Chiếc La Bàn mang tên cái Tôi

04:10 CH @ Thứ Ba - 19 Tháng Tư, 2005

- Trị giá tài sản của tôi đứng vào hàng nhất nhì thành phố, tôi có hàng chục biệt thự theo đủ phong cách, nhưng gia đình tôi vẫn không hài lòng.
- Mỗi ngày tôi dành 16 tiếng để thực thi danh sách công việc dài gấp rưỡi người thường, sao tôi vẫn thấy những thứ mình làm chưa thấm vào đâu?
- Để được đi du lịch vòng quanh thế giới, tôi làm việc hăng say trong nhiều năm. Hôm nay túi tiền trĩu nặng đến mức tôi chẳng còn tâm hồn đâu mà thực hiện ước mơ cháy bỏng thời trai trẻ nữa.
- Sao tôi cứ triền miên trong khủng hoảng, làm việc luôn luôn trong trạng thái dây thần kinh căng cứng, nghỉ ngơi cũng chẳng an?
- Có quá nhiều cơ hội đến với tôi, tôi phải chọn cái gì đây?

Trên đây chỉ là một phần cực nhỏ trong tập hợp “than thở” mà bạn gặp phải trong văn phòng, ở nhà ga, bến xe, trên đường đi, thậm chí trên giường ngủ. Nạn nhân có đủ loại: doanh nhân, viên chức, nhân viên, công nhân, học sinh sinh viên, cả các nhà tri thức tinh thông Đông Tây kim cổ cũng không nằm ngoài danh sách. Kết cục? “Stress được mệnh danh là đại dịch của thế kỷ 21…, không kém nạn nghiện thuốc lá, bệnh cao huyết áp, bệnh tăng cholestorol trong máu và nạn béo phì. Và trong 40 năm qua con số những người tự sát trên thế giới tăng 60%, cứ 40 giây lại có 1 người tự sát…” (Bức tranh toàn cầu hóa, Frédérich Labarthe, Tia Sáng, tháng 4.2004).

Lý do? Chúng ta làm việc theo tiếng tích tắc của đồng hồ. Sáng dậy vệ sinh cá nhân, chăm lo đôi chút cho gia đình. Đến cơ quan cuống cuồng hoàn thành bản danh sách việc cần làm dài dằng dặc với phần nối dài là những việc đột xuất. Về nhà trong trạng thái rã rời, dành chút sức lực còn sót lại cố nặn một nụ cười méo mó với đứa con rồi đổ sụp xuống giường. Ngày mới lại bắt đầu, chẳng khác trăng hết khuyết rồi lại tròn.

Cũng bởi mốt mới là Hiệu Quả. Cùng 8 tiếng làm việc, nếu bạn làm được 10 việc trong khi đồng nghiiệp chỉ là được 7 việc, đương nhiên bạn được sếp định giá cao hơn. Cứ làm đúng việc được giao, còn việc đó đúng hay không, “không phận sự miễn bàn”.

Và còn cuộc chạy đua vào tương lai. Cộng đồng xã hội hay cái gì đó mờ ảo tựa tương lai của đứa con chưa ra đời của ta định ra một số chuẩn mực đầy tầm nhìn. Nhiệm vụ của chúng ta là phải đạt được những điều đó, nếu không không thể đứng vững trong cộng đồng, không thể là công dân có ích.

A. Roger Merill, Rebecca R. Merrill cùng Stephen R. Covey, người sáng lập Covey Leadership Center, tác giả của The 7 Habits of Highly Effective People(Bảy thói quen của người thành đạt, NXB TP Hồ Chí Minh), Principle-Center Leadership (tạm dịch Lãnh đạo theo nguyên tắc cá nhân), từ chiêm nghiệm của chính bản thân và người thân, từ quan sát và ghi chép trải nghiệm của các học viên trên thế giới, từ những nguyên lý của những tác phẩm trước, đã cho ra đời cuốn sách First Things First (Chiếc La bàn mang tên cái Tôi). Để giải quyết tận gốc rễ căn nguyên của căn bệnh trầm kha stress, ông nhấn mạnh chúng ta phải bắt đầu hành động theo định hướng của chiếc la bàn, cái giúp ta đi tới những giá trị thực thụ trong mỗi cá nhân thay vì chiếc đồng hồ quản thúc. Rằng nhằm tới hiệu quả bằng mọi giá chẳng khác gì một chú ngựa bị bịt kín mắt lao như điên trong rừng rậm. Vấn đề không nằm ở việc phải bằng mọi cách leo lên chiếc thang 100 bậc mà trước tiên phải xác định được bức tường đó có đúng là bức tường cần leo lên không. Và cuộc sống của chúng ta phải do chính chúng ta quyết định chứ không phải ai khác. Mọi thứ dù dưới vỏ bọc gì cũng phải xuất phát từ nhu cầu của chủ nhân hành động.

Nhu cầu gì xuất phát từ sâu thẳm mỗi con người? Là được sống (sinh lý), được yêu (quan hệ xã hội), được học tập (rèn luyện trí não), được để lại di sản cho đời sau (nhu cầu tâm linh). Bậc thang nhu cầu của Abraham Maslow đã được Covey rút gọn lại còn 4 và diễn đạt theo ngôn ngữ gần gũi hơn. Bất cứ ai cũng cần thỏa mãn 4 nhu cầu này, nếu thiên lệch về một nhu cầu nhất định nào sẽ mất cơ hội thỏa mãn nhu cầu khác. Một ngày nào đó họ sẽ thấy mình thiếu hụt “cái gì đó”, stress sẽ tiếp bước.

Covey không bài xích thuật “quản lý thời gian”, chính những tác phẩm trước của ông đã từng nhấn mạnh nó. Nhưng theo ông nấc phát triển cao nhất phải là “lãnh đạo cá nhân”. Theo đó, mỗi cá nhân sẽ phải xây dựng các bước lãnh đạo bản thân mình chẳng khác gì lãnh đạo một công ty, một tổ chức. Ai cũng phải bắt đầu bằng việc xác định được nguyên lý sống của mình, tiếp đến là sứ mệnh cần phải thực hiện và cuối cùng mới là vai trò cụ thể.

Sau khi dựng khung, Covey đi vào chi tiết. Ông tiếp tục với Cung phần tư đã nói đến trong Bảy thói quen của người thành đạt. I là quan trọng và khẩn cấp (các vụ khủng hoảng, các dự án có thời hạn), II là quan trọng nhưng không khẩn cấp (công tác chuẩn bị, lên kế hoạch, gây dựng quan hệ), III là không quan trọng nhưng khẩn cấp (những công việc gấp mà người khác gán cho), IV là không quan trọng và không khẩn cấp (những việc vặt, thời gian lãng phí cho kẻ quấy rầy). Phần lớn mọi người tập trung vào giải quyết công việc ở cung 1 và cung 3 mà bỏ qua cung 2, trong khi đây mới là nơi đem lại giá trị cho cuộc sống, mới là con đường thỏa mãn 4 nhu cầu đã nói trên.

Bạn đã thấy những vấn đề mà Covey đưa ra mình đã từng nghĩ tới hay nghe thấy ở đâu đó. Covey là thế. Ông không cố đưa ra một cái gì mới xa lạ. Việc ông làm chỉ là sắp xếp lại những nguyên tắc dàn trải vào thành một hệ thống có thân, nhánh, chi để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tiếp thu, ghi nhận và thực hành của người đọc. Với những hình ảnh ví von hết sức dân dã như chiếc la bàn và đồng hồ, hình ảnh rễ cây là nguyên lý sống, thân cây là sứ mệnh, cành lá là các vai trò mà mỗi cá nhân muốn đảm nhận, ông đã đơn giản hóa được những khái niệm phức tạp, giúp cuốn sách của mình trở thành cuốn cẩm nang thông dụng cho quảng đại quần chúng. Là cuốn sách của The New York Times và của cả nước Mỹ, đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, lần này là First Thing First sẽ đến với độc giả Việt Nam. Bởi lẽ những mối quan tâm của loài người là không biên giới. Không những cuốn sách giúp chúng ta biết mình hơn, nó cũng hé mở cho chúng ta bức màn bí ẩn đằng sau hành vi của mỗi con người, để chúng ta có cái nhìn bao dung hơn, để chúng ta biết sống hơn, và để cho chủ doanh nghiệp ngẫm lại khẩu hiệu “nhân viên là tài sản vô giá” còn mình là chủ sở hữu.


“Covey Leadership Center đã đạt tới đỉnh cao với cuốn sách này. Đây là một tác phẩm giá trị. Tôi không thể nghĩ ra một người nào lại không thu được lợi ích gì sau khi đọc cuốn sách này”. (Larry King, phụ trách chuyên mục Larry King Live của CNN1)

“Phương pháp thỏa mãn nhu cầu mới, phương pháp quản lý cuộc sống mới. Stephen Covey và đồng sự đã chỉ cho chúng ta đường đi và rọi sáng con đường đó bằng sự thông tuệ của mình.” (Tiến sĩ Michael Hammer, đồng tác giả Re-Engineering the Corporation – Tái cấu trúc Công ty)

“Covey là nhà tư vấn vượt lên chính mình ngoạn mục nhất, sau thời Dale Carnegie2” (USA Today)

Tên sách : First Thing First The New York Times Bestseller The National Bestseller
Tác giả: Stephen R. Covey,A. Roger Merrill, Rebecca R. Merrill Nhà xuất bản Fireside Rockefeller Center 1230 Avenue of the Americas New York, NY 10020

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc: