều lần đến răn đe Phạm Năng Triển không được tiếp tục đăng bài về vụ đất đai quận Lâm Du là ai nếu không phải là một quan chức ngành tư tưởng? Chúng ta kính phục tư cách và bản lĩnh người làm báo của tổng biên tập Thời luận những cũng vô cùng lo lắng cho tương lai đất nước khi mà cả một hệ thống truyền thông, từ nhiều năm qua bị một nhóm người thao túng.

Đọc "Luật đời và cha con", suốt từ đầu đến cuối, người ta chỉ thấy một không khí nặng nề của những cuộc đấu đá nội bộ nhằm tranh giành quyền lực để trục lợi của một hệ thống quan chức bị tha hóa, mất hết nhân cách. Xã hội ấy bế tắc, con người mất hết niềm tin, trái tim hoàn toàn vô cảm nhưng lại tôn thờ bạo lực. Tất cả những hiện trạng ấy đều bắt nguồn từ một hệ ý thức lấy đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản làm phương châm trị nước. Lê Hòe và những người như ông ta phải chịu trách nhiệm về những sai lầm dẫn đến bi kịch của cả một dân tộc trong quá khứ, hiện tại cũng như viễn cảnh không mấy sáng sủa của tương lai.

Ngoài tư cách là màn bi hài kịch thời đại không tiền khoáng hậu,"Luật đời và cha con"còn là hồi chuông cảnh tỉnh cho những người cầm cân nảy mực ở tầm vĩ mô, hãy dũng cảm nhìn vào quá khứ sai lầm mà điều chỉnh chiến lược trong tương lai nếu muốn 87 triệu con Lạc cháu Hồng sánh vai với cộng đồng nhân loại tiến bộ.

Bến Tắm, 24/ 4/ 2008

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Dương Hướng thấy gì Dưới Chín Tầng Trời?

    20/06/2011GS. Hoàng Ngọc HiếnGiáo sư Hoàng Ngọc Hiến nhận định về cuốn tiểu thuyết mới nhất của nhà văn Dương Hướng: “Nếu như tiểu thuyết trước hết là cốt truyện thì tác phẩm “Dưới chín tầng trời” thừa sức hấp dẫn. Vì cốt truyện rất ly kỳ, nhiều tuyến nhân vật quan hệ éo le, số phận ba chìm bẩy nổi …, nhiều tuyến hành động diễn ra các miền Trung, Nam, Bắc, có xóm làng và thành phố, có chiến trường ác liệt ở miến Nam và sinh hoạt nhộn nhạo, rối ren vùng biên giới phía Bắc…Với tôi thì tiểu thuyết trước hết là những nhân vật. Tôi sẽ bình phẩm những nhân vật đáng chú ý”...
  • Thần thánh và bươm bướm

    04/01/2011Tiểu thuyết Thần thánh và bươm bướmcủa nhà văn, đạo diễn Đỗ Minh Tuấn, NXB Văn học ấn hành viết về nông thôn Việt Nam thời hội nhập với những buồn vui, hy vọng, ảo vọng và mặc cảm của một nông thôn phải quằn quại chia tay với nền văn hóa ký ức để háo hức hướng về tương lai, với những phận người xoay đảo quanh thần thánh và bươm bướm...
  • Thời Của Thánh Thần

    03/11/2010Nhà văn Hoàng Minh Tường có tham vọng lớn là làm một cuộc phẫu thuật lịch sử Việt Nam qua một gia đình nhỏ mà những biến động trong gia tộc có nhiều điểm trùng hợp với lịch sử nước nhà. Tiểu thuyết tái hiện những vết thương thời cải cách ruộng đất, Nhân văn Giai phẩm, những dư chấn Giải phóng miền Nam, v.v…
  • Biết đâu địa ngục thiên đường là đâu

    07/07/2010Tiểu thuyết miêu tả những số phận trải qua mấy chục năm đầy biến động của đất nước nên không thiếu những tình huống éo le, bi thảm, nhưng tác giả cũng dành nhiều tâm huyết miêu tả những cảnh đời bình dị, êm đẹp ở một làng quê, với tình mẹ con, họ hàng, làng xóm đầm ấm – vẻ đẹp truyền thống và là cội nguồn của sức mạnh Việt Nam…
  • Cuồng phong

    30/06/2010Sau 10 năm viết đi sửa lại, cuốn tiểu thuyết đồ sộ dày tới hơn 700 trang cuối cùng đã được xuất bản. 'Cuồng phong' là câu chuyện về lịch sử Việt Nam thế kỷ 20 dữ dội và chói sáng được kể qua chuyện đời của một dòng tộc...
  • Ngài nghị sĩ

    28/06/2010"Ngài nghị sĩ" của Phạm Chí Dũng là câu chuyện có phần giả tưởng xảy ra ở một nơi nào đó, cách VN không xa. Bi kịch của tham vọng nơi chính trường, màn đen trong não trạng của giới chính khách chi phối cử tri, những cuộc thanh trừ chính trị... đã làm cuốn tiểu thuyết này gây tò mò ngay từ đầu cho người đọc. Tác giả muốn đưa ra vấn đề cần phải hướng đến một xã hội lý tưởng như thế nào, thế nào là văn minh chính trị...
  • Đọc “Dòng đời”

    18/12/2006Cao Huy ThuầnLần đầu tiên, văn học Việt Nam có một tiểu thuyết đồ sộ, dựng lên cả một xã hội ba mươi năm hậu chiến với đủ khía cạnh văn hóa, chính trị, kinh tế, đưa ra những bộ mặt tiêu biểu của đủ giai tầng xã hội mới cũ, vẽ lên một bức tranh hoạt họa linh động, bi hài. Phải vừa là chuyên gia, vừa là nhà văn mới viết được một truyện dài như thế, lý sự thâm hậu xen kẽ với tình tiết tài hoa...
  • Dòng đời – Dòng tâm huyết

    18/12/2006Đông LaDòng đờilà tác phẩm có tính sử thi, nhưng không thuần sử, nghĩa là tác giả không chỉ liệt kê và mô tả những sự kiện xảy ra trên đất nước mà chủ yếu ông tái hiện cái hành trình gian khó của sự nảy sinh, sự đơm hoa kết trái, những bài toán và lời giải còn ở phía trước của công cuộc đổi mới. Về nghệ thuật, Nguyễn Trung lựa chọn bút pháp hiện thực rất giản dị, rất trong sáng...
  • Đọc tiểu thuyết "Dòng đời"

    07/12/2006Phan Đình DiệuTác giả đã tỏ ra rất chắc tay khi không e ngại đi sâu vào những khía cạnh tế nhị, chứa nhiều uẩn khúc tâm lý hoặc nhiều khác biệt chính kiến để đưa ra được một cách trung thực và thẳng thắn - dù vẫn không xa rời hình thức văn học của một cuốn tiểu thuyết - những vấn đề vừa cấp thiết, vừa nóng bỏng đặt ra cho sự phát triển của đất nước ta trong một thời kỳ dài từ quá khứ vừa đi qua cho đến hiện tại hôm nay...
  • xem toàn bộ