Những tư tưởng lớn từ những tác phẩm vĩ đại

04:48 CH @ Thứ Ba - 23 Tháng Tám, 2005

Cuốn sách này là một tập hợp những câu hỏi và trả lời. Những câu hỏi này được đặt ra cho tác giả, một chuyên gia về lịch sử tư tưởng phương Tây, từ những độc giả thuộc đủ mọi tầng lớp xã hội Mỹ muốn tìm hiểu về đủ loại vấn đề. Nhìn chung, đông đảo độc giả đều muốn biết các nhà tư tưởng trong quá khứ suy nghĩ và lý giải thế nào về những vấn đề mà con người hôm nay đang phải đối mặt. Họ không mưu tìm một câu trả lời dứt khoát, một giải pháp rốt ráo, mà thường họ muốn hiểu rõ vấn đề và muốn rút được bài học từ các nhà tư tưởng lớn trong truyền thống triết học phương Tây.

Những câu hỏi này được tác giả trả lời trong một chuyên mục của ông, ban đầu chỉ được đăng tải trên tờ Chicago Sun-Times và Chicago Daily News. Trong vòng một năm sau khi ra đời, đã có tới 28 tờ báo mua bản quyền để đăng tải chuyên mục này (trong đó có tờ Kenkyu Sha ở Tokyo). Sự thành công của chuyên mục đã đưa tới việc tập hợp những câu hỏi và trả lời thành một cuốn sách.

Đó là hoàn cảnh hình thành tác phẩm này trong lòng xã hội Mỹ.

Dĩ nhiên đối với người Việt, văn minh phương Tây nói chung, và triết học của nó nói riêng, không phải là đề tài học tập bắt buộc, và cũng không phải là nguồn cội tư tưởng giúp chúng ta định hướng cuộc sống và giải quyết những vấn đề của mình. Tuy nhiên chúng ta không thể phủ nhận sự kiện rằng truyền thống triết học phương Tây đã có ảnh hưởng quyết định đối với nền văn minh phương Tây vốn đã đạt nhiều giá trị mà hiện đã trở thành phổ quát đối với phần còn lại của thế giới, nên triết học phương Tây thực sự xứng đáng được chúng ta quan tâm đúng mức.

Như đã nói trên, khi trả lời các câu hỏi, tác giả không đưa ra, hay áp đặt, một câu trả lời dứt khoát hay một giải pháp tối hậu. Ông chỉ trình bày các nhà tư tưởng lớn đã nói gì trong các tác phẩm của họ về các vấn đề được độc giả nêu ra. Các nhà tư tưởng này thường có những ý kiến khác nhau, thậm chí xung khắc nhau, tuy họ đều dựa trên cơ sở lý luận nào đó, và ý kiến của họ luôn là thành quả của nhiều năm tháng suy nghĩ và chiêm nghiệm. Cách trình bày này giúp độc giả có cơ hội nhìn và mổ xẻ vấn đề ở nhiều khía cạnh khác nhau, tự rút ra bài học cho mình và đưa ra quyết định cuối cùng. Đây cũng chính là cốt tủy của cái mà tác giả trình bày như một “nền giáo dục khai phóng”, một nền giáo dục – hình thành từ thời cổ đại ở Hy Lạp và La Mã - nhằm vào việc đào tạo những con người tự do, hiểu theo nghĩa là một con người biết tư duy rốt ráo về từng vấn đề, biết tự đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm cho quyết định của mình. Mẫu người tự do này khác hẳn mẫu người nô lệ, chỉ trông cậy vào tư duy và quyết định của người khác, và dĩ nhiên, họ không hề muốn chịu trách nhiệm về những quyết định đó tuy rằng họ đã hành động theo những quyết định đó.

Một quan điểm đáng lưu ý nữa của tác giả là ở chỗ ông luôn trích dẫn ý kiến của những tác gia kinh điển của từng lãnh vực, ngay cả khi lý thuyết của những tác gia này đã bị vượt qua, hay thậm chí bị phi bác, bởi những nhà tư tưởng và thành quả khoa học của thời hiện đại. Ông biện minh rằng chúng ta không học tập hay tiếp nhận những tri thức của các nhà tư tưởng đó, vì có thể nó đã bị vượt qua hoặc không còn đúng nữa dưới ánh sáng của khoa học ngày nay, mà chúng ta học tập phương pháp tư duy của họ, hiểu ra con đường và cách đi của họ để tiếp cận với chân lý, tuy họ sống trong những thời kỳ mà khoa học và kinh tế còn phôi thai, chưa phát triển. Đó mới thực sự là điều mà triết học mang lại cho con người và cũng là điều bổ ích của tác phẩm này.

Như các bạn sẽ thấy, các câu hỏi trong sách này trải rộng trên nhiều lãnh vực, từ đạo đức, chính trị, xã hội đến kinh tế và nhiều vấn đề thiết thực trong đời sống (như mỹ học, nghệ thuật, giáo dục, quan hệ nhân sinh…). Như thế không có nghĩa rằng các nhà tư tưởng phương Tây chỉ bàn về những chuyện ấy, mà chẳng qua là vì câu hỏi từ các độc giả thường chỉ xoay quanh những vấn đề gần gũi ấy và ít có người quan tâm đến những lý thuyết phức tạp hơn vốn để lý giải bản chất của hữu thể và cấu trúc của thực tại. Chúng tôi muốn nói rõ điều này để các bạn hiểu sách này không bao quát toàn bộ triết học phương Tây, mà chỉ xoay quanh những vấn đề được nhiều con người bình thường quan tâm. Cũng chính vì thế mà chúng tôi tin tác phẩm này bổ ích cho tuyệt đại đa số chúng ta - những người không chuyên nghiên cứu triết học.

Điều cuối cùng mà chúng tôi muốn thưa cùng bạn đọc là, do tác phẩm này bao trùm nhiều lãnh vực học thuật khác nhau, đòi hỏi người dịch phải có một kiến thức cơ bản nào đó ở mọi lãnh vực, mà điều đó chúng tôi tự xét là mình chưa đạt được, nên việc dịch và chú giải sách này – tuy chúng tôi đã làm hết sức trong khả năng có hạn của mình – chắc chắn vẫn còn nhiều sai sót. Chúng tôi thực sự rất mong nhận được ý kiến chỉ giáo của bạn đọc.


Những ý tưởng vĩ đại là gì?

Thưa tiến sĩ Adler,

Những “ý tưởng vĩ đại” mà ông luôn nói đến này là gì vậy? Tôi có đọc ở đâu đó rằng ông đã sưu tầm hàng trăm ý tưởng vĩ đại trong lịch sử tư tưởng loài người. Một vài ý tưởng trong số đó là gì? Ý tưởng nào đã có ảnh hưởng nhất đối với tư duy của chúng ta?

M.W.

M.W. thân mến,

Những “ý tưởng vĩ đại” là những ý tưởng cơ bản được các tác giả lớn của truyền thống phương Tây nghiên cứu. Trong thời kỳ sau Thế chiến 2, tôi đã hướng dẫn việc tuyển chọn và phân tích về những khái niệm cơ bản này và tập hợp chúng thành hai tập dày có tựa chung là The Great Ideas (“Những ý tưởng vĩ đại”). Hai tập này nằm trong một bộ gồm các tác phẩm nổi tiếng từ Homer(1) đến Freud(2)

Các đồng sự và tôi đã tìm ra 102 ý tưởng cơ bản trong những tác phẩm này, bắt đầu theo thứ tự chữ cái với Angel (thiên thần) và kết thúc với World (thế giới). Đây là những khái niệm trọng tâm của tư tưởng và hành động trong khoảng 25 thế kỷ qua của nền văn minh phương Tây này.

Bạn muốn biết những ý tưởng vĩ đại nào đã có ảnh hưởng lớn nhất. Một cách để trả lời câu hỏi này là cho anh biết các tác giả lớn đã thảo luận nhiều nhất về vấn đề gì hàng trăm ý tưởng vĩ đại ấy. Chúng ta có thể giả định rằng số lượng thời gian dành cho việc thảo luận một ý tưởng sẽ giúp ta ước lượng là có bao nhiêu suy tư đã được dành cho ý tưởng đó. Năm ý tưởng được thảo luận nhiều nhất là Chúa trời, tri thức, con người, quốc gia và tình yêu, theo thứ tự đó.

Một cách khác để trả lời câu hỏi của bạn là đi tìm những ý tưởng “cốt lõi”, mà quanh nó những ý tưởng khác tập hợp lại, như vây quanh một nhân nguyên tử hoặc một mặt trời. Những ý tưởng “cốt lõi” này là đại biểu cho những cụm hoặc những nhóm ý tưởng khác. Chúng chỉ ra những chủ đề quan trọng nhất mà con người quan tâm.

Chúng ta thử xem ý tưởng chính quyền. Vây quanh nó là các ý tưởng về đủ loại hình chính quyền khác nhau: Chế độ quý tộc, chế độ dân chủ, chế độ quân chủ, chế độ quả đầu, và chế độ chuyên chế. Liên quan tới nó là những ý tưởng về Hiến pháp, Công dân, luật pháp, cách mạng và Nhà nước. Những ý tưởng này vạch ra phạm vi hoạt động và tư duy chính trị.

Hoặc thử xem ý tưởng phẩm chất. Nó là cái lõi của toàn bộ nhóm ý tưởng về những phẩm chất đặc biệt: Lòng can đảm, công bằng, khôn ngoan, tiết độ và thông thái. Thêm vào đó, nó có quan hệ mật thiết với nhiều ý tưởng khác như tốt và xấu, hạnh phúc, trách nhiệm, sự trừng phạt, tội lỗi. Tất cả những ý tưởng này cùng tạo thành một nhóm ý tưởng đạo đức.

Tương tự chúng ta có thể tạo thành một nhóm các ý tưởng tâm lý học, lấy tâm là con người. Nó bao gồm ước muốn, cảm xúc, kinh nghiệm, thói quen, ký ức và sự tưởng tượng, trí tuệ, niềm vui và nổi đau, lý luận, cảm giác, linh hồn và ý chí.

Một số những ý tưởng vĩ đại, như sự tiến hóa, ngôn ngữ và sự tiến bộ nổi bật trong một trăm năm qua. Ngày nay chúng nằm trong số những ý tưởng có ảnh hưởng nhất và được thảo luận nhiều nhất, nhưng chúng không phải luôn luôn như thế. Ngược lại, có những ý tưởng thu hút nhiều tác giả xưa hơn những nhà văn hiện nay; ví dụ như thiên thần, số phận, sự tiên tri và linh hồn.

Những liệt kê kiểu như trên hầu như là vô tận. Chắc chắn tôi đã bỏ qua vài ý tưởng mà bạn cho là quan trọng, cho dù chúng không nằm trong năm ý tưởng lớn nhất hoặc có ảnh hưởng nhất. Tôi có thể tự mình nghĩ ra vài ý tưởng kiểu như thế, như cái đẹp, sự tồn tại, nguyên nhân, giáo dục, gia đình, tự do, lao động, vấn đề, không gian, thời gian, sự thật, chiến tranh và hòa bình, thế giới. Không cần biết cái nào là vĩ đại nhất, tất cả những ý tưởng này đều là cơ sở cho suy nghĩ và hành động của chúng ta. Chúng ẩn tàng trong mọi cuộc tiếp xúc thực sự với thế giới hoặc với những người khác. Nếu chúng ta muốn nghĩ về bất cứ cái gì hay nói về nó với người khác, chúng ta phải sử dụng những ý tưởng này. Không có chúng, chúng ta là những người mù và lạc lối.

(1)Homer (thế kỷ 9 hoặc 8 tr. CN?): tương truyền là tác giả của hai thiên sử thi Iliad và Odyssey.
(2)Sigmund Freud (1856 – 1939): bác sĩ người Áo, ông tổ của khoa phân tâm học. Ông khai triển nhiều lý thuyết quan trọng đối với ngành Phân tâm học, Tâm lý học về dục tính con người, và về sự minh giải giấc mơ. Các công trình chính của ông gồm có The Interpretation of Dreams (“Minh giải giấc mơ”; 1899) và Totem and Taboo (“Vật tổ và cấm kỵ”; 1913).

LinkedInPinterestCập nhật lúc: