Absurdistan, Cộng hoà phi lý

01:23 CH @ Thứ Ba - 10 Tháng Mười Một, 2009

Ngay ở tựa, cuốn sách đã mang vẻ bỡn cợt, khiêu khích, nên như một lẽ tất yếu, nó sẽ dẫn người đọc vào những “nghịch lý” của nhân vật chính Misha.

Có thể tóm tắt, Cộng hoà phi lý kể về cuộc đời của Misha, con trai của người giàu thứ 1.238 ở Nga. Đây là cuộc đời “không phương hướng” của một chàng trai con nhà giàu, chỉ có mục tiêu duy nhất: được sống ở nước Mỹ. Và những diễn tiến xung quanh ước mơ này của Misha, với biệt danh Bố Ăn Vặt, đã bộc lộ ra nhiều vấn đề, tất nhiên là gây cười, nhưng dường như quan trọng hơn, người ta thấy được mặt trái của những thứ liên quan: phân biệt chủng tộc, xung đột tôn giáo, xung đột văn hoá, hiện thực các nước hậu Xô Viết… Và cả những toan tính của các quốc gia “tên tuổi lớn” của thế giới cho những cuộc chiến nhân danh tự do, dân chủ.

Tên của cuốn tiểu thuyết, Absurdistan, là một ẩn ngữ ám chỉ những sự phi lý diễn ra ở khu vực quyền lực công của một số quốc gia thuộc Liên bang Xô Viết trước đây. Bố của Misha, Boris Vainberg, là một “ông trùm” ở Nga; nhờ những lộn xộn thời hậu Xô Viết mà kiếm bộn tiền. Và tất nhiên, cái chết theo kiểu mafia Nga, cũng là điều tất yếu. Vốn gốc Do Thái và rất sùng đạo, nên dù Misha đã 18 tuổi, vẫn bị gã ép cắt bao quy đầu. Và đó chính là nguyên nhân tước đi sự tự tin của một người đàn ông ở Misha. Sống trên núi tiền, Misha “ngập ngụa” trong rượu, gái điếm… và với giấc mơ, cuộc sống Mỹ. Nhưng, chính người cha hết lòng yêu thương anh, đã tước đoạt giấc mơ ấy khi ra tay giết chết một doanh nhân Mỹ. Trong khi Misha đang bị mắc kẹt tại Absurdistan, vì một cuộc chiến sắc tộc vô lý – trớ trêu thay, Misha lại được chính con gái của thủ lĩnh nhóm gây chiến yêu thương. Misha quyết định “bỏ trốn” cùng cô gái. Cuộc trốn chạy bất thành. Misha được những người Do Thái che giấu. Và trong khi đang ở một ngôi làng tồi tàn để tìm cách vượt qua biên giới của “Cộng hoà phi lý” Absurdistan, gã có một quyết định sáng suốt và mạnh mẽ, có lẽ là duy nhất của đời mình: bỏ cô con gái của vị thủ lĩnh lại để trốn đến Mỹ.

Nhiều người cho rằng: dạng tiểu thuyết châm biếm ít có yếu tố hiện thực và giả dụ, nếu có, đó cũng là hiện thực được nhìn một cách “sai lệch” bởi lăng kính của nhà văn. Tất nhiên, văn học là sáng tạo. Để viết một cuốn sách chỉ nhằm gây cười thì có lẽ, nhà văn Mỹ gốc Nga Gary Shteyngart không được đón nhận nồng nhiệt đến vậy. Ở đây, ông bóc trần lớp vỏ của hiện thực để đi vào những sự thật lớn hơn nhiều: hiện thực các nước hậu Xô Viết, thực chất của các cuộc xung đột tôn giáo, văn hoá, sắc tộc… và cả lối sống của một bộ phận xã hội luôn mơ giấc mơ Mỹ.

Câu hỏi được nêu ra: Tại sao Misha, cả cuộc đời mình, vẫn chỉ có một mục đích duy nhất là cầm trên tay tấm hộ chiếu của nước Mỹ? Liệu tác giả có quá cường điệu chăng? Liệu đó có phải là tâm nguyện của rất nhiều công dân thuộc các quốc gia thuộc Liên bang Xô Viết cũ?... Độc giả, nếu đọc kỹ sẽ nhận ra phần nào sự thật được hé lộ qua cuốn tiểu thuyết có hình thức là một cuốn sách “gây cười”.

LinkedInPinterestCập nhật lúc: