Giải phẫu cái tự ngã: cá nhân chọi với xã hội

11:41 SA @ Thứ Bảy - 16 Tháng Năm, 2009

Tính hai mặt của con người rõ ràng đến nỗi có những kẻ nghĩ rằng chúng ta có hai tâm hồn.

(Pascal)

Lời đầu sách

Edward T. Hall
Giáo sư Danh dự Khoa Nhân học
Đại học Northwestern (Northewestern)

Được giới thiệu cuốn Giải phẫu cái tự ngãvới tôi là một đặc quyền. Khi Ts. Doi đề nghị tôi viết lời tựa khiêm tốn này, tôi đã cảm thấy rất vui sướng và vinh dự. Mặc dù tôi thân thuộc và thực tế đã luôn luôn quan tâm sâu xa đến các nghiên cứu của Ts. Doi, nhưng tôi thật bất ngờ với hứng thú mà mình có được khi đọc cuốn sách mới này của ông. Một lần nữa nó giúp tôi hiểu rõ cái bổn phận tuyệt đối của mỗi người chúng ta phải chia sẻ những phát hiện của mình với những người khác - bất kể mọi nguy cơ - và tổn thất lớn lao khi người ta thiếu sự tự tin, nghị lực và can đảm để miêu tả một cách hệ thống những thế giới khái niệm trong đó họ sống.

Cuốn sách của Ts. Doi nói về một chủ đề chưa bao giờ xa lạ với lòng tôi: nghiên cứu tâm trí con người và quan hệ giữa những lĩnh vực mở rộng của con người với tâm trí. Đó là cái, theo một nghĩa hạn chế, được biết đến như giả thuyết Sapir-whorf, hay là nghiên cứu quan hệ giữa ngôn ngữ và tư tưởng như một công cụ khoa học. Miêu tả cuốn sách này, vì nó kích phát quá nhiều ý tưởng trong đầu người đọc, sẽ đòi hỏi nhiều trang hơn cả bản thân cuốn sách. Vì thế tôi phải bằng lòng nói rằng sự phân tích của Ts. Doi là đa tầng và những phát hiện của ông sẽ còn kích thích các học giả rất lâu sau khi cả hai chúng tôi qua đời.

Vì phần Dẫn nhập của Ts. Doi sẽ thông báo cho người đọc về chiều hướng và nội dung của cuốn sách khác thường này, tôi xin hạn chế vai trò của mình trong việc tập trung - hết mức có thể trong một vài lời - vào ý nghĩa của các khái niệm được đưa ra trong cuốn Giải phẫu cái tự ngã khi nhìn trong bối cảnh giao diện căn bản của hai nền văn hóa Mỹ và Nhật. Nghĩa là tôi đặt nhiệm vụ thảo luận về một ít những sự dính líu tới các bộ môn liên quan đến nghiên cứu ứng xử của con người cũng như tới sự hiểu biết liên văn hóa về các khái niệm tatemae và honne, omote và ura như đã được miêu tả. Hoá ra chúng không hề không đáng kể, và như thường thấy, những cái nho nhỏ, trông cứ tưởng vô thưởng vô phạt, lại có thể - khi được hiểu một cách đúng đắn - dính líu sâu tới hiểu biết của chúng ta về những cơ sở của quan hệ giữa người với người.

Thật là vừa thú vị lại vừa thích hợp, ngay trong ngày nhận được bản thảo cuốn Giải phẫu cái tự ngã (tựa đề tiếng Nhật là Omote to Ura), tôi đang đọc tác phẩm của một nhà tâm thần học khác là Erich Fromm, The Anatomy of Human Destructiveness (Giải phẫu tính phá hoại của con người). Cả hai tác giả đều bắt đầu bằng việc giải thích rằng nhiệm vụ họ đặt ra cho bản thân mình lớn hơn là họ dự kiến, rằng họ bị dính sâu vào chủ đề của mình và họ thấy cần thiết phải vượt khỏi giới hạn các bộ môn nghiên cứu của mình và thăm dò những lĩnh vụ khác. Bản thân tôi có kinh nghiệm tương tự vào những năm l940, khi thấy cần thiết phải báo cáo về (đây là nhờ Ts. Doi) tatemae và ura của các công chức ở Denver liên quan đến những cơ may để định chế cái mà sau này được biết như “Cơ hội bình đẳng” trong công ăn việc làm. Dạo ấy không có những mẫu hình với thuật ngữ đi kèm cho sự khác biệt giữa những phát ngôn công khai của mọi người với cách nhìn riêng tư thực ra là phương châm hướng dẫn của họ. Điểm tôi muốn nhấn mạnh là, căn cứ vào nhiệm vụ của tôi là xác định thái độ liên quan đến “Cơ hội bình đẳng”, tôi biết rằng chính việc nói đến ý tưởng ấy - nhìn từ viễn cảnh không khí của thời đại - chỉ đơn giản gợi ra những phát ngôn rập khuôn của tatemae (lý tưởng công khai) mà không xem xét đến cái thực tế thao tác, mặt trái của đồng xu. Để tới được tận honne (nơi xuất phát của cá nhân), cần thiết phải vượt khỏi những lĩnh vực thông thường của khoa học xã hội và nghiên cứu công luận, và tìm ra một mẫu hình thích hợp có thể giải thích những gì được quan sát trong các buổi phỏng vấn của tôi. Vì biết rằng mình chỉ hiểu được (ở mức ngôn từ) cái mà mình cho là nghe thấy tôi hướng sự chú ý của mình đến những phản ứng không lời của người được tìm hiểu, như những thời gian chờ đợi trong khu vực tiếp khách của công sở, những lần ngắt quãng được tiếp nhận ra sao (vui vẻ hay không vui vẻ), và những thứ tương tự. Mẫu hình duy nhất tôi thân thuộc hồi ấy là mẫu hình Freud. Tiêu đề nghiên cứu của tôi là “Sự lầm lẫn theo mẫu hình Freud như một sự trợ giúp để xác định các thái độ.” Tôi đã khá ngây thơ khi cho rằng mục tiêu của nghiên cứu công luận là xác định các thái độ thực, rằng mình đang đóng góp vào nghiên cứu công luận với việc bổ sung một chiều kích mới cho lĩnh vực ấy. Như đã tiên đoán, nghiên cứu của tôi bị các tạp chí nghiên cứu công luận hàng đầu ở Hoa Kỳ bác bỏ và cuối cùng được in trong tờ International Journal of Opinion and Attitude Research - Tạp chí Quốc tế về Nghiên cứu dư luận và thái độ (Tập 3, Số 1, l949).

Giờ đây, nhờ những phát hiện của Ts. Doi, tôi nhận ra rằng, vấn đề là ở Hoa Kỳ, người ta được phép miêu tả những quy ước và biểu hiện bằng lời của tatemae, nhưng sự phân tích của ta không được liên kết cái tatemae của tình huống với cái honne - cái nằm ở phía sau mặt nạ được trưng ra công chúng. Còn ở Nhật, hai cái đó không thể không liên kết với nhau trong tâm trí người ta - ta không thể xem xét cái bên ngoài độc lập với cái bên trong, cửa trước với cửa sau, diện độc lập với tâm là điều đưa tới cấu trúc của Ts. Doi về “lý thuyết hai mặt trong ý thức của người Nhật” của ông. Ở phương Tây, chúng ta biết về hone, cái đề cập những động cơ thực thụ của con người, nhưng chúng ta phải làm như cái đó không tồn tại; khi bàn đến honne, ta liền có cảm tưởng chỉ cần nêu nó ra là một cái gì đó bẩn thỉu dính vào.

Vì vậy, cuốn sách Giải phẫu cái tự ngã soi sáng thêm thái độ của người Mỹ đối với Freud, với tâm lý học nói chung, và với tình dục. Những thái độ như thế được thấy ngay cả trong giới các nhà thực hành khoa học xã hội và có thể giải thích ít nhiều sự phụ thuộc của họ vào các bảng câu hỏi thăm dò những ý nghĩ được phát biểu công khai của mọi người, mà tổn phí là những nghiên cứu sâu hơn, sắc sảo hơn nhưng cũng chủ quan hơn. Thực tế là, theo một số nhà thực hành có tiếng trong lĩnh vực ấy, thậm chí thực hiện việc quan sát hành vi tự nhiên của mọi người ở nơi công cộng nhằm biết được những mẫu hình nằm bên dưới - mà không có sự đồng ý bằng văn bản của họ cái đã - bị coi là sai. Theo các vị học phiệt, trong lĩnh vực ấy, không cách nào nghiên cứu những chiều kích “ngầm” của văn hóa, vì ngay khi câu hỏi được nêu lên, điều xảy ra là cái gì đó giống như đứng trước máy quay phim và được bảo là diễn tự nhiên đi. Thái độ ấy ngăn trở sự quan sát khoa học chính những đặc trưng của văn hóa, và dẫn tới những hiểu lầm lớn nhất khi các đại diện của các nền văn hóa khác nhau gặp gỡ. Điều ta có thể thấy từ đó là cái mặt riêng tư hay cá nhân của đời sống bị coi như đối lập một cách không thể tránh với lợi ích công cộng. Rằng, ở phương Tây, tatemae luôn luôn tha hóa khỏi honne, trong khi ở Nhật, hai cái liên kết với nhau và những chiều kích không lời của văn hóa được chấp nhận là có thật. Và đúng là phải như thế.

Với những ai mong muốn có được những phát hiện mới mẻ về quan hệ giữa nghiên cứu tâm lý học và văn hóa, quan hệ giữa ngôn ngữ và tâm trí, cũng như giữa người Mỹ và người Nhật, cuốn sách này rất cần thiết. Ts. Doi đã cho chúng ta một đặc ân khi viết nó.


Lời tựa

Doi Takeo

Tôi xin bắt đầu bằng đôi lời về tính chất của cuốn sách này. Như tựa đề của nó gợi lên, cuốn sách này cố gắng nắm bắt hiện tượng nhân sinh nói chung từ viễn cảnh omote và ura, hai khái niệm tiêu biểu cho một lối nhìn sự vật có một không hai trong tiếng Nhật. Như ai cũng thấy, những thuật ngữ trên có thể chuyển gần đúng sang tiếng Anh: Recto-verso, heads and tails (đầu và đuôi), outside-inside (bên ngoài-bên trong), facade-interior (mặt tiền-nội thất) v.v…, tất cả đều cho ta cảm tưởng mang nghĩa của omoteura. Cũng tương tự như thế, facade and truth(bề ngoài và sự thật), mask and real face (mặt nạ và mặt thật), outwardappearanceandinnerreality (vẻ ngoài và sự thật bên trong), tất cả đều hàm nghĩa của tatemaehonne. Nhưng không có sự tương ứng nào giữa các thuật ngữ tiếng Nhật và tiếng Anh trên là thật chính xác. Vì một lẽ, tiếng Anh sử dụng những cặp đôi trên như những sự đối lập mang tính tôn ti: facade (omote) chọi với inner truth (ura), outsidechọi với inside, appearance chọi với reality, và, cuối cùng, evil (xấu xa) chọi với good (tốt lành). Trong mỗi trường hợp, thuật ngữ tương ứng với omote được coi như tiêu cực như một phức tố của cái nửa “chính hiệu” hơn trong cặp. Trong khi ở tiếng Nhật hiện đại, khuynh hướng ấy chắc chắn là không vắng mặt trong cách sử dụng thuật ngữ trên, tôi cảm thấy ép nó vào tiếng Anh sẽ chỉ làm trầm trọng vấn đề và do đó, tôi quyết định giữ các từ tiếng Nhật gốc trong bản tiếng Anh của cuốn sách.

Trong hoàn cảnh omoteura chỉ có trong tiếng Nhật, cuốn sách này có cái gì đó mang tính cách của cái gọi là Nihonjinron (các lý thuyết của người Nhật). Cũng đúng với cuốn Amae no Kozõ(bản tiếng Anh mang tên The Anatomy of Dependence- Giải phẫu sự phụ thuộc), tuy nhiên mục đích tôi viết cuốn này không chỉ là cung cấp một lý thuyết khác nhằm giải thích tiếng Nhật. Mục tiêu thực của tôi là khảo sát các khái niệm Nhật Bản ấy dưới ánh sáng những ý tưởng có gốc phương Tây và, làm như thế, tôi đào sâu chúng và khám phá một ý nghĩa phổ quát của chúng. Điều đó đã là chiều hướng nghiên cứu của tôi ngay từ lúc khởi đầu.

Chọn đi theo hướng ấy bởi tôi là một chuyên gia trị bệnh tâm thần. Thuật ngữ chuyên môn hầu như là vô dụng trong tình huống lâm sàng. Toàn bộ cuộc chiến thắng hay bại phụ thuộc vào loại truyền thông mà nhà tâm thân học có khả năng thiết lập với người bệnh. Nhưng chính xác là, đúng như thế, nhà tâm thần học phải luôn luôn mở to mắt nhìn cái nằm bên dưới ngôn ngữ - những sự tinh tế tồn tại ở bề sâu của từ ngữ - và phải có trách nhiệm với những từ ngữ mà bản thân mình sử dụng.

Bởi thế, ngay cả khi tôi thảo luận về sức khỏe hay bệnh tật của tâm trí, đó cũng không phải là cơ sở cho lập luận của tôi. Đúng hơn, vì những lý do đã nói ở trên, sự phân biệt ấy bản thân nó phải được phân tích. Cũng vì những lý do ấy, trong khi thảo luận các vấn đề khác, trước hết tôi luôn luôn tìm cách làm sáng rõ nghĩa của những từ ngữ mà tôi sử dụng. Hơn nữa, chính vì lẽ đó tôi yêu cầu bạn đọc người nước ngoài chịu phiền học một số thuật ngữ tiếng Nhật.

Tôi buộc phải vượt xa khỏi giới hạn môn học của mình ở đại học, đi tìm những phát hiện trong các lĩnh vực xã hội học, triết học, văn học, và tôn giáo. Cuốn sách này là sự tổng hợp những gì tôi thu nhận được trong cuộc tìm tòi ấy, và tôi hy vọng bạn đọc sẽ chấp nhận nó như nó là thế. Tôi đã muốn viết một cuốn sách như cuốn này từ nhiều năm rồi, và tôi rất vui vì cuối cùng đã hoàn thành nó, và thấy nó được xuất bản. Trong bản tiếng Anh có hai phụ lục. Phụ lục đầu tiên trích từ một cuốn sách tôi in năm 1975 Amae zakho (Những cảo luận về Amae), phụ lục thứ hai là báo cáo khoa học tôi công bố trên tờ (Journal of Mental and Nervous Disease (Tạp chí Bệnh tâm thần và thần kinh) năm 1973.

Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn tới nhiều người đã góp sức vào các bản in tiếng Nhật và tiếng Anh. Về bản tiếng Anh, tôi chịu ơn Lisa Oyama và Ichiba Shinji, các biên tập viên của tôi ở Nxb Kodansha International. Tôi rất vừa lòng vì họ đã chọn cái tựa đề bản tiếng Anh là The Anatony of self: The Indivdiual versus Society (Giải phẫu cái tự ngã: Cá nhân chọi với xã hội), vì tôi tin là nó thật sự xứng hợp với cái mà tựa đề tiếng Nhật, Omote to Ura, gợi lên cho bạn đọc người Nhật. Dịch giả của tôi, Mark A. Harbison, đã không chỉ dịch riêng cuốn sách này, mà còn chuẩn bị các bản dịch cho những văn bản tiếng Nhật mà tôi nhắc đến và cung cấp chú giải cho bạn đọc phương Tây. Những chỗ dịch từ tác phẩm Das Geheimnis der Liebe của Hans Asmussen là của tôi. Cuối cùng, tôi xin cảm ơn bạn và đồng nghiệp của tôi là Gs. Edward T. Hall, người đã ân cần bằng lòng viết lời đầu sách cho cuốn sách của tôi.

Tháng 12 năm 1985


Giải phẫu tự ngã , mở rộng tự ngã

Nhật Chiêu

Tiến sĩ Takeo Doi là một chuyên gia nổi tiếng và Tâm thần học (Psychiatry).

Ông viết nhiều về tâm hồn. Tâm hồn Nhật Bản. Tâm hồn phương Tây. Tâm hồn con người.

Ông không thu mình trong chuyên môn của mình. Ông nói với mọi người. Mở rộng tâm hồn.

Ông tìm kiếm những phát hiện mới trong mọi lĩnh vực: triết học, văn học, xã hội học, tôn giáo...

Nhưng bạn không cần phải có kiến thức sâu rộng gì để đọc ông. Dù sắc sảo và tinh tế, lời lẽ của ông không đánh đố bạn bao giờ.

Lời lẽ ấy mời gọi bạn, lôi cuốn bạn, kích thích bạn cùng suy nghĩ, cùng tìm tòi.

Cùng giải phẫu tự ngã và cùng mở rộng tự ngã .

Tựa đề tiếng Nhật của cuốn sách này là Omote và Ura. Nghĩa đơn giản là “Ngoài và Trong”.

Với tiếng Việt, Omote có thể hiểu là mặt ngoài, và Ura có thể hiểu là tình trong.

Cuốn sách là một nỗ lực giải trình hai ý niệm đó trong cuộc sống của người Nhật Bản trên nền văn hóa đặc thù, và bối cảnh giao diện của nó với nền văn hóa khác (Mỹ và phương Tây).

Tác phẩm gây chú ý ngay từ lời đề dẫn chọn trong các ý tưởng của Pascal: “Tính hai mặt của con người rõ ràng đến nỗi có những kẻ nghĩ rằng chúng ta có hai tâm hồn.”

Đi vào trong tác phẩm, ta sẽ thấy tính hai mặt đó được phân tích tài tình như thế nào. Hai nhưng chỉ là hai trong một:

“Cho dù omote và ura được phân biệt rõ ràng về mặt khái niệm, trong thực tế chúng liên hệ với nhau chặt chẽ... chúng đúng là hai mặt của một thực thể đơn nhất.”

Thật dễ hiểu nếu ta hình dung lập luận đó qua một câu thơ Kiều:

Tình trong như đã. mặt ngoài còn e.

Ngoài và Trong có thể tương phản, có thể tương hợp, có thể che giấu...

Ngoài có thể là mặt nạ, Trong có thể là bí mật.

Mặt nạ có thể là giả tạo và bí mật có thể tối ám.

Nhưng có khi mặt nạ và bí mật lại là cần thiết, là tốt đẹp.

Chỉ qua một ví dụ về cách thức tặng quà và nhận quà thôi, tác giả cũng làm cho người đọc mở rộng suy nghĩ.

Theo tập quán cũ của người Nhật, không được mở quà trước mặt vị khách đã tặng nó.

Tôi nhớ là khi còn nhỏ tôi đã cực kỳ bực mình vì cái tập quán ấy… Khi tôi đến Hoa Kỳ ít lâu sau chiến tranh, tôi ngạc nhiên thấy người Mỹ mở quà ngay lúc nhận. Điều âý với tôi rõ ràng là hợp lý hơn.

Tuy nhiên sau này, tôi bắt đầu cảm thấy rằng tập quán trên có cái hay… Món quà tặng là món quà của tấm lòng… Bởi thế, đúng như trái tim được bọc trong lồng ngực, quà tặng cũng phải được bọc lại…

Tập quán đẹp đẽ âý - không mở quà tặng ngay tức thời - đã gần như mất hẳn, và tôi cho rằng có thể nói đó là kết quả của tinh thần thời đại, không đặt giá trị vào bất cứ cái gì được giao kín.

Một ví dụ như vậy được Doi liên hệ với các khái niệm văn hóa và mỹ học như: thần bí (shinpi), tâm (kokoro), hoa (hana), u huyền (yũgen), mặt nạ (o- men), dư địa (yutori)... làm cho ta thấy sự phong phú và uyên áo vô bờ của đời sống và nghệ thuật.

Tác giả còn có một kiến giải độc đáo về tình yêu thiên nhiên của người Nhật. “Xem xét vì sao loại trải nghiệm này dường như mang tính Nhật Bản.” Theo Doi, “Ở Nhật, không có mặt Thượng đế với tư cách đấng sáng tạo, và do đó con người tìm sự an ủi trong việc tự đắm chìm hoàn toàn vào thiên nhiên... Thiên nhiên không có một omote và một ura. Vì thế, nó có thể được tin cậy hoàn toàn. Chỉ khi nào người Nhật có thể tiếp xúc với thiên nhiên, họ mới trải nghiệm được một tâm tình thực.”

So sánh với trải nghiệm phương Tây, Doi thấy người Nhật có một cảm thức khác trong nỗi đau con người:

Và họ không bị đau khổ vì sự xung đột Kito giáo giữa tinh thần và thể xác, cũng không bị đè nặng bởi sự lưỡng phân của chủ thể và khách thể cố hữu trong truyền thống triết học phương Tây. Điều đó có thể đúng. Nhưng người Nhật lại bị khổ vì sự chia tách của ý thức thành omote và ura và chúng ta không được quên rằng, chúng ta tìm kiếm sự hợp nhất với thiên nhiên chính là vì nỗi khổ ấy.

Kiến giải của Takeo Doi quả là độc đáo. Tình yêu thiên nhiên của người Nhật, cái lối đồng nhất hòa với thiên nhiên hầu như lạ lùng ấy được soi chiếu trong một bối cảnh tâm lý đặc thù, gợi mở một cái nhìn mới về tính cách dân tộc.

Mỗi dân tộc, cũng như cá nhân, đều có bí ấn. Vì bản thân đời sống đã là bí ẩn.

Hiểu tự ngã cũng là mở rộng tự ngã.

Tác phẩm của Takeo Doi, qua bản dịch trong sáng của nhà thơ Hoàng Hưng, cũng đã mở rộng trước ta...

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Ý nghĩa của sự đau khổ

    23/11/2017Tagore, R.… Chúng ta đang trên con đường chiến thắng bệnh tật, chết chóc, đau khổ và nghèo đói; nhờ kiến thức khoa học, ta luôn luôn tiến bước về sự thực hiện cái phổ quát trên phương diện vật lý của nó.
  • Vài suy nghĩ về cái Tôi trong thơ từ cách nhìn Phật Giáo

    16/11/2017Nguyễn Điệp HoaTưởng rằng có cái TÔI tuyệt đối, cái tôi đích thực, đó là một trong những ảo tưởng lớn nhất của loài người. Nhưng xem ra, căn bệnh này ở những người làm nghệ thuật và các nhà thơ còn nặng hơn nhiều so với những người khác...
  • Nguyên nhân của đau khổ

    06/04/2016Cuộc đời là khổ đau hay không khổ? Câu trả lời tùy thuộc vào thái độ tâm lý, cảm thọ và nhận thức của mỗi người. Nguyên nhân của đau khổ - có cái phát sinh từ vật chất hay hoàn cảnh xã hội, nhưng khổ có nguồn gốc sâu xa trong tâm tưởng của con người.
  • Sống thật, trải nghiệm và bản ngã

    09/03/2016Nguyễn Tất ThinhCó sống Thật mới Trải nghiệm thật, mới có Bản ngã thực là Người Trưởng thành và bởi vậy những điều thuộc về họ và tạo ra bởi họ mới thật đáng giá trị.
  • Khi thân xác chối từ

    23/12/2015Nguyễn Hữu LiêmTrong dịp hai lễ Thích Ca thành đạo và Jesus Giáng sinh vào cuối năm, chúng ta hãy tìm đọc Kinh Phật và Chúa để chiêm nghiệm lại một vài ý nghĩa của cơ sự làm người. Có những mẩu chuyện mà có lẽ nhiều người trong chúng ta đã nghe, đọc qua rồi, nhưng ý nghĩa ẩn dụ vẫn còn giấu kín. Sau đây là hai câu chuyện của Ananda và Peter – đôi cột trụ lớn của hai truyền thống đạo lý trọng yếu của nhân loại. Ananda là của Đông Phương; Peter Tây Phương. Mỗi nhân vật là một hiện thân từ chữ Đạo, tùy duyên mà ứng hiện trong sự lớn lao vô cùng huyền diệu về hiện tượng con người.
  • Hạnh phúc hơn

    26/02/2014Tal Ben-Shahar, Ph.DTôi tin rằng nếu mọi người đều nhận ra bản chất thật của hạnh phúc như là cùng đích, thì chúng ta sẽ thấy xã hội xung quanh không chỉ ngập tràn hạnh phúc mà còn toàn những điều thiện.
  • Tôi là ai?

    03/12/2008Hùng AnhHiện nay chúng ta đang sống trong những năm đầu thế kỷ XXI và càng ngày càng có nhiều người đi tìm ý nghĩa cuộc đời. Nhiều người luôn tự đặt câu hỏi cho chính mình và với các bậc thầy của mình “Tôi là ai?” “Tôi từ đâu đến?” “Tôi sẽ đi về đâu?”. Càng gặp khó khăn, càng gặp hoạn nạn con người càng cố tìm đến các thế lực siêu hình, tìm những câu trả lời cho những câu hỏi vẫn vốn đã được quan tâm bấy lâu nay.
  • Chủ nghĩa hiện sinh

    13/01/2006Điều đầu tiên cần lưu ý về các triết gia hiện sinh là khi họ dùng từ “hiện sinh” họ muốn nói tới sự hiện tồn của con người.Họ không quan tâm gì đến sự tồn tại của những cái bàn và những cái ghế, những ngôi sao và các nguyên tử, hoặc nhiều vật thể khác. Chúng ta cũng phải lưu ý rằng khi đề cập đến sự hiện tồn của con người là họ muốn nói đến sự hiện hữu của từng cá thể đặc thù, chứ không phải tất cả loài người. ...
  • xem toàn bộ